Chẳng hạn, mẹ gọi điện thoại hỏi con đang ở đâu, dù cậu con trai đang ngồi trong quán cà phê chém gió với bạn bè nhưng sợ mẹ la, nên cậu trả lời đang học trong thư viện.
Thử nhớ lại xem, một ngày bạn đã nói dối bao nhiêu lần kiểu như vậy? Rõ ràng, ít ai có thể khẳng định mình chưa bao giờ nói dối. Và, biết đâu sẽ giật mình, có khi một ngày nói dối mười lần thật chứ chẳng chơi!
Từ khi chiếc điện thoại di động ra đời, người ta có điều kiện để nói dối hơn! Từ chuyện lớn cho đến chuyện lặt vặt, những điều không bình thường riết rồi thành bình thường. Con người sống trong một “không gian ảo”, nói sao cũng được, nói kiểu nào cũng đúng.
- Xem thêm: Làm gì có ai dạy nói dối
Từ những việc (tạm gọi là) “lặt vặt” đó, người ta bình thường hóa những chuyện không bình thường, lâu dần dẫn đến mất niềm tin, khiến niềm tin trở thành hàng quý hiếm, xa xỉ. Vợ chồng không tin tưởng nhau, cha mẹ không tin con cái, anh chị em nghi ngờ nhau, đồng nghiệp, bạn bè, đối tác làm ăn lại càng phải thận trọng vì làm sao biết mình bị đâm sau lưng khi nào?
Đổ lỗi cho cuộc sống ư? Quá nhiều chuyện cần phải cảnh giác hằng ngày, không ngờ vực sao được?
Một mẩu tin nhỏ lan truyền trên các diễn đàn: khi bạn gặp một đứa bé nói rằng nó đang đói, đi lạc… thì dù thương cảm cách mấy bạn cũng nên đưa đứa bé ấy đến đồn công an gần nhất, bởi không chừng đó là một cái bẫy đang giăng ra với bạn.
Hay, cảnh trên đường phố, một cô gái đang đi xe bỗng dưng có cặp nam nữ ép tới và người phụ nữ bước xuống đánh tới tấp vào mặt cô gái kêu là cô giựt chồng người khác. Không ai dám can thiệp. Cuối cùng cô gái bị giật mất túi xách, mọi người mới vỡ lẽ là cô bị cướp (còn bị đánh oan).
Những chuyện kiểu vậy không ít trên các phương tiện thông tin đại chúng. Chỉ người trong cuộc biết mình bị oan ức bởi đôi khi có nói ra cũng không ai tin. Đau đớn là điều này!
Nhớ lại, bộ phim Người đàn ông trên dòng sông băng, chiếu trên đài truyền hình cách đây không lâu. Một thị trấn nhỏ vùng nông thôn nước Úc, dân định cư chỉ có khoảng một trăm người, một ngân hàng, một khách sạn, một trường học, một nhà thờ, một phòng họp…
Chuyện chỉ bắt đầu khi dân nơi khác đổ về đây tìm công việc làm. Những câu chuyện trong từng tập của bộ phim đều có cái kết thấm đượm tình người, đầy lòng vị tha, nhân ái, tin tưởng vào nhau.
Sự thay đổi bộ mặt của một thị trấn lồng trong bối cảnh ban đầu có nhiều mâu thuẫn. Hai gia đình sở hữu hai trang trại lớn nhất sát cạnh nhau trong vùng, thể hiện hai tính cách đối nghịch.
Một bên không ngừng thu vén riêng cho mình, chẳng từ một thủ đoạn nào để phá đối thủ, với ý muốn chiếm luôn cả trang trại của người khác. Một bên ra sức bảo vệ và đấu tranh với cái sai trái.
Sự phát triển chung của xã hội đòi hỏi nhiều yếu tố: tin tưởng vào sự tốt đẹp của nhau, trọng một chữ tín trong làm ăn… Cả một cộng đồng đoàn kết, quan tâm giúp đỡ nhau, sự phát triển được thấy trong từng ngày từng giờ.
- Xem thêm: Đánh mất niềm tin?
Có câu chuyện về niềm tin như sau. Bà O’Neil, một người phụ nữ góa chồng, một phụ nữ kiểu mới trong thời đại mới đấu tranh về quyền phụ nữ, ra sức xây dựng một xã hội hoàn thiện. Bà chọn một người đã từng ngồi tù vào làm công cho mình, mặc cho có nhiều người phản đối. Đây là một đoạn đối thoại:
– Cảm ơn bà đã đối xử tốt với tôi.
– Tôi chỉ cho anh một cơ hội, tôi cần người và anh cần việc làm.
– Bà không chỉ cho tôi một công việc làm mà đã cho tôi cả một niềm tin. Cảm ơn bà đã tin tưởng vào tôi.
Ý nghĩa của bộ phim nói lên một điều, chỉ có niềm tin mới đưa con người đến gần nhau, đưa người lầm lỗi trở về với cộng đồng, hòa nhập xã hội và đẩy nhanh sự phát triển.
Làm sao lấy lại được niềm tin, quả là một vấn đề cần phải suy nghĩ!