Bà xã tôi ném tờ báo xuống bàn, “tưởng phát động cái gì, chứ kể chuyện nói dối trong xã hội này thì mở hội nghị họp qua đêm cũng chẳng hết”. Mà kể ra làm gì? Để giáo dục con người đừng có nói dối nữa.
Khi tôi giải thích như vậy, cô ấy nói, em có là học sinh nhà trẻ mẫu giáo đâu mà giáo dục. Em là một trong số “một bộ phận không nhỏ” mà ta đang tìm mãi chẳng ra đứa nào. Em nằm trong cái bộ phận tác giả sáng tạo ra các ý tưởng nói dối, vậy mà định giáo dục em sao được.
Đang tranh luận thì thằng con chạy lên: “Má ơi, cô giáo dạy môn khoa học dặn phải khâu một cái túi có dây rút. Mai đã nộp rồi”. Bà xã quay qua: “Đâu, đưa đây xem nào”. Thằng con đưa ra miếng vải có vạch bút kẻ vào những chỗ phải khâu. “Đó, cô kẻ sẵn đường rồi đó, cứ theo đó mà khâu”.
Thằng con phụng phịu: “Nhưng mà không phải khâu thẳng. Đến chỗ này là dừng lại, chỗ đó để luồn dây…”. Khó thế, đến tôi đây mà bắt khâu thành cái túi, tôi cũng chẳng làm nổi. Thế là mẹ thằng bé phải ngồi hí húi cả tiếng đồng hồ mới xong được cái túi, đường khâu xiên xẹo. Vậy mà mấy hôm sau đi họp phụ huynh, không thấy cô nói gì.
- Xem thêm: Lễ phép… ra khỏi từ điển
Tạm yên tâm. Nhưng cả cuộc họp bỗng rộ lên cười khi một bà mẹ trẻ hồn nhiên đứng dậy thắc mắc: “Thưa cô, sao bữa trước làm con gà bằng bông có mỏ, tôi làm hết sức đẹp mà sao con bé con về nói chỉ được có tám điểm”. Rõ là lạy ông tôi ở bụi này, chẳng ai đánh mà khai.
Câu chuyện làm thủ công ấy rôm rả đến nỗi các bà mẹ thi nhau kể. Một bà: “Trời ơi, bắt vẽ tranh gì đó, nói thằng bé lên nhờ anh Tư đang là sinh viên mỹ thuật năm cuối, nhờ là chí lý nhất. Nhưng chạy lên căn hộ tầng 5 của anh Tư xuống rồi, nghe mẹ nói thế nào đó, thằng bé lại chạy lên. Chắc mẹ nó cảnh cáo trò gian dối, bắt lên lấy lại giấy bút màu để tự vẽ. Nhưng không phải. Thằng bé chạy lên, thở hổn hển nói với anh Tư: Mẹ em dặn anh đừng… vẽ đẹp quá. Lỡ người ta phát hiện tưởng nhân tài, bắt đi thi Cành cọ non thì bể mất sô!”.
Đó, còn bà nội thì nói, tôi vừa làm tới bốn trang bài tập tiếng Anh của thằng cháu. Sao lại vậy, mà bà già cũng làm được tiếng Anh à, ghê quá. Thì có gì đâu, cứ Hello, How are you, rồi What is this, mà bắt viết cả trang giấy thì thằng cháu khóc. Bà nói, để đấy bà trị cho. Phải viết xiên xiên giả vờ chữ trẻ con. Chuyện này thì không chỉ giấu cô giáo, mà phải giấu cả ba mẹ thằng bé nữa, vì hở chút là các ông bố bà mẹ trẻ lý sự rằng bà phải để cho cháu tự lực, bà toàn làm hư cháu. Nghe mà bực cả mình.
Toàn chuyện con nít đi học, nứt mắt ra đã phải đối phó rồi. Chúng được dặn, hễ cô hỏi có phải em tự làm hay ba mẹ làm, thì trả lời, con được “hỗ trợ” thôi ạ. Vậy nhưng đứa con gạt đi, nói là cô không quan tâm đâu, chẳng bao giờ cô hỏi cả, có nộp là được rồi.
Có ai dạy nói dối bao giờ đâu. Bao giờ cũng dạy “thật thà, dũng cảm”. Ca dao tục ngữ xưa cũng dạy “thật thà là cha quỷ quái” (chẳng thấy đâu, ở cơ quan toàn bọn quỷ quái được sếp nâng đỡ, thân thiết, đề bạt). Rồi “khôn ngoan chẳng lọ thật thà” (kế toán cơ quan lập sổ sách ma, qua mặt thanh tra, được cả cơ quan nhớ ơn).
Cứ thật thà, người ta cắt khoản ăn chia ngoài sổ sách, có mà treo niêu. Đấy, chống tiêu cực đi, như cái ông thầy giáo gì ấy nhỉ, người đời cũng quên tên nhanh lắm. Là vì phải nhồi vào đầu bao nhiêu vụ án, các câu chuyện đánh giết cướp bóc dã man, chuyện động đất rung đùng đùng mà dân lại ngồi cả bên dưới những biển nước khổng lồ thủy điện treo trên đầu không biết vỡ òa lúc nào. Đấy, toàn những chuyện tiêu cực lớn như thế, chết người đến nơi mà cũng còn cãi nhau, người gân cổ: “Đảm bảo, đảm bảo, không việc gì đâu, “chưa chắc” đã chết đâu”.
- Xem thêm: Đừng… tốt nghiệp “trường Tát”
Cho nên chuyện nhỏ ở cơ quan, chỉ có các ông gàn dở, im đi mà ăn không muốn, lại còn bày trò thẳng thắn góp ý. Đáng ghét như thế, chẳng ai ưa. Đấy, mấy ông xăm xoi chống tiêu cực, đố mà đi xin được việc đấy. Bây giờ người tốt lại đâm ra nguy hiểm. Đó, đời dạy khác hẳn lý thuyết, sách vở nhé. Cho nên dối trá trở thành điều bình thường. Trong khi đó, đúng là không ai dạy nói dối cả… Chuyện dễ thấy nhất đời, cần gì tốn kém hội thảo (À, mà có khi hội thảo… để giải ngân thì sao. Đích thị là sáng kiến).