Từ thời xa xưa, con người đã lợi dụng động vật làm quân tốt thí mạng trên chiến trường. Suốt nhiều thế kỷ, ngựa chiến phải song hành cùng kỵ binh, bỏ mạng đến cả hàng ngàn con trên một chiến địa.
Ngay cả chó, loài động vật quen thuộc với nhiệm vụ trông nhà, cũng có lúc phải ra mặt trận. Đôi lúc, một quốc gia còn sử dụng động vật theo những cách hết sức bất thường và kỳ quặc để thực hiện các hành động cực khó như ném bom, dọn chướng ngại vật, thậm chí đọc bản đồ.
Ong
Lịch sử Anh đã không ghi lại sự kiện đau đớn nhất, theo đúng nghĩa đen, trong chiến dịch xâm chiếm Đông Phi trong Thế chiến thứ nhất. Nằm trên cao nguyên có độ cao, Tanga (thành phố ở Tanzania) đóng vai trò là tuyến đường sắt quan trọng. Tin rằng bãi biển Tanga có nhiều mỏ, ngày 3-11-1914, chỉ huy người Anh Arthur Aitken kéo quân tới gần, hạ trại cách thị trấn cảng biển này chỉ 3km. Cũng trong thời gian này, Tanga đang bị thực dân Đức xâm chiếm.
Sáng ngày 4-11, Aitken dẫn quân vào thị trấn. Ngay từ lúc mới đặt chân đến, vị chỉ huy này đã coi Tanga như vùng đất vô chủ, thoải mái bỏ qua khâu trinh sát. Với 8.000 lính Ấn Độ viễn chinh, Aitken tất nhiên đánh động lực lượng quân sự Đức đóng tại Tanga. Rất nhanh, quân Đức ra mặt nghênh chiến, đánh tan tác từng tốp quân viễn chinh thiếu đoàn kết của Anh. Tuy nhiên, sự việc không chỉ đơn giản dừng lại ở trận chiến giữa Anh và Đức.
Trước khi cuộc chiến nổ ra, người Tanzania khéo léo đặt bẫy bằng tổ ong hoang khắp chốn. Sang đầu giờ chiều, trận địa dần rút vào rừng. Để thắng, dù là quân Anh hay quân Đức cũng phải băng ngang rừng Tanga. Thua đau trước đội quân mỏng nhưng thạo chiến đấu của Đức đã đủ tệ đối với quân Anh song họ vẫn phải đối mặt với hiện thực phiền phức hơn nữa.
Giật mình bởi sự hỗn loạn, đám ong tràn ra khỏi tổ, không phân biệt quân Anh hay quân Đức, chỉ điên cuồng đốt. Một lính Ấn Độ viễn chinh thiếu may mắn phải nhận đến 300 nọc ong. Aitken cay đắng hạ lệnh dừng tấn công và rút quân.
Đêm xuống, Lettow-Vorbeck, chỉ huy quân đội thực dân Đức, phát động phản công. Với khoảng 1.000 lính thiện chiến, họ nhanh chóng đẩy bật quân của Aitken về bờ biển. Trong khi Anh mất 360 binh sĩ, Đức chỉ tổn thất 67 người. Vì thua chạy trối chết, Aitken bỏ lại phần lớn vũ khí, bao gồm súng máy, súng trường và 600.000 viên đạn.
Trong thực tế, với lực lượng áp đảo 8.000 quân, gấp 8 lần tổng quân sĩ của Lettow-Vorbeck, Aitken đã có thể tái tấn công và giành chiến thắng dễ dàng nếu không có lũ ong. Không phải Đức đã thành công khi bảo vệ Tanga khỏi sự xâm lược của thực dân Anh mà chính những con ong hoang dã của Tanga đã tự bảo vệ lãnh thổ của chúng.
Đom đóm
Trong khi thua tan tác bởi ong ở Đông Phi, lính Anh đối mặt với quân Đức trên các chiến hào tại châu Âu lại tìm thấy sự trợ giúp từ một loài côn trùng khác: đom đóm. Khó khăn lớn nhất đối với binh lính ngoài chiến hào là làm thế nào hoạt động ban đêm.
Nguyên nhân không chỉ vì ở chiến trường thiếu vật dụng thắp sáng mà còn vì quân đội không được phép sử dụng ánh sáng nhân tạo. Đốt lên một đống lửa hay thắp một ngọn đèn giữa chiến trường mịt mù thật chẳng khác nào “lạy ông tôi ở bụi này” với kẻ thù. Pháo kích sẽ không bao giờ bỏ lỡ mục tiêu dễ dàng như thế trong đêm tối.
Tại Pháp, đom đóm là động vật khá phổ biến. Chúng nhiều đến nỗi chiến tranh cũng không ảnh hưởng đến sự sinh sản đông đảo. Để thắp sáng mà không biến mình thành mục tiêu, quân Đồng minh bắt đom đóm bỏ vào lọ. Ánh sáng ma mị từ đom đóm sẽ vừa đủ để họ đọc bản đồ cũng như thực hiện các cuộc tấn công thầm lặng.
Để thể hiện lòng biết ơn đối với loài côn trùng đẹp đẽ, góp công sức không nhỏ trên các chiến địa, Anh lên kế hoạch dựng hẳn một đài tưởng niệm, dẫu đom đóm không hề tự nguyện mà bị ép buộc phải tham chiến. Cuối năm 2004, đài tưởng niệm động vật trong chiến tranh, tốn 1,7 triệu đôla (38,7 triệu VNĐ) xây dựng, được ra mắt tại Công viên Hyde Park. Nó chính thức dành riêng cho “tất cả các loài động vật đã phục vụ, chịu đựng và hy sinh cùng lực lượng quân đội Anh và Đồng minh trong các cuộc chiến tranh, xung đột của thế kỷ XX”.
Khỉ
So với các loài côn trùng không tự chủ như ong hay đom đóm, khỉ là loài có nhận thức cao, chỉ sau con người. Từ thời cổ đại, nhân loại đã hiến mạng khỉ cho những trận khó thắng. Cung tên, máy bắn đá nhiều khi sẽ là vũ khí quá lộ liễu. Khỉ trở thành vũ khí di động thay thế. Trong nhiều trận chiến vào thời nhà Tống của Trung Quốc, người ta sử dụng khỉ như đuốc sống. Chúng bị bắt quấn áo rơm nhúng dầu, đốt cháy, quăng vào trại đóng quân của địch, gây cháy nổ khắp nơi và thiệt hại nặng nề.
Ngày nay, người Trung Quốc vẫn sử dụng khỉ làm vũ khí nhưng ít tàn nhẫn hơn. Năm 2015, để thuận lợi tiến hành cuộc diễu binh khổng lồ kỷ niệm Thế chiến thứ hai, với lực lượng xe tăng, binh lính, máy bay hùng hậu ngang qua Quảng trường An Thiên Môn, quân đội Trung Quốc đã huấn luyện một đơn vị khỉ. Đơn vị này có nhiệm vụ phá tổ chim trên cây, để đảm bảo chim chóc không làm hỏng lễ diễu binh. Chỉ trong vòng một tuần, đội quân khỉ đã hoàn thành khóa đào tạo, trở thành những “vệ sĩ” đáng yêu bảo vệ phi công quân sự Trung Quốc.
Một “binh nhất” khỉ có thể phát hủy 6-8 tổ chim/ngày. Nhiều con còn học được cả phép chào “sĩ quan cấp trên” của chúng. Một tháng sau khi được thả vào “trận địa”, đội quân khỉ xóa sổ thành công 180 tổ chim. Mỗi khi hoàn thành nhiệm vụ, chúng sẽ được thưởng bắp ngô. Bạn chắc chắn không thể tìm thấy bất cứ đội quân nào đánh yêu hơn đơn vị khỉ này trong bất cứ lực lượng quân đội vũ trang nơi đâu trên Trái đất.
Cá heo
Nếu khỉ là động vật thông minh nhất trên cạn thì cá heo là loài có trí óc nhất dưới nước. Sau sự kiện ngày 11-9-2001, khi 4 máy bay dân dụng bị khủng bố al-Qaeda khống chế, ép đâm vào tòa tháp Bắc và Nam của Trung tâm Thương mại Thế giới tại thành phố New York của Mỹ, người ta bắt đầu đào tạo cá heo làm vũ khí chống khủng bố.
Từ lâu, các nhà sinh vật biển đã biết cá heo là loài có khả năng nhận thức cao, đủ để hoàn thành các nhiệm vụ phức tạp. Lo ngại khủng bố có thể thâm nhập tuyến đường thủy, Hải quân Mỹ bắt tay huấn luyện cá heo quân sự. Năm 2003, cá heo quân sự được sử dụng để dọn mìn, giúp thủy quân lục chiến thả neo an toàn. Tại Washington, cá heo quân sự còn tuần tra vùng biển gần căn cứ hải quân Kitsap-Bangor, phát hiện kẻ thù có ý đồ vô hiệu hóa tàu ngầm hạt nhân đặt tại khu vực.
Điều quái gở hơn cả là Hải quân Mỹ còn huấn luyện cá heo phóng phi tiêu độc. Dù điều này có chút khó tin song, theo các chuyên gia, có khoảng 40 con cá heo được đào tạo để thành thạo sử dụng súng bắn phi tiêu tẩm độc. Sau cơn bão Katrina, chuyện này trở nên đáng sợ bởi có đến 36 con cá heo được trang bị phi tiêu tẩm độc biến mất khỏi Vịnh Mexico. Rất có thể cơn bão đã quét chúng ra ngoài biển.
Mặc dù chất độc được tẩm trên mũi phi tiêu phần lớn là thuốc mê (để còn bắt sống kẻ xâm nhập), nhưng sẽ thế nào nếu người vô tội bị bắn trúng ở giữa biển khơi, không được tìm thấy trong vòng nhiều giờ? Dù Hải quân Mỹ liên tiếp phủ nhận, rất có thể ở nơi nào đó ngoài Vịnh Mexico, con cá heo đang bơi lội tự do cũng chính là con cá heo đã được đào tạo để bắn phi tiêu có độc vào đối tượng nó cho là đáng nghi.
Mèo
Không như chó, mèo là động vật khó bảo, thích gì làm nấy, bất chấp thái độ của chủ nhân. Dù vậy, trong thời kỳ Chiến tranh lạnh, thời gian của vô số chương trình gián điệp quái gở được khai sinh, Mỹ đã lên kế hoạch và thực hiện một dự án có tên Acoustic Kitty. Chúng ta đều biết Chiến tranh lạnh là khoảng thời gian đối đầu trong thầm lặng giữa Mỹ và Liên Xô.
Để đánh bại Liên Xô, Mỹ ấp ủ hàng ngàn ý tưởng. Acoustic Kitty chỉ là một trong số đó. Với Acoustic Kitty, họ tuyển chọn rất nhiều mèo cho kế hoạch. Mỗi “gián điệp” mèo đều được trang bị micro và máy phát vô tuyến, mục đích chính là để nghe lén. Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) hào hứng tin rằng đây là chương trình gián điệp tuyệt vời nhất. Họ đặt rất nhiều kỳ vọng vào những chú mèo được coi như vũ khí “nửa máy móc” này.
- Xem thêm: Kiến cứu thương
Trái với mong đợi của CIA, mèo không hứng thú với việc vâng lời. Vốn là vương trong các loài thú, mèo chưa bao giờ bị thuần hóa. Suốt chiều dài lịch sử, không phải mèo bị thuần hóa để phục vụ con người mà ngược lại. Sau khi lắp ráp đầy đủ trang bị cho một “điệp viên” mèo, CIA mang nó đến công viên ở Washington D.C. nhằm thực hành nhiệm vụ.
Thay vì nằm yên một chỗ thu âm cuộc nói chuyện của kẻ tình nghi, con mèo sớm đứng dậy chạy đi chỗ khác chơi, cuối cùng vô tình bị một chiếc xe đè bẹp. Cái chết của nó cũng đặt dấu chấm hết cho chương trình Acoustic Kitty. Báo cáo chính thức của CIA kết luận: “Cuộc kiểm tra cuối cùng của chúng tôi về những con mèo được đào tạo cho Acoustic Kitty khẳng định rằng, chương trình này sẽ không có bất cứ hiệu quả thực tiễn nào với yêu cầu chuyên môn cao của chúng ta”.
Bồ câu
Địa hình là yếu tố rất quan trọng với việc lên các bước tấn công song muốn nghiên cứu địa hình căn cứ đóng quân của địch không phải chuyện đơn giản. Đầu thế kỷ XX, khi máy bay trinh sát chỉ là cỗ máy thô sơ bằng gỗ, bay chậm như rùa, là mục tiêu gần như đứng im đối với hỏa lực của địch, bác sĩ Julius Neubronner (Đức) nghĩ ra việc sử dụng máy quay chim bồ câu. Một chiếc máy ảnh nhỏ sẽ được đeo vào cổ chim bồ câu để chúng chụp hình từ trên cao.
Dù là phát kiến không tệ nhưng Neubronner sớm nhận ra chim bồ câu, ngay cả khi được huấn luyện kỹ lưỡng, vẫn không thể làm chính xác thao tác bấm máy. Để khắc phục nhược điểm này, ông kết hợp máy ảnh với bộ hẹn giờ. Chim bồ câu sẽ bay trên đầu mục tiêu trong khi máy ảnh tự động bấm chụp. Thế chiến thứ nhất nổ ra, một lượng lớn chim bồ câu được sử dụng cho chiến trường. Tuy nhiên, ảnh được chụp từ bồ câu đang bay, có thể còn hoảng loạn vì chiến sự, không rõ ràng. Trong thực tế, nó không mấy tác dụng.
Điều kỳ quặc là, vào Thế chiến thứ hai, ý tưởng dùng chim bồ câu trinh sát trận địa lại được sử dụng một lần nữa bởi quân đội Đức và Pháp. Ngay cả trong Chiến tranh lạnh, CIA vẫn tiếp tục dùng phương thức này. Họ thiết kế một máy ảnh chạy bằng pin cho chim bồ câu gián điệp.
Với công nghệ hiện nay, sử dụng loài lông vũ vào việc quay phim, chụp ảnh khá hiệu quả. Năm 2004, Steve Leonard ở Ireland cho phát một bộ phim ngoạn mục được quay bởi camera siêu nhỏ gắn vào đại bàng và chim ưng. Năm 2009, người ta còn trưng dụng cả hải âu cho việc quay phim.
Gà
Một trong những phát minh kinh khủng nhất của chiến tranh hiện đại là khí độc. Từ sau lần đầu tiên được sử dụng trên chiến trường trong Thế chiến thứ nhất, khí độc liên tiếp được quân sự nghiên cứu, phát triển, phổ biến đến mức binh sĩ phải mang theo mặt nạ chống độc. Việc phát hiện khí độc, tất nhiên, sử dụng máy móc có chức năng dò khí độc là tiện dụng nhất. Tuy nhiên, đôi khi, không rõ vì lý do gì, quân đội có thể không được trang bị loại máy móc này. Để không hy sinh vô nghĩa, người ta đẩy gà ra làm thiết bị dò khí độc di động.
Gà là động vật có hệ hô hấp cực kỳ nhạy cảm. Nếu có độc trong không khí, chúng sẽ sớm có biểu hiện khác thường hoặc lăn ra chết. Có lần lính Mỹ treo gà quanh căn cứ để kiểm tra khí độc. Qua một đêm, họ phát hiện đám gà đã chết hết. Tuy nhiên, chúng không chết vì có khí độc mà chết vì lạnh.
- Xem thêm: Huân chương cho quân khuyển Stubby
Dù lấy gà thử khí độc không hẳn là một sáng kiến hay, lại quá tàn nhẫn, nó vẫn được sử dụng lần nữa vào chiến tranh Vùng Vịnh (1990-1991), giữa Iraq và liên minh gần 30 quốc gia do Hoa Kỳ lãnh đạo để giải phóng Kuwait. Lý do là thiếu kinh phí cho việc trang bị máy móc dò khí độc. Biết ơn con gà đã chết, những người lính cẩn thận đắp mộ cho chúng trong sa mạc. Nếu đến Iraq hiện tại, rất có thể, tại một nơi nào đó, bạn sẽ thấy nấm mồ nhỏ với tấm bia đề cái tên thú vị, ví dụ như Captain Popeye, PFC King hay Lance Cpl. Pecker, thậm chí là cả Mộ của Chú gà Vô danh.
Lợn
Trước Công nguyên, voi mặc giáp là những cỗ xe chiến tranh khủng bố, gây nỗi hoảng sợ khắp chiến trường. Năm 400 trước Công nguyên, voi mặc giáp lần đầu tiên được đưa ra chiến trường. Sau khi Alexander Đại đế qua đời, bỏ dở mục tiêu chinh phục cả thế giới, các tướng lĩnh dưới quyền ông nối tiếp tham vọng.
Một số tướng lĩnh xuất tượng binh, trong đó có Antigonus II Gonatus, cháu nội của tướng Antigonos thời Alexander Đại đế. Một trong những chiến trận đi vào lịch sử của Antigonus II Gonatus là trận tấn công thành Megara. Để khẳng định vị thế của mình, Gonatus đưa voi vào trận vây hãm. Tuy nhiên, thay vì tuyệt vọng, người Megara lại lập tức nhận ra xung quanh họ là cả một bầy heo.
Trên thực tế, lợn sợ voi. Đó là kiến thức mà ai ai trong thời cổ đại cũng biết. Nhưng người Megara đã nảy sinh sáng kiến đổ dầu vào thân mình lợn rồi thiêu sống chúng, lùa hết ra cổng thành. Dù thản nhiên trước đám lợn nhãi nhép, lũ voi cũng tá hỏa bởi những con lợn đang cháy ngùn ngụt. Chúng hốt hoảng bỏ chạy, bất chấp mệnh lệnh của quản tượng. Chỉ bằng những con lợn có sẵn trong thành, người Megara chiến thắng giòn giã, dù chiến thắng có mùi thịt lợn cháy khét.
Gấu
Trong tất cả các loại động vật từng tham chiến cuộc chiến của con người, có duy nhất một con gấu được nhận thù lao hàng tháng và về hưu, dù nó thực ra chỉ cần mỗi mật ong là đủ. Tên của chú gấu này là Wojtek, đã sánh vai tác chiến với quân đội Ba Lan trong suốt Thế chiến thứ hai.
Wojtek được phát hiện vào năm 1942, khi đang lang thang khắp Ba Tư bởi một quân nhân Ba Lan. Thấy Wojtek còn bé mà không có mẹ, người lính này bèn cưu mang nó. Kể từ đó, Wojtek đi theo anh khắp chốn. Lúc đến Ba Lan, người lính sợ Wojtek bị thương nên không muốn nó ra chiến trường. Chỉ huy của anh cũng cùng suy nghĩ. Nhưng trước khi họ kịp quyết định nên làm thế nào với Wojtek, nó đã xông lên phía trước.
Trong chiến trận, Wojtek không chỉ không sợ tiếng súng mà còn bình tĩnh quan sát xung quanh. Nó thậm chí bắt chước cả động tác lên đạn. Nhận ra sự thông minh của Wojtek, anh lính liền huấn luyện nó cách di chuyển đạn pháo. Trong đơn vị, Wojtek thậm chí được xếp hạng, có số sê-ri và được trả lương như một quân nhân. Từ năm 1943 cho đến khi Thế chiến thứ hai kết thúc, Wojtek cần mẫn di chuyển trái phá. Sau khi “giải ngũ”, nó sống trong vườn thú cho đến lúc qua đời vào năm 1963.
Dơi
Trong suốt Thế chiến thứ hai, mối bận tâm lớn nhất của Mỹ là làm sao tiêu diệt Nhật. Không chỉ là 2 quả bom nguyên tử ném xuống hai thành phố Hiroshima và Nagasaki, Mỹ còn những thử nghiệm quái gở ngoài tưởng tượng. Một trong số đó là dự án dơi thả bom.
Trong lúc lang thang vô định, nha sĩ Lytle S. Adams suy tư về chuyện thực thi kế hoạch sử dụng dơi làm vũ khí. Dơi là động vật di chuyển rất giỏi ban đêm. Nếu được huấn luyện để mang bom, chúng có thể bay quanh Nhật Bản, đốt cháy cả quốc gia bằng bom gây cháy. Adams liền gửi ý tưởng đến bộ phận quốc phòng. Người ta trả lời ông: “Nghe có vẻ điên rồ nhưng đáng để xem xét”.
Đột ngột, quân đội Mỹ gom về hàng ngàn con dơi và ép chúng tập mang bom. Các thử nghiệm ban đầu tỏ ra đầy hứa hẹn, trừ một lần quả bom phát nổ ngay tại chỗ, đốt cháy xe của một chỉ huy. Sau 30 lần thử, người Mỹ quyết định từ bỏ dự án vì nó không hiệu quả bằng sử dụng máy bay ném bom thông thường. Những con dơi khốn khổ được trả về tự nhiên, thoát khỏi việc phải đi đánh nhau với Nhật Bản.