Chúng ta sẽ nhớ gì về 10 năm qua? Đó là thời đại của những cuộc khủng hoảng: khủng hoảng kinh tế – tài chính, khủng hoảng khí hậu, khủng hoảng bất bình đẳng và đói nghèo, khủng hoảng quyền riêng tư và công nghệ… Nhưng cũng đã xuất hiện những tiếng nói lạc quan hơn, tất cả được phản chiếu trong một nền kinh tế toàn cầu ngày càng phức tạp và đan cài chặt chẽ.
Những đảo lộn của thập niên 2010 khiến nhiều thứ mới diễn ra đây thôi bỗng có cảm giác thật xa cách và khác biệt. “Những thay đổi mà chúng ta đang trải qua, cả diệu kỳ lẫn khủng khiếp, thật choáng ngợp”, nhà phê bình xã hội người Mỹ Rebecca Solnit viết vào năm 2016.
Từ tương lai của chủ nghĩa tư bản tới tương lai của hành tinh, những năm 2010 còn là những năm của nỗi sợ hãi. Nhiều người nhớ lại thời thập niên 1970, khi người ta cũng sợ nhiều thứ: cạn kiệt dầu mỏ, vũ khí hạt nhân sẽ hủy diệt thế giới, chiến tranh giữa các siêu cường…
Nhưng có một sự khác biệt: nỗi sợ của những năm 1970 là nỗi sợ của giới tinh hoa, các chính trị gia, doanh nhân, người lãnh đạo xã hội. Ngày nay, nỗi sợ về môi trường, bất ổn do bất bình đẳng, sự thống trị của các tập đoàn công nghệ với tâm trí người dùng… là những nỗi sợ phổ quát hơn, mà mỗi người bình thường đều có thể cảm nhận được.
Những nỗi sợ cá nhân…
Nhưng cũng trong thập niên vừa qua, một nhóm các nhà khoa học, bao gồm nhà tâm lý học nổi tiếng Steven Pinker, cũng bắt đầu nói tới một tương lai lạc quan hơn, thậm chí là rực rỡ. Đôi khi tự gọi mình là “Những người lạc quan mới”, họ cho rằng cuộc sống của con người trên toàn thế giới thực ra chưa bao giờ tốt đẹp như trong thế kỷ 21 – về y tế, của cải, phúc lợi, và cả nền hòa bình gần như khắp nơi.
Nhiều biểu đồ với mũi tên hướng lên mà họ trình bày đều có vẻ thuyết phục, vấn đề là nó thuyết phục đến đâu. “Thế giới chúng ta ngày nay – Tổ chức Our World in Data (Thế giới của chúng ta qua dữ liệu) nhận xét – không công bằng và cũng chẳng bền vững”.
Tất nhiên, gom cả 10 năm lại để nói đó là một cuộc khủng hoảng dài là quá đơn giản và đen tối. Một thập niêm thường có những thăng trầm của nó. Và có lẽ hình ảnh điển hình nhất của thập niên vừa qua là hàng nghìn tài xế xe công nghệ, hầu hết còn trẻ, gò lưng trên tay lái, để chở khách hay giao hàng, hết ngày này qua ngày khác: công việc trở thành một gánh nặng họ phải chấp nhận, dù cho nó đòi hỏi gì ở họ đi nữa.
Trong nền kinh tế đòi hỏi sự linh hoạt chưa từng thấy đó, sự bền bỉ trở nên quan trọng hơn bao giờ hết, và đi kèm với nó thường là caffeine. Hơn ở đâu, Việt Nam có một nền văn hóa cà phê sôi động đặc biệt, nhưng rất nhiều quán cà phê bây giờ là chỗ của những người im lặng cần mẫn làm việc hoặc nạp cho mình một liều caffeine bắt buộc trước khi tiếp tục lao vào cuộc chiến kiếm tiền không thể ngừng lại, thay vì thư giãn hay đấu láo với bạn bè như trước kia.
Những năm 2010 cũng ghi dấu sự ám ảnh với bản thân. Những năm 1980 hay 1990, tuổi trẻ thường gắn với sự nổi loạn, sống vì khoảnh khắc hiện tại, hay sự rồ dại dễ bị trách móc. Thập niên 2010, tuổi trẻ có nghĩa là học hành và làm việc không nghỉ, chăm chút cho hồ sơ cá nhân, và giữ cho vóc dáng quyến rũ.
Những tiểu thuyết và loạt phim điện ảnh Hunger Games cực kỳ ăn khách trên toàn cầu, về những người trẻ bị buộc phải cạnh tranh tới chết trong một xã hội mà giới tinh hoa là những kẻ trung niên tàn nhẫn, đã lần lượt ra mắt từ 2008 tới 2015. Ban đầu chỉ là câu chuyện hư cấu và giả tưởng về một thế giới phản thiên đường, bộ phim rốt cuộc lại ngày càng giống thể loại trào phúng, thậm chí là hiện thực xã hội.
“Cuộc sống càng tồi tệ, người ta lại càng phải tối ưu hóa bản thân” – tác giả người Mỹ Jia Tolentino viết. Trong thời đại số thì sự “tối ưu hóa” đó có thể nhìn thấy, sờ nắm và cảm nhận được rất cụ thể: những bức hình chỉnh sửa tỉ mỉ và chọn lọc kỹ càng để đăng trên Instagram (ra mắt năm 2010), những lớp yoga, những nỗ lực hoàn tất các cuộc marathon, số lượng mối quan hệ công việc được đếm và phân loại kỹ càng bằng LinkedIn…, tất cả ngày càng thuần túy chỉ là những nỗ lực để mỗi người tự rèn giũa mình cho một thế giới ngày càng cực nhọc.
Phản chiếu vào tình hình vĩ mô
Tất cả những bất an ở tầm cá nhân và đổi thay về văn hóa – công nghệ đó, tới lượt chúng, tác động trở lại cách mà nền kinh tế vận hành một thập niên qua và đang chuyển mình cho những năm sắp tới. Ở Mỹ chẳng hạn, những ý tưởng từng được xem là thiên tả cực đoan: đánh thuế mạnh tay lên người giàu, bảo hiểm y tế toàn dân, hay thu nhập tối thiểu phổ quát, giờ đều là nghị trình chính của các ứng viên tổng thống nặng ký.
Các nhà nghiên cứu như các kinh tế gia người Pháp Thomas Piketty, Emmanuel Saez và Gabriel Zucman, trong Báo cáo Bất bình đẳng thế giới 2018 của họ, thấy rằng 1% người Mỹ đang nắm giữ 20,2% tổng thu nhập quốc gia trong năm 2016, trong khi 50% dưới đáy chỉ sở hữu 12,5% – một sự đảo ngược so với năm 1980: 1% nắm 11% và 50% nắm 20%.
Những con số đó dẫn tới cả một làn sóng các kinh tế gia thiên tả, như học giả đoạt giải Nobel Joseph Stiglitz, mở cuộc phản công nhắm vào trường phái thị trường tự do đã ngự trị hơn 40 năm qua, một sự đảo lộn nữa của thập kỷ vừa rồi.
Chính giới doanh nghiệp cũng phải nhìn nhận lại mô hình làm ăn của họ, thay vì tín điều cổ đông và lợi nhuận trên hết vẫn được tụng niệm bấy lâu nay. Phong trào các doanh nghiệp B Lab đã lớn mạnh suốt một thập niên qua để bây giờ bao gồm 2.800 công ty.
Những công ty này cam kết tạo ra giá trị không chỉ cho cổ đông – tức các chủ sở hữu – mà cả người lao động, khách hàng, các cộng đồng nơi họ làm ăn, và môi trường. Áp lực cũng tới từ người tiêu dùng đòi hỏi các doanh nghiệp phải thay đổi.
Trong khi ở phương Tây, giai cấp trung lưu hầu như đã ngừng tăng trưởng và tiền lương thực gần như không thay đổi trong thập niên vừa qua, châu Á chứng kiến một xu hướng khác. Tiền lương và thu nhập nói chung ở Trung Quốc, Việt Nam, Philippines, Thái Lan, và Indonesia – đó là mới kể vài nước – đã tăng đáng kể trong thập niên vừa qua (với riêng Việt Nam chẳng hạn, mức lương trung bình đã tăng từ gần 2,4 triệu đồng/tháng vào năm 2010 lên hơn gấp đôi, 5,6 triệu đồng/tháng vào năm 2018, theo trang thống kê tradingeconomics.com).
Năm 2011, số lượng người được tính là thuộc tầng lớp trung lưu ở châu Á cũng đã vượt qua châu Âu và vào cuối thập niên này, hơn 1,5 tỉ người châu Á đã gia nhập tầng lớp đó. Dự kiến, gần 90% những người trung lưu mới trên toàn cầu vào thập niên 2020 sẽ là người châu Á.
Những con số đó đi kèm các ngụ ý kinh tế – xã hội hết sức quan trọng, đồng thời nêu ra một câu hỏi thật rõ ràng: Liệu các nước châu Á, bao gồm Việt Nam, có nhất thiết phải đi qua chặng đường mà phương Tây đã đi qua, để rồi mắc kẹt trong một xã hội bất bình đẳng và nhiều bất an như hiện tại?
Châu Á thực sự có những khác biệt quan trọng về văn hóa và tổ chức xã hội so với phương Tây. Ngay cả không nhắc tới vấn đề ý thức hệ, những xã hội chia sẻ hơn, nhấn mạnh hơn vào gia đình, tập thể, và cùng với đó, ít đề cao vai trò cá nhân hơn, cũng tương thích hơn với những mô hình kinh tế cánh tả mà lúc này những nước như Hoa Kỳ đang nhọc nhằn tìm con đường chuyển đổi.
Sự cởi mở kinh tế và vai trò của nhà nước cũng đã đóng một vai trò quan trọng trong sự lớn mạnh của tầng lớp trung lưu nói trên, vốn đi kèm mức tăng trưởng cao. “Các chính quyền thúc đẩy phát triển ở Hàn Quốc, Đài Loan và Singapore đã phối hợp chính sách trong nhiều lĩnh vực để theo đuổi những mục tiêu phát triển… và đã có thể trở thành các nền kinh tế công nghiệp hóa chỉ trong vòng 50 năm. Trung Quốc học theo và cũng thành công không kém, và Việt Nam đã tiếp bước hai thập niên sau đó”, theconversation.com viết ngày 17-10-2019.
Sự vươn lên của châu Á sẽ bắt đầu cho một sự dịch chuyển lớn hơn với phương Tây, không chỉ về cán cân kinh tế. Nhiều khả năng vào khoảng năm 2050, một thế kỷ sau khi chế độ thuộc địa kết thúc, châu Á sẽ chiếm hơn một nửa thu nhập và dân số của thế giới. Thực tế đó sẽ tạo ra những biến chuyển kinh tế và chính trị trọng đại khó mà tưởng tượng được 50 năm trước.
Một thập niên Hoa Kỳ không suy thoái
Năm 2019 khép lại với một kỷ lục ít người để ý nhưng có tầm quan trọng lớn lao: lần đầu tiên trong lịch sử nước Mỹ, một thập niên trọn vẹn trôi qua mà nền kinh tế lớn nhất hành tinh không rơi vào suy thoái. Kể từ cuộc Nội chiến Mỹ 1861-1865 tới nay, không có thập niên nào trôi qua mà nền kinh tế Mỹ không ít nhất một lần rơi vào suy thoái.
Nhưng những năm 2010 đã là một ngoại lệ, điều giúp kinh tế toàn cầu cũng tăng trưởng theo. Đợt suy thoái gần nhất của Mỹ là từ tháng 12-2007 tới tháng 6-2009, nhưng giai đoạn hồi phục đã kéo dài hơn 10 năm sau đó. Tổng thống Barack Obama đã đưa kinh tế Mỹ ra khỏi vực thẳm, và xu hướng tăng trưởng tiếp tục còn mạnh mẽ hơn dưới thời Tổng thống Donald Trump.
Tuy nhiên, giáo sư kinh tế học của Đại học Harvard, Robert Barro, cảnh báo rằng sự tăng trưởng đó đã chậm lại vì “cuộc chiến tranh thương mại điên rồ” đang diễn ra, điều sẽ làm tăng nguy cơ suy thoái trong năm 2020.