Có rất nhiều truyện ly kỳ về nơi được mệnh danh là thiên đường trắng. Chẳng hạn với những ai muốn làm việc ở Nam cực phải được nhổ răng khôn và cắt ruột thừa trước đó hay không phải toàn bộ lục địa được phủ băng: vẫn có 1% lãnh thổ khô hạn và 300 hồ phía dưới không bao giờ đông do nhiệt tỏa ra từ nhân trái đất, và còn nhiều điều thú vị khác.
Kết nối đầu tiên trên Tinder nơi lục địa băng
Vào tháng 12.2013, một nhà khoa học Mỹ làm việc tại trạm McMurdo (Nam cực) thử kết nối trên ứng dụng hẹn hò Tinder từ điện thoại thông minh để xua đuổi nỗi buồn chán. Ông từng sử dụng ứng dụng này từ vài tháng qua để tìm một tâm hồn đồng điệu ở Mỹ. Từ trại thuộc căn cứ biệt lập này, ông chẳng tìm thấy một hồi âm nào. Thế là ông mở rộng bán kính vị trí ứng dụng. May thay, lần này ông nhận được trả lời từ một nhà nữ khoa học tại một trại trên đảo Ross, sâu trong Dry Valleys, cách trạm McMurdo 45 phút dùng trực thăng.
Trong vòng vài phút, 2 nhà khoa học liên lạc và quyết định gặp nhau. Khi kích hoạt ứng dụng định vị, nam khoa học gia chỉ muốn giết thời gian, chứ không quá hy vọng tìm được một bạn tri âm, nhưng ông đã gặp một phụ nữ cùng ý hướng. Hôm sau, nữ khoa học gia phải rời Nam cực, nhưng bà sẽ sớm quay lại lục địa trắng. Tinder hiện vẫn chưa thể xác định số người dùng ứng dụng này ở Nam cực, nhưng cuộc gặp gỡ trên hẳn là cuộc hẹn đầu tiên trên lục địa này.
Không mưa, không tuyết tại một số nơi từ 2 triệu năm qua
Khoảng 1% lục địa Nam cực không bao phủ bởi băng, được gọi là ốc đảo Nam cực. Những vùng khô này là sa mạc khắc nghiệt nhất thế giới, chưa bao giờ có mưa hay tuyết từ gần 2 triệu năm qua. Hiện nay, do khí hậu ấm lên, diện tích những vùng khô hạn ấy có thể tăng đến 25% từ nay cho đến cuối thế kỷ 21. Hiện tượng này có thể làm thay đổi căn bản sự đa dạng sinh học ở lục địa này.
Những thác nước đỏ như máu
Những người nhạy cảm không có gì phải sợ, vì nước đỏ ấy chẳng phải là máu thật. Blood Falls được hình thành cách nay khoảng 5 triệu năm, khi mực nước biển tăng. Nam cực bị ngập, cho ra đời một hồ nước muối. Rồi băng hà hình thành trên mặt nước, còn nước hồ không thể đông do quá mặn. Hàm lượng sắt cao và sự tiếp xúc với không khí đã gây hiện tượng oxy hóa, nhuộm nước thành màu đỏ sậm.
Lục địa duy nhất không có múi giờ chính thức
Phần lớn Nam cực không có người sinh sống nên không được chia thành múi giờ chính thức. Chẳng hạn, trạm McMurdo quan sát giờ từ New Zealand, còn trạm Palmer (Mỹ) theo múi giờ từ Chilê, quốc gia gần trạm nhất.
Lục địa duy nhất không có loài bò sát
Bạn sợ rắn? Thế thì Nam cực là nơi phù hợp với bạn. Chẳng rắn hay loài bò sát nào có thể sống nơi đây do nhiệt độ khắc nghiệt. Còn kiến hiện diện trên tất cả các vùng đất nhô lên khỏi mặt nước trên trái đất, ngoại trừ ở Nam cực và vài hòn đảo có điều kiện sống khắc nghiệt.
Nam cực chứa 90% nước ngọt trên thế giới
Nếu toàn bộ băng ở Nam cực tan, mực nước biển sẽ tăng 61m. Vì lục địa này chứa 90% nước ngọt.
Lục địa Nam cực rộng gấp 1,5 nuớc Mỹ
Diện tích lục địa băng khoảng 14 triệu km2. Vào mùa đông, diện tích tăng gấp đôi do băng hình thành quanh bờ biển. Một so sánh vui: lục địa băng rộng gấp 2 Australia, gấp 1,5 lần Mỹ và gấp 50 lần nước Anh.
Tinh trùng xưa nhất thế giới
Để tìm hài cốt những động vật có vú thời tiền sử, nhà cổ sinh vật học Thomas Mors, thuộc Bảo tàng Lịch sử tự nhiên Stockholm (Thụy Điển), đến tận đảo Seymour ở Nam cực. Ông tìm được một cái kén nhỏ hóa thạch, mà ông nghĩ rằng kén chứa những dấu tích thực vật nên gửi kén cho đồng nghiệp Benjamin Bomfleur, vốn quan tâm đến hệ thực vật cổ. Khi phân tích kén, Benjamin Bomfleur nhận thấy những cấu trúc sinh học giống như cấu trúc của tinh dịch.
Vì loại kén này do một số sâu sản xuất để bảo quản tinh dịch và trứng, và cả bảo vệ phôi sâu. Sau những phân tích khác, các nhà nghiên cứu bất ngờ phát hiện một tinh trùng 50 triệu năm nằm nép trong thành kén, trở thành tinh trùng và tinh dịch cổ nhất, phá kỷ lục 40 triệu năm trước đó, là tinh dịch của loài bọ nhảy, động vật nhỏ không xương sống, bị hãm trong hổ phách. Các nhà khoa học cho rằng đây là tinh dịch của đỉa. Sinh vật này hiện chỉ thấy ở Bắc bán cầu, có thể tổ tiên của loài này từng hiện diện ở Nam bán cầu và biến mất trong quá trình tiến hóa.
Một máy rút tiền cho toàn lục địa Nam cực
Thật ra, có 2 máy rút tiền được công ty Wells Fargo lắp đặt ở trạm McMurdo, nhưng chỉ một máy hoạt động, máy còn lại dành để thay thế trong trường hợp máy đầu tiên bị hỏng.
Một máy rút tiền đủ đáp ứng nhu cầu. Vì Nam cực không có cư dân thường trú, nhưng một số chính phủ duy trì một số nhóm chuyên gia tại những trạm nghiên cứu khác nhau trên lục địa, ước lượng khoảng 1.000 người vào mùa đông và 5.000 người vào mùa hè.
- Xem thêm: Một làng khuất nẻo ở Nam cực
Người đầu tiên chào đời ở Nam cực
Emilio Marcos Palma, sinh ngày 7.1.1978, tại Fortin Sargento Cabral, thuộc căn cứ Esperanza, được ghi nhận là người đầu tiên ra đời trên lục địa Nam cực. Cha mẹ ông là công dân Argentina, người mẹ đến căn cứ lúc mang thai 7 tháng, theo lệnh của chính quyền Argentina, chính thức nhằm xác lập chủ quyền của Argentina trên một phần lãnh thổ Nam cực. Tên ông được ghi trong sách Guinness các kỷ lục, như là người duy nhất được biết trong lịch sử, chào đời trên lục địa này. Hiện nay ông là chuyên viên tin học, lĩnh vực phân tích.
Chó kéo xe trượt băng bị trục xuất khỏi Nam cực từ năm 1994
Cuộc thám hiểm cực Nam đầu tiên do Roald Amundsen thực hiện vào năm 1911 cùng với đoàn chó kéo xe trượt. Giống chó này được nuôi và dùng kéo xe trong nhiều năm rồi bị khai trừ khỏi lục địa băng từ năm 1994, vì sợ lây những bệnh của chó cho hải cẩu và gây rối loạn đời sống hoang dã.
Những thiên thạch không tìm thấy ở nơi nào khác trên thế giới
Các nhà khoa học thu thập không dưới 20.000 mẫu đá lạ tại Nam cực từ năm 1976. Nhiều giả thuyết được đưa ra để giải thích sự tập trung cao độ này. Khí hậu rất khô nên hầu như không có nguy cơ ăn mòn, cả dễ dàng phát hiện đá trên bề mặt.
Nơi có nhiệt độ thấp nhất trái đất
Tại Nam cực, nhiêt độ có thể xuống đến -98oC, được ghi nhận trong đêm địa cực, vào mùa đông. Nhiệt độ cao nhất được ghi nhận là 14,5oC. Gió tại một số nơi ở lục địa này có thể đạt vận tốc 320km/giờ.
Bề dày băng là 1.609m
Bề dày của lớp băng thay đổi tùy theo vị trí địa lý. Lớp băng ở phía Đông dày hơn phía Tây, bình quân hơn 1.600m.
Băng sơn to hơn Jamaica
Băng sơn được đăng ký dưới tên B-15, là băng sơn lớn nhất mọi thời đại. Khối băng này dài khoảng 295km, rộng 37km, diện tích 11km2, bị tách khỏi nhiều khối băng khác, rồi trôi dạt ra đại dương.
Có thể lại trở thành một lục địa nhiệt đới như xưa kia do khí gây hiệu ứng nhà kính
Thật khó tin Nam cực từng là một thiên đường xanh. Thế mà cách đây khoảng 52 triệu năm, lục địa băng giá hiện nay có khí hậu nhiệt đới, rừng rậm bạt ngàn, phong phú loài chuột túi và và những động vật có vú kém chịu lạnh khác. Theo các nhà khoa học, nếu sự thải khí gây hiệu ứng nhà kính không ngừng tăng, lượng CO2 sẽ đạt mức “thời xưa” từ bây giờ cho đến trăm năm tới.