Ngày nay, chuyện khí hậu trên hành tinh ngày một nóng hơn thì hầu như ai cũng biết, nhưng không mấy người biết rằng ở Bắc cực, tình trạng trên diễn ra nhanh gấp hai lần so với phần còn lại của trái đất. Hệ quả của hiện tượng này không đơn giản, có những mặt tích cực, nhưng đồng thời cũng tiềm ẩn những nguy cơ khó lường. Theo các kết quả khảo sát khoa học, từ năm 1951 đến nay, Bắc cực nóng lên gần gấp hai lần so với mức bình quân toàn cầu, chẳng hạn như vùng đất Groenland nóng hơn 1,5oC, trong khi các nơi khác ngoài Bắc cực chỉ nóng thêm 0,7oC. Sự khác biệt này tiếp tục diễn ra trong tương lai; vào một thời điểm nào đó, khi nhiệt độ chung của hành tinh tăng 2oC thì nhiệt độ của Bắc cực sẽ tăng từ 3 đến 6oC.
Chúng ta cũng dễ dàng nhận ra rằng sự gia tăng nhiệt độ nhanh chóng ở Bắc cực làm cho khối băng khổng lồ ở địa cực này tan chảy dần. Băng giá tan trên biển không tạo ra một áp lực nào đáng kể vì chúng chỉ biến từ thể rắn sang thể lỏng, song băng tuyết bao phủ trên mặt đất khi tan chảy sẽ góp phần làm cho mặt nước biển dâng cao, đe dọa nhấn chìm những vùng đất thấp trên hành tinh. Chỉ riêng khối băng bao phủ hòn đảo khổng lồ Groenland hằng năm đã mất đi một lượng nước bằng 200 tỉ tấn, đủ để thỏa mãn nhu cầu về nước cho 1 tỉ người. Băng tan để lộ ra nhiều đất khả canh giúp tăng thêm 25% sản lượng cây nông nghiệp. Bên cạnh đó là những nguồn khoáng sản dồi dào như kẽm ở Alaska, vàng ở Canada, sắt ở Thụy Điển, và nickel ở Nga. Bắc cực cũng có một trữ lượng khí đốt và dầu hỏa đáng kể, bằng khoảng 13% lượng dầu hỏa và 30% lượng khí đốt chưa khai thác của thế giới. Nhiều giấy phép khai thác dầu khí đã được cấp ở Mỹ, Canada, Greenland, Na Uy và Nga. Ngày 18-4-2012, tập đoàn dầu khí đa quốc gia ExxonMobil của Mỹ đã hoàn tất một bản hợp đồng liên kết với tập đoàn dầu khí Rosneft của Nga nhằm đầu tư một ngân khoản lên đến 500 tỉ USD để khai thác nguồn dầu hỏa xa bờ, trong đó có vùng biển Kara của Nga.
Bên cạnh những thuận lợi to lớn trên, Bắc cực cũng biểu lộ không ít bất lợi về nhiều mặt. Trước tiên là những khó khăn và tốn kém trong việc khai thác tài nguyên ở một nơi mà ngày mùa đông là bóng đêm 24/24 giờ với những cơn lốc xoáy kinh hồn. Về mặt địa chính trị, Bắc cực vốn là con đường ngắn nhất nối liền Nga và Mỹ, sự tan băng có thể khiến cho con đường này trở thành mục tiêu của sự tái vũ trang trong khu vực. Từ năm 2009, Na Uy đã chuyển trung tâm chỉ huy quân sự về thành phố Reitan nằm tại Bắc cực; Nga thay thế và nâng cấp sáu tàu phá băng nguyên tử vừa có công dụng dân sự, vừa khả dụng về mặt an ninh.
Bắc cực không có được sự thuận lợi như Nam cực vốn được quản lý bởi một hiệp ước quốc tế, phần lớn được phân ranh giới rõ ràng. Trong nhiều mối bất đồng về lãnh thổ tại Bắc cực, đáng quan tâm nhất là bất đồng giữa hai nước Mỹ và Canada về quy chế của hành lang Tây-Bắc. Cũng may là mối bất đồng này không có nguy cơ biến thành chiến tranh vì phần lớn các nước nằm trong khu vực Bắc cực là thành viên của Hiệp ước Bắc Đại Tây dương (NATO). Ngày nay hiện tượng băng tan ngày càng nhiều tại Bắc cực sẽ có những hệ quả về mặt địa chiến lược, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho việc lưu thông, thu ngắn lại con đường nối liền Tây Âu và Đông Á. Các nước xuất khẩu lớn của châu Á như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc đã sẵn sàng trang bị các tàu có khả năng lưu thông trong vùng băng giá. Chỉ riêng Ai Cập là có nguy cơ thất thu khoản phí sử dụng con kênh Suez từng lên đến trên 5 tỉ USD trong năm 2011, một khi sự tan băng khiến cho các con đường liên lạc tại Bắc cực ngày một khả dụng hơn.