Đỉnh cao sự nghiệp của “nữ nam tước cầm cọ” Tamara de Lempicka là giữa hai cuộc thế chiến, thập niên 1920-1930, với chân dung các nàng người tình của bà đầy gợi cảm và quý phái.
Đấy là Ira Perrot mặc đầm lụa xanh, ngồi gảy mandolin một cách yêu kiều trong bức La Musicienne (Cô gái chơi đàn).
Vẽ năm 1929, từng xuất hiện trên bìa tạp chí thời trang Die Dame của Đức vào năm 1930, bức tranh này được bán với giá 9,1 triệu USD trên sàn Christie’s ở New York vào cuối năm 2018, trở thành bức Lempicka đắt nhất vào thời điểm đó.
Nhưng kỷ lục này vừa bị phá vỡ vào đầu tháng 2 vừa qua khi Portrait de Marjorie Ferry (Chân dung Marjorie Ferry) bán được hơn 21 triệu USD trên sàn Christie’s ở London. Đó là một tác phẩm có phong cách Art Deco rất riêng của Lempicka, thể hiện sự gợi cảm đầy sang trọng và thanh lịch bằng lối vẽ nhân vật cách điệu với những đường nét quyến rũ và ánh sáng rực rỡ.
Sự tinh tế sang trọng
Nhưng Marjorie Ferry không phải là người tình của Lempicka. Ca sĩ người Anh này là cái tên khá nổi trong các phòng trà cabaret ở Paris. Năm 1932, chồng mới cưới của cô, một đại gia tài chính, đã đặt Lempicka vẽ chân dung cho vợ yêu.
Nữ họa sĩ đã biến nhan sắc Marjorie thành tác phẩm nghệ thuật: tấm vải trắng quấn hững hờ, trễ xuống phía sau để lộ tấm lưng nuột nà. Ánh sáng hắt nghiêng trên tầng tầng nếp gấp vải và lớp lớp cột trụ hậu cảnh đổ thành những bóng ghi xám tương phản, làm nổi bật làn da mịn màng không tì vết.
Giữa vải vóc mềm mại và thức cột La Mã uy nghi, tư thế nghiêng vai khoe lưng trần của nhân vật gợi nhớ vẻ quyến rũ của những bức tượng nữ thần Hi Lạp, như Athene Chryse, người am tường và bảo vệ nghệ thuật, người cũng có đôi mắt xám như Marjorie.
Năm 2009, Portrait of Marjorie Ferry từng lập kỷ lục khi được nhà thiết kế thời trang nổi tiếng Wolfgang Joop mua trên sàn New York với giá 4,9 triệu USD. Với mức giá kỷ lục mới lập trên sàn London, tác phẩm này một lần nữa khẳng định vị trí là một kiệt tác hoàn hảo của Lempicka. Hoàn hảo như cách bà viền những đường sơn trắng rất mảnh lên đầu móng tay của Marjorie để thể hiện sự sành điệu cho nàng. Kiểu làm đẹp này có tên là French pedicure (sơn móng kiểu Pháp), được phụ nữ giàu có đương thời ưa chuộng như một cách tinh tế thể hiện cuộc sống nhàn nhã không phải làm gì động đến ngón tay. Điều đó chỉ Lempicka mới hiểu và đưa vào trong tranh của mình, đơn giản vì bà cũng là một phụ nữ quý phái.
Nữ họa sĩ thường mặc những bộ đồ đắt tiền của Coco Chanel và đôi lúc bị mọi người nhầm tưởng là nữ minh tinh Greta Garbo. Trong những năm tháng giữa hai cuộc thế chiến, bà thường lưu trú ở các khách sạn năm sao, khi là Ritz Hotel ở Paris, lúc là Grand Hotel ở Monte Carlo, giao lưu với giới tinh hoa đương thời rồi vẽ họ. Trong đó có cả thành viên của các hoàng gia châu Âu: Nữ hoàng Elizabeth của Hi Lạp, Vua Alfonso XIII của Tây Ban Nha, Hoàng tử và thi sĩ của Ý Gabriele d’Annunzio. Một số tác phẩm bà vẽ chính mình, kiêu sa không thua kém bất kỳ ai, với thân thế quyền quý và phong cách sống thời thượng bất chấp những sóng gió của thời cuộc.
Sự pha trộn đầy ấn tượng
Tamara de Lempicka (1898-1980) tên thật là Tamara Rozalia Gurwik-Górska, con gái một gia đình quý tộc Nga – Ba Lan. Bà được gửi vào học nội trú ở Lausanne, sau đó kết hôn sớm với luật sư Tadeusz Łempicki. Khi chồng bị bắt giam trong những biến động xảy ra sau cuộc cách mạng Nga 1917, Lempicka nhờ lãnh sự Thụy Điển can thiệp để giải cứu ông. Cả hai sau đó rời St Petersburg (Nga) đến Paris, nơi những gánh nặng tài chính của cuộc sống lưu vong đã buộc tiểu thư 19 tuổi phải nghĩ đến việc mưu sinh.
Cuối cùng, Lempicka quý phái kiếm tiền bằng chính thú tiêu khiển thanh nhã ngày trước: vẽ tranh. Bà nâng cao kỹ thuật trong các xưởng họa của Maurice Denis và André Lhote, rồi thành công nhanh chóng.
Đến đầu những năm 1920, các tác phẩm ký tên Lempicka bằng chữ in hoa đã xuất hiện trong các triển lãm lớn ở Paris, như Salon d’Automne và Salon des Tuileries. Ảnh hưởng từ nhiều trường phái hội họa đi trước, từ Phục hưng đến kiểu cách Mannerism, Tân cổ điển và Lập thể, chưa kể những ảnh hưởng từ điện ảnh được nữ họa sĩ pha trộn thành một phong cách nổi bật đến nỗi bà tự tin nói rằng: “Giữa một trăm bức tranh, anh sẽ luôn nhận ra tranh của tôi”.
Những chân dung phụ nữ trong tranh của Lempicka được vẽ với thân hình tròn đầy, gợi nhớ những đường cong của các tượng Hi Lạp cổ đại hay tranh thánh thời Phục hưng, nhưng phông nền luôn thấp thoáng hình ảnh của thời đại công nghiệp, những tòa nhà cao tầng, chiếc xe hơi tân thời, điện thoại có ống nghe “đời mới”.
Ấn tượng từ các chuyến đi New York vào những năm 1920 đã để lại những hậu cảnh san sát nhà chọc trời trong nhiều bức tranh của bà sau này. Đáng chú ý là bức như La Musicienne và Les Jeunes Filles (Hai cô gái), trong đó họa sĩ vẽ chính mình bên Ira Perrot với vẻ đầy âu yếm. Cả hai bức toát lên một đặc trưng khác của Lempicka: kỹ thuật hoàn thiện khiến nhân vật trông giống như tạo ra từ chất thép nhiều màu được mài sáng bóng lên.
Nữ họa sĩ xây dựng hình ảnh bản thân cũng hoàn hảo, không tì vết giống như bề mặt mượt mà trên các tác phẩm. Đó là hình ảnh một quý tộc lưu vong quyến rũ, thường mở những bữa tiệc xa hoa trong căn hộ ba tầng trên phố Méchain. Nhưng sau nhiều biến cố, xa hoa trở lại vẫn không giúp củng cố cuộc hôn nhân của Lempicka. Chồng bà quyết định ly hôn vào năm 1931 vì vợ liên tục ngoại tình, bắt đầu là với một người yêu cũ vào năm 1922 và sau đó là với những phụ nữ từng xuất hiện trong tranh của bà. “Đó là một quãng thời gian liều lĩnh, phiêu lưu và tràn trề hạnh phúc đối với bà. Nghệ thuật và thế giới đi cùng với đó đã trở thành nguồn sống cho bà” – con gái Kizette của Lempicka nhớ lại.
Lempicka cũng vẽ chân dung các quý ông thanh lịch, nhưng mười bức cao giá nhất của bà đều vẽ phụ nữ và được tìm kiếm nhiều nhất vẫn là chân dung những phụ nữ có danh tính, có ảnh hưởng trong cuộc đời họa sĩ. Ira Perrot là một người như vậy.
- Xem thêm: Người đàn bà vẽ tranh cọp
Và người khác là Rafaela Fano – “người phụ nữ đẹp nhất mà tôi từng thấy” theo lời của Lempicka. Họ đụng phải nhau một ngày nọ ở Bois de Boulogne và Fano lập tức được mời đến xưởng vẽ. Rồi cả hai yêu nhau vụng trộm trong khi tạo ra những kiệt tác, ấn tượng nhất là bức La Tunique Rose (Đầm hồng), một bức chân dung mà cây bút Patrick Bade đã viết trong chuyên khảo về nữ họa sĩ vào năm 2006: “Tác phẩm gợi tình mạnh mẽ nhất trong sự nghiệp của bà, trong đó ham muốn về cơ thể mềm mại, tròn trịa của người mẫu không hề bị che giấu”.
Năm 1934, Lempicka cưới Raoul Kuffner, một nam tước Hungary giàu có và từ đó được gọi là “nữ nam tước cầm cọ”. Đều là hậu duệ của người Do Thái, bà và chồng sớm cảm nhận được dông bão chính trị đang quét qua châu Âu và quyết định bỏ đến Mỹ năm 1939.
Nhưng khi rời khỏi Paris hào hoa, Lempicka cũng rời khỏi đỉnh cao sự nghiệp. Không có các vị công tước hay bá tước để vẽ, bà vật lộn với việc tìm kiếm nhân vật phù hợp, cuối cùng thì chuyển sang vẽ trừu tượng với bay trộn màu nhiều hơn là với cọ mượt.
Năm 1973, một cuộc triển lãm các tác phẩm vẽ giữa hai cuộc thế chiến được tổ chức ở Palais du Luxembourg ở Paris đã bất ngờ thu hút sự chú ý của công chúng trở lại với những tác phẩm của Lempicka.
Gia đình nữ họa sĩ chuyển đến sống ở Mexico từ năm 1974, và chỉ một năm sau khi nam tước Kuffner mất, Lempicka qua đời trong giấc ngủ vào ngày 18-3-1980. Theo di nguyện “đầy nghệ thuật”, cô con gái Kizette đã thuê một chiếc trực thăng hướng lên ngọn Mount Popocatepetl rải tro của mẹ vào miệng phun trào của núi lửa.
Trong số những người hâm mộ và sưu tập tranh của Lempicka có ca sĩ nổi tiếng Barbra Streisand và Madonna, người đã thường xuyên đưa hình ảnh của những bức Lempicka vào các video ca nhạc. Ngày nay, có hơn 20 bức tranh của nữ họa sĩ đạt mức giá trên 1 triệu USD tại các cuộc đấu giá.
“Sử dụng ánh sáng và bóng đổ đầy ấn tượng, cân đối nền tranh với chất vải lộng lẫy mà nhân vật khoác lên, chăm chút cho làn môi, đôi tay và mái tóc. Bằng những cách này, tranh của bà chứa đựng cảm giác của một bức ảnh thời trang từ thời đó”.
Keith Gill (người phụ trách các cuộc đấu giá Nghệ thuật ấn tượng và hiện đại của Christie’s, phân tích tranh của Lempicka)