Được ca ngợi như một trong những họa sĩ vẽ về đời sống hoang dã xuất sắc nhất châu Âu, Pollyanna Pickering có tranh bán tại hơn 80 quốc gia trên thế giới và tác phẩm được in ấn nhiều nhất ở nước Anh quê hương bà. Pollyanna còn là một nhà hoạt động không biết mệt mỏi để bảo vệ động vật hoang dã, đặc biệt là loài cọp.
Tranh của Pollyanna Pickering nhờ được in thành sách và trên các bưu thiếp nên trở nên gần gũi với tất cả mọi người.
Pollyanna còn vẽ tem về động vật hoang dã cho bưu chính Anh và các nước châu Phi, thiết kế những món quà độc đáo và xinh xắn cho nhãn hàng nổi tiếng Harrods.
Tất cả những gì Pollyanna thể hiện trong tác phẩm đều là động vật hoang dã và mục đích cuối cùng khi bà vẽ chúng là để bảo vệ chúng trước sự xâm hại của con người.
Pollyanna Pickering xác định chỉ vẽ động vật mà bà quan sát được trong môi trường sống tự nhiên của chúng, chính điều này đưa bà đến với những chuyến thám hiểm đặc biệt cũng như đến với những vùng đất khắc nghiệt nhất của thế giới.
Luôn đồng hành với Pollyanna trong những chuyến đi này là con gái bà, Anna-Louise, cũng là người viết nội dung và đóng góp hình ảnh cho những cuốn sách của bà.
Cuốn sách thứ tư của Pollyanna và Anna-Louise có tên là Mắt cọp (The Eye of the Tiger) là câu chuyện về hai cuộc hành trình đến Ấn Độ cùng những kinh nghiệm nhớ đời của hai mẹ con trong thời gian gắn bó với những nhân viên kiểm lâm thuộc dự án bảo vệ loài cọp đang có nguy cơ diệt vong ngay tại xứ sở lâu đời của chúng, những phút kinh hoàng khi phải đối mặt với sự tấn công của loài mãnh thú rừng già và đã sống sót để kể lại câu chuyện ly kỳ.
- Xem thêm: Những ngón tay vàng của Iris Scott
Tâm điểm của hai chuyến du hành cuốn hút người đọc là một ông ba mươi khổng lồ mà Pollyanna Pickering đã vẽ trong các tác phẩm của bà cũng như những nỗ lực đầy quả cảm của nhiều người nhằm bảo vệ loài cọp, bảo tồn đời sống hoang dã.
Câu chuyện kể hấp dẫn được minh họa bằng những bức tranh tuyệt đẹp của Pollyanna và những ảnh chụp của Anna-Louise.
Chuyến đi đầu tiên là vào năm 1990, khi Pollyanna và con gái đi đến một số khu vực hẻo lánh được bảo tồn trong rừng rậm ở Nam Ấn.
Đồng hành với hai mẹ con là bác sĩ thú y nổi tiếng thế giới Bill Jordan, người sáng lập tổ chức từ thiện Care for the Wild.
Họ phải chịu đựng trong nhiều ngày cái nóng nung người và điều kiện sống thiếu cả những tiện nghi tối thiểu, để có thể kể lại cho người đọc một câu chuyện đầy cảm hứng.
Trong những ghi chép thú vị và giàu thông tin của Anna-Louise, có câu chuyện về những con cọp “Born Free” tại khu bảo tồn Bannaghatta.
Năm con cọp ấy được cứu thoát từ một gánh xiếc rong ở một thị trấn nhỏ, nơi chúng bị nuôi nhốt hết sức tồi tệ trong những cái cũi chỉ đủ chỗ để xoay trở.
Nhờ một chiến dịch vận động của tổ chức Born Free Foundation và báo The Mail on Sunday, người ta mới có đủ kinh phí để giải thoát năm con cọp khỏi gánh xiếc, trả chúng về với vùng đất của tổ tiên.
Pollyanna kể lại: “Hình ảnh duy nhất tôi có về những con cọp này trước chuyến đi là những tấm ảnh đen trắng chụp chúng khi bị giam giữ trong những “toa thú dữ” của gánh xiếc – một nhà tù bẩn thỉu.
Nên khi nhìn thấy chúng gầm vang trong tự do dưới ánh nắng của mặt trời xứ Ấn, quả là điều không thể tin nổi. Trong vùng đất tự do ấy, lần đầu tiên trong đời chúng có thể chạy nhảy, gầm lên và thậm chí bơi lội trên sông”.
Từ sau chuyến đi ấy, Pollyanna và Anna-Louise đã say mê đất nước, con người, cuộc sống hoang dã, kể cả những biến động của đất nước Ấn Độ.
Thế là năm 2002, họ thực hiện chuyến viễn du thứ hai, lần này đi đến chân dãy Himalaya tại Bắc Ấn để vẽ những con cọp Bengal, loài cọp còn tồn tại nhiều nhất trong tự nhiên.
Hai mẹ con bà đã sống và làm việc với những nhân viên kiểm lâm chống săn trộm giữa lòng khu bảo tồn cọp.
- Xem thêm: Ouizi vẽ hoa trên cao ốc
Để quan sát và phác họa những bản vẽ đầu tiên về cọp Bengal, Pollyanna đã phải lăn lộn đến choáng váng, bị thương tích bầm tím da thịt, bị gai góc cào xước và bị côn trùng đốt rồi chạm mặt với một con cọp hoang dã.
Pollyanna nhớ lại thời khắc đáng sợ ấy: “Trong suốt nhiều năm đi và vẽ những loài thú bị đe dọa tuyệt chủng, tôi đã trải qua đôi phen thật kinh hãi, nhưng tôi chưa bao giờ biết đến nỗi sợ như khi nhìn vào mắt của một con cọp dữ đang nhe nanh ở cách mình chỉ chừng hơn 1m”.
Một cuốn sách khác của Pollyanna và Anna-Louise cũng tập trung đề tài cọp là Ranthambore, tên của một dự án bảo tồn cọp ở Ấn Độ, cũng là tên của công viên quốc gia lớn nhất và nổi tiếng nhất ở phía Bắc Ấn, thuôc lãnh thổ bang Rajasthan.
Đây là nơi người ta có thể quan sát được trong thiên nhiên những con cọp to lớn tuyệt đẹp và nhiều loài động vật quý hiếm khác, cũng như những cây đa vào loại lớn nhất thế giới.
Pollyanna và Anna-Louise đã sống và làm việc nhiều ngày cùng với những nhân viên lâm nghiệp thuộc dự án Ranthambore, từ đó bà phác thảo một bức tranh cọp hoành tráng bậc nhất.
Chỉ có 250 bản in của ấn phẩm Ranthambore, mỗi bản được đánh số riêng và có chữ ký của Pollyanna, bán với giá 100 bảng Anh.
Mỗi bản Ranthambore được bán ra, tổ chức Pollyanna Pickering dành 10 bảng Anh hiến tặng cho các dự án bảo vệ sự sinh sản trong thiên nhiên của loài báo đang có nguy cơ diệt vong.