Chiến tranh thế giới lần thứ nhất (Thế chiến thứ nhất) là một trong những cuộc chiến tranh tàn khốc nhất mà nhân loại biết đến trước khi xảy ra Thế chiến thứ hai.
Mặc dù những xung đột chính trị trong những ngày đó đã đặt nền móng cho cuộc chiến, nhưng chiến tranh chỉ thực sự bùng nổ sau vụ ám sát đại công tước Áo-Hung Franz Ferdinand và vợ ông, Sophie, bởi một người theo chủ nghĩa dân tộc Serbia.
Tròn một thế kỷ kể từ khi Thế chiến thứ nhất kết thúc, đã có vô số bài nghiên cứu, tài liệu, hình ảnh, các cuộc trưng bày đề cập về nó. Tuy nhiên, cũng có những góc khuất liên quan đến Thế chiến thứ nhất mà trong chúng ta ít người biết.
1. Ba đế quốc chủ chốt trong Thế chiến thứ nhất do những người có họ hàng với nhau cai trị
Đức, Nga và Anh – ba đế quốc có vai trò chủ chốt trong Thế chiến thứ nhất – được cai trị bởi những người có họ hàng với nhau.
Xét về huyết thống, ba vị hoàng đế này đều là hậu duệ của vua George II nước Anh. Mẹ của hoàng đế Wilhelm II là em gái của phụ thân vua George V, còn mẹ của vua George V và mẹ của Nicholas II là hai chị em.
Vào thời đó, Nữ hoàng Victoria được gọi là “Mẹ của châu Âu” (Mother of Europe) vì bà có mối liên hệ mật thiết với hoàng đế của hầu hết các đế quốc châu Âu.
Ví dụ: George V và Wilhelm II đều là cháu trai của bà. Tuy nhiên, bà không khuyến khích việc thắt chặt mối quan hệ của họ và không muốn họ cùng đi với nhau. Bà thậm chí còn ngăn cản không cho hai người đến thăm bà cùng vào một thời điểm.
Mẹ của vua George V, công chúa Alexandra của Đan Mạch, cũng không khuyến khích bất kỳ sự liên lạc nào giữa George V và hoàng đế Wilhelm II.
Thay vào đó, bà muốn George V xây dựng mối quan hệ mật thiết với Sa hoàng Nicholas II, con trai của em gái mình, Dagmar. Bộ ba quyền lực này duy trì sự ganh đua và liên minh vào thời điểm họ trở thành hoàng đế.
Mặc dù tất cả họ đều không tin rằng vụ ám sát đại công tước Franz Ferdinand sẽ dẫn đến chiến tranh giữa Serbia và đế quốc Áo-Hung, nhưng họ biết rằng điều đó có thể xảy ra.
Và một cuộc chiến như vậy chắc chắn sẽ lôi họ vào cuộc bởi vì Áo-Hungary đã ký kết hiệp định liên minh với Đức và Serbia thì liên minh với Nga. Đồng thời, Nga lại ký liên minh với Pháp và Pháp liên minh với Anh.
Họ đã không đủ sức mạnh và sự tỉnh táo cần thiết để có thể ngăn cản cuộc chiến vào thời điểm nó sắp xảy ra.
Vụ ám sát và cuộc khủng hoảng chính trị tiếp theo đã tăng thêm quyền lực cho các tướng lĩnh quân đội, còn các chính trị gia thì quan tâm nhiều hơn đến “niềm tự hào dân tộc”, trong khi các con buôn vũ khí lại chỉ muốn kiếm tiền.
2. Nga từng yêu cầu Đức đừng tuyên chiến
Thế chiến thứ nhất chính thức bắt đầu vào ngày 28-7-1914, ngày mà đế quốc Áo-Hung tuyên chiến với Serbia.
Sáng hôm đó, sa hoàng Nicholas II đã gửi điện tín cho hoàng đế Wilhelm II, đề nghị ông đừng tuyên chiến.
Bức điện trong một chừng mực nào đó được xem như bán chính thức, và Sa hoàng Nicholas II thậm chí đã ký tên với biệt danh của mình là Nicky.
Nicholas II giải thích rằng một cuộc chiến chống lại Serbia sẽ dẫn đến sự tham gia của Nga, và đó là điều mà ông không muốn.
Wilhelm II trả lời rằng cuộc chiến sắp xảy ra không có mưu đồ chính trị nào, mà chỉ đơn thuần là để đối phó với những người đã ám hại đại công tước Ferdinand.
Ông nói thêm rằng ông đang làm hết sức mình để đảm bảo Áo-Hung đạt được thỏa thuận với Nga. Ông cũng ký tên vào bức điện tín với biệt danh của mình là Willy.
Họ tiếp tục trao đổi bằng điện tín. Tuy nhiên, họ đã không đạt được một thỏa thuận nào mặc dù cả hai đều không muốn chiến tranh xảy ra. Tại một thời điểm, Wilhelm II cho rằng quân đội Áo-Hung đã tiến vào Belgrade, Serbia, nhưng không tấn công mà chờ đợi Serbia tiêu diệt nhóm khủng bố Black Hand, được cho là chịu trách nhiệm về vụ ám sát Ferdinand.
Wilhelm II đã chỉ thị cho thủ tướng của mình thông báo nhận định này đến Nga, nhưng thủ tướng lại chỉ thị cho đại sứ Đức tại Nga thông báo với Nga rằng Đức sẽ huy động quân đội của mình để đáp ứng với sự huy động của Nga.
Cả hai hoàng đế tiếp tục trao đổi điện tín, nhưng vẫn chưa đi đến một kết luận. Họ cũng không ngừng huy động quân đội của họ.
Họ cũng không làm gì để trì hoãn chiến tranh. Vào ngày 1-8, một vài ngày sau khi bức điện đầu tiên được gửi đi, Đức tuyên bố chiến tranh với Nga.
3. Thế chiến thứ nhất đã tạo nên một quốc gia cộng sản đầu tiên
Nhiều khả năng, Nga sẽ không trở thành quốc gia Cộng sản đầu tiên nếu như Vladimir Ilyich Lênin không nắm quyền.
Việc nắm quyền của ông sẽ không thành công nếu hai cuộc Cách mạng Nga năm 1917 không xảy ra. Và những cuộc cách mạng đó có lẽ sẽ không xảy ra nếu Nga không tham gia vào Chiến tranh thế giới thứ nhất.
Cuộc chiến đã gây thiệt hại nặng nề cho nền kinh tế Nga. Nó đã kéo dài hơn dự kiến và không có hy vọng rằng Nga sẽ thắng.
Sau một loạt thất bại, Sa hoàng Nicholas II đã cách chức người chú ruột mà ông bổ nhiệm làm tổng tham mưu trưởng và nắm lấy quyền kiểm soát quân đội. Điều này đã hủy hoại thanh danh của Nga hoàng.
Trong quá khứ, các tướng lĩnh sẽ chịu trách nhiệm về những thất bại quân sự, nhưng bây giờ, chính Sa hoàng sẽ là người “giơ đầu chịu báng”.
Nicholas II lại phạm một sai lầm khác khi trao quyền nhiếp chính cho Alexandra, vợ mình, thay vì cho thủ tướng. Đầu tiên, Alexandra là người Đức, mà Nga lại đang chiến đấu với nước Đức.
Thêm vào đó, Alexandra đã thần thánh hóa Grigori Rasputin, một người chữa bệnh bằng đức tin mà bà hy vọng sẽ chữa lành căn bệnh máu không đông của con trai bà.
Tuy nhiên, Rasputin có ý đồ khác và sớm can thiệp vào các vấn đề quốc gia. Vào tháng 12-1916, một số người Nga lo ngại đã giết Rasputin.
Nhưng những gì mà ông ta làm đã bôi nhọ gia đình Sa hoàng và cái chết của Rasputin chẳng thay đổi được gì. Bên cạnh đó, cuộc chiến kéo dài đã ảnh hưởng nặng nề đến nền kinh tế Nga.
Tính từ tháng 8-1914 đến tháng 3-1917, nước Nga đã đổ vào cuộc chiến 29,6 tỉ rupee, cao gấp 3 lần “quốc khố” lúc ấy.
Để có tiền trang trải cho cuộc chiến, triều đình liên tục ban hành những loại thuế mới và tổ chức bán công trái trong nhân dân. Tổng số quốc trái tính từ đầu 1914 là 8,8 tỉ rupee đã tăng lên 36,6 tỉ rupee vào năm 1917.
Vào tháng 2-1917, tình trạng lạm phát và thiếu lương thực đã gây ra những cuộc biểu tình lan rộng và nhanh chóng trở thành một cuộc cách mạng.
Nicholas II rời tiền tuyến và quay về hoàng cung để xử lý khủng hoảng, nhưng ông buộc phải thoái vị trước khi về đến cung điện của mình.
Một chính phủ lâm thời đã tiếp quản công việc nhưng lại làm quá ít để có thể giải quyết những mâu thuẫn đã gây ra cuộc cách mạng.
Cuộc cách mạng thứ hai do Lênin lãnh đạo kể từ sau tháng 11-1917 đã lật đổ chính phủ lâm thời và đưa Lênin lên nắm quyền.
Khẩu hiệu chính trị của đảng Cộng sản Nga lúc đó là lời hứa sẽ mang lại cho nhân dân Nga “hòa bình, bánh mì và đất đai”.
Lênin đã tiến hành đàm phán với Đức, dẫn đến việc ký hiệp ước Brest-Litovsk vào tháng 3-1918, kết thúc sự tham chiến của Nga trong Thế chiến thứ nhất.
Nga nhượng lại Ukraine, Phần Lan, Ba Lan và các vùng lãnh thổ Baltic cho Đức. Đổi lại, quân Đức rút lui khỏi Nga.
4. Thế chiến thứ nhất đã làm ba đế quốc sụp đổ và hình thành nhiều quốc gia mới
Thế chiến thứ nhất đã làm thay đổi biên giới châu Âu và châu Á. Nó dẫn đến sự sụp đổ của ba đế chế – Đức, Ottoman và Nga – và sự xuất hiện một số quốc gia mới trên bản đồ thế giới.
Ba Lan đã trở thành nước độc lập với đế quốc Nga và đế quốc Áo-Hung đã bị chia thành bốn nước Áo, Hungary, Tiệp Khắc và Nam Tư.
Áo nhượng lại một phần đất cho Ý và Tiệp Khắc và trở thành quốc gia nằm sâu trong nội địa. Bulgaria từ bỏ phần bờ biển của mình ở Địa Trung Hải kéo dài đến Hy Lạp. Hungary mất phần lớn đất đai của mình cho Tiệp Khắc, mặc dù nó đã bị mất một phần cho Rumani.
Đế chế Ottoman là thảm hại nhất. Đất đai bị chia cắt của nó nằm giữa Anh và Pháp. Ngày nay là Albania, Algeria, Bosnia và Herzegovina, Bulgaria, Croatia, Ai Cập, Hy Lạp, Hungary, Iraq, Israel, Jordan, Kuwait, Lebanon, Libya, Macedonia, Montenegro, Romania, Nga, Ả Rập Saudi, Serbia, Slovenia, Syria, Tunisia, Thổ Nhĩ Kỳ và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất đã từng là một phần hoặc toàn bộ đế quốc Ottoman.
5. Tiếng Đức bị cấm sử dụng tại Mỹ kể từ khi Mỹ tuyên chiến với Đức
Mỹ đã trở thành một nước tham chiến khi tuyên chiến với Đức vào ngày 7-4-1917. Trước khi tuyên bố chiến tranh, tiếng Đức là ngôn ngữ được nói nhiều thứ hai ở Mỹ sau tiếng Anh.
Tuy nhiên, tình cảm chống Đức dâng cao sau khi Mỹ tuyên bố chiến tranh đã nhanh chóng dẫn đến lệnh cấm sử dụng tiếng Đức.
Tiếng Đức bị loại bỏ khỏi chương trình giảng dạy của nhiều trường ở Mỹ, và sách tiếng Đức bị cấm. Các cửa hàng âm nhạc cũng từ chối bán các đĩa hát tiếng Đức.
Tình cảm chống Đức mở rộng sang lĩnh vực ẩm thực khi “khoai tây chiên Đức – German fried potatoes” được đổi tên thành “khoai tây chiên Mỹ – American fried potatoes” và món “dưa cải bắp Đức – sauerkraut” được đổi tên thành “bắp cải tự do – liberty cabbage”.
Chó cũng không phải là ngoại lệ. Những con chó chăn cừu Đức (German shepherd) được đổi tên thành Alsatian vì vùng Alsace của Pháp là nơi chúng được nuôi đầu tiên.
Trong khi đó, chó dachshund (giống chó mình dài chân ngắn) được đổi tên thành “badger” hay “liberty pup”. Bản thân con chó đã trở thành hình tượng của Đức và được sử dụng để đại diện cho Đức trong các phim hoạt hình chính trị.
Cũng có những thông tin cho rằng một số chó dachshund đã bị ném đá đến chết ở Anh, mặc dù điều đó không thể kiểm chứng.
6. Súng máy, chiến hào và những người lính
Thế chiến thứ nhất lần đầu tiên chứng kiến súng máy được sử dụng rộng rãi. Để bảo vệ mình, những người lính nhanh chóng học cách ẩn nấp và bắn trả từ các công sự cá nhân.
Những công sự này đã nhanh chóng kết nối và trở thành các chiến hào dài hàng dặm. Khi chiến tranh phát triển, có tới ba lớp chiến hào khác được xây dựng sau chiến hào đầu tiên. Bằng cách đó, quân địch vẫn phải đối phó với ba chiến hào nữa một khi nó đã chiếm được chiến hào phía trước.
Chiến hào dài nhất là ở mặt trận phía tây, nơi nó trải dài từ Bỉ qua Pháp và xuống đến Thụy Sĩ. Vì không thể đi vòng qua chiến hào nên lựa chọn duy nhất của phe tấn công là tiến về phía trước. Đây là nhiệm vụ tự sát vì cả hai bên đều bảo vệ lớp chiến hào đầu tiên của họ bằng dây thép gai và súng máy.
Một vấn đề khác là bộ binh khi tấn công thường được hỗ trợ bằng pháo hạng nặng, nhưng bản thân nó nhanh chóng trở thành một vấn đề và thậm chí còn góp phần vào sự thất bại của các cuộc tấn công.
Tiếng nổ từ đạn pháo báo hiệu cho đối phương biết rằng một đợt tấn công sắp diễn ra, khiến họ nhanh chóng củng cố vị trí và sẵn sàng đáp trả.
Việc pháo kích cũng làm chậm đà tiến công của bộ binh vì các quả đạn pháo nổ tung ngay trước mặt họ. Có rất ít điều mà người lính có thể làm được khi nằm dưới hỏa lực từ những khẩu súng máy của kẻ địch và đạn pháo của chính họ để băng qua một dải đất được bảo vệ bằng dây thép gai.
7. Thế chiến thứ nhất dẫn tới sự phát triển của xe tăng
Các chiến hào nhanh chóng dẫn đến sự bế tắc của cả hai phe trong Thế chiến thứ nhất. Không có ai thắng và cũng không có người thua dù thiệt hại được chia đều cho hai bên.
Cả hai bên chỉ lẩn trốn trong chiến hào của họ và các cuộc tấn công trực diện, cho dù là bên nào khởi sự, hầu như đều kết thúc với thương vong của hai bên và không ai thắng cả. Tuy nhiên, chiến tranh đã tiến lên một tầm cao mới với sự xuất hiện của xe tăng.
Trước chiến tranh, các đề nghị chế tạo xe tăng ở Anh, Pháp và Đức đều bị từ chối. Tuy nhiên trong Thế chiến thứ nhất, Anh và Pháp đều bí mật nghiên cứu chế tạo xe tăng với hy vọng nó sẽ khai thông bế tắc.
Anh là nước đầu tiên chế tạo được xe tăng và đưa nó vào tham chiến ở mặt trận Somme vào ngày 15-9-1916.
Quân Đức đã phải bỏ chạy khi các xe tăng Anh tràn qua hai trong số ba chiến hào của Đức. Nhưng xe tăng phải rút lui vì gặp vấn đề về điều khiển và kiểm soát. Chúng không thực sự hoàn hảo.
Nhiệt và khói độc là các vấn đề lớn đối với lính xe tăng, và chúng thường bị hỏng hóc. Trong số 50 chiếc được triển khai thì một nửa đã bị hư hỏng trước cuộc tấn công.
Quân Đức nhanh chóng làm quen với các cuộc tấn công của xe tăng và đã phát triển các loại vũ khí và chiến thuật chống tăng. Tuy nhiên, nó không đủ để ngăn chặn hàng ngàn xe tăng do phe Đồng minh triển khai.
Ở phía ngược lại, quân đội Đức chỉ triển khai được… 20 chiếc xe tăng. Những chiếc xe tăng của phe Đồng minh đã vượt qua các chiến hào, buộc quân Đức phải đầu hàng.
Nếu ở đầu cuộc chiến, súng máy đã buộc binh lính chui rúc trong các chiến hào thì đến cuối cuộc chiến, xe tăng đã đẩy họ trở ra.
Ngày nay chúng được gọi là xe tăng, nhưng ban đầu quân đội Anh nói với công nhân rằng họ đang sản xuất “bồn chứa nước cơ giới” (mechanized water tank) để vận chuyển nước cho quân đội Anh trong các sa mạc (ngày nay thuộc về Iraq).
Công nhân sau đó rút ngắn lại thành “bồn chứa nước” (water tank) và rồi ngắn hơn nữa thành “xe tăng” (tank). Ernest Swinton, một sĩ quan Anh tham gia vào việc phát triển xe tăng, thấy thích cái tên này và quyết định sử dụng nó trong các văn bản chính thức.
8. Trước năm 1939, Thế chiến thứ nhất được gọi bằng nhiều cái tên ngoại trừ tên “Thế chiến thứ nhất”
Thời điểm trước năm 1939, Thế chiến thứ nhất không được gọi là Chiến tranh thế giới thứ nhất (Thế chiến thứ nhất). Đơn giản vì không ai biết rằng một cuộc chiến tranh thế giới khác sẽ diễn ra.
Ở Mỹ, nó được gọi là Chiến tranh châu Âu (The European War) trong khi mọi người khác gọi đó là Đại chiến (Great War).
Thuật ngữ Chiến tranh thế giới (World War) lần đầu tiên được Mỹ đề cập đến khi các tờ báo Mỹ sử dụng nó để tường thuật việc Mỹ tham chiến vào năm 1917.
Nó được gọi là Đại chiến vì thu hút một số lượng lớn các nước tham chiến. Bên cạnh thuật ngữ Đại chiến, nó còn được gọi là “Cuộc chiến tranh vĩ đại cho nền văn minh” (The Great War for Civilization).
9. Thế chiến thứ nhất đã đẩy các nước tham chiến vào vũng lầy nợ nần và đưa Mỹ trở thành một “siêu cường quốc”
Chiến tranh là cái lò đốt tiền! Các nước tham chiến trong và sau cuộc chiến đã rất vất vả để trả tiền cho bài học kinh nghiệm đắt giá này.
Cuộc chiến đã phá hủy các ngành công nghiệp và nền kinh tế của Đức, Nga, Anh và Pháp. Ngoại trừ Đức, ba nước còn lại đều phụ thuộc vào nguồn cung cấp từ Mỹ.
Các nước Đồng minh đã mua rất nhiều thứ từ Mỹ và nền kinh tế Mỹ đã chuyển từ sản xuất hàng hóa dân sự sang hàng quân sự.
Vào thời điểm chiến tranh kết thúc, các nước đồng minh đã mắc nợ Mỹ rất nhiều và thậm chí còn mắc nợ lẫn nhau trong một cái vòng lẩn quẩn.
Cụ thể là Nga mắc nợ Pháp, mà Pháp lại thiếu nợ Mỹ và Anh. Pháp nợ nước Anh nhiều hơn số nợ của Mỹ, nhưng bản thân nước Anh lại nợ nặng nề với Mỹ.
Pháp muốn trả nợ cho Mỹ và Anh bằng số tiền mà Nga nợ. Tuy nhiên, Lênin đã từ chối trả tiền bởi vì chính phủ của Nga Sa hoàng là người vay nợ và Sa hoàng đã bị lật đổ.
Mặt khác, Anh dự định dùng số tiền nợ của Pháp và Ý để trả nợ cho Mỹ. Nhưng Pháp không thể trả tiền vì Nga không chịu trả tiền. Pháp đã cố gắng hoàn trả các khoản nợ của mình bằng các khoản bồi thường do Đức trả.
Nhưng Đức không có tiền và chỉ có thể kiếm tiền nếu xuất khẩu hàng hóa sang Mỹ. Còn Mỹ do phải chịu một cuộc suy thoái vào những năm 1920 nên không thể mua hàng nhập khẩu từ Đức.
Mọi thứ trở nên tồi tệ đến nỗi Mỹ đã cho Đức vay tiền vào năm 1924 để Đức có thể trả nợ cho Pháp và Anh. Đổi lại, Pháp và Anh đã sử dụng số tiền này để trả nợ cho Mỹ.
Đồng thời, hầu hết các nước tham chiến đã từ bỏ chế độ “kim bản vị” (chế độ tiền tệ lấy vàng làm tiêu chuẩn) vào đầu chiến tranh, dẫn đến sự mất giá tiền tệ của họ vào cuối cuộc chiến.
Điều này đã khiến Mỹ trở thành nước có nhiều vàng nhất, và do đó đất nước này trở thành người quản lý tiêu chuẩn vàng toàn cầu.
Khi Hoa Kỳ “hạ giá” tiền tệ của mình, nó sẽ khiến các quốc gia khác phải điều chỉnh theo vì họ cần phải giảm giá trị tiền tệ của mình xuống thấp hơn giá trị của đồng tiền Mỹ dựa trên tiêu chuẩn vàng mới do Mỹ xác định.
Lựa chọn này sẽ dẫn đến tình trạng thất nghiệp lớn, trong khi lựa chọn khác là phá giá tiền tệ của họ so với đôla Mỹ.
Hầu hết các nước đã chọn biện pháp thứ hai, mặc dù Anh đã chọn phương án đầu tiên. Cho dù họ chọn cách nào thì Mỹ và đồng đôla Mỹ vẫn là những người chiến thắng rõ ràng.
10. Thế chiến thứ nhất giúp Hitler nắm quyền lực và khơi mào cho Thế chiến thứ hai
Hiệp ước Versailles chính thức chấm dứt Thế chiến thứ nhất. Nó buộc Đức phải bồi thường thiệt hại chiến tranh ở mức 269 tỉ đồng vàng (tiền của Đức vào thời điểm đó), tương đương 100.000 tấn vàng cho phe Đồng minh
. Nó cũng buộc Đức phải chịu trách nhiệm về chiến tranh. Mức bồi thường nói trên sau đó đã giảm xuống còn 112 tỉ vàng, nhưng điều đó không làm giảm đi tâm lý chống phe Đồng minh ở Đức.
Khoản nợ này đã đặt gánh nặng lên nước Đức. Trong thực tế, nước Đức chỉ hoàn thành việc thanh toán này vào năm 2010. Đức phải chịu đựng tình trạng khủng hoảng kinh tế nghiêm trọng vào cuối cuộc chiến.
Thất nghiệp rất nhiều và lạm phát tăng vọt. Tuy nhiên, đất nước này vẫn phải trả tiền bồi thường và nhận trách nhiệm đã gây ra chiến tranh. Người dân của nó không muốn điều đó.
Đây là những nhân tố chính đưa Adolf Hitler và đảng Quốc xã lên nắm quyền. Đức Quốc xã đã tuyên truyền về sự nguy hiểm của các nước đồng minh và hứa sẽ đưa người Đức thoát khỏi tình trạng khốn khổ của họ.
Khi Hitler lên nắm quyền, ông ta từ chối trả thêm tiền. Thay vào đó, Hitler xây dựng một đội quân và tiến hành Thế chiến thứ hai.
Cuộc chiến lần thứ hai này đã hủy hoại mục đích của việc đòi bồi thường chiến tranh. Phe Đồng minh đòi Đức phải trả một khoản tiền khổng lồ để nó không có đủ tiền gây thêm một cuộc chiến khác. Nhưng rõ ràng là mục đích này đã bị phản tác dụng.
Đồng minh đã rút ra được bài học kinh nghiệm sâu sắc. Mặc dù họ vẫn đòi Đức phải trả tiền bồi thường vào cuối Thế chiến thứ hai, nhưng số tiền không nhiều như yêu cầu sau Thế chiến thứ nhất. Thay vào đó, các nước Đồng minh tập trung vào việc xây dựng lại đất nước và trừng phạt các nhà lãnh đạo thời chiến của Đức.