Juan Pujol Garcia, cũng như nhiều thanh niên Tây Ban Nha vào thời đó, đều muốn chống lại chế độ Đức Quốc xã.
Nhưng mọi người đã không hành động như những gì Garcia đã làm: trở thành một điệp viên hai mang, không qua bất kỳ một khóa huấn luyện hay trải nghiệm binh nghiệp nào, để đánh lừa phát xít Đức với những thông tin không có thật. Ông đã góp phần tạo nên thành công cho cuộc đổ bộ Normandy của phe Đồng minh và là một trong những người duy nhất nhận được sự tưởng thưởng từ cả phía Đồng minh lẫn Đức Quốc xã suốt cuộc chiến.
Thuyết phục niềm tin của cả hai bên
Garia, người mà phần lớn người Anh vẫn quen gọi dưới bí danh Garbo, đã bắt đầu nghề gián điệp của anh khi Thế chiến thứ hai mở màn để “tiến hành một cuộc chiến cá nhân với Hitler”. Do không phải là một người lính, việc trở thành một gián điệp là chuyện “hợp lý” đối với anh. Kế hoạch của anh thật đơn giản, nhưng táo bạo: tranh thủ sự tin cậy của Đức Quốc xã bằng cách trao cho chúng thông tin về nước Anh và sau đó biến thành một điệp viên hai mang để trợ giúp Đồng minh.
Đầu tiên, Garbo muốn cộng tác đặc biệt với người Anh. Nhưng họ đã 3 lần gạt bỏ đề nghị của anh vì họ không thực sự tin tưởng một người Tây Ban Nha để cho phép sử dụng thông tin bí mật được. Garbo nhận ra rằng trước tiên anh phải tranh thủ được người Đức để có thể thuyết phục được người Anh. Vì vậy, anh đã làm lý lịch giả, trở thành một viên chức Tây Ban Nha thân phát xít, thường hay du lịch tới London. Sau khi bịa ra tất cả lý lịch, anh liên lạc với các quan chức Đức Quốc xã và cung cấp cho họ những thông tin nho nhỏ có thực, nhưng thật ra không có giá trị nào về nước Anh.
Thậm chí đây cũng không phải là một nhiệm vụ dễ dàng gì đối với Garbo. Trở ngại đầu tiên là vấn đề thực tế anh thậm chí không hề ở London khi anh truyền đạt tất cả các thông tin cho Đức, theo tiết lộ của cơ quan tình báo Anh MI5. Do không thể du lịch tự do khắp châu Âu, anh mở một cửa hiệu ở Lisbon và giả bộ như anh đang ở London. Trong suốt thời gian đầu theo đuổi nghề gián điệp độc lập của mình, Đức Quốc xã đã dạy anh những kỹ thuật trong nghề, chẳng hạn như cách viết những lá thư mật, sử dụng mực vô hình và nhiều thủ thuật gián điệp khác hơn là những gì ta thường thấy trong một phim gián điệp.
Có lúc câu chuyện của Garbo đi tới chỗ quá lố. Khi thông tin của anh trở nên ngày càng không xác thực, phe Đức Quốc xã đã bắt đầu đặt những câu hỏi về các sai sót của anh. Thay vì đào thoát hoặc từ bỏ, Garbo đã tạo một mạng lưới gián điệp ngầm tinh vi, đổ lỗi tất cả cho hệ thống tình báo yếu kém. Nhưng không một ai trong số những nhân vật gián điệp này là có thật. Anh đã dựng lên tất cả bọn họ bằng cách sử dụng những quyển sách lấy từ thư viện và sách hướng dẫn du lịch nước Anh để đánh lừa người Đức tưởng rằng có rất nhiều gián điệp đang làm việc cho anh ở London và Tây Ban Nha.
Cuối cùng, vào năm 1942, sau 2 năm theo dõi công việc của anh với Đức Quốc xã, Cục Tình báo mật MI6 của Anh đã liên hệ với anh và đưa anh tới London. Tại đây, anh có biệt danh là Garbo và kết nối với một đối tác để duy trì mạng lưới gián điệp mưu mẹo. Trong 2 năm kế tiếp, Garbo và một đồng sự của anh đã viết hơn 315 lá thư của 27 tay gián điệp ảo khác nhau với những câu chuyện có bối cảnh hoàn hảo để đánh lừa người Đức tin vào một kế hoạch điên rồ.
Giương Đông kích Tây
Đến tháng 6.1943, Garbo đã trở thành một trong những gián điệp sáng giá nhất của Đức Quốc xã. Abwehr, một trùm mật vụ Đức, đã gửi cho anh những mật mã mới và những lọ mực vô hình. Nhờ vậy MI5 có thể bẻ khóa dễ dàng hơn những mật mã của kẻ địch. Trong khi đó, Đức Quốc xã đang tuyên truyền một bản tin so sánh anh mạnh tương đương với một đạo quân 45.000 người.
Các con đường trên nước Anh hiện đang tràn ngập với các binh sĩ. Đó là đầu năm 1943, các máy bay, xe jeep và lều trại ở khắp mọi nơi. Người dân nói đùa rằng cả nước đang bị quá tải. Đối với máy bay do thám Đức, hiển nhiên đó là một sự kiện lớn. Công việc của Garbo là che giấu cuộc đổ bộ xuống đất Pháp sắp xảy đến. Anh thuyết phục người Đức rằng cuộc đổ bộ của Đồng minh sẽ diễn ra ở Calais, cách Normandy 200 dặm về phía Bắc.
Nếu anh thành công, phần lớn quân Đức sẽ chờ đợi tại một địa điểm sai lầm trong khi cuộc đổ quân thực sự xảy ra. Nhưng chỉ có ít người tin kiểu đánh lạc hướng này sẽ có hiệu quả. Trò bịp khó tin đối với Hitler, một quan chức tình báo Mỹ, Ralph Ingersoll, đã ví von điều này tương đương với việc “choàng một chiếc váy đai và một chiếc quần diềm xếp nếp lên một con voi để làm cho nó giống như cô gái mặc váy phồng”.
Garbo đã thuyết phục người Đức rằng có một đội quân rất đông đảo đang tập hợp lại ở Đông Nam nước Anh. Đội quân tưởng tượng đó được gán cho một cái tên thật: Nhóm Quân Mỹ Đầu tiên (FUSAG). Theo quyển Đặc Vụ Garbo của tác giả Stephan Talty, người Anh đã nỗ lực để chơi trò đánh lừa. Những cái bẫy được thổi phồng, gồm các xe tăng và tàu thuyền giả, nằm rải rác ở các bến cảng và trang trại. Những bệnh viện giả đã được dựng lên.
Những xe ủi đất làm thành những phi đạo giả, và những người lính xây dựng hàng trăm máy bay giả bằng gỗ. Khi một nhà máy dầu giả được dựng lên gần Dover, người Anh đã trưng dụng những chiếc máy thổi gió từ một phim trường để thổi bụi mù lên khắp eo biển khiến cho quang cảnh trông đáng tin hơn. Các tờ báo cho thấy vua George VI đã kiểm tra một nhà máy giả tạo. Những con chim bồ câu đã được tung vào lãnh thổ của địch với những thẻ nhận dạng FUSAG quấn quanh các chân của chúng, và những chiếc máy đặc biệt tạo các dấu vết xe tăng dọc theo những con đường bụi bặm.
Những tờ báo đăng tải những lá thư giả mạo than phiền về sự náo động om sòm do những binh sĩ tưởng tượng gây ra. Cho đến ngày cuộc đổ bộ thực sự đã đến gần, tướng Patton xuất hiện ở vùng Đông Nam nước Anh để củng cố niềm tin về những đội quân “có thật”.
Garbo đã “cử” những đặc vụ ưu tú nhất của ông tới vùng Đông Nam nước Anh để đưa tin về hoạt động. Trong khi đó, những đặc vụ ảo khác đưa tin về vụ chứng kiến những máy bay đánh bom ở Scotland, điều này làm cho vụ tấn công bồi thêm ở Na Uy sắp xảy ra. Những nguồn tin này làm cho Hitler căng thẳng đến mức hắn đã điều 250.000 quân đến đóng giữ ở Bắc Âu. Vào tháng 5.1944, nhà tư lệnh tối cao của Đức đã hoàn toàn bị bối rối. Thống chế Erwin Rommel bị thuyết phục rằng FUSAG là có thật.
Ngay trước ngày D, quân Đồng minh đã đánh bom 19 nhà ga xe lửa đầu mối gần Calais, nhưng không đụng chạm gì đến Normandy. Cùng với những thông tin của Garbo, những trận đánh bom đã khiến đa số những nhân vật quan trọng của Đức phải đồng ý rằng: tất cả những dấu hiệu đều nhắm vào Calais.
Lời nói dối lịch sử
Năm 1944, Garbo đã tiến tới lời nói dối lớn nhất trong đời ông. Câu chuyện bắt đầu khi Berlin tìm kiếm nơi ông bất kỳ mọi thông tin ông nói về kế hoạch của phe Đồng minh để xâm lăng châu Âu bằng cách tấn công qua lối bãi biển Normandy. Sự việc cho thấy rõ rằng Berlin đã biết được cuộc đổ bộ sắp tới vào ngày D, Garbo đã lập ra 500 trạm phát thanh để phô trương “mạng lưới” gián điệp của ông.
Ông nói với Berlin rằng cuộc đổ bộ Normandy đơn giản là một kế hoạch tinh vi để khiến quân Đức tập trung ở đó trong khi quân Đồng minh tấn công ở một địa điểm khác dọc theo bờ biển. Berlin đã tin vào lời nói đó và thay vì tập trung tất cả lực lượng của Đức ở Normandy, chúng đã gom quân đến nơi khác, động thái này đã dẫn đến chiến thắng của phe Đồng minh ở Normandy và từ đó họ đã có thế đứng vững vàng ở châu Âu.
Sau lời nói dối thành công về Normandy, quân đội Anh có phần hơi lo ngại về việc tiếp tục sử dụng Garbo trong vai trò một điệp viên hai mang. Để vinh danh ông, nước Anh trao thưởng ông tước hiệu Thành viên Hoàng gia Anh (MBE), về phía Đức Quốc xã cũng đã trao cho ông huy chương Thập Tự Sắt rồi, khiến ông trở thành người duy nhất được Anh và Đức vinh danh trong cùng những hoạt động.
Lui về ở ẩn
Khi Thế chiến thứ hai kết thúc, Garbo lo sợ sự trả thù của những tên Đức Quốc xã còn sống sót. Với sự trợ giúp của MI5, ông đã du lịch tới Angola và tạo một vụ giả chết vì bệnh sốt rét năm 1949, sau đó đến sống ở Lagunillas,Venezuela. Tại đây, ông đóng vai một người nặc danh mở cửa hàng bán sách và quà lưu niệm. Garbo đã ly dị người vợ đầu tiên và cưới Carmen Cilia, với người vợ thứ hai, có hai con trai, Carlos Miguel và Juan Carlos, và một con gái (người này mất năm 1975 ở tuổi 20). Đến năm 1984, Garbo chuyển tới ở nhà của con trai Carlos Miguel ở Trinidad, Caracas.
Năm 1971, chính khách người Anh Rupert Allason, thường viết sách dưới bút hiệu Nigel West, bắt đầu để ý tới Garbo. Trong một số năm, ông ta đã phỏng vấn nhiều cựu quan chức tình báo, nhưng không một người nào biết tên thật của Garbo. Cuối cùng, một người bạn của Tomas Harris tên Anthony Blunt, vốn là một điệp viên Liên Xô đã từng thâm nhập vào MI5, nói rằng anh ta đã gặp Garbo, và biết ông là “Juan hay Jose Garcia”.
Cuộc điều tra của Allason bị trì hoãn từ thời điểm đó mãi cho tới tháng 3.1984, khi một cựu nhân viên MI5 đã phục vụ ở Tây Ban Nha cung cấp tên thật của Garbo. Allason thuê một trợ lý tìm kiếm để gọi điện thoại cho từng người tên J.Garcia trong quyển sổ danh bạ điện thoại ở Barcelona, cuối cùng liên hệ được với người cháu trai của Garbo. Sau đó, Garbo và Allason đã gặp nhau ở New Orleans ngày 20.5.1984.
Theo sự thuyết phục của Allason, Garbo đã đến London và được Quận công Philip, Công tước Edinburg, tiếp đón ở Điện Buckingham, trong một cuộc tiếp kiến lâu dài bất thường. Sau đó ông đã đến thăm Câu lạc bộ Các Lực lượng Đặc biệt và được họp mặt với một nhóm những đồng sự cũ của ông như đại tá T. A. Robertson, đại tá Roger Hesketh, Cyril Mills và Desmond Bristow.
Ngày kỷ niệm 40 năm ngày D, 6.6.1984, Garbo đến Normandy tham quan các bãi biển và bày tỏ lòng tôn kính đối với những người đã thiệt mạng. Ông mất năm 1988 và được an táng ở Choroní, một thành phố bên trong Công viên Quốc gia Henri Pittier, nằm bên biển Caribê. Câu chuyện về ông vẫn luôn luôn sống mãi như một trong những hành động dũng cảm điên rồ nhất của một công dân tài ba đã trợ giúp, góp phần chống lại Đức Quốc xã trong Thế chiến thứ hai.