Xăm mình đã có từ rất lâu. Bằng chứng xưa nhất là Người băng Otzi 5.300 tuổi: những di tích về ông được khám phá một cách ngẫu nhiên vào năm 1991 bởi một nhóm người leo núi trên vùng cao của dãy núi Alps ở Ý…
Các nhà khảo cổ tin rằng việc xăm mình đã diễn ra sớm nhất từ thời kỳ đồ đá mới, có lẽ thậm chí còn sớm hơn thế nữa. Từ nhiều hòn đảo xa xôi khác nhau ở Bắc Cực, cho đến tận Trung Quốc, châu Phi và Polynesia, xăm mình được xem là một bộ phận văn hóa không thể tách rời của xã hội.
Đôi khi đơn giản, đôi khi phức tạp, những vết xăm vĩnh viễn trên cơ thể con người đã được sử dụng như một loại bùa, những biểu tượng trạng thái, sự giám hộ, hoặc thậm chí một hình thức trừng phạt đối với người mang. Sau đây là một số những loại hình xăm, cả xưa lẫn nay, và ý nghĩa thực sự của chúng.
1. Những hình xăm của thủy thủ
Sau chuyến đi nổi tiếng của thuyền trưởng James Cook khắp Thái Bình Dương vào thế kỷ 18, các thủy thủ châu Âu đã phát triển phong cách xăm mình của riêng họ.
Lý thuyết này cũng được củng cố một phần bởi thực tế là chính từ ngữ “tattoo” (xăm hình) xuất xứ từ chữ “tatau” của Tahiti và Samoa có nghĩa là “ghi dấu trên làn da”.
Sau khi gặp những người Polynesian xăm mình, các thủy thủ bắt đầu hình thành phong cách độc đáo của riêng họ.
Những hình xăm cũng chịu nhiều ảnh hưởng của các khuynh hướng dị đoan của giới thủy thủ, với đủ kiểu hình dáng để đem lại vận may cho người đi biển hoặc chỉ để mô tả cuộc sống của các thủy thủ.
Ví dụ hình xăm mỏ neo là biểu hiện của người thủy thủ băng qua Đại Tây Dương. Mặt khác, chim én có nghĩa là người mang hình xăm này đã đi được 5.000 hải lý.
Một con rùa ở sau lưng nghĩa là băng qua đường xích đạo, trong khi đó hai khẩu đại bác vắt chéo nhau đại diện cho một cựu chiến binh trên một tàu hải quân.
Những ngôi sao hàng hải là những chiếc bùa bảo đảm cho một chuyến hải trình bình an, trong khi đó một con tàu có buồm đầy đủ nghĩa là một thủy thủ đang ở quanh vùng Cape Horn (Mũi Sừng) ở Nam Mỹ.
2. Những hình xăm Polynesian
Tọa lạc ở Trung và Nam Thái Bình Dương, Polynesia gồm khoảng 1.000 hòn đảo. Họ có nhiều cộng đồng khác nhau, nhưng gọi chung đều là người Polynesia.
Phong tục xăm mình rất phổ biến trong văn hóa người Polynesia, đặc biệt là người Samoa, người Tonga và Marquesas.
Trước khi gặp người châu Âu, những người này không có ngôn ngữ viết, nhưng họ đã sử dụng hình xăm để thể hiện bản thân.
Những hình xăm vĩnh viễn này biểu lộ tình trạng của bản thân người mang nó trong xã hội cũng như kỹ năng của họ trong chiến trận.
Vùng đầu tượng trưng cho sự khôn ngoan, kiến thức và trực giác; ngực liên quan đến danh dự, sự chân thành và hào phóng; đôi vai và các cánh tay phía trên biểu thị sức mạnh và lòng dũng cảm; thân dưới, kéo dài từ vùng rốn cho đến đùi, biểu thị sự can đảm, độc lập, tình dục và sinh sản; trong khi đó vùng cánh tay thấp hơn và đôi bàn tay liên quan đến sự sáng tạo và khéo léo.
Ngoài ra, các hình xăm khác như cá đuối, bùa hộ mệnh, răng cá mập, đại dương, v.v. đều mang những ý nghĩa riêng biệt.
3. Hình xăm của người Maori
Tuy người Maori có nguồn gốc từ New Zealand và là một phần của tộc người Polynesia, họ có một phong cách xăm riêng biệt. Họ phát triển một kỹ thuật riêng gọi là Ta moko.
- Xem thêm: Ngô Lực và nghệ thuật vẽ trên cơ thể
Trong khi những người Polynesia sử dụng một số công cụ nào đó xuyên thủng da và bôi mực, Maori sử dụng những chiếc đục nhỏ để khắc họa lên khuôn mặt và cơ thể người. Nếu vùng đầu được coi là phần thiêng liêng nhất của cơ thể, thì khuôn mặt là nơi được chú ý nhiều nhất.
Mỗi hình xăm của người mang biểu thị sự thừa kế, phả hệ, địa vị xã hội và kiến thức của người đó. Vùng cằm biểu thị uy tín; vùng hàm đại diện cho thân phận; vùng trán biểu thị thứ bậc; khu vực xung quanh thái ương biểu thị tình trạng hôn nhân; vùng xung quanh mắt và mũi thể hiện bộ tộc; môi trên thể hiện chữ ký cá nhân của người đó.
4. Những hình xăm của người Trung Quốc
Nói đến hình xăm, quan điểm chung của cả Trung Quốc hiện đại lẫn Trung Quốc cổ đại đều cho thấy sự liên quan đến những người bị kết tội, nô lệ, kẻ cướp và tội phạm thuộc thế giới ngầm.
Tuy nhiên, những vùng phía Nam của đất nước đã cởi mở hơn với hình thức nghệ thuật này. Ngoài ra còn có một số bộ lạc ở Trung Quốc đã xăm mình từ nhiều thế kỷ.
Ví dụ: người Độc Long có lịch sử xăm mình kéo dài khoảng 350 năm. Khi họ bị các bộ tộc láng giềng tấn công, những phụ nữ sẽ xăm mặt của họ để làm cho xấu đi và không bị bắt làm nô lệ.
Mặt khác, người đất Đại đã xăm rất nhiều hình xăm trên hai bàn tay, cánh tay và lưng của họ. Ở mỗi bộ phận trên người, cũng như các hình xăm, đều có những ý nghĩa đặc biệt.
5. Hình xăm của người Ireland
Từ thời Trung cổ ở châu Âu, nhiều bộ lạc châu Âu như Celt, Germanic, Viking và Pict đều đã xăm hoặc sơn mình. Phần nhiều những kiểu mẫu của họ lấy cảm hứng từ thế giới thiên nhiên cũng như xã hội chung quanh họ.
Nhưng không có ví dụ nào còn sót lại cho đến ngày nay. Tuy nhiên, dường như người Ireland là những người thừa kế chính của truyền thống châu Âu xưa cũ này.
Hình xăm Cây Celtic của Sự Sống bắt rễ sâu trong kỹ thuật xăm của các giáo sĩ Druid (giáo sĩ trong xã hội Celt cổ đại, người Celt là những cư dân đầu tiên ở Ireland) và nó thể hiện một nhịp cầu giữa các thế giới.
Hình xăm Nút Dara, hay còn gọi là Nút Cây Sồi theo tiếng Gaelic (tiếng Ireland), mô tả một hệ thống gốc rễ phức tạp và thể hiện như một lời nhắc nhở về sức mạnh và sự ổn định tuyệt vời khi phải đối mặt với nghịch cảnh. Hình ảnh con cá hồi được xem là biểu tượng của sự khôn ngoan, nội tâm và kiến thức sâu sắc.
Hình ảnh con chim đại diện cho tự do và giải thoát, trong khi con bướm tượng trưng cho sự biến đổi, tái sinh và bình an. Nổi bật nhất là chiếc Thánh giá Celtic. Tuy không rõ về nguồn gốc ban đầu, nhưng được cho là đã xuất hiện vào thế kỷ 9.
Người ta cũng tin rằng thánh Patrick đã đưa ra mẫu thiết kế kết hợp chiếc Thánh giá Thiên Chúa giáo với những họa tiết nghệ thuật địa phương, như một hình thức Thiên Chúa giáo hóa Ireland.
6. Những hình xăm Nhật Bản
Nước Nhật có một lịch sử thăng trầm với hình xăm. Bằng chứng khảo cổ cho thấy hình xăm đã được sử dụng sớm nhất từ thời đồ đá cổ.
Các tài liệu của Trung Quốc từ khoảng năm 300 sau Công nguyên cũng đề cập đến việc người Nhật sử dụng hình xăm như một phương tiện để phân biệt địa vị trong xã hội.
Nhưng sau giai đoạn đó, các hình xăm bắt đầu chủ yếu mang những ý nghĩa tiêu cực, chẳng hạn như trong giới tội phạm hay trong một loại hình phạt. Chỉ trong thời kỳ Edo (1600-1868) hình thức xăm hiện đại của người Nhật mới phát triển.
Những hình xăm của Nhật thường là những quang cảnh lớn và phức tạp lấy cảm hứng từ những câu chuyện triết học hay thần thoại được tìm thấy trong vở kịch, tiểu thuyết hoặc văn bản lịch sử. Các nghệ sĩ xăm cũng chọn mực để thực hiện quang cảnh.
Xăm mình bị xem là bất hợp pháp vào năm 1868 với lý do là hành động man rợ. Sau đó, nó được hợp pháp hóa vào năm 1948 nhưng vẫn còn nhiều kỳ thị.
- Xem thêm: Xăm mình: Tốt hay xấu?
Các hình xăm Nhật Bản có mối liên kết chặt chẽ với thế giới ngầm, nhất là với Yakuza (Mafia Nhật). Ở Nhật, các cửa hàng xăm rất hiếm, đa số nằm gần các khu du lịch và các căn cứ quân sự của Mỹ.
Năm 2012, thị trưởng thành phố Osaka cấm các nhân viên nhà nước không được xăm mình. Đa số các hồ bơi cũng cấm người mang hình xăm hoặc phải che đậy chúng.
7. Các hình xăm Thái Lan
Các hình xăm truyền thống ở Thái Lan được cho là bắt nguồn từ Đế chế Khmer, vào thế kỷ thứ 9 Công Nguyên. Có tên là Sak Yant, truyền thống này là sự hòa trộn của Phật giáo, Ấn Độ giáo, những bùa chú, những huyền thoại cũ đã biến đổi qua các thế kỷ thành một nghi thức ngày nay do các nhà sư thực hiện tại những ngôi chùa trên khắp đất nước.
Sức mạnh của những hình xăm được xem là ban tặng cho người mang, không chỉ đến từ bản thân mẫu họa tiết, nhưng còn bởi những lời cầu nguyện được đọc liên tục trong suốt quá trình xăm.
Dụng cụ được sử dụng là một thanh tre dài 0,9m với một đầu bằng kim loại, vị tu sĩ dùng nó gần tương tự như một cây cơ chơi bida.
Có hàng trăm kiểu thiết kế truyền thống, phần nhiều trong số đó mô tả những động vật như cọp, rồng, rắn, báo, hoặc phượng hoàng.
Tuy nhiên, tất cả đều được lồng vào những câu thần chú và thiền đạo thích hợp, người ta cho rằng nhờ đó sẽ đem lại cho người được xăm những quyền lực thích hợp.