Đại hiệp Kim Dung không những làm rạng rỡ văn học Hoa ngữ, đưa tiểu thuyết võ hiệp bước lên lâu đài rực rỡ của văn đàn thế giới, còn là nhà văn duy nhất chỉ nhờ vào cây bút mà trở thành tỉ phú.
Không ít doanh nghiêp đã coi “Văn hóa võ hiệp” của ông là khuôn vàng thước ngọc, Tập đoàn Alibaba là người nổi bật nhất trong các “đệ tử” của ông.
“Tây Hồ luận kiếm”
Người sáng lập Alibaba chính là Jack Ma (Mã Vân). Theo tạp chí Forbes, với gia tài 45,3 tỉ USD, ông xếp thứ 3 Trung Quốc (TQ) và thứ 20 thế giới. Ma và Kim Dung cùng là đồng hương TP. Ninh Ba, tỉnh Chiết Giang, TQ.
Năm 1999, Alibaba mới được thành lập. Năm 2000, khi Ma còn chưa nổi danh, Kim Dung đã bỏ ra 3 giờ tiếp kiến Ma và đề tự tặng cho Ma biệt danh “Hành Không”. Một tháng sau, Jack Ma gọi điện mời Đại hiệp đến trấn giữ Luận đàn CEO internet toàn cầu tại Hàng Châu.
Ma đang hồi hộp chờ đợi thì ngày 10-9, Đại hiệp đã phơi phới đến bờ Tây Hồ, trở thành sự kiện trọng đại, được ghi nhận là “Tây Hồ luận kiếm” lần thứ I, đã đặt cơ sở vững chắc cho Ma trong công nghệ thông tin (IT), đồng thời quảng bá thương hiệu Alibaba.
Đại hiệp quả là có cặp mắt tinh đời, nhận biết anh hùng từ thuở hàn vi, nên sau này thành danh nhìn lại, Ma đã vô cùng cảm khái: “Không có Kim Dung, không thể có Ali ngày nay”!
Yết kiến Kim Dung không phải chuyện dễ, chủ trang EasyNet Đinh Lỗi cũng là fan cuồng nhiệt của Kim Dung, thành danh sớm hơn Ma cũng ôm hận vì chưa một lần được thụ giáo Đại hiệp. Nhà Kim Dung học nổi tiếng nhất nước ta Vũ Đức Sao Biển cũng chưa gặp được Kim Dung dù chỉ một lần.
“Tây Hồ luận kiếm” lần thứ I cũng đã góp phần thúc đẩy hình thành “3 chàng ngự lâm pháo thủ” internet gồm Đinh Lỗi, Trương Triều Dương và Vương Chí Đông (còn Ma đóng vai d’Dartagnan?), cả ba đều trở thành tỉ phú, lên sàn chứng khoán Mỹ, trở thành câu chuyện được mọi người truyền tụng, thế mới biết năng lượng của Đại hiệp tỏa ra không hề nhỏ.
Dư âm “Tây Hồ luận kiếm” lần thứ I vẫn còn vang vọng đâu đó, ngày 21-10-2001, “Tây Hồ luận kiếm” lần thứ II lại đến. Khi đăng đàn, Kim Dung tự nhận mình là người cổ hủ, dốt đặc về vi tính. Tuy không biết gì về IT, nhưng ông đã giúp các đại gia giải quyết được nỗi tâm tư.
Ông cười thật tươi: “… Hết vốn rồi tính sao bây giờ? Trong truyện võ hiệp có bọn tà đạo biết hút công lực đối phương. Công ty IT cũng phải thu hút đầu tư nước ngoài, lấy vốn sinh lời, nhưng ta khác ở chỗ, ta là chính phái, có vay có trả.
Trong Ỷ thiên đồ long ký, Trương Vô Kỵ phải nhờ đạo trưởng Trương Tam Phong truyền cho nội lực mới cải tử hoàn sinh”. Ma và Đinh Lỗi chỉ biết há hốc mồm thán phục.
Về sau, “Tây Hồ luận kiếm” được tổ chức hằng năm, nhưng đề tài thiên về an ninh mạng. Mặc dù, Kim Dung không còn tham gia nữa, nhưng luận đàn vẫn mang tên “Tây Hồ luận kiếm”, khiến một luận đàn lớn mang đậm dấu ấn giang hồ!
Năm 2003, Alibaba thành lập hệ thống mua sắm trên mạng taobao.com (Đảo bảo, nghĩa đen là đãi cát tìm vàng).
Năm 2004, để khích lệ người bạn vong niên, Kim Dung đã gửi thư tay đề tự “Bảo khả bất đào. Tín bất khả khí” (Vàng có thể không đãi, chữ tín không thể bỏ). Cùng năm, Alibaba đề xuất dùng Lục mạch thần kiếm làm quan niệm giá trị của xí nghiệp, bắt nguồn từ danh tác Thiên long bát bộ của Kim Dung.
Năm 2006, tám anh chàng tâm đầu ý hợp mang tên “Giang Nam hiệp khách” thành lập Hội Giang Nam, căn nhà cũ kỹ ngay bờ hồ Tây Hàng Châu làm trụ sở. Kim Dung đã múa bút đề tự “Giang Nam hội”.
Tám anh chàng IT đã ban hành quy tắc: Nếu ai gặp sự cố bất thường, chỉ cần phát ra “Lệnh giang hồ”, các thành viên khác bất kể đang ở đâu, đều có nghĩa vụ ra tay cứu giúp. Tám hiệp khách IT đó bao gồm cả “ba chàng ngự lâm pháo thủ” internet, mỗi người đều có một tấm “Lệnh giang hồ”.
Tám chàng hiệp khách IT đều là những nhân vật thành danh, Ma chỉ đứng tên chót bảng, nhưng nhờ vào đó, Ma đã phát triển Alipay thành phương tiện thanh toán điện tử hàng đầu TQ.
Ngày 3-10-2016, nhân dịp mừng thọ Kim Dung 92 tuổi, Jack Ma nhân danh Chủ tịch HĐQT Alibaba gửi tới Đại hiệp lời chúc thọ.
Ông viết: “Tinh thần võ hiệp của Kim Dung có ảnh hưởng sâu sắc tới văn hóa xí nghiệp Alibaba. Đã là đàn ông, nhất định phải đọc tiểu thuyết Kim Dung”.
Ma viết tiếp: “18 chàng hảo hán sáng lập Alibaba của chúng tôi thì có tới 17 người mê truyện Kim Dung. Truyện của ông giàu sức tưởng tượng, đầy tinh thần nghĩa hiệp… Những người tôi thích nhất là Thạch Phá Thiên trong Hiệp khách hành, anh ta thành thật nhưng cố chấp; ngoài ra, tôi cũng thích Phong Thanh Dương trong Tiếu ngạo giang hồ, ông là người thầy ưu tú”.
Quản lý xí nghiệp bằng… Lục mạch thần kiếm
Khu vườn Alibaba ở ngoại ô TP. Hàng Châu, trên vùng đất ngập nước rộng 26ha, trông như một công viên lớn, toàn bộ mở cửa cho du khách tham quan.
Bước vào cổng phía nam, ta thấy một quần thể có kết cấu thủy tinh, lấp lánh dưới ánh nắng, như trận đồ bát quái, lạc vào trong khó bề tìm lối ra.
Thật ra, vườn Ali chỉ có sáu tòa nhà, chiều cao dưới 30m, nối thành một đường thẳng dài 1km trên không gian hình chữ nhật. Trong không gian đó, có đầy đủ nơi làm việc, phòng họp, thư viện, sân thể thao, ngân hàng, bưu điện, canteen…
Không những có thể thỏa mãn mọi nhu cầu cơ bản của nhân viên, còn có thể tùy ý thư giãn khi làm việc căng thẳng,
Jack Ma từng nói: “Alibaba có gốc ở Hàng Châu, nhưng lá cành tỏa ra khắp thế giới”. Khu vườn Ali ngay cạnh Công viên Ngập nước Hàng Châu, cách tuyệt với cảnh huyên náo đô thị bên ngoài.
Mặc cho giá cổ phiếu công ty lên xuống ra sao, tình hình thị trường biến động thất thường, nhân viên Ali vẫn bình chân như vại, như sống ở chốn đào nguyên.
Giá trị văn hóa xí nghiệp được J. Ma đúc kết thành “Lục mạch thần kiếm”. “Lục mạch thần kiếm” là một chiêu thức huyền ảo trong Thiên long bát bộ, không áp dụng cho bất cứ loại binh khí cụ thể nào, mà là cách dùng nội lực tự thân đánh bại đối thủ. Cựu CEO của General Electric Jack Welch (Mỹ), người được Ma hết sức sùng bái từng viết cuốn sách Sứ mệnh, Viễn cảnh và Giá trị (Mission, Vision and Values) đã trình bày những quan điểm tương đồng với “Lục mạch thần kiếm” theo quan điểm Ma.
Hệ thống giá trị “Lục mạch thần kiếm” gồm sáu bộ phận hợp thành như sau:
- Khách hàng trên hết. Hàng vạn công nhân viên (CNV) Ali hầu hết đều tham gia bán hàng trên mạng, đông hơn nhiều so với các đối thủ cạnh tranh có khuynh hướng kỹ thuật như Tengxin, Baidu, nên đối với Ali, phỏng vấn gặp mặt trực tiếp là phương thức tiêu thụ mấu chốt.
- Tinh thần đồng đội. CNV Ali thường xuyên tổ chức các sinh hoạt tập thể như thi ca hát, thể thao, du lịch… nhằm siết chặt đội ngũ. Nhiều công ty chỉ chú trọng kết quả doanh thu, còn làm sao đạt được kết quả đó là việc riêng của từng CNV; còn Ali thì làm theo quy trình ngược: CNV muốn được bao nhiêu đơn đặt hàng mỗi tháng, buộc phải phân tích chi tiết mỗi ngày cần làm việc gì, những việc “với không tới”, Ali sẽ cử người kèm cặp hoặc hỗ trợ theo kiểu “sư phụ dắt đồ đệ”. Kết quả là hiệu suất lao động được nâng cao, cá nhân nổi bật sẽ được tuyên dương, được tiền thưởng và cao nhất là tặng xe hơi đời mới.
- Đón nhận thử thách. Bất quản thành tích CNV ra sao, Ali kiên quyết thực hiện chế độ luân phiên nghiêm ngặt, đón nhận thử thách mới. Truyền thống người TQ coi thất bại là đáng xấu hổ, nhưng Ma tiếp nhận giá trị văn hóa quản trị của Silicon Valley (Mỹ). Ông yêu cầu CNV mỗi khi gặp thất bại, phải in phù hiệu lên áo thun làm kỷ niêm.
- Thành tín. Mấy triệu thương gia nhờ cậy vào mạng alibaba.com để tiêu thụ sản phẩm, nhưng hàng ngũ giám quản Ali chỉ có vài ngàn người, nên Ma tối kỵ xảy ra hiện tượng hủ bại, đề cao thành tín với khách hàng, nên coi chế độ luân phiên là biện pháp phòng ngừa từ xa. Vệ Triết là một nhân tài IT, trước khi nhận chức CEO Ali, trong chín tháng ông đã thay đổi chức vụ bốn lần.
- Cảm xúc. Mượn lời một CNV Ali: “Chúng tôi ở chốn giang hồ, cần bầu nhiệt huyết”. So với các công ty khác, người Ali luôn sôi sục, thành khẩn, dám dấn thân.
- Tinh thần chí thú. J. Ma hay dùng khẩu hiệu “Làm việc vui vẻ, sinh hoạt thoải mái”. Ông đã mang không khí vui tươi, hài hước, khích động tinh thần chí thú sự nghiệp cho mọi người Ali, Ma đã thực hiện thành công giang hồ hóa, lãng mạn hóa ngành internet TQ.
Trong tay Ali có một cuốn danh sách, mỗi một thành viên nòng cốt đều được đặt một “biệt danh”, Ma tự phong Phong Thanh Dương (Tiếu ngạo giang hồ, người truyền dạy võ công cho Lệnh Hồ Xung), ngoài ra còn có các tên Tiêu Diêu Tử, Quách Tĩnh, Thiết Mộc Chân, Đông Tà…
Phòng họp mang tên đỉnh Quang Minh, nơi làm việc của Ma gọi là đảo Đào Hoa, toilette nữ gọi là “Thính vũ hiên” (nơi nghe mưa), toilette nam gọi là “Quan bộc đình” (đình xem thác)…
- Xem thêm: Tác giả võ hiệp Kim Dung qua đời
Tháng 7-2003, khi được đài CCTV phỏng vấn, Kim Dung nói, bia mộ ông sau này sẽ ghi: “Ở đây đã yên nghỉ một người, từng viết 15 bộ tiểu thuyết võ hiệp ở thế kỷ 20, được mấy trăm triệu người ưa thích”.
Giang hồ dưới ngòi bút Kim Dung là giang hồ ảo; dòng chảy hàng hóa (logistics) lại là giang hồ thực. Những “đại hiệp” quản lý doanh nghiệp, nhỏ thì quản lý môn phái, lớn thì quản lý quốc gia, mà “hiệp chí đại dã” (hiệp lớn nhất) chính là Đại hiệp Kim Dung.
Thương tiếc Đại hiệp
Kim Dung mất ngày 30-10, nhưng lễ an táng ngày 12-11 mới cử hành tại Nhà Tang lễ Hong Kong. Hội trường sử dụng gam màu toàn trắng, xung quanh di ảnh xếp bông trắng hình trái tim, hoàn biển đề bốn chữ “Nhất lãm chúng sinh” (quan sát khắp mọi người), hai bên tường là câu đối ẩn dụ tên tác phẩm của ông: “Phi tuyết liên thiên xạ bạch lộc/ Tiếu thư thần hiệp ỷ bích uyên”.
Lễ an táng hoàn toàn mang tính chất gia đình, không có mặc niệm cúng tế tập thể, không có nghi thức tôn giáo, cũng không có khách mời quyền cao chức trọng.
Trong số tân khách ít ỏi, ta dễ dàng nhận ra Jack Ma, chấp lễ như bậc đệ tử, phát biểu trên giấy bài điếu văn ngắn gọn (xem bài “Kim Dung – Đại hiệp trên các đại hiệp” của Lữ Khách, đăng trên Kiến Thức Ngày Nay số 1018).
Do người viếng quá đông, phải đặt sạp ngoài linh đường và huy động cảnh sát đến giữ trật tự. Nhà Tang lễ Hong Kong cũng lập ra “Kim Dung quán”, đặt bài vị ông từ ngày 12 đến 30-11, cho công chúng vào viếng hương hồn ông.
Vòng hoa của Ma có đề chữ “Nhất nhân giang hồ/ Giang hồ nhất nhân” (Giang hồ chỉ có một người/ Một người ngang dọc giang hồ). Các nhà lãnh đạo TQ Tập Cận Bình, Lý Khắc Cường, Trưởng Đặc khu Hong Kong… cũng đã gửi vòng hoa đến viếng. Trưa ngày 13-11, thi thể ông được hỏa táng tại chùa Bửu Liên.
Đại hiệp đã lặng lẽ ra đi, phóng khoáng và thanh thoát, để lại luyến tiếc cho biết bao người hâm mộ.