Nhằm cung cấp các thông tin cơ bản và mới nhất về Quy tắc xuất xứ hàng hóa trong các Hiệp định Đối tác kinh tế (EPA) và Hiệp định Thương mại tự do (FTA) đến các doanh nghiệp, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp vận dụng tối ưu và hiệu quả hơn trong xuất nhập khẩu, tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản (JETRO) ngày 22-5 đã tổ chức một buổi hội thảo tại TP. Hồ Chí Minh. JETRO và đại diện các cơ quan chức năng liên quan của Nhật Bản và Việt Nam đã giới thiệu về những ảnh hưởng có thể từ tình hình gần đây của các EPA/FTA (bao gồm Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương TPP, FTA Việt Nam – châu Âu) cùng những kiến thức cơ bản về quy tắc xuất xứ trong Hiệp định Nhật Bản – Việt Nam, Nhật Bản – ASEAN, cơ chế “Tự chứng nhận xuất xứ ASEAN” không cần giấy chứng nhận xuất xứ theo Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA).
Các quy tắc xuất xứ hàng hóa
“Quy tắc xuất xứ” là quy tắc quyết định nguồn gốc xác định xuất xứ của sản phẩm hàng hóa nhập khẩu. Theo đó, nhà nhập khẩu khi muốn thụ hưởng ưu đãi thuế quan trong Hiệp định FTA tại nước nhập khẩu thì phải dựa theo Quy tắc xuất xứ được quy định tại các Hiệp định EPA/FTA, chứng minh nguồn gốc xuất xứ hàng hóa tại nước sản xuất bằng “giấy chứng nhận xuất xứ” hàng hóa để được thụ hưởng các ưu đãi thuế.
Trong phần trình bày nội dung “Các cơ sở cấp giấy chứng nhận xuất xứ theo Hiệp định FTA”, ông Yoshitaka Kurihara – chuyên gia tư vấn đầu tư tại Văn phòng đại diện JETRO TP.HCM đã giải thích các khái niệm cơ bản như “hàng hóa xuất xứ hoàn toàn” là hàng hóa được sản xuất, nuôi trồng, thu hoạch toàn bộ kể từ nguyên liệu tại một quốc gia (ví dụ điển hình là hàng nông sản gồm động thực vật, hải sản, tài nguyên khoáng sản…), “hàng hóa được sản xuất bằng nguyên liệu không xuất xứ” là hàng hóa được sản xuất từ một phần hoặc toàn bộ nguyên liệu, linh kiện nhập khẩu từ nước thứ ba. Tiêu chí cụ thể có ba loại là chuyển đổi dòng thuế, giá trị gia tăng và quy trình gia công. “Hàng hóa được sản xuất từ nguyên liệu có xuất xứ” là hàng hóa được sản xuất tại nước ký kết hoàn toàn bằng nguyên liệu xuất xứ từ nước ký kết. Trong trường hợp sản xuất sản phẩm cuối cùng chỉ bằng linh kiện được sản xuất bởi nhà cung cấp linh kiện trong nước và linh kiện nội bộ thì sản phẩm cuối cùng sẽ không sử dụng nguyên tắc không xuất xứ.
Hội nghị xúc tiến đầu tư vào Việt Nam được tổ chức tại Tokyo vào 25-4 vừa qua thu hút nhiều nhà đầu tư Nhật Bản tham dự, chứng tỏ Việt Nam là một trong những thị trường được Nhật Bản quan tâm
Hình thức kiểm tra xuất xứ hàng hóa phải qua từng bước gồm kiểm tra sơ bộ, kiểm tra chi tiết và kiểm tra thực tế. Trong đó, các trường hợp phải nộp giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O) mà bà Lê Thị Hồng Ngọc – Cục Giám sát quản lý (Tổng cục Hải quan Việt Nam) cho biết gồm hàng hóa được hưởng thuế suất ưu đãi đặc biệt; hàng hóa nhập khẩu phải tuân thủ theo các chế độ quản lý nhập khẩu đặc biệt; hàng hóa nhập khẩu đang ở trong thời điểm có nguy cơ gây hại đến an toàn xã hội, sức khỏe của cộng đồng hoặc vệ sinh môi trường; hàng hóa nhập khẩu bị áp dụng thuế chống bán phá giá, thuế chống trợ giá, các biện pháp tự vệ, biện pháp hạn ngạch thuế quan, biện pháp hạn chế số lượng. Bà Hồng Ngọc cũng cho biết thêm, các lỗi mà doanh nghiệp thường mắc phải khi làm C/O là nộp C/O quá 30 ngày kể từ ngày đăng ký tờ khai hải quan; không khai báo đủ thông tin về biểu thuế đã áp dụng; chưa hiểu biết đầy đủ về các điều kiện và thủ tục để hàng hóa nhập khẩu được hưởng ưu đãi…
Những lợi ích của việc chủ động hội nhập kinh tế quốc tế
Với chủ trương “chủ động và tích cực hội nhập quốc tế”, nước ta đã và đang từng bước hội nhập vào nền kinh tế khu vực và thế giới. Từ khi gia nhập vào Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) vào tháng 1-2007, Việt Nam đã tham gia đàm phán, ký kết hàng loạt các EPA/FTA với nhiều đối tác khác nhau. Đối tác FTA đầu tiên và quan trọng nhất của Việt Nam là ASEAN. Thông qua ASEAN, Việt Nam đã lần lượt ký kết năm FTA giữa ASEAN với sáu đối tác lớn trong khu vực (FTA +1): Trung Quốc (2004), Hàn Quốc (2007), Nhật Bản (2008), Ấn Độ (2009), Úc và New Zealand (2009). Trên cơ sở các FTA +1 này, ASEAN và sáu nước đối tác đã quyết định khởi động đàm phán Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện (RCEP) từ năm 2013 và dự kiến hoàn thành trước năm 2016. Ngoài ASEAN, Việt Nam cũng đã và đang đàm phán các FTA/EPA song phương và khu vực với những đối tác thương mại quan trọng. FTA/EPA song phương đầu tiên của Việt Nam là Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện với Nhật Bản (VJEPA) có hiệu lực từ tháng 10-2009. Nhiều FTA song phương khác, đáng chú ý là TPP với 11 nước, trong đó có Hoa Kỳ, đàm phán FTA song phương với Liên minh châu Âu (EU), đàm phán FTA với Liên minh thuế quan (Nga, Belarus, Kazakhstan), đàm phán với Khối thương mại tự do châu Âu (EFTA), Hàn Quốc…
Công nhân Công ty Điện tử Foster (Nhật Bản) đang làm việc. Việc áp dụng FTA/EPA của Nhật Bản giúp tăng trưởng hoạt động xuất nhập khẩu với ASEAN, trong đó có Việt Nam
Việc này tạo nên những lợi ích về mặt thương mại, đặc biệt là thương mại hàng hóa – tác động trực tiếp và quan trọng mà các FTA này mang lại. Đồng thời cũng tạo thuận lợi cho chuỗi sản xuất khu vực, nguyên vật liệu đầu vào sẽ hưởng ưu đãi, tạo thuận lợi cho sản xuất trong nước. Về mặt đầu tư cũng có lợi là sẽ thu hút đầu tư trực tiếp (FDI) vào Việt Nam, mở rộng thị trường cho sản phẩm, dịch vụ của các nhà đầu tư. Có thể nói, hoàn tất đàm phán chuỗi FTA với các đối tác quan trọng sẽ tạo cơ sở vững chắc để nền kinh tế Việt Nam gắn kết chặt chẽ và toàn diện hơn nữa với các nền kinh tế khu vực và toàn cầu. Ông Triệu Lê Dũng – Phó cục trưởng Cục Chính sách thương mại đa biên (thuộc Bộ Công thương) cho rằng, sự chủ động của các doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp Nhật Bản hoạt động tại Việt Nam là điều kiện quyết định khả năng nắm bắt những cơ hội, lợi ích mà các FTA này mang lại.
[note color=”#a6a49d”]Việc áp dụng FTA/EPA của doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam làm cho nhiều doanh nghiệp Nhật Bản có kế hoạch tăng xuất nhập khẩu với ASEAN. Việc hình thành FTA có sự tham gia của 16 quốc gia đem lại triển vọng tự do hóa thương mại hàng hóa, thương mại dịch vụ, đầu tư mới giữa các quốc gia mà FTA song phương chưa có hiệu lực như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc… Dự báo trong thời gian tới, sẽ mở rộng đối tượng tự do hóa với các FTA song phương hiện tại. Trong bối cảnh ở mỗi Hiệp định FTA áp dụng các các quy định khác nhau như quy tắc xuất xứ, biểu thuế quan, danh mục hàng hóa… việc hạn chế FTA song phương và mở ra hợp tác FTA đa phương sẽ có những lợi ích được kỳ vọng như hình thành chuỗi cung ứng trên khu vực rộng (đang hình thành tại khu vực Đông Á), có chung một quy tắc thương mại đơn giản, thống nhất, tạo nên chuỗi cung ứng xuyên biên giới. Đồng thời, thúc đẩy các hoạt động trong và ngoài doanh nghiệp nhờ môi trường kinh doanh như dịch vụ, đầu tư, sở hữu trí tuệ được thống nhất.
Để tra cứu các thông tin chi tiết như quy tắc cụ thể cho từng danh mục hàng hóa, nội dung các Hiệp định EPA Nhật Bản tham gia, có thể xem tại website của Cục Hải quan Nhật Bản: http://customs.go.jp/kyotsu/kokusai/fta-epa_index.htm
[/note]Thuận An