Một website chuyên đăng các mẩu chuyện thường ngày trong môi trường doanh nghiệp đã giới thiệu câu chuyện có nội dung như sau:
Năm 1982, các nhà khoa học ở Đại học Wisconsin (Mỹ) tổ chức một cuộc nghiên cứu về quy trình học hỏi của người trưởng thành. Họ quay nhiều đoạn phim về hai đội bóng, sau đó cho các thành viên của từng đội xem kỹ các đoạn phim ấy để cải thiện các kỹ năng của mình. Điểm đáng chú ý là các đoạn phim được lựa chọn theo hai hướng ngược nhau.
Đội A nhận được một số đoạn phim chỉ về những tình huống thất bại của họ, còn đội B nhận được một số đoạn phim chỉ ghi lại các pha thành công của họ. Sau đó, các thành viên của hai đội tự đề ra cách cải thiện lối chơi. Kết quả mà họ thu được có khác biệt đáng kể: đội B đã cải thiện được gấp đôi kết quả so với đội A.
Kết quả đó được các nhà khoa học phân tích rằng khi chỉ tập trung vào các sai lầm của mình, có thể đội A sẽ có cảm giác mệt mỏi, từ đó sinh ra tình trạng hay đổ lỗi cho nhau về những sai lầm họ đã mắc phải và tâm lý luôn trong trạng thái thiếu phấn khởi, do đó không thay đổi được tình thế.
Ngược lại, khi tập trung vào những thành tích, các thành viên đội B rất hứng khởi thảo luận cách đạt được các kết quả tốt hơn bằng niềm sáng tạo, đam mê và khao khát thành công nên đã cải thiện được đáng kể thành tích.
Câu chuyện trên có lẽ không chỉ giới hạn trong phạm vi thể thao, mà còn có thể áp dụng qua những lĩnh vực khác. Chẳng hạn với các nhóm làm việc trong doanh nghiệp, nơi thành bại của các hoạt động cũng chịu ảnh hưởng của các yếu tố tương tự như vậy.
Khi các đội, nhóm nhận được những thông tin phản ánh các mặt thành công của mình, họ có thể cùng nhau bàn bạc, rút kinh nghiệm và học hỏi được từ chính các hoạt động trong quá khứ để cùng quyết tâm nâng cao hơn nữa thành tích trong thời gian tới.
Hóa ra, học hỏi không đơn thuần chỉ là việc rút kinh nghiệm từ các sai lầm, mà yếu tố tâm lý cũng đóng vai trò rất quan trọng. Mặt sáng của vấn đề, hay là các thành tích trong quá khứ luôn là khởi nguồn và chất gây men cho việc hướng tới những thành công mới trong tương lai.
Nếu các nhà quản trị doanh nghiệp vận dụng điều này vào việc tạo ra môi trường học hỏi và phát triển cho đội ngũ nhân viên của họ, ví dụ tập trung vào các kết quả tốt đã đạt được, cùng các nhân viên bàn bạc đổi mới cách làm việc thì có nhiều khả năng doanh nghiệp sẽ gặt hái được những thành công ở tầng nấc cao hơn.
Đành rằng việc học hỏi và phát triển vẫn phải dựa vào cả những thành công và thất bại, nhưng về mặt tâm lý, nói chung các nhân viên vẫn thích xuất phát từ những thành công hơn là từ những thất bại. Những cuộc chuyển hóa chất lượng công việc của các nhóm làm việc luôn xảy ra hằng ngày trong các doanh nghiệp và do đó, câu chuyện trên đây là một gợi ý về cách làm hiệu quả để mọi người có thể học hỏi và phát triển theo cách nhìn từ phía mặt sáng của vấn đề.
Người kể lại câu chuyện trên đã đi đến kết luận: Việc tập trung vào những gì có tác dụng tốt và thảo luận về cách làm thế nào thành công hơn nữa sẽ đánh thức được tiềm năng sáng tạo, niềm đam mê và khát vọng thành công của cả đội ngũ và đó mới là điều thật sự quan trọng.