Liệu bài toán chống ngập được giải quyết đến đâu, có giúp người dân bớt âu lo khi mùa mưa đang đến và nạn ngập lụt “đến hẹn lại lên”?
Người dân phải tự làm đê bao để ngăn nước vào nhà
Nhiều đơn vị cùng thi công nhưng…
Tình trạng ngập ở TP.HCM phát sinh cùng với quá trình quy hoạch và phát triển đô thị, có nghĩa là bộc lộ rõ từ khoảng đầu những năm 2000. Nằm ở hạ lưu hai con sông lớn là Sài Gòn và Đồng Nai, TP.HCM có hơn một nửa diện tích là vùng đất thấp, mạng lưới sông rạch chằng chịt nhưng hệ thống thoát nước lại thiếu nên chỉ cần triều cường hoặc lũ từ các sông lớn, hoặc có sự kết hợp giữa mưa, lũ và triều cường cao thì nhiều quận, huyện không tránh khỏi bị ngập.
Để giải quyết nạn ngập, UBND TP.HCM đã thành lập một số đơn vị triển khai việc chống ngập. Theo số liệu thống kê thực hiện từ năm 2003 đến 2011, thấp nhất là năm 2003, TP.HCM có 356 lần ngập tại 64 vị trí (vùng trung tâm chịu 348 lần ngập tại 62 vị trí), còn đỉnh điểm là năm 2007 với tổng số lần ngập là 984 tại 125 vị trí (vùng trung tâm chịu 869 lần ngập tại 107 vị trí). Các dự án chống ngập ban đầu được chia làm nhiều giai đoạn và kinh phí thực hiện được huy động từ nhiều nguồn, cả trong và ngoài nước. Đến năm 2008, do muốn tập trung về một đơn vị quản lý nên UBND TP.HCM quyết định thành lập Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập nước (TTCN), hiện đang thực hiện cải tạo kênh rạch vùng ngoại vi: kênh Ba Bò (Thủ Đức), kênh tiêu Đồng Tiến, rạch Cầu Suối (quận 12).
Sơ đồ hơn 100 điểm ngập lụt cần sớm giải quyết tại TP. Hồ Chí Minh
Trước đó, Ban Quản lý đầu tư xây dựng công trình giao thông đô thị thực hiện các dự án cải thiện môi trường nước (giai đoạn I), gồm các gói thầu cải tạo hệ thống thoát nước mưa bằng bơm, xây dựng cống bao, trạm bơm chuyển tiếp nước thải, xây dựng nhà máy xử lý nước thải 141.000m3/ngày, dự án cải thiện môi trường nước lưu vực kênh Bến Nghé – Tàu Hủ – Kênh Đôi – Kênh Tẻ (giai đoạn II).
Đối với các công trình, dự án nạo vét kênh rạch, ngoài kết quả nạo vét, khơi thông dòng chảy cho 92 tuyến kênh, rạch, cửa xả với tổng chiều dài trên 15km thì tiến độ thực hiện các công việc khác bị chậm trễ do nhiều nguyên nhân. Công trình vét kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè do Ban Quản lý dự án vệ sinh môi trường thực hiện, đã nạo vét 742.300m3 trên tổng số 781.595m3 (đạt 95%, khối lượng còn lại dự kiến hoàn thành vào tháng 6-2012). Kênh Tàu Hủ – Bến Nghé do Ban Quản lý đầu tư xây dựng công trình giao thông – đô thị thực hiện. Khối lượng nạo vét chưa đạt yêu cầu do gặp khó khăn trong việc giải tỏa hộ dân ở bãi đổ bùn Đa Phước (huyện Bình Chánh). Kênh Tham Lương – Bến Cát – Rạch Nước Lên do Ban Quản lý đầu tư xây dựng công trình (thuộc Sở NN &PTNN) mới đạt 79% khối lượng. Kênh Ba Bò do vướng có… ba hộ dân mà chưa giải phóng được mặt bằng, phải tạm ngưng thi công nên chỉ đạt 35%. Kênh Tân Hóa do Ban Quản lý đầu tư xây dựng công trình nâng cấp đô thị thực hiện còn đang chờ xét thầu. Việc nạo vét rạch Hàng Bàng do Ban Quản lý đầu tư xây dựng công trình giao thông đô thị thực hiện, nhưng được UBND TP.HCM yêu cầu điều chỉnh thiết kế thành kênh hở thay cho cống hộp nên chưa thực hiện.