Tổng giá trị giao dịch trên cả hai sàn HoSE và HNX trong tháng 4 liên tục giữ ở mức 2.000 tỉ đồng mỗi ngày, không hiếm phiên giá trị giao dịch vượt lên con số 3.000 tỉ đồng. Nhiều nhà đầu tư đánh giá dòng tiền như vậy là tạm ổn để giữ “hơi ấm” cho thị trường. Nhiều người cho rằng, một lượng tiền không nhỏ trước đây “trốn” ở các tài khoản tiết kiệm tại ngân hàng đã và đang tìm đến chứng khoán. So sánh với các kênh đầu tư quen thuộc như tiết kiệm, vàng, ngoại tệ, bất động sản, chứng khoán xem ra đang ở thế thượng phong bởi các kênh khác đều đáng kém hấp dẫn. Bất động sản với “cú hích” từ chính sách tín dụng tưởng chừng sẽ sớm có những chuyển động nhưng đến nay thị trường này vẫn bị bao trùm bởi sự thận trọng bởi những vấn đề không dễ gì giải tỏa trong ngày một ngày hai. Trong khi đó, lãi suất tiền gửi vào ngân hàng cũng đang ngày càng kém hấp dẫn. Chỉ trong khoảng một tháng, trần lãi suất huy động đã được điều chỉnh từ 14% xuống 13% rồi 12%. Xu hướng này được dự báo còn tiếp tục trong các tháng tới. Đến thời điểm này, vàng đã không còn là một kênh đầu tư như trước đây. Những quy định hạn chế về số lượng, chủng loại vàng, cấm thanh toán bằng vàng và hạn chế những đơn vị kinh doanh vàng không đủ tiêu chuẩn… khiến cho vàng mất đi vị thế trước đây. Chính vì thế, giá vàng trong nước liên tục đi xuống với độ dốc lớn hơn sự suy giảm của giá vàng thế giới.
Trong bối cảnh như vậy, thị trường chứng khoán đã phục hồi với tâm lý “không còn lựa chọn nào khác”. Dòng tiền tỏ ra khá sốt ruột sau những ngày án binh bất động, vì thế những nhịp điều chỉnh của thị trường khá nhanh và nhẹ nhàng. Cũng có ý kiến lo ngại cho sự bền vững của thị trường khi chứng khoán là một lựa chọn bởi dòng tiền không có kênh nào khác để chảy vào chứ không phải vì đã hội tụ những yếu tố cần và đủ. Lo ngại này là có cơ sở bởi nền tảng của thị trường là doanh nghiệp và hiệu quả sản xuất, kinh doanh lại đang trong tình trạng xập xệ, yếu ớt. Hoạt động sản xuất kinh doanh của đa số các doanh nghiệp trên tất cả các lĩnh vực đang trong tình trạng khó khăn, đình trệ. Dù lãi suất của các ngân hàng thương mại đã giảm xuống nhưng vẫn còn rất cao để doanh nghiệp tiếp cận, chưa kể đến việc nhiều doanh nghiệp không thể đáp ứng được các điều kiện để được vay vốn. Tăng trưởng tín dụng quý I mang dấu âm tới gần 2%, trong khi lãi suất liên ngân hàng và lãi suất tín phiếu liên tục giảm là những biểu hiện của suy giảm tăng trưởng.
Có lẽ giới đầu tư cũng thấu hiểu những khó khăn nội tại của doanh nghiệp cũng như thị trường chứng khoán. Điều này khiến cho sự hồi phục của thị trường trong tháng 4 có màu sắc của sự thận trọng. Tuy nhiên, với mức thanh khoản được cải thiện rất nhiều so với năm 2011 và khá ổn định, trong tình huống xấu thị trường cũng chỉ lình xình hoặc điều chỉnh nhẹ. Trong tháng 5, kỳ họp của Quốc hội sẽ giúp thị trường cân bằng hơn bởi sự “hiếu kỳ” và ý thích “đồn đoán” của giới đầu tư trước những vấn đề quan trọng sẽ được đưa ra Quốc hội xem xét, quyết định.
Khép lại tháng 4, nhu cầu chốt lời có vẻ gia tăng do tâm lý của nhiều nhà đầu tư muốn thực sự được xả hơi trong kỳ nghỉ. Như thường lệ, trước mỗi kỳ nghỉ lễ dài ngày, nhà đầu tư lại chia thành hai phe đối lập ủng hộ cho sự tăng – giảm của thị trường sau kỳ nghỉ lễ. Trên thị trường, hai nhóm cổ phiếu có diễn biến đáng chú ý là nhóm chứng khoán và nhóm khoáng sản. Ở nhóm chứng khoán, nhiều mã có xu hướng điều chỉnh giảm giá. Nhà đầu tư khá lo ngại về nhóm này bởi không biết sẽ còn bao nhiêu công ty chứng khoán sẽ rơi vào cửa “tử thần”. Còn nhóm khoáng sản đã nóng đến độ… bất thường do dòng tiền đầu cơ đang đặt cược lớn vào canh bạc này. Điều đó cũng đồng nghĩa với việc nhóm cổ phiếu khoáng sản đã trở thành cục than nóng và người nắm giữ sau cùng sẽ bị bỏng nặng.
Trong phiên giao dịch cuối trước kỳ nghỉ lễ (ngày 27-4), VN-Index tăng nhẹ lên 473,77 điểm, nhưng giá trị giao dịch lại giảm so với phiên trước đó. Có 84,2 triệu cổ phiếu được khớp lệnh với giá trị 1.283 tỉ đồng.
Song Hà