Thiệt thòi nhất sau chuyện ì xèo của những người làm kinh doanh nhạc Trịnh chính là tất cả khán giả – hàng triệu người dân yêu nhạc Việt Nam.
Trước khi Trịnh Công Sơn đặt bút viết nhạc, giả thử ông nghĩ bài này sẽ trình bày trên sân khấu hàn lâm. Người nghe phải là người giàu có, thành đạt, phải mua vé 5 triệu để vào đây ngồi thì ông sẽ viết nội dung thế nào? Liệu có phải tìm cái gì liên quan đến một thế giới kiểu như kinh doanh, làm ăn, dự án, bất động sản, du lịch hay tài chính?
Tôi tin nhạc sỹ khi viết nhạc chẳng nghĩ tới việc viết cho ai, mà nó thực sự là nhu cầu bày tỏ tự thân, những trăn trở sâu xa, những suy tư thầm kín của một con người bình đẳng với mọi người về sự tồn tại. Nhưng trong tâm hồn ông, điều ông quan sát, trăn trở là khi thấy «người phu quét đường dừng chổi lắng nghe», người già em bé, mẹ, người nông dân trên đồng chứ không thấy ông bà triệu phú nào.
Người ta nói cái gì từ trái tim thì sẽ đến trái tim, nên bài nhạc đó đụng đến sợi dây rung cảm sâu xa nhất của tất cả phận người và sức hút là tự nhiên. Thế nên mới có chuyện cả ngàn người đi theo xe tang đưa tiễn ông, những người tóc bạc, người trung niên, thanh niên thiếu nữ, cả em nhỏ… Có nhạc sỹ nào được như vậy?
“Âm nhạc tỏa sáng bằng tài năng và tấm lòng. Nó đưa mình tới đỉnh nào là tự nhiên chứ không phải bạn đưa bài hát vào nhà hát Opera thì nó thành nhạc thượng lưu», một nghệ sỹ lâu năm ở Sài Gòn bình luận, «Vậy thì đem bày nhạc Trịnh vào nơi hoành tráng, bán với giá đắt đỏ, làm PR theo kiểu lôi chuyện đời tư ra, biến đêm diễn thành sản phẩm cao cấp, tính tiền khán giả bằng độ sao của ca sĩ tức là đã thương mại hóa nó một cách quá đà».
Rồi giờ đây, vì tiền, chính những người làm nghệ thuật hành xử rất thiếu sự nền nã. Một bên không chịu trả tiền tác quyền nhưng vẫn đem nhạc Trịnh ra kinh doanh, thu giá vé khán giả rất cao. Một bên đi đòi tiền tác quyền, chưa hát cũng đòi, phải la to lên và tranh cãi với nhau, cự nự nhau từng chút, nhạc Trịnh giống như con cá mớ rau: 1,5 triệu đồng hay 2 triệu, hay 10 triệu mới là «cách tính khoa học»?
Định vị nhạc Trịnh ở cái gọi là hàng hiệu, đẩy giá vé lên cao vượt qua mặt bằng đời sống người dân và mong muốn thu hút những người vung tiền thể hiện sự sành điệu. Những người làm kinh tế nghệ thuật đã không khôn ngoan, có vẻ họ để cái đầu kinh doanh lấn lướt trái tim cảm nhạc mà quên mất rằng nhạc Trịnh rất bình dị, không cao xa, không hàng hiệu. Nó cần người hát giản dị mộc mạc và cả không gian đơn sơ chân tình. Người hâm mộ một nữ hoàng chân đất cầm micro, chắc chắn không phải một nhóm người kiểu cách.
Nhạc Trịnh giá bao nhiêu? hay những mặt hàng nghệ thuật giá bao nhiêu, trong trường hợp này không được định đoạt bởi người rao bán hay người muốn nâng giá lên bằng marketing mà quyền năng thuộc về hàng ngàn người con Việt Nam tuy đời sống còn chưa sung túc nhưng yêu mến âm nhạc của ông vô điều kiện.
Trịnh Công Sơn từng ước một giấc mơ hát cho đồng bào tôi nghe, chứ không phải hát cho nhà giàu đi xem. Vậy, ông có khi nào tự hỏi, muốn được nghe bài này sẽ là bao nhiêu? Muốn đem nhạc Trịnh ra biểu diễn sẽ thu tiền bao nhiêu cho cái gọi là tác quyền mà cách tính chẳng cần biết đến chuẩn mực nào. Hay muốn hát thì phải trả bao nhiêu? Vậy mà chúng ta đang làm gì nhau thế này?
Ở đây, vì tiền và cách ứng xử của những người làm kinh doanh văn hóa mà tiếng hát của Khánh Ly đã không được lan tỏa đến những người cần được nghe nhạc Trịnh trên khắp Việt Nam. Họ không có tiền vào Trung tâm Hội nghị nghe Khánh Ly hát, cũng không thể được xem qua truyền hình.
Thiệt thòi nhất sau chuyện ì xèo của những người làm kinh doanh nhạc Trịnh, không phải Trung tâm tác quyền, không phải ban tổ chức, mà chính là những nghệ sỹ chân chính với trái tim dễ tổn thương và tất cả khán giả – những người dân Việt Nam.
Vì Trịnh Công Sơn và Khánh Ly đã từng đến với mọi người, bất kể sang hèn bằng một cây đàn guitar, tấm áo dài đơn sơ, đôi chân đất nên mỗi tâm hồn người ở Sài Gòn này, tôi nghĩ đã luôn vấn vương cái hồn nhạc Trịnh.
Như lời người bạn của Trịnh Công Sơn, nhạc sỹ Nguyễn Ánh 9 nói «Tôi nghĩ nếu Trịnh Công Sơn còn sống, ông ấy sẽ không đòi tiền tác quyền». Ông là một người luôn có tâm tự nguyện với mọi người, ông luôn muốn âm nhạc của mình đến với người người, già trẻ lớn bé. Khi sống ông không cần tiền, giờ đây đã nằm an yên, liệu ông có cần tiền không?
Giả thử nếu số tiền tác quyền hay những sinh lợi từ di sản Trịnh Công Sơn để lại được sử dụng vào một quỹ dành cho nghệ thuật, những người làm nghệ thuật còn khó khăn, hay người già em nhỏ, xây dựng khu dưỡng lão, một nghĩa địa nghệ sỹ mà chúng ta hằng mong ước thay vì bị giành giật thì ý nghĩa biết bao!
Hồng Phúc (TBKTSG Online)