Kỷ lục này được Tổ chức Guinness Thế giới (có trụ sở ở London, Anh) chứng nhận vào tháng 4-2018, giới thiệu với công chúng vào ngày 30-5-2018 và do nữ sinh Krshaana Rawat (sống tại Jaipur, thủ phủ bang Rajasthan, Tây Ấn Độ) phá đổ tại Jaipur vào ngày 21-4-2018.
Krshaana Rawat trình làng vở kịch Mystical magical Adventures – The Lost Key (Những cuộc phiêu lưu huyền bí và kỳ diệu – Chìa khóa bị đánh mất) do em sáng tác và gây tiếng vang ở Ấn Độ.
Chính thức trở thành nhà soạn kịch chuyên nghiệp khi em mới… 10 tuổi 255 ngày (tính đến ngày 21-4-2018)!
Vở kịch này đã được em tưởng tượng bay bổng và soạn kịch bản suốt sáu tháng. Nội dung vở kịch nói về một cô bé có tên Tinky được gặp gỡ và đánh thức bởi bốn sinh vật thần bí Agarthites.
- Xem thêm: Những kỷ lục thế giới thú vị về rubik
Các sinh vật này đã đưa cô vào cuộc phiêu lưu kỳ diệu để cứu một nàng tiên bị bắt cóc và tìm thấy chìa khóa bị đánh mất.
Đây là vở kịch sân khấu theo phong cách Broadway, dài 85 phút với năm phân cảnh thay đổi và hơn 40 diễn viên, vũ công (chủ yếu là trẻ em) tham gia diễn xuất, trong đó Krshaana Rawat cũng đồng thời đảm nhận vai chính.
Họ đã mất bốn tháng để tập luyện vở kịch nhuần nhuyễn cùng nhau, với sự hỗ trợ nhiệt tình của Shreya Rai Rawat – mẹ của Krshaana Rawat, đồng thời là chuyên gia sản xuất kịch danh tiếng của Ấn Độ.
Vào ngày 21-4-2018, vở kịch được công diễn lần đầu tại Thính phòng Birla ở Jaipur với hàng trăm người xem. Swapnil Dangarikar, giám sát viên của Tổ chức Guinness Thế giới ngồi trên hàng ghế khán giả đầu tiên, chăm chú xem kịch và xác minh kỷ lục.
“Vở kịch này rất chuẩn mực và chuyên nghiệp, sân khấu và trang phục được thiết kế phức tạp, lộng lẫy và sinh động. Có cả hình ảnh sáng tạo chiếu bằng ánh sáng laser đầy mê hoặc”, Swapnil nói.
Sau khi được Swapnil trao bằng chứng nhận kỷ lục Guinness thế giới mới, Krshaana Rawat cho biết: “Cháu rất vinh dự khi phá kỷ lục “Nhà soạn kịch trẻ tuổi nhất thế giới”. Điều này làm cháu thêm phấn khích và là động lực để cháu trau dồi, phấn đấu nhiều hơn nữa, nhằm gặt hái thêm nhiều thành công trong nghề trong tương lai”.
- Xem thêm: “Lý Tiểu Long Nhật Bản”
Krshaana là con một, đang sống với ông bà, cha mẹ và hai chú chó cưng, đồng thời là học sinh lớp 6 tại Trường Quốc tế Jayshree Periwal ở thành phố Jaipur, đam mê đọc sách, đặc biệt là truyện và tiểu thuyết, từ khi lên 4 tuổi.
“Gia tài” của Krshaana có hơn 500 bộ truyện giả tưởng và thần tiên dành cho thiếu nhi mà cô bé đã đọc nghiền ngẫm chúng rất nhiều lần.
Mỗi dịp sinh nhật Krshaana, người thân và bạn bè đều tặng cô bé sách hoặc voucher mua sách, theo đúng ý thích của cô bé.
Các tác giả mà cô bé yêu thích gồm có J.K. Rowling (sinh năm 1965, nhà văn Anh, tác giả bộ truyện giả tưởng Harry Potter lừng danh thế giới), David Walliams (sinh năm 1971, nhà văn kiêm nhà soạn kịch vui kiêm diễn viên và người dẫn chương trình nổi tiếng của Anh) và Rick Riordan (sinh năm 1964, nhà văn Mỹ, tác giả bộ truyện Percy Jackson và các vị thần trên đỉnh Olympus – Percy Jackson & the Olympians kể về cuộc phiêu lưu của một á thần, con của Poseidon, bộ truyện được dịch sang 37 thứ tiếng, bán được hơn 30 triệu bản và hãng điện ảnh Twentieth Century Fox đã chuyển thể hai trong số năm tập của bộ truyện này thành phim).
“Năm lên 8 tuổi, cháu bắt đầu viết truyện ngắn, với sự hướng dẫn của mẹ Shreya của cháu, một nghệ sĩ sân khấu. Từ đó cháu nâng cao kỹ năng viết, chuyển sang viết kịch bản sân khấu.
Điều này rất khó với một đứa trẻ như cháu, nhưng do chăm chỉ rèn luyện và được mẹ chỉ bảo tận tình, cuối cùng cháu cũng lĩnh hội được những kiến thức nền của nghề soạn kịch. Cháu đã soạn được vở kịch đầu tiên khi cháu học lớp 3. Sau đó, cháu và các bạn cùng lớp đã cùng nhau diễn vở kịch ấy thành công”, Krshaana nói.
- Xem thêm: Những người có khả năng phi thường
“Chúng ta – những bậc bố mẹ làm việc trong lĩnh vực nghệ thuật nói chung và ngành sân khấu nói riêng – cần khuyến khích con cái chúng ta tiếp nối nghề nghiệp của chúng ta.
Nếu con trẻ thích thú với nghề, chúng sẽ có nhiều tiềm năng phát triển và giúp cho ngành sân khấu – kịch truyền thống của Ấn Độ cũng như nhiều nước khác không bị mai một, lụi tàn trong thời đại bùng nổ giải trí online như hiện nay”, bà Shreya Rai Rawat nhận định.