Theo những thăng trầm trong công việc, đến một thời điểm nào đó, ai cũng nhận ra là mình có một tiếng tăm riêng, không lẫn vào đâu được. Kèm theo những cảm xúc thú vị, còn có những lo âu về điều này. Chris Komisarjevsky, một cây bút chuyên viết lĩnh vực này, trong bài báo đăng ở tạp chí về nguồn nhân lực SHRM năm 2012, với nhan đề “Mind Your Reputation” (nghĩ về tiếng tăm của mình), đã chia sẻ như sau: “Nếu bạn hỏi những người mà bạn ngưỡng mộ xem tiếng tăm có là một yếu tố quan trọng trong nghề nghiệp không, thì câu trả lời chắc chắn sẽ là “có”. Còn hỏi họ xây dựng điều ấy thế nào thì thường nghe nói đến thời gian phải bỏ ra và việc phải giữ gìn điều ấy ra sao, vì một tiếng tăm tốt có thể đổ vỡ tan tành chỉ trong phút chốc”.
Ai cũng có tiếng tăm, dù họ đã biết rõ hay không. Người khác nói về tiếng tăm của bạn, lấy đó để phán đoán về bạn, hoặc thử đánh giá mức độ tốt đẹp của nó. Việc chủ động xây dựng một tiếng tăm tốt sẽ giúp bạn làm vai trò một người quản lý tốt hơn và sẽ hỗ trợ cho nghề nghiệp của bạn.
Chris Komisarjevsky cũng đã trích dẫn phát biểu của Celia Berk, giám đốc quản lý nhân tài của Tập đoàn Young & Rubicam: “Khi tôi phỏng vấn một người hoặc đánh giá hiệu quả công việc của họ thì tôi mong tìm thấy một con người có đạo đức trong công việc, ham học hỏi và dũng cảm đeo đuổi những gì mình tin tưởng”.
- Xem thêm: Câu chuyện chức danh
Theo ông, tiếng tăm tốt không thể xây dựng theo một công thức. Tuy không có những bước đi nhất định, nhưng luôn có những hướng dẫn bổ ích cho việc xây dựng này.
Quan trọng là chất lượng
Tiếng tăm được nâng cao hay tàn lụi đi đều là từ tính cách, giao tiếp và lòng tin. Chris Komisarjevsky đề cập ngắn gọn đến tám điều sau:
• Thành thật với mọi người. Không ai thích hoặc ngưỡng mộ một con người chỉ toàn là “xoay trở”. Hãy thật lòng thật dạ.
• Đã nói là làm. Đã cam kết, thì thực hiện. Không có ngoại lệ. Bạn sẽ được phán đoán qua giá trị của bạn và bạn được tin tưởng chỉ khi bạn thực hiện điều đã hứa.
• Các mối quan hệ nghề nghiệp là rõ ràng. Có một văn hóa luôn rộng mở.
• Quan tâm đến truyền thông xã hội. Các thiết bị số ngày nay và con người truyền đi điều tốt xấu chỉ trong nháy mắt.
• Lắng nghe trước, rồi mới nói sau. Hỏi han về quan điểm của người khác.
• Nhận trách nhiệm. Làm sai thì phải nhận lỗi.
• Đứng từ góc độ cá nhân. Rộng mở để hiểu và trân trọng trải nghiệm của người khác. Biết quan tâm. Biết chăm sóc đội ngũ.
• Chia sẻ quyền hạn, trách nhiệm và lòng tin. Không sợ trao quyền cho người khác. Để họ cùng mình vượt qua thách thức.
Bảo vệ tiếng tăm
Chris Komisarjevsky cũng nhận định xây dựng một tiếng tăm tốt là chưa đủ mà còn phải bảo vệ và duy trì tiếng tăm. Hãy tự hỏi mình là có luôn hành động nhất quán để tạo thuận lợi cho việc có được tiếng tăm tốt không? Nhân viên mình cảm thấy ra sao khi họ làm việc với mình? Họ có hết mình không? Họ có được mình chia sẻ quyền hạn không? Họ có mạnh dạn nói lên vấn đề và giải pháp với mình không? Họ có thôi cảm thấy bất an khi gặp sai lầm không?
Nếu đúng là đã có được những điều ấy thì họ sẵn sàng đi cùng trời cuối đất với mình không? Và đó mới đúng là tiếng tăm của mình.
Cách mà Chris Komisarjevsky tóm tắt về tiếng tăm cho thấy hầu như ai lâu nay cũng biết những điều tương tự. Vấn đề là khi có dịp nhìn lại, như Chris Komisarjevsky đã điểm qua, thì có vẻ là việc này luôn cần một lời nhắc nhở từ bản thân từng người về hành động mỗi ngày của họ với điều mà họ luôn mong là tốt đẹp: tiếng tăm…