Khi nhận một công việc, thực hiện công việc đó rồi cho đến lúc bàn giao kết quả công việc, người lao động thường có những cảm xúc nào đó. Vì vậy, trong môi trường doanh nghiệp, nếu chỉ chú ý đến công việc mà quên mất những cảm xúc có liên quan thì đôi khi đó là đầu mối dẫn đến xung đột.
Một trong những biểu hiện về tình trạng này là sự thiếu đồng cảm giữa nhà quản trị và nhân viên trong quá trình trao đổi thông tin ngay từ khi giao việc cho đến những lần báo cáo kết quả công việc về sau. Có thể lấy câu chuyện dưới đây để minh họa cho nhận định trên.
Đông ngồi thừ người trước bàn làm việc, giấy tờ rơi vãi dưới sàn nhà nhưng cũng không buồn nhặt lên. Đầu óc anh đang theo đuổi một việc khác, đó là sốt ruột chờ đợi sự xuất hiện của người trưởng phòng. Hôm nay anh định bụng sẽ thẳng thắn đối mặt với sếp. Sáng hôm qua, sau khi nhận được email mà trong đó trưởng phòng giao cho một việc bên ngoài chức năng nhiệm vụ của mình, Đông rất bực bội.
- Xem thêm: Nên giao việc cho nhân viên khi nào?
Mắt Đông cứ dán vào chiếc đồng hồ treo tường. Rời mắt khỏi đồng hồ treo tường thì anh ta lại tập trung sự chú ý vào tay nắm cánh cửa phòng làm việc. Đông biết có thể các đồng nghiệp xung quanh đang thắc mắc về thái độ hôm nay của anh, nhưng ngay cả mấy người bạn thân cũng không thấy ai nói gì, mà dường như im lặng chia sẻ sự căng thẳng. Càng đợi lâu thì tiếng đồng hồ càng vang to như chọc tức Đông.
Cuối cùng thì tay nắm cánh cửa cũng được xoay nhẹ. Trưởng phòng bước vào. Đông lập tức ra đòn tấn công mạnh mẽ bằng giọng nói đủ lớn cho cả phòng cùng nghe:
– Anh à, việc anh giao tôi hôm qua sai rồi. Tôi không phụ trách việc này. Quá vô lý. Tôi trả lại nó cho anh đấy!
Trưởng phòng tròn mắt nhìn Đông, rõ ràng là chưa hiểu chuyện gì đang xảy ra. Đông lại tiếp tục:
– Anh giao việc mà không hề biết là ai đang phụ trách việc gì. Việc mà cứ bắn lung tung như vậy làm sao tôi chịu được?
Thế rồi ánh mắt của người trưởng phòng cũng chứng tỏ được ông đã hiểu ra vấn đề. Ông đi về phía Đông, nhẹ nhàng đặt tay lên vai anh:
– Đông à, anh có xem email tôi gửi chiều hôm qua không, khoảng trước 5 giờ ấy? Tôi cũng đã đồng thời chuyển nó cho mọi người có liên quan rồi mà!
Một tràng cười nổi lên đâu đó trong phòng làm việc. Mặt Đông đỏ lên. Đúng là anh chưa đọc email ấy!
Hóa ra, cũng vì sợ hiểu lầm trong sự phân công nhiệm vụ nên trưởng phòng đã gửi thêm email nhằm “chốt” lại quyết định, trong đó nói rõ là Đông không phải phụ trách công việc mới ấy, mà là người khác trong cùng phòng.
Email đến chậm và lại không được Đông đọc kịp thời nên cảm xúc nóng giận của anh cũng có thể thông cảm được. Tuy nhiên, cần thấy rằng sự mất đồng bộ khi trao đổi công việc qua email đã gây ra sự hiểu lầm đáng tiếc đó. Lẽ ra, người trưởng phòng nên dùng tin nhắn hoặc một cú điện thoại trực tiếp để báo cho những ai có thể hiểu lầm biết rằng có thêm email nữa đã gửi đi lúc 5 giờ chiều.
Rõ ràng, khi giao việc, nhà quản trị không chỉ cần tập trung đề cập đến công việc, mà còn phải chú ý đến cả cảm xúc của những người được giao nhiệm vụ thực hiện. Có khi, vì một lý do tế nhị, nhiệm vụ được giao cho nhân viên B chứ không phải nhân viên A, dù nhân viên A vững về chuyên môn hơn.
Trên đây là câu chuyện chú trọng vào cảm xúc của nhân viên khi họ nhận việc từ trên xuống, còn những cảm xúc đi kèm với tình huống nhận báo cáo kết quả công việc từ dưới lên sẽ được chia sẻ vào dịp khác.