Sóc Trăng vào dịp Chôl Chnăm Thmây năm nay, phum sóc đâu đâu cũng vang vọng những giai điệu của dàn nhạc ngũ âm, chùa tháp đông đảo tín đồ, cờ phướn đủ màu tung bay dưới nắng gió.
Đây đó là những hàng quán bán đồ ăn thức uống quen thuộc và rất riêng, nào bún nước lèo, bánh ống, bánh dứa, bánh canh…
Dăm chiếc xe bán bong bóng cùng đồ chơi, hoa giả, vài cái kẹp, cái cột tóc, những món lặt vặt khác và chen lẫn trong chúng là các tấm tranh thờ lồng khung hình Đức Phật bằng cả tranh in công nghiệp lẫn những bức vẽ thủ công trên kiếng. Đó là nghệ phẩm mà người Khmer chọn mua để trang hoàng cho ngôi nhà nhân dịp năm mới.
Hỏi ra mới biết những tranh kiếng tuyệt kỹ còn treo trong các gia đình người Khmer ở Vũng Thơm là của nghệ nhân Thạch Thị Phiên. Bà còn có nghệ danh Thanh Lan và là vợ của nghệ nhân vẽ tranh thời danh Sơn Bonne.
Nghệ nhân Sơn Bonne (1946-2013) là nghệ nhân vẽ tranh kiếng đầu tiên ở Vũng Thơm thuộc ấp Phước Thuận, xã Phú Tân, huyện Châu Thành, tỉnh Sóc Trăng.
Trước kia, ông tu ở chùa Bốn Mặt (Sóc Trăng) rồi học chữ ở bên Trà Vinh. Lúc ấy, có ông thầy bên Thái Lan qua Trà Vinh dạy vẽ và ông lại theo học thêm nghề vẽ. Ông bắt đầu vẽ vào khoảng năm 17 tuổi, đồng thời với việc dạy chữ ở chùa Bốn Mặt (Sóc Trăng).
Nghệ nhân Khmer này rất tài hoa, không chỉ vẽ tranh kiếng Phật giáo mà còn vẽ tranh thờ, tranh chúc tụng cho người Việt, người Hoa.
Ông còn vẽ tranh kiếng của nhà thờ Xoài Đôn (Thăm Đôn, Mỹ Xuyên, Sóc Trăng), tranh tường cho chùa Champa, chùa Bốn Mặt (Sóc Trăng), chùa Sà Tón (Tri Tôn, An Giang)…
Do là người đồng hương nên nghệ nhân Thạch Thị Phiên (sinh năm 1948) biết Sơn Bonne từ lúc còn nhỏ, sau đó bà qua phụ tô tranh rồi được chỉ việc vẽ tranh. Dần dà theo thời gian, họ bén duyên yêu nhau và kết hôn vào năm 1954.
Khi ấy, ông vẽ bà tô màu. Những tranh đề tài quen thuộc được nhiều người ưa chuộng, nhu cầu lớn, làm không xuể thì bà phụ ông bắt chỉ (tức vẽ nét hình họa), rồi đem đi bán đây đó.
Kể từ khi kết hôn, ông Sơn Bonne lấy tên hiệu là Thanh Lan, tức nghệ danh của vợ mình. Vợ chồng ông trở thành nghệ nhân chuyên vẽ tranh kiếng, không làm nghề gì khác.
Khi đến vụ nông nhàn, người trong phum sóc muốn tô tranh kiếm thêm thu nhập nhờ ông bà bắt chỉ tạo hình cho, rồi bày cho người ta cách tô màu để hoàn chỉnh nên sản phẩm, đa phần ở làng nghề này chỉ chuyên tâm vào việc tô màu tranh.
Bà kể: “Ổng vẽ tài lắm, cái gì ổng cũng vẽ được hết. Ổng biết chữ, còn mình thì không. Ông vẽ mẫu chữ Hán cho những tấm câu đối rất hay, từ nét này nét kia mà ổng ghép thành mẫu chữ vẽ rất đẹp.
Nhưng tiếc là ông không còn, ông nhà tôi mất đã năm năm rồi chứ cô mà nhìn thấy ổng vẽ thì cô mê lắm, nét mảnh uốn lượn đều tay lắm”. Bà nói mà giọng thoáng nghẹn ngào.
Rồi bà tiếp: “Hồi đó, còn trẻ khỏe, cô biết không, tôi bưng vài chục khuôn tranh kiếng đi bộ bán, đi cùng hết, cùng làng cùng xóm bán hết rồi mới về”.
Khi được hỏi về kỹ thuật vẽ tranh kiếng, bà cũng cho biết: “Vẽ tranh kiếng trước tiên phải bắt chỉ, tức vẽ những đường viền hình họa, mấy cái đường đỏ, xám bạc và đen này nè”.
Bà vừa nói vừa lôi tôi đi chỉ cho mấy tấm tranh kiếng đã bắt chỉ đang phơi bên hiên nhà. Ai giỏi thì họ bắt chỉ trực tiếp lên kiếng luôn, không thì dựa theo mẫu vẽ trên giấy rồi theo đó mà can lên, đem phơi khô, khi đường chỉ đã khô thì đem vào tô màu.
Người sơn màu giỏi thì vờn bóng tạo khối, chỗ sáng chỗ tối trên hình họa, thì mình dùng cọ chấm vào màu chính, muốn tạo chỗ sáng thì nhúng 1/3 cọ vào sơn màu sáng hơn rồi tô, tạo bóng tối thì cũng y vậy.
Ngày nay người ta còn dán thêm các mảng giấy trang kim cho các chi tiết hình họa lấp lánh, thiêng liêng.
- Xem thêm: “Vẽ” và điêu khắc bằng hạt cườm
Bà cho biết: “Kiếng vẽ tranh thường là kiếng 3 li, khổ kiếng thông thường là 40 x 60cm còn không nhỏ hơn thì 30 x 40cm”.
Rồi bà hào hứng cho biết: “Tranh kiếng của vợ chồng tui vẽ bán được tới Cà Mau luôn đó, cũng có người bên Campuchia tới đặt vẽ để mang đi bán, hay như mối Hùng bên Đồng Tháp qua đặt, có lúc đến 50 bức Wisồwan (vị Thiên vương phương Bắc chưởng quản việc trấn trạch và tài lộc) đem đi đấy”.
Bà cũng cho biết thêm: “Bây giờ, giá sỉ một bức tranh kiếng là 350.000 đồng bao gồm cả khung trong khi công, vật tư này nọ như sơn, kiếng, khung, giấy trang kim đã hết 280.000 đồng rồi, nặng nhất là tiền khung, đặc biệt là khung nhôm giá thành cao.
Ngày xưa thì chủ yếu là làm khung bằng gỗ tạp do chú Bonne tự làm nhưng không bền chắc như khung nhôm bây giờ đâu”.
Sơn để vẽ tranh kiếng từ đó đến giờ đều là sơn Bạch Tuyết, mua về là pha màu tô luôn chứ không thêm thắt pha màu gì hết.
Do dùng sơn nên tùy theo mùa mà làm được nhanh hay chậm: mùa nắng nóng thì làm nhanh, còn mùa mưa thì sơn không khô nên lâu lắm.
Bà cho biết một bức tranh kiếng xài bền, được hơn 50 năm. Bà vừa nói vừa chỉ bức tranh vẽ Phật tọa thiền dưới cội bồ đề để trên bàn thờ, rồi đứng dậy lôi trong góc nhà ra bức tranh Phật thuyết pháp cho chư thiên của chồng bà ra cho tôi xem.
Vừa phủi phủi bức tranh, bà cầm bức tranh giơ lên cao soi rồi hỉ hả nói: “Đó cô thấy không chùi hết bụi đi là trông như mới, đố ai biết là vẽ đã lâu lắm rồi đâu, ông Sơn vẽ đó, thấy đẹp không cô?”.
Khi được hỏi những đề tài, hình họa vẽ chủ yếu trên tranh kiếng, bà vào trong buồng lôi ra một xấp hình mẫu vẽ nét trên nylon lẫn giấy phim trong mờ và cả giấy pelure được cất cẩn thận trong bọc, vừa mở từng tờ giấy mẫu bà vừa nói: “Người ta đặt vẽ tranh gì thì mình vẽ tranh đó thôi, ngày xưa thì có vẽ tranh chân dung, mình vẽ tay chân, cái mình với trang phục sampot cho người Khmer hay áo dài khăn đóng/áo bà ba cho người Việt và cảnh trí thường là ngồi trong nhà, hoặc trước nhà bên bàn nước, phía sau là tủ thờ với các đồ điện tử hiện đại lúc bấy giờ như máy cas-xét, tivi, radio, bên phải là cánh cửa sổ mở ra không gian bên ngoài.
Mẫu này có lúc vẽ một người (ông/bà) hay hai người (cả ông và bà) thì mình chừa cái mặt ra không vẽ. Vẽ lên kính xong đâu đó rồi thì mình cắt cái mặt trong hình chụp do khách gửi, dán vào tranh là xong. Giờ hình chụp rẻ và đẹp hơn nhiều nên không ai đặt vẽ mẫu này nữa”.
Kiểu tranh chân dung này cũng nhiều kiểu như chúc mừng đám cưới: vẽ hình bán thân người vợ cùng người chồng lồng trong khung hình oval trang trí hoa lá với dòng chữ “hạnh phúc”. Loại tranh kiếng này là một dạng tranh truyền thần.
Bên cạnh đó cũng thấy những hình mẫu vẽ người không có mặt trong phục trang của một người bộ đội cầm súng, chư tăng hay có cả mẫu người cỡi trên môtô.
Người Khmer Nam bộ theo Phật giáo Nam truyền; do đó, điện thờ không là một tập hợp chư Phật, Bồ Tát, La Hán đông đảo như Phật giáo Bắc truyền mà chủ vào đối tượng chính yếu là Đức Phật lịch sử Thích Ca Mâu Ni.
Nhưng mẫu Đức Phật tọa thiền dưới cội bồ đề được vẽ nhiều nhất, bán cho cả người Việt, Hoa và Khmer. Bên cạnh đó, các mẫu phổ biến khác là Phật thuyết pháp cho chư thiên hay Ngũ Phật.
Tranh Ngũ Phật – thể hiện chư Phật ba đời, trong đó có Đức Phật Thích Ca của đời hiện tại. Số lượng các vị Phật quá khứ trong kinh điển Phật giáo không thống nhất: 3.000 vị Phật, 28 vị Phật, bảy vị Phật…
Đối với Phật tử Khmer thì cõi Nam Diêm Phù Đề (tức địa cầu của chúng ta) đã có bốn vị Phật đã ra đời đó là: Phật Câu Lưu Tôn (Krakucchanta), Phật Câu Na Hàm Mâu Ni (Kanakamuni), Phật Ca Diếp (Kasyapa) và Phật Thích Ca Mâu Ni (Sakya Muni).
Ngoài ba vị Phật quá khứ và vị Phật hiện tại (Sakya Muni) còn Phật tương lai là Phật Di Lặc (Maitreya) sẽ ra đời vào kiếp kế tiếp. Phật Maitreya là vị Bồ tát duy nhất được nhìn nhận bởi Phật giáo Nam truyền. Tranh Ngũ Phật thể hiện năm vị Phật ba đời này.
Còn Phật thoại kể về lai lịch năm vị Phật này là câu chuyện phổ biến trong Phật tử Khmer. Chuyện kể: Hai vợ chồng quạ xây tổ trên một cây ở gần bờ sông.
Một hôm, vợ chồng quạ đi kiếm mồi thì chẳng may gặp bão không về được. Trận bão đã cuốn tổ quạ cùng với năm quả trứng theo trận cuồng phong.
Bão tan, hai vợ chồng quạ kiếm tổ không thấy đâm đầu xuống đất tự tử chết và cả hai đều tái sinh ở cõi thiên đàng.
Năm quả trứng trôi theo dòng nước: một quả được gà mái đem về nuôi, một quả rắn đem về, rùa, bò và sư tử mỗi con đem về nuôi một trứng.
Trứng nở ra người, sau trở thành Phật Kakoksantho, Phật Konakomono, Phật Kasabò, Phật Kôtamô và Phật Seiàmétrai và mỗi vị đều mang theo tên mình và các con vật đã nuôi nấng mình. Họ gặp nhau và sống hạnh phúc bên nhau.
Cha mẹ họ thành thần trên cõi thiên bèn hiện hình quạ trắng để các con nhìn nhận và bảo họ rằng để nhớ tới cha mẹ hãy in “dấu chân quạ”, tức hình chữ thập vào những vật cúng lễ.
Tranh Ngũ Phật của bà được vẽ theo khổ ngang, năm vị Phật được xếp dài hàng ngang với Phật Di Lặc/Maitreya trong trang phục của một vị thái tử với với mũ kim khôi nhọn đầu, ngồi bên trên ngai bệ có hình vẽ một con hổ hay simha/sư tử thể hiện chính giữa bức tranh.
Còn các vị Phật khác trong trang phục tu sĩ ngồi bên trên ngai bệ có hình vẽ lần lượt là gà trống, rắn/naga, rùa, trâu/bò. Trong kinh văn Phật giáo Nam truyền, năm vị Phật thuộc bộ Ngũ Phật trên đây là năm vị Phật cuối cùng của kiếp/kappa phúc lạc nhất.
Bên cạnh đó, còn có những tranh kiếng về cuộc đời Đức Phật như Phật đản sinh, Đám cưới hoàng gia, Ra cổng thành gặp cảnh lão-bệnh-tử-tu tập, Cuộc ra đi vĩ đại, Phật cắt tóc đi tu, Phật nhận bát cháo sữa, Phật-rắn Mucalinda, Phật thuyết pháp cho cha, Phật thuyết pháp cho vợ con, và đặc biệt là tranh Đức Phật sau khi thuyết pháp cho mẹ ở cung trời Đao Lợi/Tusita trở về trần gian.
Hình tượng Đức Phật lịch sử Thích Ca Mâu Ni đặc trưng của Phật giáo Nam tông thường đắp y hở một bên vai.
Ngoài đối tượng trung tâm này, hình ảnh cung đình, cây trái hoa lá được cách điệu theo phong cách riêng và khung cảnh chùa tháp Khmer đặc trưng.
Tranh của bà Phiên cũng có các vị thần linh của người Khmer như Witsôwan, Nữ thần Đất Preah Thorani, Nữ thần Hồn Lúa Niêng Prôlưng Srâu. Tranh Witsôwan trấn trạch là Tỳ Sa Môn Thiên Vương/Vaisravana thống quản phương Bắc, chủ tướng của bộ chằn Dạ xoa (yasha) rất uy mãnh.
Tranh vẽ Witsôwan cơ bản có dạng “quỷ hình” (hiểu là chằn/ yăk/ yasha), có một đến ba đầu và 10 tay cầm 10 bửu bối khác nhau: gậy, cung, tên, chỉa ba, đoản đao, dáo, dao quắm, bánh xe răng nhọn, dây trói… Thần mặc trang phục võ tướng, đứng trên lưng cọp vàng trong tư thế sẵn sàng chiến đấu.
Còn mẫu về Nữ thần Đất Preah Thorani, Nữ thần Lúa được bà sáng tác sau này, tùy thuận theo nhu cầu của đại chúng mới thịnh hành một hai thập niên gần đây.
Nữ thần Đất Preah Thorani bản địa này thấy được đề cập trong Phật thoại khi Đức Phật lúc này là thái tử Siddhartha đang thiền định thì Mara (Ma Vương) đến quấy phá. Hắn đòi sự làm chứng từ các vị thần về công đức mà ngài đạt được.
Khi đó, Siddhartha đã gọi Nữ thần Đất Preah Thorani, biểu thị bằng thủ ấn với bàn tay phải trong tư thế xúc địa. Đất chuyển động ầm ầm và hiện lên là Nữ thần Đất đảnh lễ tôn kính và minh chứng cho công đức tích lũy được của ngài.
Do Ma Vương ngoan cố, Nữ thần Đất xõa lọn tóc và tuôn ra một dòng nước lũ nhấn chìm đội quân của Mara.
Hình tượng Nữ thần Đất nghiêng mình xoắn vặn mái tóc dài của mình cũng trở thành hình mẫu trên tranh kiếng với nhiều canh cải và dụng công trang trí mỹ lệ.
Tranh vẽ Nữ thần Lúa thể hiện nữ thần trong trang phục hoàng gia, đội mũ miện, sáu tay (hai tay chấp lại phía trước, hai tay cầm liềm và hai tay cầm cành bông lúa), bốn chân và mang một đôi cánh thiên thần.
Người Khmer gọi nữ thần lúa này là Niêng Prôlưng Srâu. Bà cũng cho biết hình tượng của vị thần này thông thường là một cô gái (niêng: nàng) cỡi trên con cá thác lác, tay cầm bó lúa vẫn thấy được thể hiện trên bích họa ở một số ngôi chùa Phật giáo Nam tông Khmer ngày xưa.
Bà kể cho tôi câu chuyện Cá thác lác đi xin lúa gắn với vị thần lúa này: “Ngày xưa, lúa tự sinh sôi và kết hạt ngoài đồng và cứ đến mùa lúa chín, chúng tự động bay về nhà.
Mọi người, cứ sắp đến ngày lúa về, đều phải quét dọn nhà cửa sạch sẽ để đón lúa. Có một phụ nữ lười biếng nọ đã không lo dọn dẹp gì cả nên lúa bay về cả đàn định đổ xuống lại quày quả trở ra đồng.
Bà ta bộp chộp vớ lấy chổi đuổi theo, kêu réo lúa trở lại với lời lẽ không được thanh nhã, và khi thấy lúa không quay lại, bà ta lấy chổi vung tứ tung xua đuổi lúa.
Lúa hoảng sợ bay vào núi trốn trong một khe đá hẹp. Năm ấy, cả vùng mọi nhà đều đói khổ. Cá thác lác vì thương con người đã len lỏi vào sâu để nài nỉ thần lúa về. Cá vất vả đến nỗi thân hình cá phải dẹp lép và trầy trụa như ngày nay chúng ta thấy!
Và dù được cá trấn an đủ điều, thần Hồn Lúa chỉ dám về ngoài đồng ruộng, con người phải cúng lễ, phải gồng gánh vất vả lúa mới về nhà”.
Bà cũng cho biết rằng hạt lúa xưa kia to bằng quả dừa, giận người lười biếng mà vỡ ra thành từng hạt nhỏ…
Ngoài ra, bà còn có mẫu tranh về 12 con giáp đại điện cho các năm nhưng hiếm hoi thấy trong một vài ngôi nhà người Khmer treo nơi cửa buồng.
- Xem thêm: Đào Thành Dzuy với tranh giấy dó
Trong tín niệm của người Khmer, mười hai con giáp này, con mèo được thay bằng con thỏ vẽ trong những vòng tròn xếp theo thứ tự sáu con giáp ở phía trên và sáu con giáp ở bên dưới.
Ngoài tranh Khmer, bà cũng nhận vẽ cho đám lễ người Việt thì có mấy mẫu Tân Hôn hoặc cảnh Rồng Phụng, con ngựa, con nai thì chủ yếu là đặt làm, nhưng nay không còn mẫu. Đó là điều bà lấy làm tiếc.
Nghề vẽ tranh kiếng giờ không còn thịnh đạt như xưa. Giờ cũng không có mấy người làm nghề này bởi theo nghề thì phải cố công tập rèn, cực mà không được bao nhiêu, trẻ thì đi mần nghề khác khá hơn.
Riêng bà thì vẽ tranh đã là nghề là nghiệp rồi nên bà cố duy trì… và không thôi niềm mơ ước một ngày tranh kiếng được phục hồi.
Bà cho biết, dạo trước, phường xã có xuống nói nhà nước có dự định mở trường kêu tôi truyền nghề cho giới trẻ mà không biết có ai học không nữa. Việc này nghe như mới chỉ là kế hoạch, dự án mà thôi.