Theo dự báo của Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP. Hồ Chí Minh, kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm từ gỗ năm 2016 của Việt Nam có thể đạt khoảng 7,6 tỉ USD, tăng 10% so với năm 2015. Dù vậy, tại các hội thảo liên quan đến ngành gỗ diễn ra trong tuần qua, nhiều chuyên gia lại liên tục đưa ra những cảnh báo về nguy cơ tụt hậu của ngành gỗ Việt Nam so với các nước xung quanh. Với một loạt thay đổi về yêu cầu của thị trường quốc tế khi Việt Nam hội nhập sâu hơn, hoạt động xuất khẩu gỗ có thể không duy trì được tốc độ tăng trưởng như những năm vừa qua nếu bản thân doanh nghiệp không tự thay đổi và ngành thiếu những chính sách hỗ trợ phù hợp từ Nhà nước.
Cẩn trọng với làn sóng đầu tư từ Trung Quốc
Trao đổi với báo chí bên lề hội thảo Ngành công nghiệp chế biến gỗ mở rộng cơ hội xuất khẩu diễn ra sáng 4-10 vừa qua, ông Nguyễn Tôn Quyền, Phó chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam cho biết gỗ Việt hiện đã có mặt trên 120 quốc gia và vùng lãnh thổ, nhưng gỗ xuất khẩu chủ yếu bán được giá FOB (là giá tại cửa khẩu của bên xuất. Giá này chưa bao gồm chi phí bảo hiểm và vận chuyển hàng hóa tới cảng của bên nhập) chứ chưa bán được giá CIF (là giá tại cửa khẩu của bên nhập. Giá này đã bao gồm chi phí bảo hiểm, vận chuyển hàng hóa tới cửa khẩu của bên nhập). Giá FOB rẻ hơn nhiều lần so với bán theo giá CIF. Đây là điều khiến nhiều doanh nghiệp trăn trở. Muốn khắc phục điều này cần có thời gian và nguồn lực bởi doanh nghiệp phải nâng cao sự chuyên nghiệp, hiểu rành rẽ thương mại quốc tế, giải trình tất cả các yêu cầu của phía nhập khẩu…
Trước mắt, nhiều công ty gỗ trong nước đang lo lắng vì giá bán thấp khiến họ buộc phải trả lương công nhân thấp hơn các doanh nghiệp FDI. Thực trạng này khiến tình trạng thiếu hụt lao động tay nghề cao sẽ càng trầm trọng trong thời gian tới, khi mà nhiều doanh nghiệp chế biến gỗ của Trung Quốc đang chuyển hướng đầu tư sang Việt Nam để được hưởng lợi từ FTA Việt Nam – EU, TPP. Ở một hội thảo khác, ông Võ Trường Thành – Chủ tịch HĐQT Công ty Gỗ Trường Thành cho rằng với nhiều hiệp định thương mại mới mở ra, thuế xuất khẩu vào các thị trường sẽ được ưu đãi nhưng doanh nghiệp cũng đối mặt với nhiều thách thức. Bởi lẽ, các doanh nghiệp từ Trung Quốc, Thái Lan… sẽ sang Việt Nam đầu tư để tận dụng cơ hội từ TPP. Khi đó, áp lực cạnh tranh càng gay gắt và làm cho lợi thế lớn của ngành là công nhân giá rẻ sẽ mất đi nhanh chóng.
Trước làn sóng đầu tư của doanh nghiệp Trung Quốc, đồ gỗ nội thất của Việt Nam xuất vào thị trường Mỹ đang đứng trước nguy cơ bị điều tra, đặc biệt khi gần đây báo chí Mỹ đưa tin Trung Quốc đang coi Việt Nam như là nơi để né thuế chống bán phá giá đồ gỗ. Theo giám đốc một doanh nghiệp gỗở Bình Dương, doanh nghiệp nước ngoài lẩn tránh thuế bằng cách mở nhà máy hoặc liên doanh với doanh nghiệp Việt Nam. Họ nhập hàng bán thành phẩm, sau đó gia công, sơn phủ, bao gói… rồi xuất đi, với nguồn gốc xuất xứ như một sản phẩm 100% Việt Nam. Hệ quả là một số nước nhưẤn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ… đã điều tra về lẩn trốn thuế, áp thuế chống bán phá giá trên một số sản phẩm gỗ tấm, gỗ dán Việt Nam. Trên thực tế, theo quy định của Mỹ, chỉ cần doanh nghiệp gỗ Trung Quốc dời sản xuất sang nước khác và xuất hàng ồạt sang Mỹ thì đây đã là hành vi lẩn tránh thuế chống bán phá giá. Vì vậy đây là vấn đề rất nguy hiểm cho cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam.
Lợi thế cạnh tranh về giá sẽ giảm
Hơn mười năm qua, giá thành rẻ là yếu tố quan trọng giúp xuất khẩu gỗ Việt Nam luôn đạt mức tăng trưởng cao. Tuy nhiên, bên cạnh chi phí nhân công tăng cao, những khó khăn về nguồn nguyên liệu sẽ khiến ngành chế biến gỗ giảm khả năng cạnh tranh về giá. Thị trường Mỹ và EU chiếm khoảng 50% tổng kim ngạch xuất khẩu của ngành chế biến gỗ Việt Nam và khó khăn lớn nhất hiện nay đó là việc doanh nghiệp phải chứng minh nguồn gốc gỗ hợp pháp. Khi đó, doanh nghiệp trong ngành cần phải quy trình hóa chuỗi cung ứng, yêu cầu trình độ quản trị chuyên nghiệp hơn. Việc thực hiện trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp cũng khắt khe hơn để chứng minh nguồn gốc gỗ xuất sang các nước thành viên EU là hợp pháp. Trên thực tế, phần lớn gỗ nguyên liệu của nước ta được nhập từ nhiều quốc gia trên thế giới với mức độ rủi ro về khai thác gỗ bất hợp pháp khác nhau. Khi doanh nghiệp phải khắt khe hơn trong chọn lựa nguồn gỗ, giá gỗ nguyên liệu sẽ tăng. Ngoài ra, đối với nguyên liệu gỗ rừng trồng ở trong nước về mặt lý thuyết là gỗ hợp pháp nhưng việc thực hiện các thủ tục pháp lý, hành chính… để chứng minh là gỗ hợp pháp không hề đơn giản trong bối cảnh việc thực hiện thủ tục hành chính, thực thi các chính sách của Việt Nam vẫn còn nhiều vấn đề cần cải thiện.
Đối với các doanh nghiệp, bài toán cho việc đảm bảo tiêu chuẩn xuất xứ, tiêu chuẩn sản phẩm chất lượng cao thì đáp án vẫn là nguồn vốn. Lãi suất ngân hàng hiện vẫn còn cao so với các nước lân cận, doanh nghiệp muốn tiếp cận các nguồn vốn vay dài hạn vẫn còn khó, hạn chế vốn dẫn đến việc máy móc thiết bị sản xuất không được cải tiến, chất lượng và giá thành sản phẩm thấp, sức cạnh tranh yếu. Vòng lẩn quẩn này cần được tháo gỡ để doanh nghiệp tiếp cận hiệu quả một thị trường rộng lớn hơn, yêu cầu cao hơn. Một thực trạng khác khiến ngành gỗ Việt Nam khó tăng trưởng bền vững là năng suất lao động còn thấp: bằng 50% của Philippines, 40% năng suất lao động của Trung Quốc. Các doanh nghiệp khi tuyển lao động phải tốn nhiều chi phí cho việc đào tạo lại. Dù vấn đề đào tạo đã được đặt ra hơn mười năm trước, đến nay Việt Nam vẫn chưa có trường nghề nào đào tạo nghề chế biến gỗ một cách quy củ.
Cần chính sách hợp lý để giữ thị trường
Tại hội thảo Tận dụng không gian chính sách để hỗ trợ các ngành kinh tế nội địa: Trường hợp của ngành chế biến xuất khẩu gỗ và ngành bán lẻ diễn ra ngày 7-10 tại TP. Hồ Chí Minh, bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập thuộc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho hay việc hỗ trợ cho doanh nghiệp ngành gỗ vẫn có thể thực hiện được, kể cả sau khi các FTA thế hệ mới có hiệu lực. Bà Thu Trang nhấn mạnh: “Nếu chúng ta không nhanh chóng xây dựng chính sách hỗ trợ cho ngành gỗ, có thể thành tích của ngành gỗ có được trong quá khứ sẽ không còn tiếp diễn”.
Theo ông Tô Xuân Phúc, chuyên gia của tổ chức Forest Trend thì Nhà nước có thể thực hiện trợ cấp về nghiên cứu, đào tạo, cơ sở hạ tầng mà không bị hạn chế. Nhà nước có thể hỗ trợ cụ thể tới các doanh nghiệp thông qua quỹ hỗ trợ, cho doanh nghiệp vay để cải tiến công nghệ sản xuất, khuyến khích và tạo chuỗi liên kết giữa khâu trồng rừng, khai thác và chế biến gỗ cũng là yếu tố rất quan trọng để thay đổi về chất trong ngành sản xuất, chế biến gỗ xuất khẩu trong tương lai. Thực tế, khoảng 80% thị phần đồ gỗ, nội thất trong nước lại thuộc về các công ty đa quốc gia, công ty vốn đầu tư nước ngoài (FDI). Do đó, trên thị trường nội địa, ngành chế biến gỗ Việt Nam đang bị lấn át bởi sản phẩm đồ gỗ nhập khẩu hoặc sản phẩm sản xuất theo mẫu mã nhập từ nước ngoài như Trung Quốc, Malaysia, Thái Lan… Vì vậy, theo các chuyên gia, cần nhanh chóng có chính sách tổng thể của Nhà nước như khuyến khích đầu tư vào ngành bằng chính sách thuế, khuyến khích xuất khẩu; hình thành các khu hay cụm công nghiệp chế biến gỗ.
Cũng theo ông Tô Xuân Phúc, mặc dù ngành gỗ đang hội nhập sâu rộng với thị trường thế giới, chất lượng hội nhập của ngành chế biến gỗ vẫn còn những hạn chế, và điều này có liên quan trực tiếp đến các rủi ro cho các doanh nghiệp hiện đang tham gia thị trường. Chất lượng hội nhập ở đây được hiểu là tính chủ động của các doanh nghiệp khi tham gia hội nhập thị trường. Bên cạnh đó, các tương tác trực tiếp với thị trường xuất khẩu chủ yếu được thực hiện trực tiếp bởi người mua nước ngoài. Hội nhập thụ động không những đặt các doanh nghiệp vào vị thế bất lợi trong các giao dịch thị trường mà còn tiềm ẩn các rủi ro khi tham gia các thị trường xuất khẩu.
Từ góc độ quản lý, với vai trò kiến tạo, xúc tiến cho doanh nghiệp chủ động tham gia thị trường, Chính phủ cần tạo môi trường thuận lợi cho hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, thông qua các hoạt động nâng cao tay nghề, tăng chất lượng lao động. Bên cạnh đó, Chính phủ cũng cần đưa ra những chính sách đặc thù cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, đặc biệt là các cơ chế ưu tiên về đào tạo tay nghề, vốn sản xuất kinh doanh và công nghệ. Ngoài ra Chính phủ cần có chiến lược trong việc lựa chọn các doanh nghiệp FDI đầu tư cho ngành gỗ, nhằm tạo những kết nối, thông qua trao đổi công nghệ, trình độ quản lý, lao động tay nghề cao giữa các doanh nghiệp FDI và các doanh nghiệp vệ tinh, từ đó tạo động lực cho sự phát triển của toàn ngành.
Cẩm Tú (DNSGCT)