Tăng trưởng xuất khẩu giày dép năm 2015 dự báo có nhiều thuận lợi, nhưng doanh nghiệp (DN) cần tỉnh táo lựa chọn dòng sản phẩm phù hợp để phát triển sản xuất với đích đến là thu về giá trị gia tăng tốt nhất, không phải chạy đua về số lượng.
Năm 2014 ghi nhận động thái dịch chuyển đơn hàng từ Trung Quốc về Việt Nam có diễn biến nhanh và tích cực. Sự dịch chuyển này có nhiều nguyên nhân, song theo bà Phan Thị Thanh Xuân, Tổng thư ký Hiệp hội Da giày – Túi xách Việt Nam (Lefaso), tập trung vào ba vấn đề chính. Thứ nhất, giá nhân công của Trung Quốc đang tăng lên, trong khi đối với ngành sử dụng nhiều lao động, giá nhân công vẫn là lợi thế cạnh tranh. Hiện nay VN vẫn đang có lợi thế đó. Thứ hai, VN cũng đang thực hiện đàm phán nhiều FTA song phương, đa phương để mở rộng thị trường. Điều này khiến nhiều khách hàng tìm đến nước ta như là trung tâm sản xuất giày dép của thế giới. Thứ ba, VN đang xếp ở vị trí thứ 4 trong 10 nước xuất khẩu giày dép hàng đầu thế giới trong nhiều năm qua. Các nguyên nhân đó giúp cho nước ta vẫn là điểm đến cho những khách hàng muốn mở rộng cung ứng nguồn giày ra thị trường thế giới.
Chưa thể đáp ứng sự dịch chuyển ồ ạt
Lâu nay, vì nhiều lý do ngành da giày trong nước vẫn “thân phận” làm gia công theo đơn đặt hàng, làm theo thiết kế có sẵn, nên mang lại giá trị gia tăng thấp. Thực tế, phương pháp gia công cũng là hình thức tốt vì thị trường, khách hàng đã có sẵn và thương hiệu sản phẩm cũng đã được định vị trên thị trường. Bây giờ, DN muốn tăng lợi nhuận phải mở rộng sản xuất, đưa thêm nguyên phụ liệu, đưa thêm thiết kế vào để nâng cao giá trị sản phẩm. Như vậy, DN vẫn làm gia công nhưng ở mức độ cao hơn nên hưởng lợi nhuận cao hơn. Thị trường Mỹ chuộng dùng sản phẩm có thương hiệu, NIKE đặt sản xuất tại VN và cung ứng cho toàn nước Mỹ. Các tiêu chí sản phẩm của NIKE đặt VN sản xuất dựa trên chính sách, quy định nhập khẩu của Mỹ, nên hàng Việt sang Mỹ, NIKE “giải quyết” luôn các vướng mắc trong quá trình nhập khẩu.
Trong nền kinh tế thị trường hiện nay, phân công lao động dựa trên quy mô toàn cầu, ở đâu có lợi thế thị trường sẽ xác định và dịch chuyển, vấn đề là DN Việt tham gia sâu vào chuỗi sản xuất đó để nâng cao được giá trị gia tăng. Nhìn lại con số xuất khẩu giày dép năm 2014, theo Tổng cục Thống kê đạt 10,2 tỉ USD, tăng 21,6% so với năm 2013, thì ngành da giày VN không nhất thiết phải làm từ A đến Z mới là có lợi nhuận nhiều. Khi chúng ta làm tốt một khâu trong chuỗi sản xuất của thế giới, thì khâu đó đồng nghĩa với việc chuỗi sản xuất thế giới cũng sẽ phụ thuộc vào VN. Vấn đềở đây, theo bà Xuân, DN Việt không thể một sớm một chiều đáp ứng sự dịch chuyển ồạt này, đặc biệt là những đơn hàng lớn, bởi nội lực chưa theo kịp tốc độ tăng trưởng, vẫn còn ở quy mô chỉ đáp ứng được nhu cầu hiện tại.
Cần thay đổi nhiều mặt
Ngành giày dép VN những năm gần đây dành 2/3 sản lượng cho xuất khẩu, tập trung vào ba thị trường chính là EU, Mỹ và Nhật Bản. Tại các thị trường này, DN Việt chọn cạnh tranh bằng dòng sản phẩm trung bình khá trở lên, bởi không thể cạnh tranh với Trung Quốc ở sản phẩm thấp cấp, phân khúc đòi hỏi một số lượng lớn. Bà Phan Thị Thanh Xuân cho biết, quan điểm đó vẫn tiếp tục năm 2015 và giai đoạn tiếp theo do phù hợp với năng lực trình độ và mục tiêu phát triển của DN VN.
Một điều dễ nhận thấy là tăng trưởng xuất khẩu giày dép vào EU được hưởng lợi không nhỏ bởi Hệ thống ưu đãi phổ cập (GSP), từ tháng 1-2014. Khả năng cạnh tranh của giày dép VN tại thị trường EU cũng tăng lên nhờ mức thuế suất giảm từ gần 7,7% đến ít nhất 4%. Việc ký FTA VN – EU tới đây với thuế suất 0% được kỳ vọng là cú hích quan trọng cho xuất khẩu giày dép của VN vào thị trường này, song cũng tạo ra nhiều thách thức: Tiêu chuẩn nhập khẩu của EU thuộc loại khắt khe và khó đạt được nhất, với chi phí cao nhất trên thế giới. Bên cạnh đó, nguy cơ các DN phải đối mặt với các vụ kiện chống bán phá giá sẽ thường xuyên hơn và ở mức độ rộng hơn, đó là chưa kể đến nguy cơ DN Việt bị thôn tính bởi các tập đoàn đến từ EU.
Thị trường EU chiếm tỷ trọng lớn nhất nhưng tốc độ phát triển không nhanh bằng Mỹ. Tổng cục Thống kê ước tính cả năm 2014, kim ngạch xuất khẩu da giày sang Mỹ đạt trên 3 tỉ USD, tăng hơn 22% so với năm 2013. Thị trường Mỹ đặc biệt chú trọng trách nhiệm xã hội của DN và quyền lợi của người tiêu dùng. Các quy định nhập khẩu vào thị trường Mỹ cũng rất ngặt nghèo và thường xuyên bổ sung thêm các quy định mới. Khi TPP có hiệu lực, thuế nhập khẩu giày dép từ Việt Nam vào Mỹ, Nhật Bản ngay lập tức còn 0% so với mức 50% đang áp dụng cho nhiều sản phẩm.
Các hiệp định kinh tế song phương và việc Nhật Bản tham gia vào TPP sẽ tạo thuận lợi cho xuất khẩu giày dép vào thị trường này. Hiện Nhật Bản là thị trường nhập khẩu giày dép lớn thứ ba trên thế giới của VN, khoảng 350 triệu đôi mỗi năm. Năm 2014, các đối tác Nhật Bản chuyển đơn hàng từ Trung Quốc sang VN khá lớn, giúp tăng xuất khẩu giày dép VN sang thị trường này tăng thêm khoảng 30%. Năm qua, Công ty Giày Thượng Đình nhận được khá nhiều hợp đồng xuất khẩu giày vải sang Nhật Bản. Tuy nhiên, theo ông Vũ Văn Trung, Tham tán Thương mại VN tại Nhật Bản, Nhật Bản là thị trường đòi hỏi cao về chất lượng, mẫu mã sản phẩm, trong khi DN VN lại hạn chế về tiếp cận thị trường, chưa hiểu biết nhiều về tập quán tiêu dùng của người Nhật. Tới đây, theo ông Trung, cần thông tin kịp thời hơn về lộ trình giảm thuế, giúp DN kịp thời ứng phó, phát triển kế hoạch kinh doanh với đối tác Nhật Bản.
Thế mạnh của VN là sản xuất giày thể thao, giày vải. Vì vậy, ngoài Trung Quốc, DN Việt không lo ngại nhiều lắm với Ấn Độ vì họ tập trung vào sản xuất giày da. Nhưng với giày thể thao, Indonesia là đối thủ cạnh tranh, bởi cùng lợi thế về giá nhân công. Tới đây, khi FTA VN – EU và TPP (hai hiệp định lớn nhất liên quan đến ngành da giày) được ký, đương nhiên loại bỏ các đối thủ của VN ra khỏi các thị trường chính của ngành giày dép. Khi đó, áp lực cạnh tranh giảm bớt, DN Việt có thể yên tâm đẩy mạnh xuất khẩu vào các thị trường này. Nhưng cạnh đó, DN không được chủ quan với Hiệp định ASEAN, trong bối cảnh năm 2015 thuế suất về 0% phải cạnh tranh với các đối thủ đáng gườm khác có cùng lợi thế, như Indonesia, Malaysia, Thái Lan. Hiện nay, giá nhân công của Thái Lan cao hơn nhưng chất lượng sản phẩm lại tốt hơn. Khi thuế bằng 0%, chắc chắn sản phẩm của Thái Lan chiếm lợi thế hơn.
Một điểm chung, các thị trường EU, Mỹ và Nhật Bản cùng hướng tới sản xuất và tiêu dùng bền vững. Các quy định nhập khẩu sẽ ngặt nghèo hơn, bởi giày dép không chỉ là sản phẩm làm đẹp mà còn mang yếu tố bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng. Những rào cản về chất lượng sản phẩm, trách nhiệm xã hội của DN sẽ tiếp tục được dựng lên, buộc DN VN phải đáp ứng nếu không muốn các đơn hàng bị từ chối. Các tiêu chí an toàn về hóa chất, về vật liệu, về cơ lý được xây dựng thành các bộ tiêu chí và kiểm soát chặt chẽ, mà đạo luật về hóa chất REACH là một ví dụ.
Theo bà Phan Thị Thanh Xuân, DN cần lưu ý khi các thị trường bổ sung quy định nhập khẩu. DN cần phản hồi lại những bất cập từ các chính sách nhập khẩu, xuất khẩu thay vì thụ động tiếp nhận thông tin. Những vấn đề lớn phải giải quyết từ cấp chính phủ, như những bất cập liên quan đến thủ tục hải quan, có thể do chủ quan, khách quan hoặc do những đơn vị thực hiện áp dụng một cách máy móc, DN có thể thông qua Lefaso, để lên tiếng phản ánh, đề nghị điều chỉnh, tạo điều kiện cho sản xuất, kinh doanh tốt hơn. Bởi vì, để doanh nghiệp có thể bật lên được và đón nhận cơ hội từ các hiệp định mang lại thì ngoài nỗ lực, DN còn cần sự hỗ trợ về nhiều mặt khác.
Hoàng Kỳ (DNSGCT)