Mới đây, chính quyền của Tổng thống Donald Trump đã phục hồi và tăng tốc chương trình bí mật phá hoại tên lửa Iran – theo các quan chức chính quyền hiện tại và trước đây, những người từng làm việc với chương trình này trong hàng chục năm qua. Chương trình phá hoại là một phần trong chiến dịch mở rộng của Cục Tình báo trung ương Mỹ (CIA) nhằm làm suy yếu năng lực quân sự của Tehran.
Nhắm mục tiêu tổ hợp tên lửa Iran
Trong ít nhất 12 năm, cộng đồng tình báo Mỹ cố hết sức tìm cách phá hoại chuỗi cung ứng giúp Iran sản xuất tên lửa. Tuy nhiên, các quan chức giấu tên cho biết hiện thời chưa thể đánh giá chính xác mức độ thành công của chương trình bí mật vốn chưa bao giờ được Mỹ công khai thừa nhận.
Mới bước vào năm 2019, hai nỗ lực phóng vệ tinh vào không gian của Iran – ngày 15-1 và 5-2-2019 – đã thất bại chỉ trong vòng vài phút. Tuy nhiên, những thất bại vẫn không ngăn cản Iran phát triển chương trình tên lửa và tổng thống Hassan Rouhani thề sẽ “tiếp tục con đường của chúng tôi”.
Chính quyền Trump luôn cho rằng chương trình không gian của Iran chỉ đơn thuần là vỏ bọc cho những nỗ lực phát triển tên lửa đạn đạo đủ mạnh để phóng đầu đạn hạt nhân bay giữa các lục địa. Vài giờ sau vụ phóng vệ tinh thất bại ngày 15-1, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo lưu ý rằng các bệ phóng của Iran “có công nghệ hầu như giống hệt nhau và có thể hoán đổi cho nhau với những bệ phóng được sử dụng trong tên lửa đạn đạo”.
Vào giữa tháng 2-2019, Pompeo có mặt tại Warsaw cùng với Phó tổng thống Mike Pence để lãnh đạo cuộc họp của 65 quốc gia về vấn đề thúc đẩy sự ổn định ở Trung Đông, bao gồm cả việc mở rộng các biện pháp trừng phạt kinh tế đối với Iran. Các đồng minh châu Âu của Mỹ cũng đồng ý rằng các vụ thử tên lửa của Tehran phải dừng lại.
Các quan chức mô tả một nỗ lực phá hoại sâu rộng, được tạo ra dưới thời Tổng thống George W. Bush, để đưa các bộ phận và vật liệu bị lỗi vào chuỗi cung ứng hàng không vũ trụ Iran. Chương trình phá hoại ngầm tiếp tục hoạt động trong thời gian đầu của chính quyền Barack Obama, sau đó giảm bớt vào năm 2017, khi Mike Pompeo đảm nhận chức giám đốc Cục Tình báo trung ương Mỹ (CIA). Tổng thống Barack Obama tiến hành chiến bí mật không chỉ nhắm vào tên lửa mà còn nhắm vào một mục tiêu mới nổi của Tehran – đó là các bệ phóng vệ tinh.
Dĩ nhiên, Tehran đã có sự nghi ngờ và tướng Amir Ali Hajizadeh – người đứng đầu chương trình tên lửa Iran – cáo buộc cộng đồng tình báo Mỹ và đồng minh chuyển các chiến dịch “xâm nhập và phá hoại” của họ sang tổ hợp tên lửa Iran từ cơ sở hạ tầng nguyên tử.
Tướng Hajizadeh tuyên bố chương trình theo đuổi tên lửa của Iran sẽ không bao giờ bị ngăn chặn được trong bất kỳ trường hợp nào. Các hành động bí mật chống lại chương trình tên lửa của Iran được thực hiện thông qua các quốc gia và công ty hỗ trợ cho các hoạt động hàng không vũ trụ của Tehran.
Vào đầu năm 2019, Lầu Năm Góc tiết lộ chiến lược phòng thủ tên lửa mới của Mỹ và tổng thống Trump tuyên bố nếu những vụ phóng vệ tinh gần đây nhất thành công thì chắc chắn Teheran sẽ có thêm năng lực để tiếp tục theo đuổi chương trình tên lửa đạn đạo xuyên lục địa đe dọa trực tiếp đến lãnh thổ nước Mỹ. Nhưng, Trump khẳng định: “Chúng ta sẽ không cho điều đó xảy ra”.
Thực ra, từ rất lâu trước khi quan tâm một cách nghiêm túc về việc sản xuất nhiên liệu hạt nhân cho chương trình vũ khí trong tương lai, Tehran đã miệt mài nghiên cứu phát triển các tên lửa mạnh. Tên lửa chính là nỗi sợ hãi của Iran trước Iraq.
Vào thập niên 1980, lực lượng Saddam Hussein phóng hàng loạt tên lửa vào các thành phố của Iran giết chất hàng trăm thường dân, và Iran đáp trả bằng tên lửa Liên Xô được mua từ Libya, Syria và CHDCND Triều Tiên.
Đến thập niên 1990, Iran nhập khẩu tên lửa của Triều Tiên gọi là No Dong mà sau đó đổi tên thành Shahab-3 hoặc Shooting Star-3. Tên lửa có thể phóng các đầu đạn đi khoảng 1.287km – đủ để chạm đến Israel. Động cơ mạnh mẽ No Dong cuối cùng đã trở thành hệ thống phản lực thiết yếu cho hầu hết các tên lửa tầm xa cũng như tất cả các bệ phóng không gian của Iran.
Sau cuộc xâm lược Iraq do Mỹ dẫn đầu năm 2003, Washington và các đồng minh bắt đầu tăng cường thêm nữa nỗ lực ngăn chặn tham vọng tên lửa và hạt nhân của Tehran. Đến năm 2006, Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc (UNSC) yêu cầu Iran ngừng làm giàu uranium, nhiên liệu chính của vũ khí hạt nhân. Nhưng, Tehran thẳng thừng từ chối và từ đó dẫn đến sự ra đời một loạt lệnh trừng phạt chống Iran.
Dưới thời tổng thống George W. Bush, hai chương trình phá hoại bí mật chống lại Iran được triển khai cùng lúc – một chương trình tập trung vào vật liệu hạt nhân, chương trình còn lại là tên lửa. Giới chức CIA, với sự giúp đỡ của Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ (NSA), tìm mọi cách để phá hoại các nhà máy, chuỗi cung ứng nguyên liệu và bệ phóng của Iran. Các lệnh trừng phạt của Liên Hiệp Quốc có nghĩa là Iran cũng ngày càng phụ thuộc vào thị trường chợ đen và những người trung gian mờ ám.
Tổ hợp tên lửa Iran phụ thuộc rất nhiều vào động cơ No Dong vốn được Triều Tiên phát triển trong thập niên 1980 từ một thiết kế của Nga. Tehran thường cố gắng giữ bí mật các vụ phóng của mình, nhưng các chuyên gia cho biết Iran đã phóng khoảng chục tên lửa lên quỹ đạo kể từ năm 2008 và tám trong số đó đã thất bại.
Điều này cho thấy tỷ lệ thất bại của Iran là 67%, so với 5% trên toàn thế giới trong thập niên 2010. Theo các chuyên gia, nếu các thử nghiệm thất bại liên tục, Tehran sẽ do dự với việc bắt tay vào sản xuất hàng loạt tên lửa. Về phần mình, Iran khẳng định rằng các vụ phóng vệ tinh không có giá trị quân sự và họ không hề tìm kiếm vũ khí hạt nhân.
Khi Mike Pompeo tiếp quản CIA, có rất ít hoạt động hạt nhân diễn ra ở Iran. Hầu hết các máy ly tâm của Teheran đã bị tháo dỡ theo thỏa thuận với Mỹ năm 2015 và 97% nhiên liệu hạt nhân của đất nước đã được chuyển đến Nga. Nhưng thay vào đó, Iran đẩy mạnh chương trình tên lửa và không gian của mình. Mike Pompeo ngay lập tức tập trung vào chuỗi cung ứng tên lửa, một lĩnh vực mà ông đặc biệt hiểu biết.
Pompeo tốt nghiệp Học viện Quân sự West Point với bằng kỹ sư cơ khí và cùng với các bạn cùng lớp thành lập Thayer Aerospace – một công ty cơ khí chuyên dụng được cho là có sự hậu thuẫn của những chính trị gia có quan điểm bảo thủ. Pompeo giữ vai trò giám đốc điều hành tại Thayer Aerospace hơn 10 năm. Công ty sản xuất các bộ phận cho Boeing, Lockheed và Raytheon.
Do đó, Pompeo hiểu điều gì sẽ xảy ra khi các bộ phận hàng không vũ trụ được sản xuất với độ chính xác thấp hơn. Từ năm 2011 đến năm 2017, Pompeo phục vụ trong Quốc hội, bao gồm cả Ủy ban Tình báo Hạ viện. Khi lãnh đạo CIA, Pompeo lập tức khôi phục chương trình bí mật phá hoại chương trình tên lửa và hạt nhân của Iran.
Bằng chứng về chương trình phá hoại của Mỹ
Các chuyên gia cho rằng có thể mất nhiều năm để “cài cắm” các bộ phận và vật liệu bị lỗi vào trong một chương trình hàng không vũ trụ nước ngoài. Hơn nữa, không thể biết chắc chắn liệu công nghệ tồi có thể cài đặt thành công vào các bệ phóng hay không.
Trong một trường hợp, Mỹ đã gặp may mắn: một tên lửa tầm ngắn do Iran sản xuất đáp xuống Vùng Xanh Baghdad, nhưng không phát nổ. Khi mổ xẻ tên lửa, các chuyên gia hết sức bất ngờ khi tìm thấy một trong những bộ phận phá hoại của Mỹ ở bên trong – theo tiết lộ từ một cựu quan chức cấp cao giấu tên.
Shea Cotton – người ghi chép về các vụ phóng tên lửa của Iran tại Trung tâm Nghiên cứu Không phổ biến vũ khí hạt nhân James Martin đặt trụ sở tại Monterey bang California – cho biết Iran thường hay che giấu những thất bại và phóng đại những thành công của mình. Địa lý cũng ảnh hưởng đến việc quan sát những vụ phóng tên lửa. Ví dụ như Mỹ tương đối dễ dàng theo dõi những vụ phóng tên lửa của Triều Tiên do bán đảo nhỏ có phần eo và bao quanh nó là hàng loạt căn cứ quân sự cũng như tình báo của Mỹ kết hợp với số lượng không nhỏ tàu chiến, radar và các đồng minh. Đôi khi tên lửa Triều Tiên rơi xuống biển và được Mỹ hoặc đồng minh thu hồi.
- Xem thêm: Tình báo Mossad ngày nay
Để so sánh, Iran có kích thước gấp đôi Texas và các thành phần tên lửa có thể rơi vào lãnh thổ của chính mình. Iran lần đầu tiên thành công trong việc phóng một vệ tinh nhỏ vào quỹ đạo vào năm 2009 – khoảng thời gian nước này tăng cường chương trình hạt nhân. Những vụ phóng tương tự xảy ra vào các năm 2011, 2012 và 2015.
Jonathan McDowell, nhà thiên văn học Đại học Harvard và chuyên giám sát quỹ đạo, lưu ý rằng 4 lần phóng đó là thành công rõ ràng duy nhất trong số hàng chục vụ. Ít nhất một lần, một tên lửa của Iran đã phát nổ trên bệ phóng gây thiệt hại khá nặng nề. Các quan chức Iran đã giữ im lặng về thảm họa đó. Cho đến nay, Iran cũng đã thất bại trong việc thử nghiệm thành công thế hệ mới nhất của bệ phóng vệ tinh – một tên lửa lớn hơn, mạnh hơn được gọi là Simorgh hoặc Phoenix – tên lửa cao khoảng 9 tầng xuất hiện vào tháng 4-2016.
Iran bí mật thực hiện chuyến bay thử nghiệm nhưng các hệ thống giám sát bầu trời của phương Tây biết chắc chắn rằng không có vệ tinh nào đi vào quỹ đạo. Vào tháng 7-2017, một tên lửa Simorgh khác gầm rú trên bệ phóng tại Trung tâm vũ trụ Imam Khomeini – khu phức hợp phía đông Tehran được đặt theo tên của nhà lãnh đạo tối cao đầu tiên của quốc gia. Iran gọi đó là vụ phóng thành công. Nhưng một lần nữa, không có vệ tinh nào được các hệ thống giám sát bầu trời của phương Tây nhìn thấy. Trong khi đó, các báo cáo cho biết Washington kết luận Iran… có một thất bại thảm khốc!
Chương trình phá hoại bí mật chống Iran của Mỹ tương đương với nỗ lực tấn công mạng nhằm vào Triều Tiên, nơi chịu một loạt thất bại về tên lửa đáng xấu hổ vào năm 2016 trước khi nước này tạm ngưng các cuộc thử nghiệm vào một năm sau đó. Kể từ đó, Triều Tiên đã phát triển các tên lửa nhiên liệu rắn – một nỗ lực mà Tehran hiện đang chạy đua để phù hợp. Nhiên liệu rắn không dễ bị tổn thương khi can thiệp như các thợ hàn phần cứng đằng sau tên lửa nhiên liệu lỏng.
- Xem thêm: Jihad, góc khuất ít được nhắc đến
Hiện nay, gần như chắc chắn sẽ không có tài liệu tham khảo nào về những nỗ lực phá hoại bí mật của Hoa Kỳ. Khi phát biểu tại Lầu năm góc vào đầu năm 2019, Donal Trump không nói Nga, Trung Quốc hay Triều Tiên là mối đe dọa tên lửa. Trump chỉ nói về Iran. Trump nhấn mạnh: “Chiến lược của chúng ta… là phát hiện và tiêu diệt mọi loại tấn công tên lửa chống lại bất kỳ mục tiêu nào của Mỹ, dù trước hay sau khi phóng”.