“Cà phê Thứ Bảy đã phải chuyển địa điểm đến sáu lần, bốn lần ở TP. Hồ Chí Minh, hai lần ở Hà Nội, vì nhiều lý do khác nhau. Mỗi lần khởi động một không gian mới rất nhiều việc, mệt mỏi vô cùng”, đây là chia sẻ của nhạc sĩ Dương Thụ, người sáng lập chuỗi Cà phê Thứ Bảy (CPTB) với mong ước về một không gian cà phê để người yêu văn hóa đến chia sẻ, để tìm hiểu, học hỏi và kết nối (những người sáng tạo và ưa thích sự sáng tạo).
___Hẳn CPTB đã trải qua không ít khó khăn trong 11 năm qua, ông có thể chia sẻ đôi điều về kinh nghiệm của ông trong việc vận hành một không gian kinh doanh phi lợi nhuận như CPTB?
Khó khăn thì rất nhiều, kể ra có lẽ không tiện. Mỗi người có cách giải quyết khó khăn theo cách riêng mình. Điều tôi có thể chia sẻ là: Khi làm một việc do mình nghĩ ra, không làm theo phong trào, không bắt chước người khác, không làm vì danh hay tiền bạc, thì chắc chắn sẽ gặp rất nhiều khó khăn. Nhưng trong khó khăn đó, bạn mới phát huy được hết năng lực tiềm ẩn, mới có cơ hội để sáng tạo. Làm việc mình thật sự thích thì gian khổ nhưng hạnh phúc.
___Làm thế nào để dung hòa trong mối quan hệ đối tác giữa một bên là kinh doanh (cà phê Trung Nguyên) và một bên là hoạt động văn hóa phi lợi nhuận?
Việc lựa chọn đối tác là việc vô cùng quan trọng. Trung Nguyên là một tập đoàn có một triết lý kinh doanh đặc biệt. Họ quan tâm đến văn hóa và phụng sự cho cộng đồng nên hiểu được giá trị của CPTB và không đặt nặng vấn đề lỗ lãi. Ngược lại, tôi cũng rất hiểu giá trị của Trung Nguyên, đặc biệt là doanh nhân Đặng Lê Nguyên Vũ. Mười một năm là thời gian bảo chứng cho quan hệ tốt đẹp của chúng tôi. Không dung hòa được mối quan hệ này chắc CPTB đã đóng cửa từ lâu rồi.
___Anh từng chia sẻ về ước mơ về việc tạo ra một nơi gặp gỡ trao đổi trò chuyện giữa những người có nhu cầu tinh hoa với những nhân vật tinh hoa hàng đầu trong mọi lĩnh vực của đời sống. Ước mơ này đã thành hiện thực chưa?
Nó là hiện thực mười một năm qua. Thật vui vì hầu hết các nhân vật hàng đầu trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật (triết học, giáo dục, văn học, kiến trúc, mỹ thuật, âm nhạc, điện ảnh), kinh tế, khoa học, công nghệ và môi trường… đều vui vẻ nhận lời mời của tôi đến chia sẻ tại CPTB, trong đó có nhiều nhân vật là người Việt ở nước ngoài…
___Hiện nay CPTB còn là nơi hỗ trợ miễn phí cho các hoạt động phi lợi nhuận, và các sự kiện dành cho khởi nghiệp. Vì sao có sự bổ sung này vào các hoạt động giáo dục, văn hóa?
Hiện có nhiều nhóm và cá nhân hoạt động văn hóa và giáo dục phi lợi nhuận, đặc biệt là các bạn trẻ. Họ thường gặp khó khăn trong việc thuê mướn địa điểm để làm sự kiện. CPTB là một không gian sáng tạo và cũng là một nơi hoạt động văn hóa phi lợi nhuận, nên chúng tôi rất vui được hỗ trợ họ.
___So với thời điểm khai trương từ năm 2009, thì CPTB nay đã có gì khác không, về định hướng, tầm nhìn hoặc về không gian văn hóa mà anh muốn tạo ra?
Chặng đường đi qua, CPTB không thay đổi về định hướng, tầm nhìn so với ban đầu, chỉ khác về việc mở rộng quy mô, phong phú hơn về nội dung và ngày càng bám sát thực tiễn. CPTB bắt đầu chỉ có một quán đầu tiên tại 27 Nguyễn Đình Chiểu, Quận 1, TP. Hồ Chí Minh; năm năm sau có quán thứ hai tại số 3A Ngô Quyền, Quận Hoàn Kiếm, Hà Nội; đến sáu năm sau thì có quán thứ ba (Cà phê Thứ Bảy Trẻ) tại 264 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Quận 3, TP. Hồ Chí Minh.
Qua mười một năm hoạt động, khách hàng của CPTB ngày càng trẻ hơn. Những năm đầu, tỷ lệ người lớn tuổi đến tham dự chiếm đến 90%. Đến nay, tỷ lệ người trẻ chiếm hơn 70% không chỉ riêng ở CPTB Trẻ mà ở tất cả các quán CPTB. (người trẻ với tôi là người sinh sau năm 1975).
Về các hoạt động văn hóa, tại CPTB Hà Nội và CPTB TP. Hồ Chí Minh đầu tiên chỉ có Cà phê Gặp gỡ và Đối thoại, Cà phê kiến trúc, Cà phê văn học,Cà phê sách, Cà Phê âm nhạc (tối thứ Bảy), Cà Phê Điện Ảnh (tối Chủ nhật). Rồi thêm dần: Guitar Cổ điển (tối thứ Sáu), Nghệ thuật trên màn ảnh (tối thứ tư), Phim Kinh điển (tối Chủ nhật).
Tại không gian Cà phê Thứ Bảy Trẻ ngoài các chương trình định kỳ là: Đối thoại Trẻ, Câu chuyện Khởi nghiệp, Điện ảnh mở, Phim Danh nhân (tối thứ Bảy). thì năm 2020 còn khai trương Thư viện CPTB Trẻ với các tủ sách tinh hoa và chương trình Cà phê Thư Viện vào các sáng Chủ nhật.
Làm thư viện sách tư nhân không dễ, khi mà người đọc sách chưa nhiều. Anh lại chọn đầu tư thư viện sách tinh hoa, là loại sách càng kén người đọc. Anh kỳ vọng gì vào mô hình thư viện này?
Tôi luôn cho sách là quan trọng nhất nếu ta muốn trở thành một người có nền tảng văn hóa vững chắc. Vì vậy, với kho sách nhiều vô kể hiện nay thì rất nên có nhiều thư viện tư nhân được mở ra để khuyến đọc. Thư viện Tinh hoa không chỉ là nơi để các bạn đến đọc sách tinh hoa, mà là nơi lý tưởng nhất để bạn đọc, tác giả, dịch giả, người chơi sách, người làm sách và xuất bản sách thuộc khu vực sách tinh hoa gặp gỡ, giao lưu thông qua những chương trình Cà phê Thư viện định kỳ như chương trình Giới thiệu sách mới, Sách và độc giả (gặp gỡ tác giả, dịch giả, người làm sách và xuất bản, sách cũ và câu chuyện của người chơi sách) hay Những cuốn sách truyền cảm hứng… Các sự kiện sách như thế đã thực hiện đều đặn từ ngày khai trương thư viện và rất thành công. Tôi nghĩ mô hình này lâu dài sẽ có ảnh hưởng lớn đến bạn đọc cũng như tạo cảm hứng về cách vận hành một thư viện tư nhân.
___Thật tuyệt vời nếu như ngày càng nhiều người muốn tạo ra không gian chia sẻ văn hóa như anh. Vì “Văn hóa là một trong những yếu tố tạo nội lực của một dân tộc”, Việt Nam rất cần những mô hình như CPTB và Thư viện Tinh hoa, không chỉ ở TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội mà ở nhiều thành phố khác…
Văn hóa không phải là một trong những yếu tố mà là yếu tố quan trọng nhất tạo ra nội lực của một dân tộc. Dân tộc Nhật (ở châu Á) hay dân tộc Đức (ở châu Âu) là minh họa rõ ràng cho điều này. Đó là những dân tộc mà nội lực mạnh vô cùng nhờ truyền thống văn hóa tuyệt vời của họ và sự tiếp nhận tinh hoa văn hóa nhân loại. Việt Nam cũng có thể tự tạo nguồn nội lực mạnh mẽ nếu biết gìn giữ văn hóa truyền thống và tiếp thu có chọn lọc văn hóa tinh hoa của thế giới, không bao giờ muộn cho điều này.
___Cảm ơn anh về những chia sẻ trên.