Vụ một quan chức Việt Nam lộ chuyện mua quốc tịch Síp có thể là “mới nghe lần đầu” với phần đông dân cần lao, nhưng chớ hề xa lạ với một số người thuộc một số giới nào…
Vào tháng 9-2015, trên đảo quốc Síp đã có đến 12.000 người Việt sinh sống, đủ đông để một thứ trưởng ngoại giao Việt Nam đến thăm trong hai ngày 11 và 12-9 năm đó, báo Nhân Dân bản tiếng Anh đề ngày thứ sáu 18-9-2015 đưa tin kèm chú thích hai nước lập bang giao hôm 1-12-1975.
Được biết, đại sứ Việt Nam tại Ý kiêm nhiệm đại sứ tại Síp. Bản tin cũng cho biết công việc lãnh sự do ông George Christophides, tổng lãnh sự danh dự, đảm nhiệm. Ông Christophides hứa sẽ “sát cánh cùng cộng đồng người Việt và hỗ trợ họ về thủ tục giấy tờ cũng như bảo vệ quyền lợi chính đáng của họ”.
Việc ông Christophides đến nay vẫn làm công việc này, từ lãnh sự quán danh dự tại trụ sở ở góc đường R. Feraiou và A. Zakou, trong Trung tâm Limassol, Block C, tầng 3, địa chỉ 3095 Limassol, có thể giúp giả đoán rằng ông Christophides là người nắm rõ người Việt trên đảo quốc Síp nhất trên đời.
Thiệt ra, cũng không có mấy “công chuyện” trên hòn đảo dân số 864.236 người (năm 2016) nếu như không có những trường hợp mới nhập cư. Bằng cớ là trong bảng danh sách sứ quán và nhiệm sở ngoại giao của đảo quốc 10.000 km2 này, cả châu Á (không kể khu vực Trung Cận Đông gần gũi) chỉ có hai nước Pakistan và Việt Nam là có đại diện ngoại giao tại đây.
Theo trang Facebook của cộng đồng người Pakistan tại Bắc Cyprus, hiện có 3.000 người dân Pakistan đang làm lụng ở đây. Cộng đồng này rao công khai trên Facebook là “bất cứ ai [người Pakistan] quan tâm đến việc sang Síp cho dù bằng giấy phép lao động hay du học có thể hỏi tại đây”. Họ có quyền công khai: họ chủ yếu sang làm lụng kiếm sống hoặc học hành.
Với người Việt thì sự thể có khác.
Đầu tư song tịch
Theo Free Visa, một website “chuyên gia xuất nhập cảnh”, người Việt đang sinh sống ở Síp có thể chia làm ba nhóm: đi học (vì chi phí được đánh giá rẻ so với khu vực châu Âu, học xong còn tạo điều kiện ở lại làm việc hoặc có cơ hội làm việc tại các quốc gia EU); qua làm lụng (với các nghề nơi đây cần như nông dân, công nhân, bảo mẫu…) và “đầu tư định cư”.
Những người có gia đình và cuộc sống ổn định tại quốc gia này cũng là những người tạo dựng nên cộng đồng người Việt tại Síp.
Hội Người Việt tại Síp mới hôm 8-6 còn rao trên Facebook một quảng cáo rất quyến rũ với tựa “Cơ hội đầu tư có 1 không 2 tại Síp”. Bài đăng chi tiết: “Tại Síp cho phép song tịch và quốc tịch theo nguồn gốc. Tức là nếu đủ điều kiện, bạn vẫn giữ quốc tịch VN và có thêm quốc tịch Síp. Bạn có quốc tịch thì tất cả các con của bạn có quốc tịch.
Cả gia đình bạn có thể tự do sống tại Síp hoặc sinh sống tại bất cứ nước nào trong EU mà bạn muốn, miễn visa du lịch hơn 160 nước. Được luật pháp EU bảo vệ khi bạn ở trong hay ngoài EU”. Rồi tiếp đó liệt kê chính sách ưu đãi thuế, vai trò trung tâm thương mại cầu nối Đông – Tây của Síp…
Đầu trang Facebook này dành cho mẩu “Thông báo đăng ký công dân Việt Nam tại Síp có nguyện vọng về nước trên chuyến bay thương mại do Vietnam Airlines vận hành dự kiến khởi hành từ Síp ngày 8-8-2020, giá vé: 1.800 đôla Mỹ (USD)/người, của Đại sứ quán Việt Nam tại Ý đề ngày 17-7-2020”.
Thậm chí có mục “các đối tượng ưu tiên” rõ ràng và sòng phẳng: đứng đầu là lao động hết hạn hợp đồng, mất việc, không còn thu nhập (từ 2-3 tháng trở lên) mà sở tại không có điều kiện hỗ trợ, rồi học sinh dưới 18 tuổi, sinh viên đã hoàn thành khóa học gặp khó khăn về nơi ở/gia hạn lưu trú, xong mới đến công dân Việt Nam xuất cảnh ngắn hạn, “mắc kẹt”, gặp khó khăn do không có nơi ở, không có khả năng tài chính và các trường hợp đặc biệt khó khăn khác…
Có thể hiểu người Việt “song tịch” đang sống tại đây không có trong danh sách ưu tiên này và cũng không có gì lạ: họ có lẽ không gặp khó khăn như ba nhóm ưu tiên trên.
Có hợp pháp hay không?
Nếu chỉ theo thông tin từ những nguồn nêu trên, chuyện đem tiền ra nước ngoài để định cư là hợp lệ. Song mới đây ông Đỗ Nhất Hoàng – cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và đầu tư – đã khẳng định: “Luật đầu tư không hạn chế tổ chức, cá nhân đầu tư ra nước ngoài, nhưng các tổ chức, cá nhân chỉ có quyền đầu tư bất động sản ở nước ngoài để kinh doanh, cho thuê, không được phép đầu tư mua nhà ở nước ngoài để định cư. Việc mua nhà ở nước ngoài với mục đích làm thẻ xanh, để có hai quốc tịch là không được”.
Quan điểm chung có lẽ là vậy. EU, mà Síp là một thành viên, cũng đã và đang siết lại vấn đề này, sau khi đã có nhiều tố cáo EU trở thành chốn “đào thoát”, tỉ như cảnh báo từ tổ chức Minh Bạch quốc tế (TI): “Trong 10 năm qua, EU đã chào đón hơn 6.000 công dân mới và gần 100.000 cư dân thường trú mới thông qua các chương trình visa “vàng”.
Tây Ban Nha, Hungary, Latvia, Bồ Đào Nha và Vương quốc Anh đã cấp nhiều thị thực thường trú nhất – trên 10.000 thị thực mỗi nước – cho các nhà đầu tư và gia đình họ. Tiếp theo là Hi Lạp, Síp và Malta”.
Tây Ban Nha, Síp, Bồ Đào Nha và Vương quốc Anh dường như là những nước có “doanh thu” cao nhất, mỗi nước nhận được từ gần 500 triệu tới gần cả tỉ euro. Riêng với Síp, “doanh thu” bán quốc tịch tính từ năm 2013 lên tới 4,8 tỉ euro, con số khổng lồ với một nền kinh tế mà năm 2018 có GDP chỉ 21 tỉ euro.
Như mọi thứ khác, vấn đề là chất lượng và giá cả hàng hóa. Theo TI, trong khi thẻ thường trú có thể khiến người mua tiêu tốn 250.000 euro ở Hi Lạp và Latvia, hộ chiếu Síp có giá tới 2 triệu euro (cao nhất như Áo thì tới 10 triệu euro).
Câu hỏi đặt ra là nếu giá hộ chiếu ở Síp đắt vậy, sao vẫn có nhiều khách chọn đến đó và mua quốc tịch hơn là mua thẻ thường trú? Lời quảng cáo cũng Facebook của Hội Người Việt tại Síp có thể là một lời giải thích: “Mua nhà ở Cộng hòa Síp, đứng tên chính chủ chỉ từ 300.000 euro (8 tỉ đồng), lấy thẻ xanh định cư châu Âu sau 3 tháng cho cả gia đình 3 thế hệ (vợ/chồng, con cái, bố mẹ vợ/chồng) sau 2 tháng”.
TI xác nhận thông tin trên quảng cáo: “Quyền công dân Síp qua kênh đầu tư là con đường đảm bảo nhanh nhất để trở thành công dân một quốc gia châu Âu. Số liệu thống kê dường như ủng hộ điều này: chương trình bán hộ chiếu Síp là sung mãn nhất của loại hình này ở châu Âu, với hơn 3.000 công dân nước ngoài có hộ chiếu EU kể từ 2013”. Với 3.000 hộ chiếu cấp – bán so với tổng số 6.000 hộ chiếu bán ra toàn EU, rõ ràng Síp dẫn đầu với nguyên tắc thông thoáng thủ tục đặng có “kết quả” nhanh nhất.
Vấn đề đặt ra là, theo TI, không một quốc gia nào, ngoại trừ Áo và Malta, công bố danh sách công dân hoặc cư dân mới. Việc giấu kín danh sách khách mua quốc tịch hay thẻ thường trú tất nhiên tạo ra lắm điều mờ ám, thiếu minh bạch.
Thành ra, chỉ khi nào xui bị dính vào một cuộc đụng độ chính trị, như Thổ Nhĩ Kỳ đang muốn bành trướng nên Qatar – qua kênh tin tức Al Jazeera – phanh phui giùm đồng minh ở đó, theo cáo giác của chính quyền và báo chí Síp, thì bàn dân thiên hạ mới biết. Tóm lại, đó là “thương vong ngoài dự kiến”, “tên bay đạn lạc” thôi. Qatar mà không muốn giúp Thổ Nhĩ Kỳ thì cái kim trong bọc ở Việt Nam chưa chắc lòi ra!
Về cơ bản, câu hỏi những vị “khách sộp” lấy đâu ra tiền mua quốc tịch nọ kia không có ai trả lời, và tất nhiên cũng không thuộc trách nhiệm, quyền hạn và lợi ích của chính phủ Síp, ít nhất là cho tới giờ.
Theo thông báo Tiêu chí cấp giấy phép nhập cư thủ tục nhanh cho những người nộp đơn là công dân nước thứ ba và đầu tư vào Síp ngày 21-3-2016, người muốn đầu tư cần, trong các quy định, đáp ứng yêu cầu sau: “Chứng minh rằng có thu nhập hàng năm an toàn ít nhất là 30.000 euro.
Thu nhập hàng năm này sẽ tăng thêm 5.000 euro với mỗi người phụ thuộc trong gia đình, và 8.000 euro với mỗi người phụ thuộc khác hoặc bố, mẹ của vợ/chồng. Thu nhập này phải có được từ nước ngoài và có thể bao gồm tiền lương, lương hưu, cổ tức từ cổ phiếu, tiền gửi cố định, tiền cho thuê nhà… Để tính tổng thu nhập hàng năm, thu nhập của người phối ngẫu cũng có thể được xem xét”.
Trong thực tế ở Việt Nam, chỉ cần có một, hai căn nhà hay mặt tiền khang trang ở các thành phố lớn như Hà Nội hay TP.HCM cho thuê là dư sức chứng minh có thu nhập an toàn thuộc mức trên. Còn thủ tục sưu tra cảnh sát theo điều 5.1 của Tiêu chí, thì hai vợ chồng đương đơn chỉ cần nộp một giấy xác nhận không có tiền án tiền sự ở nước mình, qua đó không phải là mối đe dọa an ninh trật tự hay an ninh công cộng đảo Síp, là được.
Tóm lại, chuyện “sắm quốc tịch” ở Síp đã là chuyện thanh thiên bạch nhật từ lâu rồi. Vướng mắc duy nhất chỉ là yêu cầu 2.3 trong Tiêu chí, tức nộp cùng đơn đăng ký chứng thư quyền sở hữu hoặc hợp đồng mua bán đứng tên mình và/hoặc vợ/chồng, tại Sở Địa chính và Khảo sát, đã mua một bất động sản giá trị thị trường ít nhất 300.000 euro và biên lai thanh toán chính thức ít nhất 200.000 euro.
Cần nhấn mạnh rằng việc thanh toán toàn bộ giá trị bất động sản sẽ diễn ra qua tài khoản tại một tổ chức tài chính ở Síp. Làm sao để làm chuyện đó ư? Xin hỏi… các chuyên gia ngân hàng.