Bộ Văn hóa – Thông tin và Du lịch vừa họp báo công bố nghị định quy định về tổ chức ngày kỷ niệm; nghi thức trao tặng, đón nhận hình thức khen thưởng, danh hiệu thi đua; nghi lễ đối ngoại và đón, tiếp khách nước ngoài, bắt đầu có hiệu lực từ 16-12 tới đây. Nghị định này sẽ thay thế nghị định số 82 (ban hành năm 2001) và nghị định số 154 (ban hành năm 2004) nhằm điều chỉnh việc tổ chức các ngày lễ kỷ niệm được “thống nhất, khoa học, tránh rườm rà, tốn kém từ trung ương đến địa phương, phù hợp với truyền thống dân tộc, pháp luật và thông lệ quốc tế”.
Ngay từ khi công bố, văn bản này đã vấp phải sự phản ứng gay gắt từ dư luận và có thể tới đây phía doanh nghiệp cũng sẽ bày tỏ ý kiến của mình vì liên quan đến hoạt động của chính mình.
Ngoài việc quy định tỉ mỉ kiểu trang phục “không được dùng phù hiệu, nơ, hoa cài ngực” hay “kính thưa, kính gửi” bao nhiêu lần, thì bản nghị định này cũng có những điều khoản gây nhiều băn khoăn.
Chẳng hạn, trong khoản 2, điều 24, chương 6 về hình thức tổ chức các buổi lễ, nghị định quy định rõ: “Không tặng quà, biểu trưng, biểu tượng (logo). Không tổ chức chiêu đãi, trừ trường hợp quy định tại điều 11 của nghị định này”. Chỉ có hai buổi lễ không nằm trong phạm vi điều chỉnh bao gồm ngày Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh.
Theo ông Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở (Bộ VH-TT&DL) Phạm Văn Thủy, quy định này nhằm “bỏ bớt những rườm rà, lãng phí, giảm bớt chi phí, đơn giản hóa buổi lễ chương trình”.
Đáng nói là quy định này được áp dụng cho tất cả các đơn vị, không loại trừ tổ chức xã hội nào, kể cả đơn vị kinh tế tư nhân hay có vốn đầu tư nước ngoài. Rõ ràng việc áp dụng quy định trên cho tất cả mọi đối tượng là hoàn toàn sai. Bởi nó chỉ có ý nghĩa xã hội đối với các tổ chức nhà nước là những đơn vị không cần quảng bá hoặc dùng tiền ngân sách làm phí trong các buổi lễ.
Còn đối với doanh nghiệp tư nhân, việc tặng quà cho khách hàng hay tặng các biểu tượng, logo của doanh nghiệp là quyền của họ. Các lễ kỷ niệm đánh dấu một mốc phát triển của doanh nghiệp thì không thể cấm tặng quà hay biểu tượng logo được. Suy cho cùng, điều đó tùy khả năng tài chính của doanh nghiệp. Đó là một hình thức quảng bá thương hiệu cần thiết không chỉ ở nước ta mà cả thế giới đang sử dụng. Nếu việc tặng quà hay biểu tượng không mang lại hiệu quả quảng bá hay kinh doanh, doanh nghiệp sẽ tự động ngừng chứ chẳng cần đến sự can thiệp của Nhà nước bởi chi phí này đã được cân đối trong hạch toán của doanh nghiệp.
Trong chừng mực quy định này chi phối hoạt động của các doanh nghiệp là đi ngược lại với quyền tự chủ kinh doanh được nói đến trong Luật Doanh nghiệp.
Minh Trí (Quận 3)