Tôi đã từng nghe nhiều người nước ngoài sống lâu ở Việt Nam nói rằng: “Chẳng có gì khiến tôi ngạc nhiên”. Bản thân tôi cũng từng nghĩ mình đã biết hết mọi thứ và khó mà có gì làm cho tôi ngạc nhiên nữa. Tuy nhiên, suy nghĩ này thay đổi khi tôi tình cờ xem tường thuật lễ hội chọi trâu Đồ Sơn trên truyền hình vào một buổi chiều Chủ nhật cùng với vợ. Đây quả là một trong những chương trình thú vị nhất tôi từng được xem.
Điều làm tôi ngạc nhiên nhất là những con trâu ở Việt Nam trông có vẻ rất hiền lành và thân thiện. Tôi cũng chưa hề nghe nói rằng chúng có thể tấn công ai. Đó là những người bạn của người nông dân ở Việt Nam. Tôi thắc mắc không biết liệu chúng có thích đánh nhau thật không hay chỉ bị lây cảm giác hào hứng từ sự tưng bừng huyên náo của lễ hội.
Lễ hội chọi trâu thoạt nhìn có vẻ giống như thi đấu bò tót ở châu Âu, nhưng thật ra hai cách thi khác hẳn. Các chú trâu của Việt Nam hiền lành và được thuần hóa. Chúng có vẻ như không gây nguy hại gì cho nhau. Kết quả thắng thua được phân định khi chú trâu yếu thế hơn chạy càng xa càng tốt khỏi đối thủ của mình. Thi đấu bò tót ở châu Âu có độ nguy hiểm cao hơn hẳn. Tai nạn vẫn thường xảy ra. Bản thân tôi không khuyến khích mọi người xem thi đấu bò tót, nhưng đi xem chọi trâu ở Đồ Sơn thì tôi ủng hộ. Cuộc thi có vẻ rất vui mà lại chẳng có người nào hay con vật nào bị thương. Vậy tại sao lại không xem?
Các chú trâu được lựa chọn và huấn luyện rất cẩn thận cho việc thi đấu. Những con trâu này thường từ 4-5 tuổi, có vẻ bề ngoài đẹp mã, ngực rộng, cổ dài, sừng cong… Trong suốt thời gian huấn luyện, chúng được chăm sóc kỹ lưỡng và giữ cho tránh xa các con trâu khác. Những người địa phương chọn con trâu ưa thích trước trận đấu để đặt cược. Vào trận, các chú trâu có thể đấu với nhau hàng giờ, nhưng những trận đấu tôi xem qua truyền hình chỉ kéo dài từ một đến năm phút. Giải thưởng cho người chủ có chú trâu thắng cuộc là 40 triệu đồng. Bên cạnh đó họ sẽ có thêm thu nhập từ việc xẻ thịt chú trâu mang bán ngoài sân thi đấu. Giá của chú trâu thắng cuộc đắt hơn là những chú thua cuộc. Mọi người tin rằng việc ăn miếng thịt trâu thắng cuộc có thể khiến cho họ may mắn suốt cả năm. Nhưng điều này quả là không may mắn gì với những chú trâu chọi.
Lễ hội chọi trâu Đồ Sơn được tổ chức vào ngày 9 tháng 8 Âm lịch hằng năm. Có nhiều truyền thuyết về xuất xứ lễ hội này. Nhưng câu chuyện mà tôi được nghe kể là ngày xưa, trong lúc đang nắng hạn, người dân địa phương bỗng nhìn thấy hình ảnh hai con trâu đánh nhau trên biển. Ngay sau đó, mưa kéo đến cứu sống vạn vật. Kể từ đó, lễ hội được tổ chức để thể hiện sự biết ơn với thần linh, cầu xin mưa gió thuận hòa, đồng thời để ca ngợi tinh thần thượng võ của người dân địa phương. Tháng 9 vừa qua, lễ hội chọi trâu Đồ Sơn đã được công nhận là một trong những di sản văn hóa phi vật thể của Việt Nam. Điều đó có nghĩa là lễ hội này sẽ tiếp tục được bảo tồn. Với tôi đây đúng là một tin tốt.
Tôi cũng để ý thấy trên màn ảnh nhỏ xuất hiện một số gương mặt người nước ngoài đến xem chọi trâu. Họ có thể là khách du lịch hoặc người nước ngoài sống tại Việt Nam muốn tham gia cùng hàng ngàn người dân địa phương trong một dịp lễ hội vô cùng thú vị. Tôi nghĩ lễ hội chọi trâu Đồ Sơn nên là một nội dung quan trọng trong các tour du lịch của Hải Phòng. Chắc chắn sẽ có rất nhiều khách nước ngoài quan tâm đến hoạt động văn hóa này.
Lê Tâm dịch