Mặc dù đã qua nhiều thiên niên kỷ, nhưng tượng Nhân sư khổng lồ vẫn là công trình nổi tiếng nhất của Ai Cập chứa đựng nhiều bí ẩn đến nay vẫn chưa được lý giải thỏa đáng.
Khi những người lính Rome lần đầu chạm trán với tượng Nhân sư khổng lồ (The Great Sphinx), đã đặt câu hỏi tại sao lại chỉ có cái đầu, còn phần thân lại chìm trong cát sa mạc? Đặc biệt hơn, nó vẫn giữ được màu sắc nguyên thủy mặc dù đã trải qua hơn hơn 2000 năm.
Kể từ khi được con người khám phá, tượng Nhân sư khổng lồ đã để lại nhiều dấu ấn kèm theo những bí ẩn khó giải mã, khiến đau đầu nhiều thế hệ. Napoléon từng nhìn chằm chằm vào bức tượng và thể hiện sự sợ hãi thực sự còn các nhà khảo cổ, thám hiểm, sử học và du khách thì đã và đang tìm hiểu, nhưng xem ra tượng Nhân sư vẫn là một trong những công trình bí ẩn nhất của thế giới cổ đại.
Ngày nay, tuy khoa học phát triển nhưng vẫn còn nhiều câu hỏi như lý do xây dựng, cách xây dựng, mục đích ra đời… vẫn đang được bỏ ngỏ nên mới có truyền thuyết “Câu đố của Nhân sư” để nói về những bí ẩn của bức tượng.
Tượng Nhân sư khổng lồ được làm bằng đá vôi, tạc hình dáng đầu người, thân sư tử nằm trong tư thế phủ phục canh gác cho đền thờ vua Pharaoh Khafre trên cao nguyên Giza, bờ Tây sông Nile của Ai Cập. Đây là bức tượng nguyên khối lớn nhất thế giới, dài 73,5 mét và cao 20,22 m. Nhân sư được cho là do người Ai Cập cổ đại ở thời kỳ Cựu Vương quốc, dưới triều đại của Pharaon Khafra (2558-2532 TCN) xây dựng.
Tên gọi chính xác mà những người xây dựng đặt ra không được biết đến vì không thấy nhắc đến trong bất kỳ văn tự nào từ thời Cựu Vương quốc. Sang thời Tân Vương quốc, tượng được gọi là Hor-em-akhet, tên này còn lưu trong Tấm bia Giấc mơ (Dream Stele) của pharaoh Thutmose IV (1401-1391 hoặc 1397-1388 TCN).
Tên nhân sư được đặt cho bức tượng vào khoảng 2.000 năm sau thời điểm xây dựng do nó có những điểm tương đồng với con thú trong thần thoại Hy Lạp có thân sư tử, đầu phụ nữ và cánh đại bàng. Từ tiếng Anh sphinx bắt nguồn từ tiếng Hy Lạp cổ dựa trên truyền thuyết cho rằng nhân sư Hy Lạp đã bóp cổ bất kỳ ai không trả lời được câu đố của nó.
Mặc dù có nhiều tranh liaajn, nhưng quan điểm chung của hầu hết giới Ai Cập học hiện đại thì tượng Nhân sư khổng lồ được xây dựng vào khoảng năm 2500 TCN bởi pharaoh Khafra, người từng xây Kim tự tháp Khafre ở Giza. Dưới đây là một số bí ẩn về tượng Nhân sư khổng lồ được dư luận quan tâm nhiều nhất.
Tượng Nhân sư khổng lồ do ai xây dựng?
Câu trả lời ngắn nhất là không ai biết. Tuy nhiên vẫn có nhiều giả thuyết được đưa ra dựa trên khoa học, tôn giáo, thậm chí có giả thiết do người ngoài hành tinh xây dựng. Nó được xem là một thiết bị đại diện cho cấu hình thiên văn để tưởng nhớ những người đã chết. Mỗi giả thuyết kèm theo một cơ sở nhưng không cái nào thực sự đángtin cậy.
Thậm chí, có người còn cho rằng tượng Nhân sư khổng lồ được xây dựng trước khi có các kim tự tháp gần đó, số khác thì nói ngược lại. Ngày nay, sự đồng thuận chung là khuôn mặt của bức tượng đại diện cho pharaoh Khafre, rằng Khafre khuôn mặt hơi giống bức tượng.
Khafre được coi là người xây dựng kim tự tháp thứ hai tại Giza nên người ta cho rằng ông đã xây dựng tượng Nhân sư khổng lồ. Tuy nhiên, giới Ai Cập học lai không nhất trí về sự đóng góp của Khafre, cho rằng việc xây dựng Nhân sư có trước khi triều đại này ra đời. Do việc xác định niên đại rất khó, do không có tài liệu tham khảo nên tên gọi cũng rơi vào tình trạng tương tự.
Có một con đường đắp cao gần bức tượng nên nhiều người cho rằng tượng được xây dựng dưới triều Khafre, một số người tin rằng Nhân sư đã được Khafre thiết kế, chứ không phải xây dựng. Vì vậy, cho đến nay câu trả lời trả lời vẫn còn bỏ ngỏ.
Nhân sư là gì?
Cho dù ai xây dựng tượng Nhân sư khổng lồ thì cái tên nhân sư vẫn là một “bí ẩn đầy bí mật”. Trước tiên, do không có bất kỳ chữ khắc nào trên đó nên không ai rõ tên thật và mục đích đích thực của nó là gì. Bức tượng vĩ đại chỉ được mang tên gọi nhân sư (sphinx) cho đến hơn 2.000 năm sau khi ra đời; điều này được phần đông học giả chấp nhận, nhưng vẫn chỉ là ý kiến tham khảo.
Bản thân thuật ngữ này được mượn từ tiếng Hy Lạp nói về một sinh vật thần thoại với mình sư tử, đôi cánh đại bàng và đầu của một người phụ nữ. Các nhân sư khác của người Ai Cập lại được phát hiện mang đầu của một người đàn ông, cơ thể của một con sư tử và thiếu đôi cánh.
Ngay cả cái tên sphinx cũng xuất phát từ tiếng Hy Lạp, có nghĩa nắm lỏng và lắc. Thuật ngữ này đề cập đến con thú đang siết chặt đến chết những người không may khi không giải được câu đố mà bức tượng đưa ra.
Gần như tất cả các chữ khắc còn lưu trên bia liên quan đều gọi nó bằng cái tên Terrifying One (Kẻ đáng sợ). Tượng Nhân sư khổng lồ liên quan với thần Mặt trời Ra, cũng như vị thần xuất hiện dưới hình dạng của một tên chó rừng, Anubis. Anubis là vị thần của nghĩa địa, thành phố của người chết. Hơn 1.000 năm sau ngày xây dựng được chấp nhận, nó đã được khai quật và phục hồi lần đầu.
Pharaoh Thutmose IV đã ra lệnh khai quật bức tượng (bị chôn vùi trong cát sa mạc trong hơn 1.000 năm trước, chỉ có cái đầu của nó nhô lên mặt đất). Để giữ cho bức tượng khỏi chìm, pharaoh Thutmose đã cho đặt một phiến đá hoa cương ở giữa hai chân và ghi lên tấm bia có tên Dream Stele, đại ý, bức tượng, đã có niên đại khoảng 1.200 năm tuổi, thuộc về thần mặt trời Ra.
Tượng Nhân sư khổng lồ được xây dựng như thế nào?
Trái với niềm tin thông thường, tựng Nhân sư không phải là một công trình mà là một tác phẩm điêu khắc, nó được đẽo gọt từ tảng đá khổng lồ của một mỏ đá, nơi cung cấp các khối đá xây dựng các kim tự tháp và các đền thờ, cũng như đường vào ở gần đó. Giữa các khối đá là vật liệu liên kết kiểu như xi măng nhằm chống xói mòn và sự tàn phá của thời gian.
Về kỹ nghệ chạm khắc tượng vẫn là chủ đề tranh luận. Người thì nói là đẽo bằng búa và đục, cưa, hoặc thổi bằng nước. Nước được dẫn đến bằng ống da, có áp lực để làm mòn đá. Nhưng nếu nước được sử dụng, thì nguồn ở đâu ra? Người ta lập luận nó từ các thung lũng đưa tới bởi cách đây hàng nghìn năm nơi đây là vùng đất màu mỡ, tưới tiêu tốt chứ không phải xa mạc như ngày nay.
Lý thuyết này không được cộng đồng khoa học chấp nhận, bởi sự xói mòn làm hỏng bức tượng là kết quả của nước mưa, thay vì do cát gió. Hơn nữa, vào triều đại Thutmose IV, tượng Nhân sư khổng lồ đã bị chôn vùi đến tận cổ trong sa mạc nên các nhà khí hậu học tin rằng thời kỳ cuối cùng của lượng mưa lớn và dai dẳng trong khu vực xảy ra hơn 4000 năm TCN gây ra sự xói mòn.
Nếu giả thiết này được chấp nhận, thì tượng được xây dựng sớm nhất là 6.000 năm TCN. Tuy vậy, các nhà Ai Cập học vẫn coi lý thuyết trên chỉ mang tính tham khảo, thiếu độ tin cậy khoa học, đặc biệt là mâu thuẫn với các nguyên lý thuộc khảo cổ và Ai Cập học.
Nhân sư được người Ai Cập cổ đại sử dụng như thế nào?
Theo giới chuyên gia, ý nghĩa và việc sử dụng tượng Nhân sư đã và đang thay đổi. Ở Ai Cập cổ đại, sư tử là biểu tượng của mặt trời, do đó người ta tin rằng bức tượng đã được sử dụng để thờ mặt trời hơn 2.500 năm TCN. Một ngàn năm sau, bức tượng lại dùng để thờ vị thần mặt trời khác có tên Harmachis được xây dựng gần đó bởi pharaoh Amenhotep II.
Thực tế, bức tượng Nhân sư lại có nhiều ý nghĩa khác nhau khi thay đổi các chủ sở hữu. Người Canaanites, một dân tộc đa thần gồm nhiều bộ lạc khác nhau thường được nhắc đến trong Kinh Cựu Ước của người Do Thái và Kinh Kitô hữu hiện đại tin rằng Nhân sư đề cập đến vị thần Horon, một trong hai vị đấng thần linh nắm quyền lãnh đạo của người Do Thái.
Phần người của bức tượng là đàn ông hay đàn bà?
Sự hiện diện của một bộ râu trên cằm của chiếc đầu đồ sộ của Nhân sư khiến nhiều người cho rằng đó là đầu của một người đàn ông. Nhưng bắt đầu từ những năm 1500 SCN và tiếp tục vào thế kỷ XIX, du khách thường mô tả là đầu của phụ nữ và thân trên được ghép với cơ thể của một con sư tử.
Mô tả bức tượng giống như chiếc đầu của một người phụ nữ đã được đề cập cả trong văn bản viết lẫn phác thảo bằng hình vẽ thời cổ đại và của của các nghệ sĩ phương Tây. Tượng Nhân sư được mô tả là có bộ ngực, chiếc cổ và khuôn mặt của một người phụ nữ. Dấu vết màu còn sót lại xung quanh mắt và phần dưới mặt cho thấy bức tượng xuất hiện khuôn mặt nhiều màu sắc, giống như phụ nữ khi trang điểm đậm.
George Sandys, một nhà thơ người Anh, dịch giả của các tác phẩm kinh điển cổ đại, và một nhà du hành đã ghi lại những điều ông từng gặp trên chuyến đi, và mô tả Nhân sư giống như một phụ nữ làm nghề mà pháp luật hiện đại nhiều nơi không cho phép. Một nhà văn đương đại nổi tiếng người Đức, Julian Helferich đã mô tả Nhân sư là một phụ nữ có bộ ngực tròn lẳn.
Trước thời kỳ Cách mạng Pháp, phần lớn các hình ảnh của Nhân sư khá phổ biến ở châu Âu, được mô tả rất nữ tính. Chỉ sau khi Pháp xâm chiếm Ai Cập do tướng Napoléon Bonaparte dẫn đầu thì người ta mới quan tâm đến tính chính xác của bức tượng, thậm chí còn được quan tâm hơn cả chủ nghĩa lãng mạn hiện đang thịnh hành ở châu Âu hồi đó. Điều thú vị, mãi đến năm 1755, những bức vẽ châu Âu về Nhân sư mới xuất hiện nhưng phần lớn lại thiếu chiếc mũi.