Tình hình tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước tuần qua được nhắc đến nhiều hơn cả là câu chuyện “bình mới rượu cũ” ở Vinashin. Khi tập đoàn này từ nay phải từ giã tên cũ Tập đoàn Công nghiệp Tàu thủy Việt Nam để trở thành Tổng công ty Công nghiệp Tàu thủy với tên giao dịch quốc tế là Shipbuilding Industry Corporation – SBIC.
Vậy là từ một doanh nghiệp nhà nước thua lỗ chồng chất, nợ nần đầm đìa hơn 80.000 tỉ đồng, Vinashin lột xác thành một doanh nghiệp hoàn toàn mới với ngành nghề chủ yếu quay lại như hồi chưa có tên gọi tập đoàn.
Quyết định số 3287/QĐ-BGTVT do Bộ Giao thông Vận tải mới ký ban hành đã chính thức mở đường cho việc thay tên đổi họ này trên cơ sở tổ chức lại công ty mẹ và một số đơn vị thành viên của Vinashin, với tổng vốn điều lệ là 9.520 tỉ đồng (tương đương 452 triệu USD).
Công ty mẹ – Tổng công ty Công nghiệp Tàu thủy là Công ty TNHH Một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ, hoạt động theo Luật Doanh nghiệp, có tư cách pháp nhân, con dấu, biểu tượng, điều lệ tổ chức và hoạt động; được mở tài khoản tại Kho bạc Nhà nước và các ngân hàng theo quy định của pháp luật.
Công ty mẹ này có tám con là các công ty TNHH Một thành viên đóng tàu gồm Công ty Phà Rừng, Công ty Bạch Đằng, Công ty Hạ Long, Công ty Thịnh Long, Công ty Cam Ranh, Công ty Công nghiệp Tàu thủy Sài Gòn, Công ty Công nghiệp Hàng hải Sài Gòn và Công ty cổ phần Đóng tàu Sông Cấm.
Điều này cũng có nghĩa là 234 doanh nghiệp trực thuộc Vinashin trước đây sẽ không nằm trong SBIC, trong số này có 69 doanh nghiệp được cổ phần hóa, bán chuyển nhượng vốn và 165 doanh nghiệp sẽ được bán, giải thể hoặc phá sản.
Vẫn theo quyết định trên, các ngành, nghề kinh doanh chính của tổng công ty sẽ tập trung vào công nghiệp đóng tàu, bao gồm đóng mới tàu thủy, thiết bị và phương tiện nổi; sửa chữa, hoán cải tàu thủy, thiết bị và phương tiện nổi; tư vấn, thiết kế tàu thủy và phương tiện nổi; tái chế, phá dỡ tàu cũ.
Ngoài ra, SBIC còn có nhiệm vụ khai thác cảng biển, cảng thủy nội địa, bến tàu, cầu tàu; kinh doanh hoạt động lai dắt, tàu kéo, tàu đẩy, sà lan, phương tiện nổi; xây dựng công trình thủy, nhà máy đóng tàu; sản xuất chế tạo kết cấu thép; các ngành, nghề sản xuất phụ trợ phục vụ trực tiếp cho ngành đóng mới và sửa chữa tàu thủy.
Theo nội dung quyết định này thì Tổng công ty Công nghiệp Tàu thủy chỉ hoạt động trong các ngành có liên quan, không như hoạt động bát nháo của Vinashin trước đây.
Quyết định của bộ cũng nhấn mạnh sau khi được thành lập, SBIC có trách nhiệm kế thừa các quyền, nghĩa vụ pháp lý và lợi ích hợp pháp của Vinashin; trực tiếp hoạt động sản xuất, kinh doanh và đầu tư vốn vào các công ty con, công ty liên kết; chịu trách nhiệm bảo toàn và phát triển vốn Nhà nước tại công ty mẹ và vốn đầu tư vào công ty con, công ty liên kết.
Trong thời gian chuyển đổi mô hình tổ chức, chủ tịch hội đồng thành viên, chủ tịch hội đồng quản trị, chủ tịch công ty, tổng giám đốc, giám đốc và các cá nhân có liên quan của các đơn vị chịu trách nhiệm quản lý toàn bộ tài sản, tiền vốn của đơn vị, không để hư hỏng, hao hụt, thất thoát.
Hội đồng Thành viên SBIC có trách nhiệm: xây dựng điều lệ tổ chức và hoạt động của tổng công ty; xây dựng ban hành quy chế tài chính và các quy chế quản lý nội bộ theo quy định; tổ chức, sắp xếp lại bộ máy giúp việc theo hướng tinh gọn, hiệu quả, phù hợp với thực tiễn hoạt động sản xuất, kinh doanh. Đồng thời phải tổ chức thực hiện đề án tiếp tục tái cơ cấu Vinashin đã được Chính phủ phê duyệt; làm thủ tục đăng ký lại quyền sở hữu tài sản và đăng ký doanh nghiệp theo quy định của pháp luật; thực hiện các nhiệm vụ khác theo quy định của pháp luật, điều lệ tổ chức và hoạt động của tổng công ty.
Nhìn dưới góc cạnh “sự đã rồi”, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, Tiến sĩ Trần Đình Thiên, phân tích rằng việc chuyển đổi này đã xử lý được hai việc cơ bản, một là tập đoàn nhà nước chỉ có thể làm cái gì với nguồn lực quốc gia thì chỉ được phép làm điều đó thôi và hai là xử lý việc quản trị doanh nghiệp.
Theo ông Thiên, cái gốc của vấn đề không phải là mô hình hay tên gọi mà là chức năng, quyền hạn phải được minh định rất rõ ràng.
Câu hỏi đặt ra là tại sao lâu nay chính phủ không thấy vấn đề phức tạp ở các tập đoàn mà khi sự việc Vinashin vỡ lở thì mới vội vàng sửa chữa? Phải chăng “hội chứng quốc doanh chủ đạo” đã khiến nhiều người nghĩ rằng hễ quy mô doanh nghiệp lớn là có thể làm được nhiều thứ?
Rõ ràng mô hình tập đoàn nhà nước không thành công như mong đợi, thậm chí một số tập đoàn để lại những hậu quả nghiêm trọng cho nền kinh tế đất nước.
Với việc chuyển Vinashin từ tập đoàn trở thành tổng công ty, hiện nay chúng ta còn 11 tập đoàn hoạt động trong những khu vực kinh tế chủ chốt. Đó là các tập đoàn Bưu chính Viễn thông, Công nghiệp Cao su, Than – Khoáng sản, Dầu khí Quốc gia, Dệt may, Điện lực, Bảo Việt, Hóa chất, Phát triển nhà và đô thị, Công nghiệp Xây dựng và Viễn thông Quân đội.
Một trong các tập đoàn này là Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) được cho là làm ăn thua lỗ và đang vật lộn với khoản nợ khổng lồ. Không biết trong chương trình tái cơ cấu doanh nghiệp, sau Vinashin sẽ đến lượt tập đoàn nào, để có thể mang lại một sự khởi sắc cho nền kinh tế.
Ngọc Anh