Liên kết yếu, “gãy” nhiều nơi
Tháng 5-2012, Hội nghị “Sơ kết một năm liên kết phát triển các tỉnh duyên hải miền Trung” diễn ra để giải quyết vấn đề “nghiện” đầu tư công. Tình trạng đầu tư công đang tràn lan, không tận dụng, hỗ trợ lẫn nhau gây lãng phí hiện vẫn là vấn đề nhức nhối của nhà nước. Theo khảo sát của Ngân hàng Thế giới năm 2011, Việt Nam có tỷ lệ đầu tư công khá lớn (khoảng 17 – 20% GDP mỗi năm), trong khi các nước khác trong khu vực chỉ dưới 5% (Trung Quốc là 3,5%, Indonesia 1,6%…).
Hội nghị ngành công thương các tỉnh Đồng bằng sông Hồng và Bắc Trung bộ 2012 lại đưa ra đánh giá việc quy hoạch công nghiệp địa phương vẫn chưa hiệu quả. Cụ thể là tình trạng nhập siêu vẫn lớn bởi các địa phương chưa biết khai thác tối đa thế mạnh của tỉnh nói riêng và của vùng nói chung. Năm 2012, theo Tổng cục Thống kê, dù đã thực hiện biện pháp kiềm chế nhưng khu vực kinh tế trong nước vẫn phải nhập siêu 11,7 tỉ USD.
Rất nhiều khu công nghiệp địa phương không đem lại hiệu quả
Tương tự, vấn đề liên kết vùng cũng được nhắc đến như một chìa khóa tại Diễn đàn hợp tác kinh tế ĐBSCL – Tiền Giang 2012 (MDEC Tiền Giang) nhằm giải quyết các vấn đềứng phó biến đối khí hậu, phát huy thế mạnh của vùng, liên kết phát triển kinh tế liên vùng và phát triển nông nghiệp bền vững. Thách thức tính cục bộ địa phương tại các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long vẫn là yếu tố cốt yếu mà các tỉnh phải vượt qua trong vấn đề liên kết phát huy sức mạnh.
Ba hạn chế trong xây dựng liên kết vùng
Câu hỏi được đặt ra: Tại sao hiệu quả liên kết vùng Việt Nam trong thời gian qua là rất kém bất chấp những nỗ lực từ phía chính phủ và các địa phương? Có ít nhất ba vấn đề mà hiện nay Việt Nam vẫn còn bị khúc mắc trong xây dựng liên kết vùng.
Thứ nhất, bản chất của khái niệm “liên kết vùng” vẫn được hiểu một cách mập mờ, chung chung. Để hiểu rõ vấn đề liên kết vùng thì tối thiểu các tỉnh, chính quyền địa phương phải hiểu được: Liên kết cái gì? Liên kết với ai?Tại sao phải liên kết yếu tố đó?Và liên kết với đối tác nào? Đã có nhận định cho rằng liên kết vùng là một phép cộng theo kiểu “lấy thịt đè người”. Chính cách hiểu sai đó đã dẫn đến tâm lý bầy đàn và sự chạy đua theo kiểu “bạn có ta cũng có”.
Thế nên, liên kết vùng cần được hiểu là một “phép giao nhau” bằng những thế mạnh tương đối hoặc tuyệt đối nhằm hướng đến sự phân công lao động, tương hỗ các thế mạnh và bù lấp các điểm yếu về nguồn lực để đi đến tối đa hóa giá trị mục tiêu đề ra. Nói một cách vĩ mô, liên kết vùng là một quá trình “toàn cầu hóa” ở quy mô nhỏ mà trong đó mỗi tỉnh, mỗi yếu tố nội vùng đóng vai trò là mỗi quốc gia.
Thứ hai, không gian kinh tế và không gian hành chính của Việt Nam vẫn đang rất lẫn lộn.Việc chia tách, nâng cấp các đơn vị hành chính diễn ra ở mật độ khá dày tại Việt Nam. Về lý thuyết, đây là giải pháp nhằm theo sát, giúp đỡ người dân, thực hiện đúng chính sách của Đảng và nhà nước. Tuy nhiên, có ít nhất ba hạn chế lớn trong việc phân chia không gian hành chính quá nhỏ.
Xét ở góc độ toàn cầu hóa, các quốc gia đang có xu hướng làm “phẳng” ranh giới tạo điều kiện cho thị trường thế giới mở rộng, xóa bỏ thuế quan, phân công lao động thay đổi, đồng bộ hóa khoa học công nghệ trong khu vực và thế giới nhằm tối đa hóa lợi ích các nước. Vì vậy, nếu xem xét liên kết vùng như mô hình toàn cầu hóa thu nhỏ thì việc chia tách các tỉnh ở Việt Nam là đi ngược lại mục tiêu chung của liên kết.
Ông bà có câu “chia rẽ là chết” cũng có cái lý riêng. Việc tách quá nhỏ các tỉnh dẫn đến nhiều địa phương thiếu nguồn lực để thực hiện các chức năng, nhiệm vụ ngày càng lớn và phức tạp do trung ương phân cấp trong bối cảnh kinh tế hội nhập.
Bên cạnh đó, bộ máy hành chính cồng kềnh do quá trình phân tách sẽ làm phức tạp hóa rất nhiều vấn đề: phân công lao động, trách nhiệm, ngân sách chính phủ chi trả… Đó là chưa kể một số tỉnh sau khi tách vẫn khó có thể “hóa rồng” trong khi một số tỉnh lớn như Quảng Ninh, Thanh Hóa vẫn có thểổn định.
Thứ ba, vấn đề văn hóa trong liên kết và phối hợp giữa các vùng còn rất kém.Các địa phương phải ý thức được những giá trị cốt lõi khi tham gia liên kết vùng.Học thuyết Kiến tạo chỉ ra rằng nếu con người hiểu nhau, thích nhau thì khả năng hợp tác sẽ tăng lên. Các địa phương hiện nay dưới sự phân cắt văn hóa do tác động của quá trình hội nhập, dường như vẫn xem nặng mục tiêu lợi ích kinh tế hơn tầm quan trọng của yếu tố văn hóa trong liên kết vùng. Tuy nhiên, việc tìm được “góc nhìn chung” là yếu tố không thể thiếu khi các đơn vị quyết định hợp tác.
Khi các đơn vị hiểu sai bản chất liên kết vùng, ranh giới các vùng chồng chéo về mặt kinh tế, hành chính và văn hóa, ý thức liên kết không có thì việc hợp nhất các vùng để tạo nên nguồn lực tổng thể là rất khó khăn.
Triển vọng 2013: Những nước cờ quan trọng
Trước tiên, Việt Nam nên hiểu rõ triết lý phân chia đơn vị hành chính không phải là gần dân hay không, mà là việc phân chia có đi kèm với những lợi ích so sánh thiết thực, hiệu quả hay không. Theo chuyên gia đô thị – TS Nguyễn Đăng Sơn: “Thay vì nghĩ đến việc chia nhỏ các tỉnh, Việt Nam có thể đưa các tỉnh lân cận vào các vùng đô thị, như: vùng Hà Nội, vùng TP.HCM, vùng Đà Nẵng, tương lai có thể có thêm vùng Hải Phòng, vùng Cần Thơ”. Ông Sơn lấy ví dụ các vùng Paris (Pháp) và vùng Manila (Philippines) để gợi ý “Mỗi vùng đô thị tại Việt Nam sẽ có hội đồng những nhà lãnh đạo đứng đầu các đơn vị trong vùng nhưng do một Phó Thủ tướng chủ trì cùng một số thành viên từ trung ương như Bộ Kế hoạch – Đầu tư, Bộ Xây dựng, Bộ Giao thông – Vận tải”.
Nếu làm tốt việc phân chia, hoạt động các vùng kinh tế sẽ có thể mở rộng không gian phát triển, giải quyết vấn đề đầu tàu trong vùng kinh tế giúp các đơn vị thống nhất, hoạt động đồng bộ, chia sẻ lợi ích chung tạo nên những đầu mối mạnh, những vùng gắn kết hay thương hiệu các vùng của nền Việt Nam trong thu hút đầu tư.
Theo nhận định của nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan thì ý thức con người trong vấn đề liên kết vùng là rất quan trọng.Việc giáo dục những lợi ích của liên kết vùng sẽ giúp các tỉnh tăng ý thức liên kết, hỗ trợ nhau cùng hợp tác và phát triển. Đặc biệt, ông Vũ Khoan nhấn mạnh: “Cần khắc phục và xây dựng lại cơ chế mới trong vấn đề liên kết vùng”. Thực tế, ban chỉ đạo một số khu vực Tây Bắc, Tây Nguyên, Đồng bằng sông Cửu Long… đã có xây dựng các cơ chế liên kết vùng, tuy nhiên chưa hiệu quả vì yếu tố cốt yếu nhất là quy hoạch toàn quốc chưa được đảm bảo. Chúng ta nên xây dựng, tận dụng các yếu tố tích cực của nhà nước tập quyền, tập trung. Đó không phải là xây dựng hệ thống quan liêu, mà là nhà nước có vai trò chỉ đạo tập thể để đồng bộ hóa hệ thống liên kết vùng. Nếu mỗi vùng cần có một đầu tàu thì cả nước phải có một đầu tàu lớn hơn, đó là Chính phủ.
Đỗ Thiện