Còn hơn một tháng nữa mới đến Tết Nguyên đán nhưng hiện nay không khí mua bán đã bắt đầu nhộn nhịp ở các vườn hoa lan.
Những năm gần đây, nhu cầu chưng hoa lan ngày tết ngày càng tăng. Các loại lan rừng, lan quý hiếm đắt tiền ngày càng được ưa chuộng. Nhiều người mê chơi lan cũng khấm khá lên vì thú chơi tốn kém này có khả năng mang lại nguồn thu hấp dẫn nếu người chơi có óc kinh doanh.
Những tỉ phú trẻ trong giới chơi hoa lan
Một tuần nay, vườn lan nhà chị Vũ Thị Hằng (xa lộ Hà Nội, Q.9, TP.HCM) bắt đầu có khách đến xem và mua hoa. Mỗi ngày, chị bán ra khoảng 60-80 chậu địa lan, thu về hàng chục triệu đồng/ngày. Chị Vũ Thị Hằng cho biết giá hoa năm nay cũng không cao hơn so với mọi năm. Bằng giờ năm trước hầu hết hoa lan đều bị nở sớm nên phải cắt cành trước tết, dẫn đến khan hiếm đẩy giá lan chậu tăng mạnh. Năm nay hoa địa lan sẽ nở đúng tết nên nguồn cung dồi dào hơn, hiện đã có nhiều thương lái và khách có nhu cầu tìm đến vườn đặt cọc để lấy hàng.
Bên cạnh những chủ vườn lan lâu năm như chị Hằng, thị trường hoa lan Việt Nam gần đây thêm sôi động nhờ những người kinh doanh trẻ tuổi, có học thức, biết tận dụng thương mại điện tử và mạng xã hội. Phùng Văn Hùng (sinh năm 1992), cựu sinh viên Tài chính ĐH Đà Nẵng, chủ nhân trang web lanrungvietnam.com là một ví dụ. Chỉ sau ba năm tập trung vào đam mê chơi hoa, hiện Phùng Văn Hùng đã làm chủ vườn lan rừng ở số 225 Phạm Văn Đồng, phường Lê Lợi, thành phố Kon Tum. Vườn lan của Hùng khá nổi tiếng trong giới sưu tập lan rừng với ba ngàn giò hoa lớn nhỏ, thuộc hơn 60 chủng loại khác nhau đua sắc như trúc phật bà, giả hạc, trầm, kèn, trúc mành Kon Tum, thủy tiên dẹt, hoàng lan… Dù ở xa các thị trường tiêu thụ lớn nhưng nhờ biết cách bán hàng qua mạng và tiếp thị hiệu quả bằng Facebook nên vườn lan 225 Phạm Văn Đồng luôn có lượng khách hàng ổn định.
Cũng mất khoảng thời gian ba năm, Nguyễn Phương Đông (tốt nghiệp ĐH Ngoại thương TP.HCM) bắt đầu gặt hái được thành công bước đầu trong nghề trồng lan. Sau một vụ tai nạn, Nguyễn Phương Đông rời bỏ công việc lương cao tại TP.HCM về lại thôn Tân Tiến, xã Tân Văn, huyện Lâm Hà (Lâm Đồng) và bắt đầu bén duyên với lan rừng. Sau ba năm tìm hiểu trên internet, học hỏi từ bạn bè, rồi cầm sổ đỏ đầu tư cho đam mê, hiện nay anh đã sở hữu vườn lan rộng 300m2 chia làm hai khu riêng biệt: Khu thứ nhất gồm các loại lan cao cấp như Giả Hạc Di Linh Xuân, Giả Hạc Di Linh đột biến trắng. Khu này có giò lên tới 50 triệu đồng, hoặc bán từng đoạn với giá 300-600 nghìn đồng/cm. Khu thứ hai trưng bày các loại lan bình dân như lan tu, thủy tiên, da báo, tai trâu…
Hiện bình quân mỗi ngày Nguyễn Phương Đông bán ra từ 3-5 triệu đồng tiền lan, mỗi năm thu về khoảng 1,8 tỉ đồng, trừ hết chi phí còn lời gần 600 triệu đồng. Hằng ngày anh đều dành thời gian tìm hiểu, nhân giống nhiều loại lan quý để cung cấp cho thị trường. “Hiện nay nhiều loại lan rừng phải nhập từ Lào và Campuchia về nên giá bán rất cao, người chơi bình dân khó tiếp cận được. Mình tự nhân giống, chắc chắn giá sẽ rẻ hơn”, anh cho biết.
Hoa không phụ người chơi có tâm
Nhiều người cho biết lan rừng có sức sống bền bỉ, nhưng để lan thích nghi với vườn nhà và sớm ra hoa, người chơi lan rừng phải mất từ hai – ba năm hoặc nhiều hơn nữa để thuần dưỡng hoa. Trong quá trình đó, lan cần nhận được sự chăm sóc tỉ mỉ và quan tâm đặc biệt. Đó là lý do khiến lan rừng có giá cao gấp vài chục lần so với lan bình thường. Anh Trịnh Văn Sỹ, xã Lộc Thanh, huyện Bảo Lộc, Lâm Đồng là một trong những người trở thành tỉ phú nhờ vào việc trồng và nhân giống thành công lan rừng. Khu vườn rộng hơn 1.800m2 của anh hiện đang có gần 200 giống lan rừng đặc hữu quý hiếm như long tu, kim điệp, Giả Hạc Di Linh, đại ý thảo trắng… Thu nhập từ lan rừng có thể mang lại cho anh từ 700 triệu – 1 tỉ đồng/năm. Anh Trịnh Văn Sỹ cho biết để đầu tư vào làm một vườn lan rừng cần số vốn khoảng 500 triệu đồng đầu tư cơ sở vật chất, cộng thêm 200 triệu tiền mua cây giống. Theo anh, so với các loại lan công nghiệp, việc nhân giống lan rừng cần nhiều kỹ thuật. Lan rừng có hai cách để nhân giống là tự nhiên và công nghiệp. Cách tự nhiên là cứ treo lan ngoài trời, những cái thân già sẽ nảy mầm.
Trần Quốc Việt, chủ một vườn lan rừng ở huyện miền núi An Lão, Bình Định từng có nhiều năm theo chân những thợ rừng người H’rê, Ba Na xuyên rừng Trường Sơn săn lan cho biết lan rừng của tự nhiên ngày càng khan hiếm. Theo anh, một số loài lan rừng hiện nay gần như không thể tìm thấy ở rừng An Lão. Những loài này dù khách mua trả giá rất cao anh cũng không bán vì muốn giữ lại nguồn gen quý. Hiện anh đang mày mò tìm mọi cách tự nhân giống theo phương pháp thủ công. Anh Trần Quốc Việt cho biết cộng đồng yêu thích lan rừng ngày càng đông đảo và tương tác mạnh với nhau nhờ internet. Lan rừng Quảng Trị, Chien Orchirds Bình Phước… là các địa chỉ quen thuộc trên mạng xã hội Facebook của những người yêu, chơi lan và muốn tìm mua lan rừng. Từ chơi chuyển qua kinh doanh, lan của Trần Quốc Việt hiện đã xuất bán trên khắp cả nước. Người mua có thể đến mua trực tiếp tại vườn hoặc đặt mua online. Dù sở hữu lượng lan lớn và phong phú về chủng loại như vậy nhưng hằng ngày anh vẫn có mặt tại các bản làng, với hy vọng sẽ bổ sung thêm loài lan mới.
Theo ông Nguyễn Văn Trúc, Chủ tịch Hội Sinh vật cảnh Phú Yên, hiện phong trào chơi lan phát triển rất mạnh mẽ. So với cách đây ba năm, lực lượng người chơi lan rừng tại tỉnh này đã tăng lên từ 7-10 lần. Không chỉ nhiều về số lượng mà kỹ thuật, quy mô của vườn lan cũng phát triển mạnh mẽ. “Tuy nhiên, lan rừng của tự nhiên thì nên để nó ở trong tự nhiên. Bởi chỉ ở giữa nơi mà nó sinh ra, lan rừng mới rực rỡ và phô bày mọi nét đẹp của chúng. Và để thay thế lan rừng hái trong tự nhiên, giải pháp nuôi cấy mô lan rừng cần được ứng dụng rộng rãi”, ông Nguyễn Văn Trúc cho biết.