Những năm gần đây, ngành du lịch Việt Nam liên tục chứng kiến mức tăng trưởng lên đến hai con số. Tuy nhiên, đi cùng với sự phát triển ấn tượng đó là thực trạng thiếu lao động có tay nghề trầm trọng mà sau một thời gian dài chờ đợi, những người có tâm huyết trong ngành vẫn chưa nhìn thấy dấu hiệu lạc quan nào.
Theo bà Sim Trần, Giám đốc quản trị thương mại – Tập đoàn Imperial thì việc đầu tư vào giáo dục có quá nhiều rào cản.
Dù vậy, sự tự tin vào những thế mạnh mình sở hữu và tinh thần trách nhiệm với xã hội đã thôi thúc những người lãnh đạo của tập đoàn này xây dựng Trường Quản trị Khách sạn theo tiêu chuẩn quốc tế đầu tiên tại Việt Nam.
Chỉ trong thời gian ngắn vừa qua, hàng loạt khách sạn 5 sao, trung tâm giải trí, nghỉ dưỡng đã được xây dựng tại Việt Nam.
Là người có bề dày kinh nghiệm trong ngành du lịch khách sạn, bà đánh giá thế nào về nguồn nhân lực đáp ứng cho sự phát triển này?
Thật sự là Việt Nam đang thiếu hụt nghiêm trọng nguồn nhân lực có trình độ, có tay nghề đạt tiêu chuẩn quốc tế và có đủ niềm đam mê để làm việc lâu dài trong ngành công nghiệp không khói.
Vì vậy, trong xu hướng đầu tư ngày càng tăng đối với các nhà hàng, khách sạn, resort 5 sao như hiện nay, thị trường nhân lực của chúng ta đang đứng trước nguy cơ bị “xâm chiếm” từ nguồn nhân lực các nước trong khu vực như Thái Lan, Singapore, Malaysia…
Hàng loạt các khách sạn cao cấp vừa được đưa vào hoạt động, cùng với đó là nhiều thương hiệu quốc tế hàng đầu về bất động sản du lịch đã và đang ào ạt tăng thêm thị phần tại Việt Nam như Accor, JW Marriott, Hyatt, InterContinental, Four Seasons…
Điều này góp phần tạo nên sự cạnh tranh đa dạng, hấp dẫn nhưng cũng không kém phần khốc liệt. Trong bối cảnh đó, nguồn nhân lực “yếu và thiếu” hiện nay của chúng ta tạo ra rào cản lớn cho sự phát triển của ngành.
Theo bà, việc thiếu hụt nguồn nhân lực có nguyên nhân từ đâu và hệ quả của việc này sẽ như thế nào?
Có một nghịch lý là ngành dịch vụ của chúng ta không thiếu lao động, mà chỉ thiếu lao động làm được việc.
Nguyên nhân thì có nhiều, tuy nhiên phần lớn là do việc đào tạo trong ngành chưa đủ thực tế, chưa bám theo nhu cầu chính yếu của thị trường.
Đào tạo thường tập trung vào lý thuyết mà quên mất phần thực hành. Cách đào tạo, giảng dạy này đi ngược với xu thế quốc tế, vì vậy sinh viên của chúng ta ra trường thua kém sinh viên các nước trong khu vực về nhiều kỹ năng.
Lấy ví dụ như khi khảo sát trên các du thuyền quốc tế 5 sao hiện nay, lao động Việt Nam chủ yếu đảm nhận khâu vệ sinh, rửa chén hoặc phục vụ trong bộ phận buồng.
Trong khi đó, các bộ phận khác như tiếp tân, phục vụ bàn, các vị trí giám sát hầu hết do lao động các nước như Singapore, Thái Lan, Trung Quốc… đảm nhận.
Sở dĩ có sự phân công lao động như vậy bởi lao động của chúng ta thua kém các nước khác trong khu vực về nhiều kỹ năng như: trình độ ngoại ngữ, khả năng giao tiếp, các kỹ năng nghề không đạt chuẩn quốc tế…
Không riêng gì Tập đoàn Imperial mà những doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực du lịch, khách sạn đều đau đầu về thiếu hụt nguồn nhân lực chất lượng. Bà có thể chia sẻ cách làm của các doanh nghiệp để khắc phục tình trạng này?
Mỗi doanh nghiệp trong ngành du lịch khách sạn hiện nay đều phải trăn trở tìm cách khắc phục vấn đề “nguồn nhân lực” theo một hướng đi nào đó.
Có nơi sàng lọc rất kỹ từ đầu vào, thậm chí chấp nhận chậm tiến độ khai trương để có được đội ngũ nhân sự như mong đợi.
Nhưng cũng không ít nơi dùng biện pháp tuyển dụng ồ ạt, nhanh chóng có số lượng lớn nhân sự cho vào làm thử việc rồi mới sàng lọc qua cọ sát thực tế và chấp nhận tỷ lệ rơi rụng lên đến 25% – 30% trong năm đầu kinh doanh.
Rồi có cả biện pháp lấy nhân sự từ đối thủ cạnh tranh trong vùng, bằng một số lợi ích trực tiếp, trả thẳng cho người lao động, chấp nhận quỹ lương bị đội lên cao hơn dự kiến.
Tập đoàn Imperial thì chọn hướng tuyển dụng và đào tạo nguồn nhân lực tại địa phương, với phương châm “chậm nhưng phải thật sự chắc”.
Theo tôi, tất cả những biện pháp này đều chỉ là ngắn hạn, chúng ta cần chung tay tìm giải pháp cho việc nâng cao chất lượng đào tạo cho lao động Việt Nam để cùng nhau phát triển bền vững.
Giải pháp đó không chỉ để đáp ứng cho “cơn khát” nhân lực hiện nay, mà còn cần tạo được sự cạnh tranh, nâng cao vị thế về nhân sự của Việt Nam đối với thị trường lao động quốc tế.
Được biết Tập đoàn Imperial hiện đang xúc tiến hợp tác với Đại học Ngoại thương (Hà Nội) và Đại học Niagara (Mỹ) để chiêu sinh đào tạo cho ngành du lịch, khách sạn. Trong khi trước đó chủ tịch Tập đoàn Imperial đã phát biểu rằng việc đầu tư vào ngành giáo dục tuy thú vị nhưng cũng rất nhọc nhằn! Xét ở góc độ đầu tư và lợi nhuận thu được, Tập đoàn Imperial đặt mục tiêu nào khi đầu tư trong lĩnh vực trên?
Theo tôi nghĩ, giáo dục là một ngành thú vị bởi được sự đồng hành cùng cả xã hội. Tham gia vào giáo dục nghĩa là tham gia vào quá trình hiện thực hóa giá trị con người, góp phần tạo nên sự cạnh tranh quốc gia.
Doanh nghiệp tham gia vào kinh doanh giáo dục sẽ định hướng được đúng các sản phẩm mà thị trường kỳ vọng.
Tuy nhiên ở Việt Nam hiện nay có rất nhiều cơ sở đào tạo chỉ đơn giản đáp ứng nhu cầu bằng cấp hoặc chứng chỉ cho người đi học, mà thực sự không định vị, không hướng được họ đến mục tiêu tạo giá trị cho nhu cầu của người sử dụng lao động.
Kinh doanh giáo dục là loại hình kinh doanh rất đặc thù. Trong khi sản phẩm của các loại hình kinh doanh khác là vật chất thì sản phẩm của giáo dục là con người.
Chính vì vậy, quan điểm của ban lãnh đạo Tập đoàn Imperial là kinh doanh giáo dục cần chữ tâm và cần phải có trách nhiệm đối với xã hội.
Đã kinh doanh thì không thể không tính đến lợi nhuận, trường càng có danh tiếng thì lợi nhuận càng cao. Tuy nhiên, điều quan trọng là đặt mục tiêu lợi nhuận bao nhiêu và dành phần lớn lợi nhuận ấy vào việc gì?
Chúng tôi xác định mục tiêu rõ ràng ngay từ đầu là phần lớn lợi nhuận đạt được sẽ dùng vào việc tái đầu tư cơ sở vật chất của trường, mở rộng quy mô, phát triển tốt hơn cho những thế hệ sinh viên kế tiếp.
Theo bà, doanh nghiệp đặt chân vào lĩnh vực giáo dục sẽ có những thuận lợi nào? Bên cạnh đó là những thử thách gì?
Đầu tiên, xác định sản phẩm đúng sẽ quyết định đến hiệu quả kinh doanh, quyết định sự tồn tại và phát triển bền vững của một doanh nghiệp.
Đây là lợi thế của chúng tôi và cũng là yếu tố then chốt mà Tập đoàn Imperial – với vai trò “người sử dụng lao động” trong ngành dịch vụ khách sạn quyết tâm muốn làm.
Hơn ai hết, chúng tôi hiểu, bức xúc với thực trạng thiếu lao động chuyên nghiệp trong ngành du lịch hiện tại.
Chúng tôi nhìn thấy tiềm năng thị trường và vì có thế mạnh về mảng dịch vụ, chúng tôi quyết định tham gia vào mảng đào tạo chuyên ngành quản trị du lịch khách sạn theo tiêu chuẩn quốc tế đầu tiên tại Việt Nam.
Nếu nói về không thuận lợi thì tôi cho rằng kinh doanh giáo dục là một ngành khó và tính cạnh tranh rất cao. Khó bởi số đông gia đình Việt Nam hiện nay và ngay cả các em sinh viên đi học đều hướng tới bằng cấp mà quên đề cao giá trị cạnh tranh của chính bản thân mình.
Cái khó thứ hai là sự cạnh tranh về giá với các chương trình đào tạo không mang lại kiến thức – kỹ năng cần thiết cho sinh viên khi ra trường.
Chi phí cho mục tiêu đào tạo chỉ cần “bằng cấp” khác biệt rất nhiều lần so với chi phí để tạo ra một lao động vững tay nghề.
Để vượt qua những khó khăn này, trước hết từng thành viên trong Tập đoàn Imperial phải kiên định với trách nhiệm “đồng hành cùng xã hội”, tham gia vào sự nghiệp phát triển con người, phát triển nguồn nhân lực trong ngành quản trị du lịch khách sạn theo tiêu chuẩn quốc tế.
Và thật vinh dự cũng như vô cùng may mắn cho Tập đoàn Imperial là có các đối tác như Niagara University, Trường Đại học Ngoại thương và IIG cùng đồng hành với chúng tôi thực hiện hoài bão đó.
Xin cảm ơn bà!