Tổng kết năm 2017, ngành du lịch VN tự hào với con số tăng trưởng kỷ lục, dự kiến đón 13 triệu lượt khách quốc tế, tăng 28% so với năm ngoái. Tuy nhiên, đáng buồn là chưa đến 10% khách du lịch quay trở lại VN.
Khách ít quay lại vì “du lịch nghèo nàn”
Báo cáo của Tổng cục Du Lịch mới đây cho biết, 80% khách du lịch nước ngoài không quay trở lại VN. Đây là con số hết sức đáng buồn nếu so với tỷ lệ 82% lượng khách du lịch quay trở lại Thái Lan trên hai lần và 89% lượng khách du lịch quay trở lại Singapore. Trước đó, Hiệp hội Du lịch châu Á – Thái Bình Dương (PATA) đưa ra con số lượng khách du lịch quay lại VN chỉ chiếm khoảng 6%. Ngay cả với khách nội địa, chỉ 24% đến thăm các điểm du lịch lần thứ hai và chỉ 13% đến lần thứ ba.
Tỷ lệ mà các chuyên gia du lịch đưa ra còn khiêm tốn hơn, chỉ 5 – 6% khách du lịch lựa chọn quay lại. PGS-TS Phạm Trung Lương, Hiệp hội Đào tạo du lịch VN, cho rằng nguyên nhân chính khiến du khách không mấy mặn mà với VN là sự nghèo nàn về sản phẩm cũng như giải trí. TS Phạm Trung Lương phân tích, khách du lịch chỉ quay lại một điểm đến khi có những trải nghiệm khác so với những gì đã trải nghiệm lần trước hoặc có điểm đặc biệt mà những điểm đến khác không có. VN có rất nhiều danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử đặc sắc nhưng mới chỉ dừng lại ở mức độ khai thác tự nhiên, chưa đầu tư xây dựng hấp dẫn khiến khách phải quay lại. “Việc sản phẩm đơn điệu không chỉ không thu hút được khách đến, kéo khách quay lại mà còn làm giảm chi tiêu của khách khi đến VN, giảm doanh thu toàn ngành du lịch”, TS Phạm Trung Lương nói.
Đồng quan điểm, TS Lương Hoài Nam, thành viên Hội đồng tư vấn du lịch, chỉ ra rất nhiều mảng có tiềm năng nhưng chúng ta chưa khai thác. Đơn cử, lợi thế phát triển du lịch lịch sử. Chúng ta có rất nhiều địa danh chiến tranh nổi tiếng thế giới, những trận đánh được nói đến trong các tài liệu nghiên cứu lịch sử, văn học, điện ảnh quốc tế nhưng các địa danh được khai thác du lịch còn ít, chất lượng dịch vụ yếu, chưa chuyên nghiệp. Ngay cả hệ thống bảo tàng của VN hàng chục năm nay cũng vẫn nằm trong tình trạng nhiều số lượng, nghèo chất lượng. Nhiều bảo tàng thuộc diện “vỏ khủng – ruột rỗng”, nghèo hiện vật, thiếu các câu chuyện cuốn hút du khách, lạc hậu về kỹ thuật trưng bày và thuyết minh, kể cả các bảo tàng tại các địa danh lịch sử nổi tiếng thế giới.
Gỡ các nút thắt để giữ chân du khách
PGS-TS Phạm Trung Lương cho rằng ngành du lịch cần nhanh chóng đánh giá một cách tổng thể, khoa học hệ thống sản phẩm hiện nay. Từ đó xác định sản phẩm nào có khả năng hút khách quay lại, cần đầu tư làm mới cái nào, xây dựng cái gì. “Du lịch nghỉ dưỡng là loại hình có khả năng thu hút khách quay lại nhiều. VN hiện nay có rất nhiều khu nghỉ dưỡng sang trọng, chất lượng bậc nhất thế giới. Có thể tập trung phát triển loại hình này trở thành một sản phẩm du lịch đặc trưng của VN”, ông gợi ý.
Cùng với đó, chính sách visa cũng là một trong những điểm nghẽn cần nhanh chóng giải quyết. Ngay trước mắt, cần cải thiện một số chính sách đã có như tăng số ngày miễn visa từ 15 lên 30 ngày cho công dân 12 nước đã được miễn visa để phù hợp với độ dài các tour xuyên Việt và số ngày nghỉ phép của du khách. Nên sớm bổ sung thêmsáu nước có lượng du khách tiềm năng vào diện miễn visa du lịch, gồm: Canada, Úc, New Zealand, Bỉ, Thụy Sĩ, Hà Lan. Kéo dài thời hạn các chương trình miễn visa du lịch hiện đang là “từng năm” lên mỗi giai đoạn dài 5 năm (hoặc tốt hơn nữa là dài 10 năm) để các doanh nghiệp hàng không, du lịch yên tâm đầu tư đủ mạnh vào các hoạt động xúc tiến du lịch tại các thị trường. Đồng thời bỏ quy định “mỗi lần nhập cảnh phải cách ngày xuất cảnh lần trước ít nhất 30 ngày” vì quy định này vô hiệu hóa khả năng biến VN thành một trung tâm hàng không và du lịch đường dài.
Bổ sung các chiến lược, quy hoạch phù hợp để phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn
Chiều 26-12, tại Trụ sở Chính phủ, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng ban Chỉ đạo nhà nước về du lịch, đã chủ trì cuộc họp của Ban Chỉ đạo tổng kết công tác năm 2017, triển khai nhiệm vụ năm 2018.
Theo thống kê, về khách du lịch, ước đạt 13 triệu khách quốc tế; 73,2 triệu lượt khách du lịch nội địa. Tổng thu từ khách du lịch đạt 510.900 tỉ đồng. Hệ thống cơ sở lưu trú du lịch phát triển với hơn 25.000 cơ sở; trong đó có 116 khách sạn 5 sao, 259 khách sạn 4 sao và 488 khách sạn 3 sao… Nhiều khu du lịch có chất lượng, thương hiệu đã được hình thành.
Phát biểu tại cuộc họp, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng những kết quả đạt được đã góp phần tăng trưởng dịch vụ, thúc đẩy các ngành, lĩnh vực khác, đặc biệt liên quan chặt chẽ đến việc xây dựng đời sống văn hóa, hình thành nếp sống văn minh, chấp hành pháp luật… Kết quả trong năm qua là hết sức ấn tượng, tuy nhiên chất lượng vẫn là việc cần bàn đến. Ngành du lịch cần tiếp tục bổ sung các chiến lược, quy hoạch phù hợp, nhất là phải thực hiện cho được Đề án cơ cấu lại ngành du lịch đáp ứng yêu cầu phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Bộ VH-TT-DL cần xác định một số nhiệm vụ để tiếp tục phát triển du lịch với những trọng tâm cụ thể nhằm nâng cao hình ảnh du lịch VN là điểm đến an toàn, thân thiện.
TTXVN
- Theo TNO