Ngay sau lễ khai mạc, cả khu triển lãm và khu kết nối giao thương của chương trình Ngày hội cá cảnh TP. Hồ Chí Minh lần 3 năm 2018 (diễn ra từ ngày 20 đến 24-9 tuần qua tại Trung tâm thể dục thể thao quận 11) đều nhanh chóng kín người tham dự. Kể từ khi TP. Hồ Chí Minh trở thành địa phương duy nhất trên cả nước chọn cá cảnh làm ngành kinh tế mũi nhọn trong tái cơ cấu nông nghiệp, hoạt động sản xuất và kinh doanh cá cảnh cũng thêm phần sôi động.
Trong chín tháng đầu năm 2018, sản lượng cá cảnh của thành phố tăng 19,13%, sản lượng xuất khẩu tăng 14,8% (khoảng 15 triệu con); kim ngạch xuất khẩu đạt 17,3 triệu USD, tăng 14,5% so với cùng kỳ 2017. Những con số tăng trưởng có vẻ khả quan là thế nhưng nhiều người trong ngành cho rằng: Giá trị xuất nhập khẩu cá cảnh toàn cầu hiện tăng trưởng bình quân 14%/năm với giá trị thương mại khoảng 15 tỉ USD/năm (số liệu của Tổ chức Nông Lương Liên Hiệp Quốc), nếu doanh nghiệp cá cảnh Việt Nam tiếp cận tốt hơn các thị trường lớn thì doanh số xuất khẩu ngành hàng này của thành phố có thể tăng 30% – 40%/năm.
Tăng cường xúc tiến sẽ có cơ hội
Hơn bốn tháng trước, tại hội chợ Interzoo – một trong những hội chợ hàng đầu thế giới về thú nuôi trong nhà, trong đó có cá cảnh được tổ chức hai năm/lần tại thành phố Nuremberg (Đức) đã có hơn 1.000 lượt khách tham quan gian hàng Việt Nam, trong số đó có khoảng 150 cơ hội trao đổi cặn kẽ việc thiết lập các mối quan hệ kinh doanh và gần 10 khách hàng từ Đức, Ý, Pháp, Cộng hòa Czech… đã xúc tiến đơn hàng với các đơn vị sản xuất cá cảnh ở TP. Hồ Chí Minh.
- Xem thêm: Tiềm năng lớn từ xuất khẩu cá cảnh
Tại hội chợ, gian hàng Việt Nam lần đầu tham dự đã gây ấn tượng là đơn vị có lượng cá cảnh nước ngọt triển lãm nhiều nhất, gồm các chủng loại như cá đĩa, neon, hòa lan (cá mún, cá hột lựu)… và một số thiết bị phục vụ cá cảnh độc đáo như gỗ nổi dạng bonsai. Theo Trung tâm Tư vấn và Hỗ trợ nông nghiệp của TP. Hồ Chí Minh, trung tâm tham gia Interzoo với mục đích hỗ trợ các doanh nghiệp cá cảnh quảng bá sản phẩm và mô hình sản xuất nhằm mở rộng quan hệ hợp tác, tìm kiếm khách hàng, đẩy mạnh xuất khẩu, kết nối giao thương thị trường nước ngoài.
Hiện cá cảnh của TP. Hồ Chí Minh đã xuất khẩu đến 43 quốc gia, trong đó thị trường châu Âu chiếm 54%, còn lại là các thị trường châu Á, châu Mỹ, Nam Phi. Ngay tại châu Á, mà cụ thể là Singapore lại thường xuyên nhập cá Việt Nam về rồi xuất đi châu Âu, Mỹ với nhãn của họ, và giá trị cũng đẩy cao hơn gấp nhiều lần. Cùng một con cá cảnh tại Singapore bán 1-2 USD, trong khi tại Việt Nam hay Indonesia giá chỉ bằng một phần năm.
Chủ một trại cá cảnh tại quận 12 cho biết gần đây nhà nhập khẩu cá cảnh các nước ngày càng biết nhiều đến cá cảnh của Việt Nam, Indonesia và tiến hành giao dịch kinh doanh trực tiếp, thay vì qua khâu trung gian là các doanh nhân Singapore. Singapore – trung tâm mua bán cá cảnh của Đông Nam Á đang bị sụt giảm mạnh về doanh số cá cảnh mấy năm nay. Đến mức hội chợ – triển lãm cá cảnh lâu đời của Singapore là Aquarama cũng đã bán thương hiệu cho Trung Quốc.
Quy hoạch, tổ chức sản xuất còn manh mún
Theo chủ cửa hàng cá cảnh Trường Thịnh (quận Thủ Đức), dù thuận lợi về điều kiện tự nhiên, ngành cá cảnh Việt Nam vẫn đang đi sau Indonesia hơn cả chục năm. Cái khó nhất là danh mục cá cảnh Việt Nam chưa đa dạng, chỉ mới có khoảng 200 loài, trong khi các nước mạnh về cá cảnh thường có đến cả ngàn loài. Để phát triển cá cảnh thì con giống có vai trò rất quan trọng, cần nhập khẩu con giống và cả quy trình nuôi những loài cá mà Việt Nam chưa có, hoặc cá chưa thể sinh sản. Chủng loại cá cảnh nước ngọt xuất khẩu nước ta hiện có hơn 60 loài, trong đó hơn 50 loài nuôi sinh sản nhân tạo và 10 loài khai thác từ sông suối. Nhóm cá cảnh biển xuất khẩu chiếm dưới 1%, là những loài có giá trị kinh kế cao, được ngư dân khai thác từ các vùng biển nhưng có xu hướng giảm dần do nguồn lợi biển ngày càng suy giảm.
Ngoài ra, cá cảnh là ngành phục vụ cho nhu cầu thưởng ngoạn, tiêu khiển nên cần phải cập nhật cái mới, nuôi và kinh doanh cá cảnh mà không đa dạng giống cá là cầm chắc sẽ thua trong cuộc đua cạnh tranh với các nước. Đại diện công ty cổ phần Saigon Aquarium cho biết danh mục nhập khẩu cá cảnh xây dựng từ năm 2008 vốn đã rất hạn chế về số lượng, đến thời điểm hiện nay hầu như không còn phù hợp thị hiếu mà lại không cập nhật, nên cá giống ngoài danh mục phải chịu thuế 15% thay vì 0%. Trong khi đó, thời gian tạo dòng mới trong nước phải cần khoảng năm năm; nếu thành công thì đến khi ấy cũng đã lạc hậu với thị trường. Vì vậy, nhiều loại cá cảnh được ưa chuộng trên thị trường nhưng do nằm ngoài danh mục nhập khẩu nên người nuôi phải nhập “chui” bằng nhiều cách.
- Xem thêm: Tép kiểng – nghề chơi thu lợi nhuận lớn
Bên cạnh con giống, việc quy hoạch, tổ chức sản xuất cũng là điểm yếu từ lâu của ngành cá cảnh Việt Nam. Theo một khảo sát mới đây của Trường ĐH Nông Lâm TP. Hồ Chí Minh, điều kiện để nuôi cá cảnh của thành phố rất đa dạng từ ao đất, bể xi măng, bể bạt, bể kiếng, lu vại đến chai hũ… với vốn đầu tư ban đầu từ 5 triệu – 800 triệu đồng/trại, quy mô sản xuất cũng có đủ cỡ từ hộ gia đình đến trang trại lớn trên diện tích từ 20.000 – 60.000m2. Theo TS Vũ Cẩm Lương, Trường ĐH Nông Lâm TP. Hồ Chí Minh điều kiện sản xuất muôn hình vạn trạng nhưng manh mún nên gây khó cho công tác quản lý ngành. Thực trạng hiện nay đòi hỏi đưa về một mối để quản lý tốt hơn cho thị trường, nhưng bản thân việc định nghĩa cơ sở sản xuất cá cảnh đã không đơn giản. Cá cảnh là đối tượng có giá trị kinh tế cao, không gây ô nhiễm môi trường, sử dụng diện tích đất nhỏ hẹp nên rất phù hợp với việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp tại đô thị, cần được chú trọng phát triển.
Thành phố Hồ Chí Minh có khoảng 280 cửa hàng kinh doanh cá cảnh, tập trung nhiều ở quận 3, quận 5, quận Tân Bình. Hầu hết các địa điểm này hình thành do tự phát hoặc kinh doanh kiểu truyền thống. Đề xuất thành lập một siêu thị hoặc chợ cá cảnh tập trung chuyên kinh doanh nhiều loại cá cảnh và trang thiết bị phục vụ cho người nuôi đã được bàn từ lâu nhưng đến nay vẫn chưa thành hiện thực.