Đó là “khẩu hiệu” của một ông trong đoàn đi tham quan. Ông nói, phải cảnh giác mấy bà mấy cô.
Vào một di tích chẳng hạn. Xem ngắm di tích cổ thì ít, mà loáng cái họ đã sa đà vào các quầy hàng ở xung quanh. Lên xe là thấy liền. Người thì đồ lưu niệm, người mua áo quần. Thế nào cũng có bà hào hứng: Rẻ và đẹp quá chừng.
Cái váy này chợ Bến Thành tới gần ba trăm mà đây sáu chục ngàn một cái, đẹp ơi là đẹp. Thế nào cũng có vài người xin cho xem và tiếc rẻ. Chỗ nào? Rồi nếu xe còn đang lục tục người lên chưa đủ, sẽ có vài bà vọt xuống tìm mua vội vã. Mừng rỡ, suýt nữa không liều xuống mua thì khi xe chạy lại ngồi tiếc.
Mà cam đoan, tủ áo ở nhà đã chật ních. Kệ, thích thì cứ mua. Lâu lâu đem cho từ thiện cả bao tải, lo gì.
- Xem thêm: Cuồng… thuốc
Cứ thử chuyến xuống miền Tây, đi Hà Tiên, An Giang, Châu Đốc thôi, thử xem. Có nơi các bà các cô mua đầy bọc to bọc nhỏ… thuốc nam. Chẳng biết chúng là cái gì, chỉ thấy mời mọc giới thiệu cái này trị đau khớp, cái kia thải độc số một… Mình chẳng biết bao giờ quay lại đây. Mà chắc đúng đất của nó mới có.
Chợ Sài Gòn thiếu gì. Các bà nên nhớ, cái gì ngon nhất người ta chở lên Sài Gòn. Ở xứ đồ ngon vật lạ ưu tú, mà về Châu Đốc lại cứ khuân về đường thốt nốt, cá khô, mắm, áo quần…
Đó là lời của cái “ông tỉnh táo” nhất đoàn. Ông kiên quyết không mua gì. “Mua về, vừa mất tiền, công khuân vác, về nhà có khi… bị mắng vì mua vớ vẩn, chẳng dại”.
Ông chúa ghét đi cùng nhiều phụ nữ. Đã dặn là xe chỉ dừng ăn trưa ở khách sạn Rạch Giá rồi nghỉ vài phút chạy ngay. Nếu la cà, qua phà Vàm Cống mà kẹt xe thì tối thui cũng chưa về đến Sài Gòn. Bác tài dọa. Thời nay, gì chứ kẹt xe thì nhất định là nói thật rồi.
Vậy mà loáng cái, mấy bà mấy cô nói chỉ rẽ ra đầu phố mua xíu thôi, mà họ cứ mải miết ra tận chợ mua khô.
Cả đoàn chờ mãi mới thấy họ ngất ngưởng trên chiếc xe lôi do một ông già rụng hết cả răng, cong lưng đạp về cho kịp đoàn. Một cô còn giơ cái “que” đưa máy lên cao chụp ảnh, mồm liến thoắng: “Làm gì có nhiều nơi còn xe lôi nữa đâu. Chút qua phà Vàm Cống nhớ chụp kẻo chuyến phà cuối cùng của “người Tình” biết đâu sắp xóa sổ để xây cầu”.
Tất nhiên là trên xe nhiều người cau mặt.
Đi đoàn là gắng tránh việc các mẹ để cho chờ đợi. Đi ăn cũng xuống muộn. Quần áo thay xoành xoạch xanh đỏ, khăn quàng dài thượt phấp phới. Ghé cửa hàng nữ trang thì thôi rồi. Vài triệu bạc một sợi dây ngọc trai, lên xe các cô xuýt xoa, cứ gọi là sáng bừng cả khuôn mặt.
Chuyện phụ nữ muôn thuở, đố ai thoát. Có cô nọ nghĩ đi xa, chỉ đem ít đồ, mặc quần jeans áo pull, thế nào cũng bị “lòi ra” trước cả đoàn phụ nữ diện ơi là diện. Ở nhà thiếu gì đồ. Nhưng nghĩ đi xa phải tối giản khỏi mang vác, thế nào cũng thấy xung quanh họ váy áo thướt tha, mình đơn giản quá, đâm ra… thiểu số.
Phụ nữ phải đẹp mọi lúc mọi nơi. Khách sạn có đủ xà phòng thơm kem đánh răng, nhưng các bà các cô vẫn bày ra đầy một bàn lọ to lọ nhỏ, nào kem, nào phấn, hễ ra cửa là trang điểm.
Thì bây giờ, đồ nhiều quá, không xài, không diện để làm gì. Đây là dịp để trưng diện và mua sắm chính đáng. Chẳng lẽ về không có quà cho gia đình?
Kết quả là, cái ông tuyên bố “kiên quyết không mua” thành ra… lập dị. Đến phút chót, trước “làn sóng mua sắm” của cả đoàn, ông đành thua cuộc. Về đến Tiền Giang, khi xe đổ khách xuống trạm “đổ xăng” là ông toòng teng xách mấy chục nem chua. Lai Vung nổi tiếng mà. Chiều về uống bia, sáng mai ra trình làng hội tập thể dục. Lại còn cái gì nữa đây? Bánh in nhân sầu riêng, mấy hộp thạch dừa…
- Xem thêm: Không biết trong tủ có gì…
Thì ra, váy áo với son phấn, nữ trang thì ông kiên quyết được. Nhưng đến cái đoạn đồ ăn, nhậu, thì… ông đành thua cuộc.
Đã nói rồi mà. Đi tham quan du lịch, đố ai kiên định nổi. Đấy là chưa kể đi Thái, Trung Quốc, Campuchia… Thật giả biết sao được. Có phải ai cũng tỉnh táo và nhiều tiền để vào những cửa hàng “chuẩn” hàng hiệu đâu. Giả cũng long lanh như thật. Trên trời dưới hàng hóa. Kiên quyết trả giá, kết cục lại, cỡ nào cũng dính.
Là quy luật của muôn đời mất rồi.