Bữa nọ bà xã đau bụng tiêu chảy, anh chồng nhớ ngày xưa mỗi lần như thế chạy ra hiệu thuốc mua mấy liều thuốc tô mộc là cầm ngay. Nhà nào chẳng biết thứ thuốc thông dụng và cực rẻ đó. Vậy mà nay đố ai đi khắp Sài Gòn tìm ra được. Thậm chí nói cái tên thuốc ra, không ai biết.
Là vì, thuốc rẻ tiền đó có từ xưa rồi. Xưa thì nói làm gì, ngay thuốc năm ngoái thôi, cũng chưa chắc đã tìm đâu thấy trên thị trường.
Thuốc lại nhiều vô kể. Là do bệnh bây giờ cũng “nhiều vô kể”, một bệnh thôi, thuốc để điều trị cũng nhiều vô kể rồi. Chỉ có bệnh huyết áp thôi, mà hôm nay thầy thuốc cho Macadis, ngày kia cho Concor. Đó là chưa kể mấy bữa trước còn cho một đống những “RIL” với “IN” như Tanatril, Enalapril, Amlodipin…
Đến phát âm tên thuốc còn loạn cả lên. Thì nhìn vào đơn thuốc, chữ bác sĩ đố ai đọc đúng. Phải mở cái đơn dài ngoằng ra, bỏ ngay những phân tích dài dòng, chỉ xem phần chỉ định và cách dùng, còn lại vứt đi hết.
Chẳng hiểu sao cùng một bệnh nhân, đi thử ba bác sĩ thì có ba đơn thuốc khác nhau. Chắc tại bây giờ nhiều thuốc vô kể. Giống như món ăn trong ẩm thực mới, người ta tìm ra vô kể các món lạ. Khoa học tiến bộ phải thế thôi. Nếu có lỗi, là tại người dùng.
- Xem thêm: Chết vì… danh
Bà xã là một thí dụ. Trong nhà, giờ mà dùng cái tủ gỗ y tế nhỏ xinh là không đủ chỗ nữa rồi. Phải một cái tủ lớn có nhiều ngăn. Nào thuốc thông dụng, nào thuốc bệnh viện kê toa, nhưng nhiều nhất vẫn là đủ các loại tự mua theo quảng cáo, có khi mua theo “tin đồn rỉ tai nhau”.
Nào vitamin Mỹ gửi về, đàn ông đàn bà có loại riêng, mỗi ngày một viên. Rồi dầu cá. Nếu bị tuần hoàn não thì Hoạt huyết dưỡng não là chưa đủ, còn tìm thêm Ginko Biloba của Mỹ.
Các “thể loại đau xương” thì uống Glucosamin mỗi lọ cả triệu bạc, lọ bự tổ chảng. Mà rồi còn có người nói ra nói vào về tác dụng của nó, chẳng biết thực hư. Người nghi ngờ tác dụng, người dọa rằng sẽ bị vôi đọng vào thận, chữa bệnh này chưa khỏi lại đeo thêm bệnh khác.
Trên tivi có rất nhiều kênh nói về sức khỏe, có chuyên đề từng bệnh. Hôm nay nói tiểu đường, mai là huyết áp tim mạch, ngày mốt đến viêm gan virus. Thầy thuốc chuyên gia trả lời cô MC, xong rồi người nghe hỏi, thầy thuốc trả lời, xong rồi giới thiệu thuốc. Nếu trong nhà chưa có, là mua liền.
Loạn thuốc, loạn thầy, loạn cả kiến thức nửa vời, khiến bệnh càng “nở rộ”, con virus càng “cải tiến”, ngày càng qua mặt thuốc men, ngày càng phải tìm thuốc mới. Thế nên, các loại thuốc cũ phải biến mất thôi chứ chẳng có gì khó hiểu.
Người dùng bây giờ cũng đọc, cũng tra cứu và nghiên cứu, cũng nói vanh vách chất nọ gốc kia của thuốc, sắm tự điển dùng thuốc. Nhiều người thông thái hiểu biết. Đó là bước tiến lớn.
Nhưng bà xã tôi thì “tiến nhanh” tới mức… cuồng thuốc. Cô em vừa kể bây giờ em bỏ các thứ khác, tìm được ông thầy giỏi nhất, ông ấy cho em uống loại Lowlip, huyết áp hạ ngay. Nghe thế là bà chị đi lục vấn các tiệm thuốc liền, tìm cho ra. Mấy tiệm quen nói chưa nghe, khiến bà càng tin rằng thuốc chắc là mới lắm, đến cô bán thuốc còn không biết.
- Xem thêm: Cuồng… Nhật?
Kết quả cuộc lùng sục, bà phát hiện ra đó là thuốc của Ấn Độ, đâu phải tốt như Pháp, Mỹ hay Nhật đâu. Thế mới yên, nếu không sẽ còn “mở cuộc điều tra”.
À, nhiều người “cuồng thuốc” lúc nào cũng săn “mới, mới, mới” nên những loại thông thường như viên tô mộc biến mất là phải rồi. Đám trẻ cuồng các sao ca nhạc, người già cuồng thuốc cũng vậy thôi à.
Cuộc sống giờ đầy những niềm tin y khoa phản khoa học, các nhà sản xuất dược họ cũng phải “nghiên cứu” dữ lắm.