Tình trạng ô nhiễm nước sông Đồng Nai đã được báo động liên tục từ năm 2003. Thời gian qua, đã có nhiều cuộc họp giữa các tỉnh thành được tổ chức nhằm tìm giải pháp bảo vệ môi trường nói chung, sông Đồng Nai nói riêng, nhiều cam kết thể hiện quyết tâm phải bảo vệ sông Sài Gòn – Đồng Nai đã được ký kết, thế nhưng cho đến nay, nước sông vẫn tiếp tục gia tăng ô nhiễm. Xuất phát từ thực trạng đó, với mong muốn tập hợp các ý kiến đóng góp của các chuyên gia, các nhà quản lý trong lĩnh vực này để cùng đưa ra giải pháp thiết thực bảo vệ chất lượng nguồn nước sông, bảo vệ sự sống của 20 triệu người dân và các thế hệ nối tiếp, Sở Khoa học Công nghệ TP.HCM vào 26-11 đã tổ chức hội thảo “Giải pháp nào nhằm cứu lấy chất lượng nguồn nước sông Sài Gòn – Đồng Nai”.
Đề án bảo vệ sông Đồng Nai
Bảo vệ môi trường lưu vực hệ thống sông Đồng Nai (LVHTSĐN) có tầm quan trọng đặc biệt đối với phát triển bền vững tại 11 tỉnh, thành phố trên lưu vực và là nhiệm vụ chiến lược lâu dài, thường xuyên đòi hỏi phải tập trung các nguồn lực đầu tư với những quyết tâm cao của chính quyền và nhân dân địa phương trên lưu vực, có sự hỗ trợ của ngân sách Trung ương. Chính vì vậy, trong kế hoạch triển khai chiến lược bảo vệ môi trường quốc gia đến năm 2010, định hướng đến năm 2020 và giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường trên lưu vực, ngày 3-12-2007, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định phê duyệt “Đề án bảo vệ môi trường lưu vực hệ thống sông Đồng Nai đến năm 2020” (gọi tắt là Đề án sông Đồng Nai). Đề án với các mục tiêu, giải pháp cụ thể thể hiện quyết tâm của Chính phủ cũng như các địa phương thuộc lưu vực trong việc giải quyết triệt để các vấn đề ô nhiễm môi trường nước, góp phần hướng tới phát triển bền vững.
Trạm quan trắc nước mặt tự động được lắp đặt để kiểm soát chất lượng nước sông Đồng Nai
Theo quyết định này, đến năm 2010 các bộ, ngành, địa phương trên lưu vực phải cải thiện có hiệu quả chất lượng môi trường và chất lượng nước của hệ thống sông Đồng Nai. Cụ thể, 80% các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao; 40% các khu đô thị mới phải có hệ thống xử lý nước thải tập trung; thu gom được 90% chất thải rắn sinh hoạt, 90% chất thải rắn công nghiệp, 70% chất thải nguy hại và 100% chất thải bệnh viện… Để đạt được mục tiêu trên, tổng kinh phí thực hiện gần 2.000 tỉ đồng, trong đó có nhiệm vụ “Quy hoạch môi trường lưu vực hệ thống sông Đồng Nai”.
Ý kiến của PGS-TS Phùng Chí Sỹ -Viện Kỹ thuật nhiệt đới và Bảo vệ môi trường tại hội thảo, bảo vệ môi trường LVHTSĐN phải được giải quyết tổng hợp và thống nhất trên toàn lưu vực, trên từng tiểu lưu vực, theo từng ngành và kết hợp hài hòa theo địa giới hành chính của 11 tỉnh, thành phố (TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước, Bà Rịa – Vũng Tàu, Long An, Tây Ninh, Lâm Đồng, Đắk Nông, Ninh Thuận, Bình Thuận). Lấy phòng ngừa, giảm thiểu và ngăn chặn suy thoái môi trường là chủ yếu kết hợp từng bước xử lý khắc phục các điểm nóng ô nhiễm môi trường trên lưu vực, đặc biệt là những điểm và nguồn nước được sử dụng cho mục đích cấp nước. Đối với các cơ sở sản xuất, KCN, cụm công nghiệp cần thiết phải thực hiện các biện pháp xử lý ô nhiễm bảo đảm đạt yêu cầu theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường. Đối với tất cả các cơ sở sản xuất mới trong phạm vi lưu vực phải áp dụng công nghệ sạch hoặc dùng công nghệ xử lý ô nhiễm bảo đảm đầu ra đạt quy chuẩn môi trường.
Và những vấn đề cấp cách
Trong phần trình bày về định hướng quy hoạch bảo vệ môi trường lưu vực sông Đồng Nai đến năm 2020, PGS-TS Phùng Chí Sỹ đã đề cập đến nhiều vấn đề cấp bách hiện nay như suy thoái và ô nhiễm các nguồn nước mặt do thay đổi điều kiện thủy văn. Các hồ chứa phía thượng lưu bao gồm các hồ Thác Mơ (dung tích 1.370 triệu m3, vận hành từ năm 1995), Cần Đơn (160 triệu m3, vận hành từ năm 2003), hồ Phước Hòa (đang xây dựng) làm thay đổi rất lớn chế độ thủy văn, thủy lực của sông Bé, sông Đồng Nai, sông Vàm Cỏ Đông. Việc xây dựng các hồ chứa có tác dụng giảm và cắt lũ tại khu vực hạ lưu.Tuy nhiên, cần có một cơ chế phối hợp chặt chẽ trong việc vận hành hệ thống các hồ chứa phía thượng lưu. Về mùa khô nếu chuyển nước từ hồ này sang hồ điều tiết khác hoặc điều chỉnh dòng sang vị trí khác, thì lưu lượng và mực nước sông đoạn sau đập sẽ giảm rất nhiều. Ngược lại hồ tiếp nhận sẽ có lưu lượng về mùa khô lớn hơn, khả năng cấp nước cho nông nghiệp và sinh hoạt sẽ tốt hơn. Khi các công trình thủy lợi ở phía thượng lưu vận hành (như hồ Dầu Tiếng, hồ Phước Hòa trong tương lai…), phần lớn nguồn nước sông từ hạ du của hồ sẽ được chuyển đi nơi khác để điều tiết nước phục vụ tưới tiêu nông nghiệp hoặc với mục đích khác, hệ quả tất yếu xảy ra sẽ làm thay đổi chế độ thủy văn sông, gia tăng khả năng xâm nhập mặn và ô nhiễm môi trường ở vùng hạ du, đe dọa đến sự vận hành bình thường của các nhà máy nước, đến các hệ sinh thái cửa sông và các hoạt động khác trên sông phía hạ nguồn. Đó chính là mối quan ngại rất lớn của các tỉnh, thành ở vùng hạ du.Vì lẽ đó cần phải dự báo và đánh giá mức độảnh hưởng của công trình thủy lợi, thủy điện đến hạ du.
Hệ thống xử lý nước thải KCN Nhơn Trạch 3 đang xây dựng giai đoạn 1
Bên cạnh đó còn có việc thay đổi về chất lượng nước mặt. Nếu như chất lượng nước tại vùng thượng nguồn khá tốt đạt quy chuẩn cấp nước sinh hoạt, thì tại vùng trung và hạ lưu của hệ thống các sông đang có xu hướng gia tăng ô nhiễm do các chất hữu cơ (BOD, COD), dinh dưỡng (NH3-N), dầu mỡ và vi sinh, nặng nhất là sông Sài Gòn (không đạt quy chuẩn cấp nước sinh hoạt) và sông Thị Vải (không đạt quy chuẩn nguồn nước nuôi trồng thủy sản). Với định hướng đẩy mạnh đô thị hóa, công nghiệp hóa tại LVHTSĐN thì nguy cơ gây ô nhiễm các nguồn nước cấp sinh hoạt là rất lớn, cần có những đầu tư lớn hơn cho việc kiểm soát các nguồn thải. Mặt khác, việc đầu tư phát triển mạnh mẽ hệ thống thủy lợi tưới tiêu tại LVHTSĐN sẽ dẫn đến các nguy cơ xói mòn, trượt, sụt, lở, lún đất; xói lở bờ sông, bờ suối, bờ hồ; bồi lắng lòng sông, lòng suối, lòng hồ; phú dưỡng nguồn nước do chất thải và gây nên tình trạng suy thoái đất, nước, đa dạng sinh học trên hệ thống sông, hồ, làm thay đổi mực nước mặt, dòng chảy và lưu lượng của sông. Kết quả làm gia tăng hiện tượng xâm nhập mặn, phèn vào hệ thống các lưu vực sông.
Một số giải pháp bảo vệ môi trường LVHTSĐN
Quy hoạch bảo vệ môi trường LVHTSĐN có ý nghĩa cực kỳ quan trọng trong phát triển kinh tế, xã hội và phát triển bền vững toàn lưu vực và cho từng địa phương trên lưu vực. GS-TS Tăng Đức Thắng – Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam nhìn nhận, mặc dù hiện nay trên lưu vực đã có Ban quản lý quy hoạch lưu vực sông Đồng Nai và Ủy ban bảo vệ môi trường lưu vực sông Đồng Nai, nhưng cả hai tổ chức này đều hoạt động kém hiệu quả, chưa giải quyết được các vấn đề tồn tại. Vì vậy, trong tương lai, cần một tổ chức thống nhất có đầy đủ quyền lực để quản lý lưu vực, giải quyết các vấn đề liên quan đến nước trong một tổng thể thống nhất, không chịu quá nhiều hạn chế về địa giới hành chính và chịu tác động quá mạnh của các chính quyền địa phương (phân cấp hợp lý giữa tổ chức quản lý lưu vực sông và các chính quyền địa phương trong lưu vực).
Có những biện pháp cấp bách trước mắt và cả lâu dài cần thực hiện như phát triển diện tích rừng đầu nguồn, rừng phòng hộ ven biển và cây xanh đô thị; cải thiện và phục hồi môi trường trong khai thác khoáng sản; xây dựng các công trình thoát nước mưa, cải tạo các kênh rạch, thu gom và xử lý tập trung nước thải sinh hoạt tại các đô thị; xây dựng các công trình xử lý nước thải tập trung tại các KCN, CCN và cả tại các nhà máy nằm ngoài KCN, CCN. Việc di dời các cơ sở sản xuất, kinh doanh và dịch vụ gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng ra khỏi khu dân cư cũng phải quyết liệt hơn nữa.
Bên cạnh đó, thu gom và xử lý chất thải sinh ra từ các cơ sở sản xuất tiểu thủ công nghiệp, các làng nghề; thu gom, xử lý triệt để các chất thải chăn nuôi gia súc, gia cầm; xây dựng các khu chôn lấp hợp vệ sinh, xử lý và tiêu hủy chất thải, bao gồm cả chất thải rắn sinh hoạt, chất thải rắn công nghiệp và chất thải nguy hại, chất thải rắn y tế. Tăng sức chứa nước và điều hòa nước mưa của các sông, hồ, ao nhằm chống ngập cho các đô thị.
Lương An