Ít nhất có đến 70% phụ nữ trên thế giới vẫn phải đối mặt với nạn bạo hành về thể xác hay tình dục, đây là nội dung bản báo cáo do Liên Hiệp Quốc đưa ra hôm 25-11 nhân ngày Quốc tế loại trừ nạn bạo hành phụ nữ.
Liên Hiệp Quốc đánh giá hiện tượng trên như là một “dịch bệnh”. Nạn bạo hành này diễn ra phần lớn thời gian trong khuôn khổ quan hệ thân mật và rất nhiều phụ nữ cho rằng người bạn đời hay người sống chung là tác giả của tình trạng bạo hành trên.
Tuy nhiên, số liệu thống kê này chưa lột tả được nhiều hình thức bạo hành khác nhau như hành hung người làm, hôn nhân cưỡng bức trước tuổi, cưỡng hiếp, quấy rối tình dục, buôn người, mãi dâm… Tình trạng này không chừa một quốc gia nào, theo như đánh giá của Liên Hiệp Quốc.
Thế thì tại sao lại có khó khăn trong việc đẩy lùi tình trạng bạo hành? Theo con số thống kê chính thức của Hội đồng tối cao Bình đẳng nam nữ, tại Pháp hiện nay đã có đến 83.000 vụ việc được ghi nhận. Thế nhưng, theo bà Danielle Bousquet, Chủ tịch Hội đồng này, con số trên có thể sẽ còn cao hơn, bởi chỉ có 9,3% nạn nhân đi khiếu kiện.
Không chỉ trong đời sống lứa đôi, phụ nữ cũng là đối tượng của những vụ bạo hành khi xảy ra xung đột vũ trang và bạo động sắc tộc.
Theo quan sát của Trung tâm chăm sóc Primo-Levi tại Paris, số phụ nữ độc thân, đã có con hay đang mang thai sau khi bị cưỡng hiếp trước khi hay trong khi đi chạy nạn đến trung tâm để được hưởng các chế độ chăm sóc đã gia tăng trong vòng vài ba năm gần đây.
N. Nam