“Con người ngày nay hung hãn, càn rỡ, vô thiên vô phép hơn bao giờ hết, như con trâu bị nứt mũi không còn sợi dây dắt, muốn đi đâu thì đi, muốn làm gì thì làm…”. Nghe cậu con trai nói thế, ba mẹ hết hồn. “Mày ăn nói lung tung, nói xấu chế độ, công an bắt bây giờ!”. Cậu con cười: “Có phải lời con đâu. Con đọc trả lời phỏng vấn một nhà nghiên cứu tên là Vương Trí Nhàn đó chứ. Với lại, công an bây giờ bận lắm.
Ngày nào cũng đầy vụ án giết người, họ làm không xuể đâu má! Ông Nhàn còn nói, chẳng ai kể cho con cháu nghe người ngày xưa tốt thế nào. Chỉ thấy nhãn tiền người ngày nay xấu quá trời xấu!”. Đến lượt chúng tôi quay ra tranh luận. Bà xã tôi nói: “Thì báo chí chẳng đã khản cổ nói về gương người tốt việc tốt đó thôi.
Có ai theo đâu, thậm chí viết về người tốt chẳng ai đọc. Các nhà văn cũng nhảy dựng lên viết gây sốc, chửi bới, viết về sex mới gọi là đổi mới và tài năng. Những người viết về người tốt coi như hạng bất tài, chẳng ai tôn vinh. Mà nói rằng con người ngày nay không sợ thánh thần là không đúng. Anh xem đền chùa nào ở xó xỉnh nào lại không đông đúc chứ? Lễ hội, vàng mã cúng đốt đi hàng tỉ đồng. Họ tin thánh thần lắm chứ?”.
- Xem thêm: Đừng làm… người tốt
Tôi nói: “Ừ cũng có lý. Nhưng anh thấy nhiều người đến đình chùa là để “sai bảo”, “dụ dỗ”, “điều động” thánh thần đó chứ! Họ “điều” cả thánh thần tham gia giải quyết vụ việc cho họ.
Làm ăn đang thua lỗ, bây giờ phải cứu. Đang gặp hoạn nạn, sao thánh thần đâu không thấy đến giải cứu? Người thì sắp làm dự án, đầu tư, đang chạy chức chạy quyền, chạy tội, người học hành chểnh mảng lại mong thi đậu.
Họ giao nhiệm vụ khó cho thánh thần phải làm cho được, thành công một cách thần kỳ, kỳ diệu. Rồi họ trả công đền ơn cho. Đúng ý nghĩa thị trường nhé!”.
Vợ tôi ra chiều suy nghĩ, rồi cô ấy nói như tự sự: “Người xưa tốt thật. Em có một người ông làm quan thanh liêm, vợ con ở quê nuôi gà bán trứng. Thế mà có ai đến biếu xén ông ấy đều không cho nhận.
Ngày xưa dân nghèo chỉ biếu gạo, thóc, sản vật. Vậy mà một hôm ông đi làm về, thấy vợ nói lại có người hàm ơn ông đến biếu thóc nếp và một đôi chim ngói. Vì người ta van vỉ quá nên bà nói đem gạo thóc về, chỉ nhận đôi chim ngói.
Ông quát tháo ầm nhà, bắt đem đôi chim ngói ra thả chứ nhất định không chịu giữ. Một lần ông lên tỉnh, bà đưa tiền nói ông tìm mua một đôi giày mới vì đôi ông đang dùng đã cũ quá. Nể vợ, ông đồng ý. Nhưng đến hôm về, bà thấy ông mua sách, không mua giày, vẫn đi đôi cũ. Hỏi thì ông nói: “Trên tỉnh… không bán giày!”.
“Em còn biết chuyện một ông anh của nhà tình báo nọ. Ông làm việc ở Phủ Lý, cách nhà hai mươi cây số. Ngày ấy chưa có xe cộ gì. Bà mẹ ông ở quê bị bệnh. Ông đi bộ mỗi ngày hai mươi cây số để về chăm mẹ ốm. Ông không chỉ đi vài lần, mà là cứ đi như thế cho tận tới khi mẹ mất. Những tấm gương như thế chẳng ai kể lại cho con cháu nghe”.
Tôi nói: “Con cháu chúng có thèm nghe những chuyện ấy đâu. Nứt mắt ra là đọc siêu nhân với phù thủy. Lớn chút quay ra phê bình cô Tấm là độc ác. Chúng không được ai dạy cho các hình tượng dân gian chỉ là biểu tượng mang tải các kết quả thiện ác chứ đâu phải nhân vật sống cuộc đời thật”.
- Xem thêm: Ai… xấu xí?
“Người xưa tốt vì không có điều kiện làm ác” – cậu con nói thế. Ngay như người đi ăn ở ngày xưa trung thành kiểu lão bộc đâu có còn. Chỉ còn nhiều ôsin ăn cắp, bắt bí chủ nhà, cá biệt còn giết người cướp của! Thành ra nhiều đứa con lớn lên đâu có còn kỷ niệm và nhớ thương những bà vú như một người mẹ thứ hai với kỷ niệm cảm động về tình thương trong cuộc sống êm đềm đã mất đi mãi mãi.
Bây giờ chỉ còn cuộc tranh sống với một loài người độc ác. “Chứ lại không ư? Vét hết tài nguyên, giết sạch cây cối, động vật, sông ngòi. Chẳng còn gì yên nổi với họ”. Bà xã được dịp nói với tôi: “Anh thấy em có lý không? Em không bao giờ sợ ma, nhưng rất sợ người. Nghĩ cho cùng thì những người chết đều yếu đuối cả nên họ mới chết. Chẳng làm hại được ai. Chỉ có đám người sống mới hung hãn và độc ác không sao hình dung được…”.