Một lần, bạn tôi thuật lại câu chuyện một đồng nghiệp của chị vừa đi du lịch châu Âu về. Chị đồng nghiệp ấy kể rằng, khi lên được đến tháp Eiffel, hứng chí quá, chị ta liền nhổ ngay một bãi nước bọt xuống dưới đất, mặc kệ trúng ai thì trúng, phải “đánh dấu lãnh thổ” chứ! Bạn tôi kể, chị ta nói một cách tỉnh bơ, còn tỏ vẻ hào hứng, nghe mà không tin vào tai mình sao lại có người có thể kể về một hành vi xấu, rất thiếu văn minh như vậy với một giọng điệu hả hê đến thế, coi như một chiến tích lẫy lừng? (Thậm chí chị ta còn xúi người khác làm vậy nữa, “thấy đã lắm!”).
Bạn tôi còn kể, trong đoàn ấy có người tự hào khoe rằng đã “chôm” được một cái mền trên máy bay mang đến cơ quan dùng lúc nghỉ trưa, coi như mình có “hàng độc” không đụng hàng với ai!
Chỉ là hai câu chuyện rất nhỏ, nhưng nói lên việc người lớn hư không chỉ trong giao tiếp, ứng xử khi đi ra nước ngoài, mà còn mang tính “thể hiện”, là những trường hợp “nhà có điều kiện”, người có tiền, tham gia vào thế giới văn minh nhưng lại hành xử không văn minh.
Lâu nay, trên các báo còn rất nhiều trường hợp khác nhan nhản như: lấy cắp đồ trong siêu thị để bị bắt, buôn bán hàng giả, lãng phí… Dẫn đến việc người Việt bị kỳ thị và phân biệt đối xử ở nước ngoài ngày càng nhiều!
Với cuộc sống đời thường, chúng ta thấy, trong mối quan hệ láng giềng, người lớn cũng có nhiều cái hư! Cuộc sống ở thành phố, nhiều khi láng giềng là chỗ dễ gây ra hiềm khích nhất: hất rác, đổ nước sang nhà nhau, nhà phía trước hẻm, nuôi chó phóng uế ra đường hẻm không chịu dọn vệ sinh, nhà phía sau chạy xe về cán phải, dắt xe vào nhà mới phát hiện, thế là đã không ưa nhau lại càng có cớ ghét thêm. Có nhà hàng xóm cứ nhằm giờ ngủ trưa là mở nhạc cho cả xóm cùng nghe, tra tấn cái tai, cái đầu đúng vào lúc chúng cần nghỉ ngơi nhất. Có nhà hàng xóm cứ đến thứ Bảy, Chủ nhật là tổ chức nhậu nhẹt và hát karaoke. Chẳng ai dám có ý kiến vào thời điểm đang hưng phấn này (có mà bị vạ). Hẻm chật, sửa nhà mới lại xây một cái bệ dắt xe chình ình trước nhà, cả xóm không ai nói gì. Chỉ biết, láng giềng, nhà sát vách tình cảm ngày càng “gần nhà xa ngõ”, nhiều lúc “một đi không trở lại”, thề độc rằng, đến chết ta không thèm nhìn mặt thằng đó…
Một clip lan truyền trên mạng về việc ăn buffet, xem mà cười ra nước mắt! Toàn là những người lớn tranh giành chen nhau lấy thức ăn. Ban đầu thì còn lấy dụng cụ gắp thức ăn, sau một hồi do không chờ đợi được người ta “gắp” bằng tay luôn, kiểu như “hốt ăn”, thật là ngao ngán! Chưa kể, do “đói con mắt” nên cố lấy nhiều thức ăn, dùng không hết bỏ bừa bãi trên bàn. Khi họ đứng lên, bàn ăn như bãi chiến trường đầy những thức ăn chưa ăn đến, thức ăn mới dùng một nửa… Trong khi đó, văn hóa buffet với mục đích gọn và sạch. Ăn đến đâu, lấy đến đó. Xong món này, đến món khác. Sau khi dùng xong, bàn ăn phải gọn gàng…
Anh bạn tôi kể chuyện, hồi anh mới xây nhà, có người đến đặt vấn đề với anh là có muốn lắp đặt một thiết bị giảm điện dùng không? Anh bạn tôi ngạc nhiên lắm thì người kia giải thích, gắn thiết bị này vào, điện năng tiêu thụ hằng tháng sẽ giảm so với số điện mình đã dùng, nói thẳng ra là ăn cắp điện! Người ấy còn nói, nhiều người làm lắm, người ta lấy cắp của nhà nước tỉ này tỉ kia, mình vài ký điện thấm gì. Anh bạn tôi dứt khoát lắc đầu không làm việc vi phạm pháp luật như thế! Sau, hỏi ra mới biết, hóa ra chỉ là một thiết bị dỏm, gắn vào, tạo “niềm tin” cho người (thích) ăn gian rằng hằng tháng họ sẽ… ăn cắp được một số điện, chứ thiết bịấy hoàn toàn không thể “quay ngược” công tơ điện được. Nhà đèn họ sẽ phát hiện ra ngay và việc truy tố, đền bồi là tất yếu. Nhưng qua điều này, có thể thấy một điều chắc chắn rằng có “tâm lý của kẻ gian” và bị kẻ gian lợi dụng.
Từ những chuyện nhỏ nhặt, không bình thường, riết rồi thành bình thường, ai làm khác đi sẽ bị coi là “người ngoài hành tinh”, lâu dần khiến người lớn… hư lúc nào không hay! Tâm lý đám đông phát sinh từ đó. Ví dụ như, cơ quan nhiều người đi làm trễ, người đi làm đúng giờ sẽ bị dòm ngó, gièm pha là người đó… phấn đấu, người ta “ăn cắp” được thì mình cũng “ăn cắp” được là vì thế! Vào một ngôi nhà bừa bãi, lộn xộn, dơ dáy, nếu mình sạch sẽ liền bị cười chế giễu, hay ngược lại, vào một ngôi nhà sạch sẽ, ngăn nắp, có muốn lôi thôi bừa bộn cũng phải chùn tay!
Dông dài suy nghĩ lan man, từ sau Tết Âm lịch, trên các báo nở rộ tin bài về chuyện khách du lịch Trung Quốc hành xử thiếu lịch sự khi sang du lịch Việt Nam, như ăn to nói lớn nơi công cộng, xả rác bừa bãi, chen lấn lấy thức ăn trong tiệc buffet… Những điều này có khiến nhiều người Việt giật mình nhìn lại? Có thể có hai tín hiệu. Vui vì nghĩ rằng mình sẽ phải thay đổi “không hư nữa”, trông xấu xí lắm, hành xử như thế là không tôn trọng chủ nhà. Hay lại như kiểu, bởi cái nhà kia bày bừa quen rồi mình bày bừa nữa có sao đâu!
Người lớn là cái gương cho trẻ con nhìn vào. Người lớn hư thì làm sao dạy được trẻ con đây?
Tâm An (DNSGCT)