Không có gì lạ nếu chúng ta đổ mồ hôi nhiều hơn khi thời tiết nóng. Ra mồ hôi sẽ giúp làm mát cơ thể, song xin lưu ý rằng ngoài các triệu chứng thể lý bình thường, cách thức đổ mồ hôi còn là dấu hiệu để nhận biết sức khỏe.
Phụ nữ đang mang thai
Những sự thay đổi lớn ở cơ thể như mang thai hay mãn kinh đều có ảnh hưởng đến hệ thống nội tiết tố và khiến mồ hôi đổ ra nhiều hơn bình thường. Sự thay đổi nội tiết làm cho não bị gián đoạn chức năng đào thải nhiệt cơ thể và nhận được tín hiệu rằng nhiệt độ cơ thể đang quá nóng. Từ đó, não kích hoạt cơ thể đào thải mồ hôi để hạ nhiệt.
Căng thẳng
Nếu mùi mồ hôi nồng hơn bình thường, hãy tự hỏi mình có bị stress không. Bình thường, mồ hôi sinh ra do các tuyến eccrine nằm rải rác khắp nơi trên da. Cấu tạo tuyến eccrine vẫn nguyên vẹn sau khi tiết mồ hôi và thành phần chủ yếu trong mồ hôi của tuyến chỉ chứa nước và muối nên không gây mùi. Thế nhưng, khi cơ thể bị căng thẳng, các tuyến mồ hôi đầu hủy (apocrine) phân bố ở nách và vùng sinh dục hoạt động nhiều hơn. Khi bài tiết, chất béo và protein trong tuyến apocrine trộn lẫn với các vi khuẩn trên da gây ra mùi hôi nồng từ cơ thể.
Sắp bị say nắng
Nếu đi dạo dưới nắng gắt mà bạn không đổ mồ hôi thì hãy di chuyển ngay đến nơi có bóng râm và nạp một lượng nước giải khát không chứa caffeine hoặc cồn để ngăn chặn cơn say nắng. Hiện tượng không bài tiết mồ hôi (anhidrosis) khiến cơ thể không còn khả năng tự làm mát được. Tuy nhiên, hiện tượng này cũng có thể xuất phát từ bệnh anhidrosis di truyền hoặc gây ra bởi một loại thuốc hay tình trạng xơ cứng bì.
Chỉ số đường huyết hạ
Khi đo huyết áp giữa các bữa ăn, người bình thường có lượng đường trong máu từ 70 – 100mg/dl. Nếu chỉ số đường huyết giảm xuống dưới 70mg do bệnh tiểu đường hoặc do tham gia vào các hoạt động có cường độ mạnh, cơ thể sẽ tiết ra nhiều mồ hôi hơn. Một trong những triệu chứng nhận biết của hạ đường huyết là mồ hôi rịn trên da và da lạnh, đặc biệt ở cổ.
Trục trặc ở tuyến giáp
Nếu ai đổ mồ hôi rất nhiều dù đang ngồi yên trong một căn phòng mát mẻ và không có điều gì phải lo lắng thì người đó có thể mắc chứng tăng tiết mồ hôi (hyperhidrosis). Nguyên nhân là do sự kích thích quá mức của các dây thần kinh kích hoạt các tuyến mồ hôi. Chúng liên tục trong trạng thái “mở” thay vì “tắt”. Hiện tượng này xảy ra thường xuyên hơn ở một số trẻ em, thanh thiếu niên có tiền sử gia đình mắc bệnh. Đôi khi, hyperhidrosis có thể là tác động phụ của một trong các bệnh Parkinson, gút hoặc cường giáp.