Bạn có biết: chỉ độ dài bán trục lớn của hệ mặt trời cũng đã lên đến những 4.503 tỷ km? Và bạn có biết, trong phạm vi ảnh hưởng rộng khủng khiếp ấy của vầng dương đang tỏa rạng trên đầu chúng ta còn có hằng hà sa số kỳ quan thiên thể đẹp tuyệt vời? Đó là vùng lòng chảo rộng 3.300km trên sao Hỏa, đỉnh núi cao hẳn 26km trên tiểu hành tinh Vesta, mạch phun băng trên vệ tinh Enceladus…
1. Lòng chảo Utopia Planitia và hẻm Valles Marineris trên sao Hỏa
Utopia Planitia là khu vực lòng chảo lớn nhất được công nhận trong hệ Mặt trời. Nó nằm trên sao Hỏa, rộng 3.300km, trải khắp vùng phía Bắc của ngôi sao này, có thể đã từng là một đại dương cổ. Vào năm 2016, thiết bị dò tìm trên tàu vũ trụ Mars Reconnaissance Orbiter của NASA đã phát hiện có các khối băng lớn bên dưới bề mặt Utopia Planitia. Nếu lòng chảo này thật sự từng là một biển nước, vậy thì nó sẽ cực kỳ có lợi cho tương lai chinh phục hành tinh đỏ của loài người.
Còn Valles Marineris là hẻm núi khổng lồ nhất hệ Mặt trời. Nó cũng nằm trên sao Hỏa, kéo dài hơn 4.000km và sâu 7km. Trên trái đất của chúng ta, hẻm núi lớn nhất là Grand Canyon. Dù vậy, nó mới chỉ dài có 446km và sâu 1,6km. Nếu đem so sánh với Valles Marineris, Grand Canyon quả thật hết sức khiêm tốn.
Có 2 giả thuyết cho sự hình thành của Valles Marineris. Một là nó được tạo ra trong thời gian sơ khởi của sao Hỏa, khi ngôi sao này vừa mới nguội đi. Và 2, nó là “con đẻ” của dòng dung nham khổng lồ trào ra từ ngọn núi lửa cực kỳ vĩ đại gần đó.
2. Núi non cao ngất ngưởng trên tiểu hành tinh Vesta
Xét trên mặt diện tích, Vesta là một hành tinh nhỏ bé. Đường kính của nó chỉ rơi vào tầm 530km, trong khi đường kính của trái đất là 12.742km. Tuy nhiên, chính trên tiểu hành tinh này lại sừng sững những ngọn núi cao nhất Thái dương hệ, có ngọn cao tới 26km, tức là gần gấp 3 lần độ cao của đỉnh Everest (8,8km), ngọn núi cao nhất của địa cầu.
Phần lớn các đỉnh núi cao ngất ở Vesta nằm trên thành miệng hố va chạm Rheasilvia. Song ngay trong chính giữa Rheasilvia cũng vẫn đồ sộ một ngọn núi chưa được đặt tên cao hẳn 23km. Theo các nhà khoa học, đường kính của hố va chạm Rheasilvia rộng khoảng 505km, tức là chiếm tới 90% đường kính của chính tiểu hành tinh. Nó có thể được hình thành cách đây chừng 1 tỷ năm, do bị đâm trúng bởi một thiên thể chí ít cũng phải to cỡ 48km. Vụ đụng chạm ấy cũng thổi bay khoảng 1% vật chất của Vesta ra ngoài không gian. Và một số chúng đã rơi xuống Trái đất.
3. Mạch phun băng trên vệ tinh Enceladus
Enceladus là một vệ tinh của sao Thổ. Nó còn nhỏ hơn Vesta, có đường kính chỉ khoảng 500km, nhưng lại đặc biệt nổi tiếng nhờ sở hữu hiện tượng phun trào tinh thể băng cực kỳ lộng lẫy. Từ các lỗ, khe nứt chạy trên bề mặt Enceladus, các tinh thể băng bị bắn tung lên trời với vận tốc khoảng 2.250km/giờ. Chúng dựng thành cột cao ngất, sau đó tỏa ra, rơi xuống như mưa, tạo nên một quang cảnh vô cùng tráng lệ.
Tính đến nay, người ta đã đếm được hơn 100 lỗ phun băng trên Enceladus. Vào năm 2015, khi NASA gửi tàu vũ trụ Cassini đến vệ tinh này điều tra, họ còn phát hiện có sự hiện diện của phân tử hydro trong đám bụi băng. Thế nên không chừng Enceladus còn là vệ tinh có sự sống.
4. Các đỉnh được chiếu sáng vĩnh cửu trên mặt trăng
Mặc dù nói rằng “được chiếu sáng vĩnh cửu” như thuật ngữ “Peaks of Eternal Light” (được sử dụng từ cuối thế kỷ XIX, dùng để chỉ một thiên thể được “tắm” trong ánh nắng mặt trời quanh năm suốt tháng) là không chính xác, nhưng mặt trăng vẫn có tới 4 đỉnh liên tục nhận được ánh nắng mặt trời trong từ 80-90% thời gian. Và theo báo cáo từ tàu quỹ đạo Trinh sát mặt trăng thì không có bất cứ vị trí nào trên “vầng nguyệt” là được chiếu sáng vĩnh viễn cả.
Tuy nhiên, với tỉ lệ được chiếu sáng từ 80-90% trên 4 đỉnh: A (trên sườn Shackleton), B (gần sườn Shackleton), C (trên sườn De Gerlache), D (gần sườn Shackleton), mặt trăng cũng đã là vệ tinh dồi dào ánh sáng nhất. Nếu một ngày nào đó nhân loại thật sự đổ bộ lên “cung quế” thì chắc là cả 4 đỉnh trên đều được chọn để xây dựng căn cứ đầu tiên (để dễ bề tận dụng nguồn năng lượng Mặt trời).
5. Cơn bão khổng lồ đã cuộn xoáy ngoài 400 năm trên sao Mộc
Tên của cơn bão này là Vết đỏ lớn (Great Red Spot), có thể được nhìn thấy một cách rõ ràng qua kính thiên văn. Theo ước đoán của các nhà khoa học thì nó đã ngoài 400 tuổi, hiện tại đang rộng gấp 1,3 lần trái đất, xoáy theo chiều ngược kim đồng hồ với tốc độ 120m/s. Sức nóng từ tâm bão ước tính vào khoảng 1.316oC, đủ để sưởi ấm cho toàn bộ sao Mộc.
Cho đến nay, các nhà nghiên cứu vẫn chưa tìm được nguyên nhân chính xác gây ra siêu bão khổng lồ trên sao Mộc này. Tuy nhiên, có một điều rõ ràng là nó đang co lại. Cách đây 200 năm, vết đỏ lớn to gấp hẳn 4 lần kích thước của địa cầu. Nhưng vào năm 1979, theo đo đạc của tàu vũ trụ Voyager 2, nó đã giảm xuống còn gấp đôi, và hiện tại thì chỉ gấp 1,3 lần. Rất có thể là trong khoảng 30-40 năm nữa, Vết đỏ lớn còn biến mất hoàn tàn.
6. “Chông băng” khổng lồ trên vệ tinh Callisto
Callisto là vệ tinh của sao Mộc, có bề mặt cổ xưa và đặc nặng nhất hệ Mặt trời. Trong suốt một thời gian dài, các nhà thiên văn cứ tưởng rằng vệ tinh này đã chết về mặt địa chất. Nhưng vào năm 2001, khi tàu vũ trụ Galileo lướt qua đây, nó đã gửi về hành tinh mẹ hình ảnh những tháp băng cao ngất trải đầy mặt đất Callisto như các bàn chông khổng lồ.
Nhiều “chông băng” của Callisto còn cao đến 100m. Các nhà khoa học cho rằng chúng là sản phẩm của các vụ va chạm thiên thạch làm đẩy bật vật chất ẩn chứa bên trong vệ tinh ra ngoài, và có thể cũng sẽ dần biến mất giống như Vết đỏ lớn.
7. Vành đai sao Thổ 4 tỷ năm tuổi
Nếu quan sát sao Thổ qua kính thiên văn, bạn sẽ thấy nó được bao quanh bởi một hệ thống các vòng tròn giống như đeo cả mớ nhẫn chồng lên nhau vậy. Các vành đai này được cấu thành từ băng tinh khiết, bụi và đá. Chúng rộng những 386.000km nhưng độ dày của mỗi vòng lại khá mỏng, chỉ từ 9-90m.
Một số nhà nghiên cứu cho rằng vật chất hình thành nên vành đai sao Thổ là những vật liệu dư thừa trong quá trình hình hài của ngôi sao này. Một số khác lại tin chúng là những gì còn sót lại của một Mặt trăng cổ đại bị phá vỡ bởi áp lực thủy triều quá lớn. Phần lớn vật chất cấu thành nên vành đai sao Thổ là băng nước thuần túy, chiếm tới 99,9%. 0,1% còn lại là các tạp chất, bao gồm tholin và silicate.
8. Vách đá cao chóng mặt trên vệ tinh Miranda
Miranda là vệ tinh nhỏ nhất của sao Thiên Vương, có đường kính chỉ tầm 472km. Song nó lại sở hữu vách đá cao nhất hệ Mặt trời, Verona Rupes, ước tính bét nhất cũng phải dựng đứng đến 19,3km.
Trong khi đó, vách đá cao nhất trên hành tinh xanh của chúng ta mới chỉ cao có 1,25km mà thôi.
Nó nằm trên núi Thor ở Canada. Giả sử Verona Rupes có trên Trái đất, nó chắc cũng không trở thành địa điểm tự vẫn lý tưởng đâu bởi vì sẽ phải mất những 12 phút để một người rơi tự do từ đỉnh vách xuống đất. So với cái chết thì khoảng thời gian “chờ chết” ấy có vẻ đáng sợ hơn nhiều.