Chuyện con người “âm mưu thôn tính” sao Hỏa thì ai cũng biết rồi. Cơ quan Không gian NASA cũng đã có nhiều hoạt động để thăm dò, thử nghiệm sống trên hành tinh Đỏ. Tuy nhiên, để phát triển một cách bền vững, nhân loại còn cần phải tính đến cả chuyện sinh con đẻ cái ngay tại trên đó nữa.
Tính từ thời điểm hiện tại thì chắc là chỉ vài thập kỷ đến nửa thế kỷ nữa thôi, một số người đã ung dung trên sao Hỏa rồi cũng nên. Lẽ dĩ nhiên, họ là thế hệ đầu tiên tới sống ở hành tinh đỏ. Chỉ còn một vấn đề, thế hệ thứ nhất ấy có sinh ra thế hệ thứ hai hay không mà thôi.
Tình dục có lẽ là… bất khả thi
Mặc dù tình dục là chuyện tế nhị, nhưng chúng ta đang bàn về chuyện sinh con, nên thôi thì ráng chịu đỏ mặt một chút vậy! Mọi sinh vật sống trên trái đất đều trải qua lịch sử tiến hóa dài để có một cơ thể thích nghi với trọng trường của nó. Chuyện “yêu” ở địa cầu, tất nhiên là hết sức đơn giản.
Nhưng trong một môi trường không cùng trọng lực thì lại là vấn đề khác, đặc biệt là với trọng lực yếu. Thực tế, lực hấp dẫn trên sao Hỏa chỉ bằng có 38% lực hút của địa cầu. Thế nên nội việc bước đi cũng đã là khó, nói gì đến “chuyện mây mưa”.
Với y học ngày nay, con người không nhất thiết phải “yêu” mới tạo ra được em bé. Song từ kết quả thụ thai đến sự phát triển của thai nhi cũng là trên cơ sở đã quen với trọng trường của trái đất. Cơ thể người mẹ được tạo hóa trao tặng một sự khôn ngoan mà có thể còn hơn cả bộ não. Nó biết khi nào thì thích hợp để mang thai (tất nhiên là chỉ trên mặt sinh học thôi, xin đừng tính cả chuyện hoàn cảnh vào).
Ngay cả khi trứng đã thụ tinh, nếu dạ con cảm thấy có điều gì đó không ổn, nó cũng chỉ việc hủy phôi rồi tống hết ra ngoài như kinh nguyệt bình thường. Đó là còn chưa kể đến hiện trạng bức xạ trong vũ trụ, chúng mạnh hơn trên trái đất gấp nhiều lần, chắc chắn sẽ ảnh hưởng xấu cho sự phát triển của thai nhi.
Thử nghiệm trên động vật
Để tìm hiểu khả năng sinh sản ngoài không gian, các nhà khoa học ném không ít các loài động vật vào vũ trụ. Từ cuối những năm 1970, Nga đã thả một số chuột vào vệ tinh Cosmos 1129 trước khi tiến hành phóng. Khi Cosmos 1129 trở về, họ phát hiện giữa bầy chuột có sự giao phối. Tuy nhiên, không có con chuột cái nào mang thai.
Chuyện này thực ra không có gì là bất ngờ cả. Chuột là loài động vật có vú đặc biệt nhạy cảm. Chúng cũng có cơ chế mang thai tương tự ở loài linh trưởng, trong đó có con người. Một khi không ở trong điều kiện thuận lợi, tử cung của chuột cái sẽ từ chối nuôi dưỡng phôi. Không bỏ cuộc, NASA bèn tiếp nối bằng cách gửi luôn những con chuột cái đã có bầu nhằm buộc chúng phải sinh con ngoài trái đất. Những con chuột đã đẻ con. Có điều, đám con của nó lại không bình thường, con thì bị “ấm đầu”, con lại mù phương hướng.
Kế tiếp, các nhà khoa học thử gửi phôi thai chuột lên tàu con thoi Columbia. Chúng không phát triển tiếp. Trong môi trường ngoài không gian mô phỏng, giới nghiên cứu thành công thụ tinh chuột trong ống nghiệm. Song khi đem cấy vào tử cung chuột cái, chúng lại hoặc là chết, hoặc không phát triển bình thường.
Mặc dù thất bại với chuột, nhưng với dế mèn, tuyến trùng và ruồi giấm thì có sự thành công. Tất cả chúng đều thoải mái sinh con đẻ cái trong điều kiện trọng lực khác. Ngoài ra, còn có cá medaka của Nhật Bản nữa. Chúng đã hoàn thành nhiệm vụ để lại thế hệ sau trên tàu con thoi Columbia. Thử nghiệm với trứng kỳ giông trên trạm vũ trụ Mir của Nga cũng cho thấy, tuy có chút khang khác nhưng chúng vẫn nở ra nòng nọc. Tuy nhiên, mớ trứng cút được ấp trong lồng ấp (cũng trên Mir) thì lại không chuyển hóa thành con non.
Tóm lại, chỉ riêng động vật có vú là vấp phải sự gian nan hơn cả. Nguyên nhân là vì có sự trao đổi chất phức tạp giữa cơ thể mẹ và bào thai. Con người là sinh vật bậc cao nhưng cũng vẫn là loài “mang nặng đẻ đau” theo đúng nghĩa đen. Vẫn chưa có gì để đảm bảo rằng, phụ nữ có thể mang thai ngoài vũ trụ. Xét ra, cái mà con người có thể mới chỉ là đặt chân lên sao Hỏa mà thôi.
Còn định cư lâu dài, đời này nối tiếp đời khác thì hãy còn khó nói lắm! Vả lại các vệ tinh, tàu vũ trụ, thậm chí cả trạm không gian cũng không hẳn là tương đồng hoàn toàn với bề mặt sao Hỏa. NASA đã tính đến kế hoạch thử nghiệm “thuộc địa chuột” trên mặt trăng, để xem chúng sinh trưởng và đẻ đái như thế nào.
Nhưng đến tận lúc này, kế hoạch ấy vẫn chưa được bắt đầu. Và dù nó có được tiến hành và thành công đi chăng nữa, thì cũng vẫn chỉ là trên động vật. Con người là một phạm trù hoàn toàn khác. Để chắc chắn, nhân loại cần có kết quả chính xác dựa trên quan sát và phân tích thực tiễn. Nói một cách khác là cần mang chính mình ra mà làm thử nghiệm.
Vấn đề đạo đức
Làm thế nào để biết được con người có thể sinh con đẻ cái trên hành tinh Đỏ không ư? Cách đơn giản nhất là đưa một đàn ông và một phụ nữ lên đó, để họ “yêu” nhau và chờ xem người phụ nữ có mang thai hay không. Còn cách “vòng vo tam quốc” hơn là đóng băng các phôi thai, sau đó gửi chúng lên sao Hỏa rồi cho rã đông. Các nhà khoa học cũng có thể gửi trứng và tinh trùng của người lên trạm vũ trụ, rồi thử thụ tinh ống nghiệm, theo dõi sự phát triển của chúng, so sánh với các phôi thai được “nuôi trồng” ở trái đất.
Nếu chuyện thụ tinh trong không gian là quá khó khăn, thì giống như ở chuột, chỉ việc đem phôi thai vào, sau đấy kiểm tra xem chúng lớn lên như thế nào, có bị môi trường khác trọng lực làm hỏng ADN không. Nếu có, thì các phôi thai ấy đối phó ra làm sao… Nhưng nói thì dễ chứ làm lại khó. Con người không phải là động vật. Và ngay cả với động vật, y học vẫn còn vấp phải vấn đề đạo đức khi tiến hành các thử nghiệm có phần nhẫn tâm.
Nên kết luận cuối cùng vẫn là chưa thể nghiên cứu sự sinh sản của con người trong không gian. Nó sẽ vẫn là “chưa thể”, cho đến khi nhân loại có thể gạt phắt “nhân tâm” sang một bên, toàn tâm toàn trí thử nghiệm trên chính… những đứa con của mình.