Trái đất không phải lúc nào cũng thân thiện với chúng ta và hành tinh trên đó chúng ta đang phát triển có thể đã không đối xử với nhân loại một cách nhẹ nhàng, bất chấp những nỗ lực xâm chiếm rất nhiều bề mặt của nó. Những hiện tượng lạ thường trên trái đất đang đe dọa sự an toàn của nhân loại.
1. Giếng cây
Nó không chỉ là một khe nứt đe dọa những người trượt tuyết. Một nguy cơ phổ biến hơn và đôi khi tồi tệ hơn là các giếng cây. Các giếng cây là một nguy cơ vĩnh viễn trên các sườn núi, khiến nhiều người trượt tuyết không cảnh giác và bị rơi xuống các lỗ hổng trong tuyết, nơi có thân cây đứng và che khuất một miệng giếng tuyết chung quanh thân của nó.
Khi một cây lá kim lớn đứng trên một ngọn núi, tuyết rơi chồng chất tới độ sâu nhiều feet. Nhưng chung quanh thân cây không thấy có tuyết, kết quả là có một lỗ hổng bị che khuất và có một cái giếng quanh thân cây. Khi bắt đầu vượt qua một cái cây ở cự ly quá gần, người trượt tuyết có thể lao về phía trước và rơi vào trong giếng cây này, thường là lao đầu xuống trước. Chân tay của người đó bị mắc kẹt trong tuyết và bị nghẹt thở.
2. Hồ khí
Bị chết đuối trong hồ nước là một nguy cơ, nhưng đáng ngạc nhiên hơn là những cái hồ nguy hiểm nhất trên thế giới không phải là những cái hồ có thể khiến người ta chết đuối, mà vì chúng đã tạo ra sự cố thiếu oxy trong khi các nạn nhân vẫn còn ở trên đất liền. Khi có địa chấn, sự phân hủy chất hữu cơ và khí độc kết hợp với nhau trong hiện tượng hồ khí rất nguy hiểm.
Hồ Nyos ở Cameroon là cái hồ xả khí khét tiếng nhất, đã giết chết 1.746 người và vô số động vật khi ồ ạt xả ra khí carbon dioxide tiêu diệt những ngôi làng gần đó. Ngày 21.8.1986, hồ này đã tống ra một đám mây carbon dioxide khổng lồ với 1,2 km³ khối khí lan rộng chung quanh làng Nyos và các làng lân cận như Cha, Kam và Subum. Ngày nay, tại nơi này người ra đã lắp đặt một thiết bị để phóng khí nhằm ngăn chặn đợt khí độc chết người khác tích tụ.
3. Mưa đá
Những cơn mưa đá khổng lồ, với những hòn đá nặng hơn một pound (0,454kg) và có đường kính vài inch (1 inch = 2,54cm), đã gây ra hàng loạt trường hợp tử vong. Ở Mỹ đã có một số thảm họa như thế, có khi con số người chết, thương tích và tổn thất vật chất rất nặng nề. Những cục mưa đá có kích cỡ bằng trái bóng chày rơi xuống với vận tốc 100 dặm/giờ. Cục mưa đá có đường kính 2,75 inch (khoảng 7cm) có thể đập vỡ kính chắn gió xe hơi, và nếu hòn mưa đá lớn hơn, tới 4,5 inch (11cm), có thể đục lỗ xuyên thủng qua mái nhà.
Những chấn thương có thể rất khủng khiếp. Năm 2000, một hòn mưa đá rớt trúng và giết chết một người đi giao bánh pizza ở Fort Worth, Texas. Trước đó, khi ở Fort Worth có tổ chức lễ hội Mayfest vào tháng 5.1995, một trận mưa đá đã đổ xuống đám đông 10.000 người, làm bị thương 400 người. Tổng cộng có 60 người phải vào bệnh viện. Năm 1988, có 246 người Ấn Độ đã mất mạng vì các trận mưa đá dữ dội. Tốt hơn vẫn nên ở trong nhà mỗi khi có mưa đá, vì chúng ta không thể biết được hòn mưa đá sẽ lớn như thế nào.
- Xem thêm: Siêu núi lửa và mối đe dọa tận thế
4. Hiểm họa của mạch nước nóng
Mạch nước phun và suối nước nóng có thể trông rất thú vị, nhưng chúng cũng nguy hiểm đối với những nhà thám hiểm hay những người tham quan bất cẩn. Dung nham rất nguy hiểm. Chúng ta cần tránh xa một ngọn núi lửa đang phun trào, nhưng nhiều nhà thám hiểm ít nhận thức được mối nguy khi họ đối diện với những mạch nước phun và suối nước nóng có thể là những sát thủ. Những lúc tham quan mạch nước phun hoặc suối nước nóng không nên đến quá gần. Những mạch nước phun ở những nơi phổ biến như Vườn quốc gia Yellowstone đã giết một số du khách đến gần: theo ghi nhận, đã có trên 20 người bị thiệt mạng vì chúng.
Gần đây nhất, vào năm 2016, có một người đàn ông trẻ tuổi đi bộ hơn 200m tiến vào lòng chảo mạch nước nóng Norris và anh đã chết vì bị đun sôi trong mạch nước nóng này. Nhiều người đến thăm Yellowstone đã bị đốt cháy bởi những mạch nước nóng phun hoặc do làm bể bề mặt của lớp đá mỏng và ngã xuống vùng nước sôi ở phía dưới.
Trong các vụ khác, có những người đã chết khi cố gắng đi ngang qua hoặc đi chung quanh các bờ vực hay những cái hồ chứa nước đang nóng sôi. Tóm lại, nên tránh xa những khu vực tự nhiên đầy nước sôi.
5. Chạm trán với khói nham thạch
Dung nham không chỉ là mối họa duy nhất. Chỉ cần một cái hồ chứa đầy carbon dioxide đã có thể gây nguy cơ cao. Hoạt động của núi lửa có thể tạo ra những tình huống nguy cơ cao, khiến cho những người cư ngụ ở các vùng lân cận bị thiếu oxy, tiếp xúc với khói độc và có thể mất mạng. Đã có không ít những vụ tử vong do khói mù nham thạch, các khí nóng tích lũy và sau đó gây ngạt thở, đốt cháy hai buồng phổi của các nhà thám hiểm nghiên cứu núi lửa.
6. Bom đá vụn núi lửa
Ngoài những nguy cơ đến từ trên cao, thiên nhiên còn có một loại vũ khí mới là bom đá vụn núi lửa. Khi núi lửa hoạt động, không chỉ có những dòng dung nham chết chóc xuất hiện, mà còn có cả những đá vụn núi lửa bay từ trên không xuống. Điều nguy hiểm mà các chuyên gia núi lửa nghiệp dư sẽ đối diện khi họ muốn thu thập đá vụn núi lửa này là bị chúng rơi trúng người. Nếu chúng lớn, cú va chạm có thể làm cho họ thiệt mạng ngay lập tức. Nếu chúng nhỏ, các vật thể này có thể gây ra những vết thương giống như đạn bắn. Những đá vụn núi lửa lớn khi tiếp đất sẽ gây nên những vụ nổ lớn, dễ dàng phá hủy xe hơi, cây cối hoặc nhà cửa.
7. Ống dung nham
Ở những khu vực núi lửa không chỉ có nguy cơ phun trào. Một nguy cơ có thể so sánh với những hố sụt đó là bị rơi vào các ống dung nham do đi bộ gần vùng núi lửa đang hoạt động. Nếu rơi xuống các hố sụt, nạn nhân có thể bị chấn thương thì khi rơi xuống một đường ống dung nham, nạn nhân sẽ còn bị tổn thương nhiều hơn vì họ bị cháy phỏng, chưa kể chúng còn bốc lên các khí độc. Nên nhớ rằng các cấu trúc vật lý của những khu vực gần hoạt động núi lửa có thể không dự đoán trước được.
Những ống dung nham có thể rất sâu. Trong một trường hợp, có một cậu bé 15 tuổi rơi xuống sâu gần 8m rớt vào một ống dung nham do cậu bất cẩn khi trèo lên hàng rào. May mắn là nạn nhân đã được giải cứu.
8. Con sóng bất ngờ
Không phải sóng thần, một con sóng hiểm ác có thể xuất hiện bất cứ lúc nào trên mặt biển, gây nên cái chết bằng cách quét nạn nhân ở vùng bờ trôi ra ngoài biển, thậm chí khi họ còn đang đứng trên bờ biển. Những làn sóng dữ đe dọa các con tàu, chúng có thể làm cho con tàu ngập nước hoặc lật úp tàu.
Vì thế, người ta thường cảnh báo những người đứng sát bờ biển hoặc đứng quay lưng về phía biển. Việc quay lưng lại trên mặt nước đặc biệt nguy hiểm, ngay cả khi họ đối diện với nước cũng không được khuyến khích trong các khu vực có vách đá nhấp nhô vì những thác nước lớn có thể đổ ập dữ dội vào các bờ đá. Trong một số trường hợp nhất định, các con tàu đã bị đánh chìm trước những con sóng cực lớn, có những tình huống chúng còn cao quá 24m.
9. Nước xoáy
Đại dương là một vùng nước khổng lồ và có những nơi các xoáy nước đã hình thành trên biển. Kết quả là gây nên những thảm họa. Trong văn hóa Sicily, người ta gọi nước xoáy là Charybdis; xoáy nước đại dương là một lực lượng rất đáng sợ và phải tránh xa, đồng thời chúng cũng rất khó hiểu.
Ở các khu vực thuộc Bắc Âu, xoáy nước được tạo thành trên biển ở những nơi thực ra rất nông, có độ sâu trong khoảng từ 40m đến 60m. Các chuyển động thủy triều của nước sẽ càng trầm trọng hơn dưới tác động của mặt trăng, có thể tạo thành những xoáy nước khổng lồ mang những con tàu chìm sâu xuống đáy biển.
Trong trường hợp của Charybdis, một xoáy nước nổi tiếng ở Địa Trung Hải đã được mô tả như một con quái vật biển. Vùng eo biển Corryvreckan được biết đến là nơi có một trong những xoáy nước đáng sợ nhất trên hành tinh. Tuy chưa phải là lớn nhất hoặc mạnh nhất, xoáy nước này đã được “thử nghiệm” với một người nộm mặc áo phao: nó đã bị cuốn mất khỏi tầm nhìn và sau đó lại nổi lên ở một nơi cách thật xa. Những dấu hiệu cho thấy những mảnh nhỏ nằm đầy rẫy phía dưới đáy sâu của xoáy nước, và độ sâu của chúng lên tới 70m.