Dự án tuyến đê biển dài 33km nối Vũng Tàu – Gò Công là ý tưởng do Tổng cục Thủy lợi đề xuất nhằm chống lũ lụt, ngập úng cũng như các tác động từ biển cho toàn bộ khu vực TP.HCM và vùng Đồng Tháp Mười, nằm trong hạng mục công trình thực hiện từ năm 2011 đến 2015, đã được Thủ tướng phê duyệt. Nếu được xây dựng, đây sẽ là dự án vượt biển lớn nhất Việt Nam, được xem như là phương án tốt trong việc giải quyết bài toán quy hoạch tổng thể thủy lợi Đồng bằng sông Cửu Long, có ảnh hưởng lớn đến hệ thống giao thông đường thủy và hệ sinh thái ngập mặn rừng Cần Giờ. Tuy nhiên, xung quanh dự án này đang có nhiều tranh luận trong giới chuyên môn và các nhà khoa học. Điều đáng chú ý nhất là lợi ích kinh tế thì chưa thể xác định được cụ thể, nhưng tác động xấu đến môi trường lại là điều chắc chắn!
Lợi ích trên báo cáo
Theo Tổng cục Thủy lợi, tuyến đê biển có vai trò quan trọng trong việc bảo vệ môi trường, lồng ghép các nhiệm vụ giảm ngập úng, giảm xâm nhập mặn, ứng phó mực nước biển dâng đối với phát triển đô thị biển. Vì vậy, dự án này cần thiết đối với một đô thị luôn bị ngập như TP.HCM. Nhiều năm qua, thành phố này đã phải vất vả chống ngập, nhưng tình trạng ngập vẫn chưa được xử lý có hiệu quả. Các dự án chống ngập trước đây do thiếu tầm nhìn về quy hoạch nên cứ loay hoay đối phó, chống được nơi này thì ngập chỗ khác. Tình trạng mạnh ai nấy làm, không có một “nhạc trưởng” chỉ huy thống nhất đã khiến các giải pháp đưa ra không mang tính hệ thống, tốn kém nhiều nhưng hiệu quả vẫn thấp.
Cũng theo báo cáo trên, do vùng Đồng Tháp Mười chưa có công trình kiểm soát lũ nên tuyến đê này cùng một số công trình đã có trên sông Tiền sẽ kiểm soát được lũ và mặn, tạo điều kiện bật dậy tiềm năng kinh tế cho toàn vùng. Với tình hình biến đổi khí hậu đang diễn biến phức tạp và có ảnh hưởng đến nhiều nơi trong cả nước, công trình còn có nhiệm vụ chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu cho vùng biển trong khu vực đê bao.
Hơn nữa, tuyến đê này khi hoàn thành sẽ là con đường nối rút ngắn khoảng cách từ Vũng Tàu về các tỉnh miền Tây một cách đáng kể, tạo sự liên kết giữa các tỉnh miền Đông và Tây Nam bộ. Song song đó, việc hình thành và phát triển đô thị biển sẽ kiến tạo cảnh quan hiện đại, thu hút được vốn đầu tư vào nhiều lĩnh vực khác.
Theo các nhà khoa học, dự án đê biển sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến hệ sinh thái rừng ngập mặn Cần Giờ