Những chuyến du lịch do nhiều hãng lữ hành phương Tây tổ chức cho du khách đến thăm các xứ sở châu Á thường gắn với các sinh hoạt ẩm thực độc đáo, đặc biệt là các bữa ăn tối với đặc sản từng nước, nhưng thu hút du khách nhất vẫn là các lớp hướng dẫn nấu món ngon bản địa, qua đó khách phương xa có cơ hội đi chợ tự chọn nguyên liệu, gia vị… rồi tự nấu món ăn, quả là một trải nghiệm tuyệt vời mà không sách dạy nấu ăn nào đáp ứng được.
Thiên đường của những người say mê ẩm thực
Tùy theo tour, tuyến, có nhiều địa phương ở Việt Nam như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh tổ chức các lớp dạy nấu ăn cho du khách, nhưng Hội An vẫn được xếp hạng cao nhất bởi nhiều lý do: trước hết là khung cảnh quyến rũ của đô thị cổ Hội An với các lớp dạy nấu ăn được tổ chức trong khu vườn êm ả hay trong các ngôi nhà cổ; những đặc sản địa phương độc đáo mà không nơi nào có được bên cạnh những món đặc trưng của ẩm thực Việt như phở, bún bò…; học viên được hướng dẫn đi chợ Hội An, nơi người bán hàng hết sức thân thiện đồng thời các nguyên vật liệu để chế biến món ăn luôn tươi ngon, và phải kể đến sự tận tâm cùng tay nghề giỏi của những đầu bếp – giáo viên.
Lisa được hướng dẫn đổ bánh xèo
Theo Caroline Mills, phóng viên tạp chí du lịch online Travelfish thì hai nét đặc trưng nhất tạo nên sức thu hút của du lịch Hội An là dịch vụ cắt may và hướng dẫn nấu ăn. Cô viết: “Một khi đã đảo qua các nhà may rồi thì bạn hẳn phải ghi nhận rằng Hội An là một thiên đường của người say mê ẩm thực, và một khi đã ăn ngấu nghiến ở một số nhà hàng, quán xá thì điều kế tiếp trong danh sách những gì bạn phải làm ở Hội An là theo học một lớp dạy nấu ăn. Điều đó không chỉ sẽ giúp bạn tránh phải khoe đến gây nhàm với bè bạn của mình ở quê nhà những hình ảnh bạn chụp các bà cụ địa phương đội nón lá, mà còn khiến bạn có thể thực hiện một bữa tối với những đặc sản thực sự của Hội An. Chính ở đây tôi trở nên khéo léo: tôi yêu thích mọi sự khi chuẩn bị một bữa ăn gia đình ở Hội An. Mọi thứ thật hoàn hảo, từ các bà bán thịt ở chợ luôn cười khúc khích và chào đón tôi với từ “Heo!” (chỉ có nghĩa là thịt heo mà các bà bán, nhưng do lần đầu tiên tới Việt Nam nên tôi tưởng nhầm âm thanh “heo” đó là cách phát âm sai từ “hello”!) cho tới việc cố gắng làm một bữa tối với món nướng chỉ sau một buổi học nấu ăn ngắn ngủi. Với tình yêu dành cho bếp núc ấy, tôi vừa theo học vừa âm thầm quan sát một số lớp dạy nấu ăn ở đây. Tôi đã có bảng thực đơn các món ăn đủ để viết một cuốn sách nhưng vẫn chưa bao giờ nấu một bữa ăn Việt tại nơi mình cư trú ở Hội An, bởi ăn trên đường phố vẫn rẻ hơn!”.
Lớp dạy nấu ăn tại Nhà hàng Green Bamboo bên bờ sông, người đứng giữa là bà Vân
Học nấu ăn ở đâu?
Những lớp dạy nấu ăn mà Caroline Mills đã trải qua tại Hội An được tổ chức ở nhiều nơi trong phố cổ: đầu tiên là Nhà hàng Morning Glory (106 đường Nguyễn Thái Học), nơi cô được học đầy đủ nhất về các món ăn đường phố của Hội An, đặc biệt là khám phá những bí quyết để làm món bánh xèo trứ danh; kế tiếp là tại Nhà hàng Cầu Đỏ (ở thôn 4, xã Cẩm Thạnh) rồi Nhà hàng Green Bamboo (đường Trương Minh Hùng, phường Cẩm An), nơi du khách được bà Vân hướng dẫn nấu các món ăn ngay trong bếp của gia đình bà. Caroline viết: “Lớp học ở Green Bamboo được tổ chức như trong một gia đình thực sự, nơi bạn được chào đón như những người thân được quý mến nhất”. Nhưng đáng nhớ nhất là lớp dạy nấu ăn được tổ chức ngay tại vườn rau Trà Quế – một điểm đến không thể thiếu ở Hội An, nơi du khách tự trồng rau theo kiểu dân địa phương và còn có thể trải nghiệm mát-xa chân với các loại thảo dược được trồng tại vườn. Du khách cũng có thể ghi danh tour nửa ngày dạy nấu ăn Taste of Hoi An (Hương vị Hội An – số 109 đường Nguyễn Thái Học) mà nhà tổ chức là Neville Dean, một người Úc đã đến sống ở Hội An cùng với vợ ông cách đây vài năm. Hiện tour dạy nấu ăn này thu hút khá đông đảo du khách đến từ Úc, New Zealand và các đảo ở Thái Bình Dương.
Bánh xèo Lisa làm khá đẹp mắt!
Với Lisa và nhóm bạn của cô đến từ Na Uy thì lớp dạy nấu ăn ở Hội An là một kinh nghiệm du lịch có một không hai. Cô cho biết: “Trước hết, chúng tôi ra chợ và đầu bếp của chúng tôi giải thích các loại rau trái lạ lùng của địa phương – tất cả được dùng để nấu ăn. Từ chợ về chúng tôi vào lớp học, nơi chúng tôi được trang bị tạp dề và mũ đội đầu màu trắng. Mê nấu ăn nhưng sau vài chuyến du hành không gắn với bếp núc, giờ đây tôi thực sự thích thú chuẩn bị các loại rau để làm các món: gỏi bắp chuối, gỏi cuốn, bánh xèo theo kiểu Hội An và lẩu. Bước đầu tiên là làm nước chấm chua ngọt vốn là cái nền của tất cả các món ăn chúng tôi sẽ chế biến. Hai muỗng nước mắm, hai muỗng đường, một muỗng nước và rất nhiều ớt với tỏi… – giờ đã sẵn sàng là món nước chấm rất dễ làm và rất khoái khẩu được dùng cho món xà-lách cũng như cho gỏi cuốn, bánh xèo… Bước kế tiếp chúng tôi học cách tỉa bông hoa từ trái cà chua, củ cải, cà rốt tôi phải thừa nhận rằng mình chẳng phải là một nghệ sĩ lớn khi đến với nghệ thuật ẩm thực, vì vậy những bông hoa tôi tỉa trông khá tệ và tôi đành tập trung vào món gỏi cuốn vậy!
Alethea Smartt LaRowe, du khách đến từ Portland, bang Ohio (Mỹ) đang làm gỏi cuốn
Nhưng làm gỏi cuốn không dễ như nói về nó. Bánh tráng được nhúng vào một tô nước nhưng không được quá ướt, mặt khác nó thật dễ bị hỏng khi bạn muốn cuốn nó lại. Phần sau thì khá dễ (ít nhất là như sự mô tả công đoạn này): đặt các lát cà rốt, củ cải, rau xà-lách, tôm và thịt vào trong lớp bánh tráng và bắt đầu cuốn. Nếu bạn làm tốt công đoạn này và cuốn nó thành một cái cuốn đẹp, hãy nhúng nó vào chén nước mắm chua ngọt và thưởng thức. Nếu không làm được như vậy, hãy bắt đầu lại! Sau hai món gỏi bắp chuối và gỏi cuốn, còn hai món Việt Nam đáng yêu nữa đã được chuẩn bị. Chúng tôi phải đổ món bánh xèo Hội An làm sao để lông mày và tóc không bị cháy sém vì lửa và phải lật cái bánh lại sao cho thành công ôi – ai có thể nghĩ được điều ấy!
Chúng tôi thật hứng thú và chỉ có khả năng nấu vài món ăn Việt khi về lại nhà mình với hầu hết các thành phần nguyên liệu có thể thay thế dễ dàng bằng các loại khác ở châu Âu (như bắp chuối được thay bằng củ cải) và món gỏi cuốn là thứ snack tuyệt hảo ở trường đại học!”.
Lưu Hương