Ai có thể ngờ một chú cún con đi lạc, được lén lút đưa lên tàu ra mặt trận vào năm 1918, lại trở thành anh hùng thời chiến, là con vật đầu tiên được phong trung sĩ và được tăng đến 14 huân chương, nhiều huân chương nhất trong Chiến tranh thế giới thứ nhất.
Vào một ngày tháng 7-1917, anh lính John Robert Conroy, 25 tuổi, nhìn thấy một chú chó nhỏ lang thang trong khuôn viên Đại học Yale (New Haven, bang Connecticut), nơi mà các thành viên thuộc binh đoàn 102 bộ binh đóng quân, chờ ngày ra mặt trận. Con vật tròn trĩnh, đuôi ngắn ngủn, hẳn thuộc giống bull terrier. Conroy quyết định nuôi nó, đặt tên là Stubby, do dáng tròn ủm ấy. Chỉ một thời gian ngắn sau, Stubby được cả trung đoàn yêu mến và xem nó như con vật đem lại phước lành, gần gũi đến độ Stubby dần trở thành một anh lính nhỏ, tham dự mọi cuộc huấn luyện, biết đứng nghiêm khi kèn trổi lên và học chào theo kiểu lính, được đặc biệt gia giảm để thích hợp với nó. Stubby đáng yêu đến độ viên chỉ huy trung đoàn cho phép nó được ở cạnh các quân nhân, giúp nâng cao tinh thần của họ, trong khi quy tắc cấm loài vật trong trại lính.
Stubby trở nên gần gũi với các binh sĩ của trung đoàn (nhất là với John Robert Conroy) cho đến ngày trung đoàn lên tàu để đến châu Âu tham chiến. Conroy giấu con chó dưới áo khoác, lên tàu SS Minnesota, rồi lại giấu nó trong hầm than. Giữa hải trình, con chó bị phát hiện và được giới thiệu với các thủy thủ. Stubby đáng yêu đã nhanh chóng chiếm được tình cảm của các lính thủy, một thợ máy còn chế những thẻ bài quân nhân dành cho chú chó. Một câu hỏi hóc búa được đặt ra cho John Robert Convoy: Tiếp tục giấu con chó cho đến lúc tàu cập bến? Đưa chó vào trong các chiến hào lúc giao chiến? Dù gì bí mật cũng bị cấp trên phát hiện. Chỉ huy của Convoy, Đại tá John Henry Parker, vốn tính khí lầm lì, hẳn sẽ không chấp nhận một vị khách không mong muốn kiểu này. Thế nhưng thực tế đã diễn ra hết sức bất ngờ và thuận lợi. Stubby thông minh đã “lấy lòng” vị đại tá khó tính bằng một kiểu chào nhà binh thật chuẩn. Vẻ đáng yêu của Stubby như một thứ chìa khóa vạn năng mở được mọi cánh cửa. Stubby được phép ở cạnh chủ, với một giấy phép đặc biệt của trung đoàn, như một con vật đem lại may mắn, đến mặt trận Pháp.
Trung đoàn đặt chân đến chiến trường vào ngày 5-2-1918. Stubby thích nghi rất nhanh với môi trường mới. Không còn thói quen gây ồn ào hay những cái chào khiến phải bật cười. Con vật đã nhanh chóng đối mặt với sự nguy hiểm của chiến tranh. Chỉ ít lâu sau khi đến nơi, Stubby hít phải hơi mù tạt ở Chemin-des-Dames, được đưa vào bệnh viện và được quan tâm chăm sóc. Trong rủi có may, sự cố này khiến Stubby nhận biết chính xác mùi của khí này và không thiếu cơ hội sử dụng kiến thức ấy một cách hiệu quả, một khi trở lại mặt trận. Vài tuần sau, khi đội quân còn đang yên giấc, một cuộc tấn công mới bằng khi độc khởi sự. Stubby nhận ra tức khắc, chạy và sủa ầm ĩ, đồng thời cắn áo đánh thức mọi người kịp lúc, trước khi họ hít phải một liều gây chết. Vào cuối chiến tranh, những cuộc tấn công bằng khi độc tăng gấp bội nên các binh sĩ phải mang mặt nạ.
Nhiều người khác được cứu mạng nhờ chú chó khôn lanh này. Trong thời gian 210 ngày trên chiến trường và tham gia 17 trận chiến, Stubby có khả năng phát hiện những người lính Mỹ bị thương (qua tiếng nói và quân phục) và sủa báo hiệu vị trí cho đến khi bác sĩ đến giúp nạn nhân. Với những người bị thương vẫn còn có thể di chuyển, Stubby hướng dẫn họ đến trại. Còn với những ai bị thương nặng, nó ở cạnh bên để an ủi họ. Cũng có lời đồn rằng Stubby được sử dụng như một giao liên trong chiến hào, nó báo hiệu bằng tiếng sủa hay bằng cách vẫy đuôi sự xuất hiện gấp rút của đạn pháo hay quân địch. Cơ man hành động phục vụ!
Một sự cố càng củng cố huyền thoại của quân khuyển Stubby. Một ngày nọ, Stubby bất chợt gặp một người lạ, đang vẽ bản đồ các đường hào của quân Đồng minh. Người này cố trấn an Stubby khi nó bắt đầu sủa ầm ĩ. Nghe tiếng Đức, con chó lao đến, gã kia chạy trốn, bị chó cắn vào chân, rồi kéo ống quần giữ rịt kẻ kia, cho đến khi binh sĩ Mỹ chạy đến. Vụ bắt giữ một điệp viên của kẻ địch là dịp để chỉ huy trưởng trung đoàn 102 thăng hạng trung sĩ cho Stubby.
Bên cạnh đó, Stubby là sự nâng đỡ tinh thần rất quan trọng cho các quân nhân trong chiến tranh. Nghịch lý thay, vai trò này được thừa nhận khi Stubby bị thương do lựu đạn no, bị nhiều mảnh găm vào ngực và chân, và được chuyển đến bệnh viện thuộc hội chữ thập đỏ để được phẫu thuật, như mọi quân nhân. Vì con chó đã trở thành một biểu tượng nên thật vô lý nếu không được điều trị tử tế.
Sau một thời gian điều trị, ngay khi vừa hồi phục, có thể đi được, Stubby đã dạo qua các phòng của bệnh viện để an ủi những thương bệnh binh khác. Sau trận đánh ở Château-Thierry, những phụ nữ vùng lân cận đã may cho Stubby một chiếc áo khoác da vừa vặn và xinh xắn, mà sau này để gài các huân chương được tặng vì lòng dũng cảm của nó. Nhờ vậy, người ta có thể nhận ra chú chó nổi tiếng ấy ngay tức khắc. Hơn nữa, cái tên Stubby cũng được thêu trên áo.
Khi trở về Mỹ, cái tên Stubby được nhắc đến đầu tiên trong nhật ký chiến tranh, không chỉ được mời dự các cuộc tuần hành của cựu chiến binh, mà còn được gặp Tổng thống Mỹ Woodrow Wilson, Waren G. Harding và Calvin Coolidge, được bắt tay các vị ấy. Cũng vào thời gian ấy, Stubby được cử là thành viên trọn đời của Đội cựu binh Mỹ, Hội thanh niên Cơ Đốc YMCA, Hội Chữ thập đỏ Mỹ.
Năm 1921, Stubby được tướng John Pershing trao huân chương vàng của Hội Giáo dục Nhân đạo, vì sự tận tâm phục vụ. Những tưởng thưởng khác gồm có: huân chương Pháp cho trận đánh ở Verdun, huân chương cho trận Chateau-Thierry, huân chương cựu binh New Haven hay huân chương tưởng niệm cuộc chiến tranh 1914-1918. Như một biểu tượng, Stubby xuất hiện trong nhiều cuộc trình diễn.
Dù gì đi nữa, sau tất cả những sự cố, Stubby có được thứ mà mọi con chó thích nhất trên đời: được ở cùng với chủ. Khi John R. Convoy quay trở lại Đại học Georgetown để học luật, Stubby cũng theo cùng, ngay lập tức trở thành “linh vật” mới của Georgetown Hoyas, đoàn vận động viên của Đại học Georgetown. Stubby chết năm 1926, trong giấc ngủ và trong vòng tay của người đã đón nhận nó ở Yale.
Có cả một cáo phó dành cho Stubby trên tờ The New York Times, như một anh hùng nhỏ thật sự. Một điều thú vị: cấp của Stubby trong quân đội cao hơn chủ chút ít, trung sĩ Stubby và hạ sĩ John R. Convoy. Xác của Stubby được nhồi rơm và được trưng bày ở bảo tàng lịch sử Smithsonian (Washington D.C.)
Một phim hoạt hình với tên Sgt Stubby: An American Hero ra mắt vào năm 2018.