Năm 2018 là năm đánh dấu kỷ niệm 100 năm ngày kết thúc Thế chiến thứ nhất (1914-1918). Cho đến thời điểm năm 1914, máy bay chỉ mới xuất hiện trên bầu trời được một thập niên, nhưng đã cho thấy tiềm năng của nó trong việc cách mạng hóa chiến tranh.
Những trận không chiến trong bốn năm ngắn ngủi đó đã dẫn đến một bước nhảy vọt về công nghệ hàng không và những chiến thuật kỳ lạ trong lịch sử chiến tranh thế giới.
1. Mỏ neo được sử dụng làm vũ khí
Tại thời điểm diễn ra Thế chiến thứ nhất, máy bay hãy còn trong giai đoạn trứng nước và tất cả các loại ý tưởng cho dù lập dị đến đâu cũng được mang ra sử dụng nhằm chiếm thế thượng phong trước đối phương.
Trong thời kỳ đầu, máy bay còn bay với tốc độ chậm, cấu trúc không chắc chắn và chủ yếu được dùng để thực hiện nhiệm vụ trinh sát. Nhưng điều này cũng không ngăn được phi công của hai phe tấn công lẫn nhau.
Thông thường khi đối mặt với nhau, các phi công chỉ lấy súng lục ra bắn hú họa, nhưng đôi lúc họ cũng có sáng tạo. Họ sẽ dùng tay ném… đá hoặc lựu đạn vào nhau, và một số thậm chí còn cố gắng đâm vào máy bay đối phương.
Chiến thuật này lần đầu tiên được thực hiện bởi một phi công Nga tên Pyotr Nesterov, được ghi nhận là phi công đầu tiên bị chết trong một trận không chiến.
Chiếc máy bay của anh đã vỡ tan khi lao vào máy bay đối phương và anh đã chết vì chấn thương khi rơi xuống đất.
Một đồng đội của Nesterov, Aleksandr Kozakov, cảm thấy mệt mỏi vì thiếu vũ khí trên máy bay của anh ta.
Vào tháng 3-1915, Kozakov đã quyết định thử nghiệm ý tưởng dùng một chiếc mỏ neo để kéo bung các bộ phận của máy bay địch (vào thời điểm này, máy bay được làm bằng gỗ, vải bạt và dây chằng nên chuyện này hoàn toàn không ngớ ngẩn).
Khi Kozakov cố gắng thực hiện kế hoạch của mình, nó đã bị thất bại. Vì vậy, anh đã làm điều duy nhất có thể là đâm máy bay của mình vào kẻ thù.
Tuy nhiên, không giống như Nesterov, Kozakov và chiếc máy bay của anh đã may mắn sống sót sau vụ va chạm.
2. Sử dụng súng trường để bắn hạ máy bay đối phương
Với tất cả ý tưởng sáng tạo (và ngược lại) nảy ra tại các sân bay quân sự vào năm 1914, các phi công đã quyết định mang theo súng trường vào trong buồng lái.
Một số phi công ưu tú đầu tiên của Thế chiến thứ nhất, bao gồm Jean Navarre (người Pháp) và Lanoe Hawker (người Anh) đã sử dụng chiến thuật này.
Hawker, cùng với khẩu súng Westley Richards, đã trở thành nổi ám ảnh của các phi công Đức với khả năng thiện xạ kỳ lạ của mình.
Hawker có thể hạ gục máy bay địch bằng một phát bắn duy nhất, giết chết phi công hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng cho động cơ.
Tiếng nổ của súng hầu như không thể nghe thấy vì tiếng ồn của động cơ, và những chiếc máy bay của Đức dường như là tự rơi xuống đất. Thực tế là Hawker thường mang súng máy lên máy bay làm cho kỳ tích của anh trở nên đáng chú ý hơn.
Và điều này cũng đặt ra câu hỏi: “Tại sao ta không trang bị súng máy cho máy bay ngay từ đầu?”. Cuối cùng thì những khẩu súng máy đầu tiên đã xuất hiện trên máy bay.
3. Những chiếc máy bay đầu tiên được gắn súng máy gặp nhiều khó khăn
Một trong những hạn chế của máy bay trong Thế chiến thứ nhất là nó được làm chủ yếu từ gỗ và vải bạt nên không có nhiều nơi thích hợp để có thể đặt súng máy.
Đôi cánh của nó thì quá mỏng manh nên chỉ có phần thân máy bay mới khả thi. Và rồi xuất hiện vấn đề cánh quạt máy bay.
Nếu muốn súng máy bắn về phía trước thì các kỹ sư phải làm cách nào để đạn súng máy không băm nát cánh quạt?
Một giải pháp là dời cánh quạt ra phía sau phi công theo nguyên tắc cánh quạt đẩy. Nhưng giải pháp này lại có hạn chế là làm giảm đáng kể công suất động cơ.
Một số phi công đã đề nghị thử lắp súng máy hướng lên phía trên 45o để đạn bắn ra không trúng vào cánh quạt.
Điều này lại gây khó khăn cho việc nhắm bắn, nhưng nó không làm khó được viên phi công “sát thủ” người Anh, Lanoe Hawker, đã bắn hạ ba máy bay địch trong một lần chạm trán.
Đây cũng là lần đầu tiên một phi công Anh hạ gục ba máy bay địch trong một trận không chiến; vì vậy, Hawker đã vinh dự được nhận huân chương Chữ Thập Victoria.
Một giải pháp khác là gắn vào mặt sau cánh quạt một tấm kim loại có tác dụng làm đổi hướng những viên đạn bắn trúng cánh quạt – được gọi là cơ chế “tản đạn”. Nó được Roland Garros, một phi công người Pháp sử dụng lần đầu vào năm 1915.
Nhưng không lực Pháp chỉ chiếm ưu thế trong vài tuần vì xuất hiện một giải pháp ưu việt hơn đã làm cho lợi thế nghiêng hẳn về phía Đức.
Bước đột phá này đến từ Anthony Fokker, một nhà thiết kế Hà Lan, đã thiết kế cho máy bay Đức một thiết bị được gọi là “bộ cò ngắt”.
Nó có tác dụng đồng bộ cò súng với vòng quay của cánh quạt, và súng chỉ bắn được khi cánh quạt không chắn đường đạn.
Phải mất đến vài tháng sau, người Anh và Pháp mới chế tạo thành công “bộ cò ngắt” của riêng họ, và lợi thế về thời gian đã giúp các phi công Đức gây ra thiệt hại không nhỏ với phe đồng minh.
4. Phi công “học viên” bị chết trong khi huấn luyện nhiều hơn là trong chiến đấu
Trong Thế chiến thứ nhất, các học viên lái máy bay của Anh bị chết trong khi huấn luyện nhiều hơn là trong chiến đấu.
Trong thực tế, việc huấn luyện học viên chứa đầy rủi ro đến mức các giáo viên dạy bay của Anh đã gọi các phi công học viên là “Hun” (tiếng lóng ám chỉ người Đức vào thời điểm đó) bởi vì họ được coi là nguy hiểm ngang với kẻ địch.
Mặc dù có khoảng một nửa phi công Anh bị chết trong khi đào tạo, nhưng người Đức chỉ mất có một phần tư. Tỷ lệ này dường như vẫn còn cao, nhưng ngay cả trong thời bình, việc điều khiển máy bay vào đầu thế kỷ 20 phổ biến là nguy hiểm.
5. Các phi công Thế chiến thứ nhất giàu tinh thần thượng võ
Trong Thế chiến thứ nhất có một câu chuyện về một chiếc máy bay hai chỗ ngồi của Anh bị bao vây bởi bảy máy bay Đức và có rất ít hy vọng trốn thoát.
Hai viên phi công là Justin McKenna và Sydney Sutcliffe đã chiến đấu dũng cảm và hạ được bốn máy bay Đức trước khi bị bắn hạ.
Nhưng câu chuyện đã không kết thúc ở đó. Ấn tượng bởi sự dũng cảm của hai viên phi công trẻ, một phi công Đức đã mạo hiểm mạng sống của mình bằng việc bay qua phòng tuyến của Anh để thả xuống một tờ giấy xác nhận cái chết của họ cho quân Anh và chuyện này không chỉ xảy ra một lần.
Người Đức sau đó đã sắp xếp một đám tang với đầy đủ nghi thức quân đội, sắp xếp cho các tù binh Anh tham dự lễ tang và đảm bảo rằng các bức ảnh về sự kiện và chi tiết về vị trí cuối cùng nơi cặp đôi anh hùng đã hy sinh này sẽ được gửi cho gia đình họ.
Sự tôn trọng tuyệt vời dành cho những người bị giết trong khi đang thi hành nhiệm vụ thường xuyên được quan sát bởi cả hai bên. Khi “phi công ưu tú nhất” của Đức, Baron von Richthofen (hay còn gọi là “Red Baron”) bị giết vào tháng 4-1918, quân đội Úc đã tổ chức một đám tang với sự tôn trọng tương tự.
Sự tôn trọng này cũng mở rộng đến những người sống sót. Vào năm 1918, một phi công người Anh, Gerald Gibbs, đã bắn hạ và bắt giữ các phi công Đức sau trận không chiến; anh đã mời họ ăn trưa.
Những người bị bắt sau đó đã gửi cho Gibbs một “bức thư của người hâm mộ”, đề nghị được gửi tặng những bức ảnh có chữ ký của Gibbs như “một lời nhắc nhở về đối thủ dũng cảm và hào hiệp” đã hạ gục họ.
6. Những chiếc phi tiêu kim loại có thể cắt đôi người khi được thả từ máy bay
Thật không may, giống như các hiệp sĩ thời Trung cổ, tinh thần thượng võ chỉ được thể hiện trong mức độ cho phép và thực tế tàn bạo của chiến tranh luôn luôn hiện diện.
Vì vậy, trong khi nhiều phi công biểu hiện sự tôn trọng với đối thủ thì họ cũng đồng thời nghĩ ra những cách thức tàn bạo để giết chết đối phương.
Trước khi bom được sử dụng trong cuộc chiến thì các máy bay oanh tạc đã thả hàng trăm mũi phi tiêu sắc nhọn bằng kim loại, được gọi là flechettes, xuống chiến hào của đối phương. Chúng được người Pháp sử dụng đầu tiên, nhưng Đức và Anh nhập cuộc ngay sau đó.
Những chiếc phi tiêu kim loại từ trên bầu trời rơi xuống như mưa, khủng bố tinh thần binh sĩ đối phương, và với lực rơi từ trên cao, chúng có thể xuyên qua mọi thứ.
Kết hợp với “phong cách hiệp sĩ” từ các phi công chiến đấu bay lượn trên bầu trời và loại vũ khí sát thương vừa nguyên thủy, vừa kỳ lạ này đã mang lại cho Thế chiến thứ nhất một bức tranh in đậm dấu ấn của thời Trung cổ.
7. Sử dụng khí cầu để đánh bom London
Với cái chết từ trên trời rơi xuống các chiến hào ở tiền tuyến, đó cũng là “lời cảnh báo” đối với hậu phương.
Trong thời đại của máy bay không người lái và đánh bom trên không ngày nay, thương vong dân sự từ các cuộc không kích là rất ít.
Nhưng giống như nhiều thứ khác trong Thế chiến thứ nhất, việc sử dụng khí cầu để ném bom xuống các mục tiêu dân sự là một chiến thuật mới mẻ và đáng sợ, đã gây sốc cho toàn thế giới.
Ngày nay, khí cầu thường được sử dụng cho các quảng cáo, nhưng vào đầu thế kỷ 20, chúng thuộc loại công nghệ quân sự tiên tiến.
Được đặt theo tên của một sĩ quan Đức, Zeppelins là những khí cầu khổng lồ dùng để đánh bom các thành phố Anh.
Ban đầu chúng đã rất thành công, nhưng sự phát triển công nghệ nhanh chóng trong chiến tranh làm chúng sớm lỗi thời và dễ bị tấn công.
Zeppelins sau đó được thay thế bằng những chiếc máy bay ném bom như Gotha. Tiền lệ của việc oanh tạc trên không đã được thiết lập và chiến tranh sẽ không bao giờ còn giống như trước nữa.
Tổng cộng, hơn 1.500 thường dân Anh đã bị giết bởi các cuộc không kích trong chiến tranh, một sự báo trước đáng ngại về những gì sẽ đến với một thế hệ sau đó trong Thế chiến thứ hai.
8. Máy bay bốn tầng cánh được thiết kế để “săn” Zeppelins
Khi nói về các trận không chiến đầu tiên của Thế chiến thứ nhất, hầu hết chúng ta nghĩ đến những chiếc máy bay hai tầng cánh, bay lượn trên bầu trời hoặc trút bom xuống các chiến hào.
Một số trong chúng ta có lẽ cũng biết rằng phi cơ một tầng cánh và ba tầng cánh được cả hai phe sử dụng thường xuyên. Chúng càng trở nên nổi tiếng bởi những thành tích của viên phi công Đức Red Baron huyền thoại.
Nhưng có lẽ chúng ta không biết rằng quadruplane (máy bay với bốn tầng cánh) cũng từng được đưa vào sử dụng.
Trong thực tế, một số quadruplane được thiết kế đặc biệt cho việc săn tìm và bắn hạ khí cầu. Diện tích bề mặt của cánh tăng lên giúp chúng có thể bay với tốc độ thấp cần thiết để tấn công các khí cầu vốn di chuyển khá chậm.
Cả người Anh và người Đức đã thử nghiệm với quadruplane trong chiến tranh, nhưng ý tưởng này đã không trở thành hiện thực vì hầu hết các mô hình thử nghiệm đều kém hiệu quả.
9. Thế chiến thứ nhất lần đầu tiên chứng kiến chiếc máy bay làm bằng kim loại
Một khái niệm thành công hơn là chiếc máy bay kim loại. Ngày nay, tiến bộ của công nghệ cho phép chúng ta sử dụng nhiều kim loại trong việc chế tạo máy bay.
Nhưng vào năm 1914, các động cơ ít mạnh mẽ hơn; do vậy vải bạt và gỗ thường được sử dụng để giảm trọng lượng.
Cũng giống như thiết bị ngắt, Đức là quốc gia đầu tiên thiết kế và chế tạo thành công chiếc máy bay Junkers J1 – một chiếc máy bay hoàn toàn bằng kim loại – vào năm 1915.
Vào thời điểm đó, những ý tưởng như vậy thách thức kỹ thuật hàng không vì máy bay bằng kim loại chắc chắn là “không được chào đón”.
Dù đây là một cuộc cách mạng về công nghệ vào năm 1915, nhưng phải mất đến vài thập niên trước khi máy bay kim loại tỏ ra vượt trội so với những chiếc máy bay bằng gỗ.
10. Số máy bay do người Đức bắn rơi nhiều hơn hai lần số máy bay họ bị mất
Điều này là chính xác. Các phi công Đức thường bắn hạ từ 2 đến 3 chiếc máy bay của phe đồng minh cho mỗi chiếc máy bay họ bị mất.
Khi chúng ta liên kết điều này với tỷ lệ tai nạn trong khi đào tạo thấp hơn nhiều và việc công nghệ của Đức liên tục phát triển, chúng ta sẽ không thấy lạ khi người Đức hoàn toàn thống trị bầu trời.
Tuy nhiên đến thời điểm năm 1918, phe Đồng minh đã sản xuất ra số lượng máy bay gần gấp 5 lần so với máy bay Đức.
Người Đức chống lại sự áp đảo về số lượng bằng cách tập trung tối đa các máy bay của họ vào đội hình bay gọi là “circuses”; theo đó chúng di chuyển vòng quanh khi tiến về phía trước nhằm đạt được ưu thế trên không. Nhưng với sự áp đảo về số lượng, phe đồng minh cuối cùng đã làm chủ bầu trời.
Napoléon từng nói rằng ông ta có thể thua một trận đánh, nhưng sẽ thắng cả cuộc chiến. Nước Đức đã khai mào Thế chiến thứ nhất, đã giành thắng lợi vào đầu cuộc chiến, thật không may là mọi thứ cuối cùng đều trở nên vô ích.
Vào ngày 11-11-1918, người Đức buộc phải ký một thỏa thuận đình chiến với phe Đồng minh, chính thức chấm dứt Thế chiến thứ nhất.