Bộ Luật Hình sự 2015 và ba đạo luật khác có liên quan theo luật định bắt đầu có hiệu lực từ ngày 1-7-2016 đã phải dời lại ngày thi hành cho đến khi Quốc hội hoàn chỉnh, do phát hiện có nhiều sai sót.
Sáng 30-6, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã công bố lệnh này sau khi kết quả kiểm phiếu tại Quốc hội chiều 29-6 cho thấy đa số các vị đại biểu Khóa XIII đồng ý lùi hiệu lực thi hành bộ luật nói trên cho đến khi sửa xong các sai sót.
Tuy nhiên, mặc dù toàn bộ Bộ Luật Hình sự 2015 chưa có hiệu lực thi hành, nhưng một số quy định có lợi cho người phạm tội vẫn sẽ có hiệu lực kể từ ngày 1-7-2016.
Đây là lần thứ hai Quốc hội Khóa XIII phải sửa đổi một đạo luật khi chưa có hiệu lực thi hành. Lần thứ nhất là sửa Điều 60 Luật Bảo hiểm xã hội hồi năm ngoái cũng vì có một số sai sót, nhưng lỗi lần này nghiêm trọng hơn lần trước rất nhiều.
Đâu là sai sót
Bộ Luật Hình sự 2015 gồm 26 chương, 425 điều đã được Quốc hội Khóa XIII thông qua vào ngày 27-11-2015.
Sau khi có ý kiến và phân tích của giới chuyên gia lẫn dư luận xã hội, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội đã tiến hành rà soát tổng thể bộ luật. Kết quả cho thấy luật không sai về quan điểm, chủ trương lớn, nhưng có sai sót tại một số điều luật ảnh hưởng đến việc áp dụng pháp luật và xử lý tội phạm, cần phải sửa đổi mới thi hành được.
Các sai sót cụ thể là một số quy định thuộc phần những quy định chung mâu thuẫn với nhau và mâu thuẫn với quy định tại phần đề cập đến các tội phạm.
Sai sót tiếp theo là bỏ sót định lượng, trùng định lượng (về giá trị tiền, giá trị thiệt hại về tài sản, định lượng ma túy, khối lượng xả thải ra môi trường…). Bên cạnh đó do cách quy định không thống nhất về hậu quả xảy ra, ảnh hưởng đến nội dung, chính sách xử lý hình sự.
Ngoài ra có hai cấu thành định tội trong cùng một điều luật, dẫn đến không thống nhất về kỹ thuật lập pháp với các điều luật khác trong cả bộ luật.
Dạng sai sót khác là quy định vị trí các khung hình phạt trong cùng điều luật không tiếp nối, dẫn đến khó khăn cho việc áp dụng quy định về quyết định hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt được áp dụng.
Cả cơ quan chủ trì soạn thảo cùng Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao, Tòa án Nhân dân Tối cao đều có cùng quan điểm là phải sửa thì Bộ Luật Hình sự 2015 mới thi hành được.
Kết quả cho thấy có tới hơn 90 nội dung cần sửa đổi, là một sai sót lớn đối với một bộ luật quan trọng đã được gần 500 đại biểu Quốc hội bấm nút thông qua.
Trước tình hình đó, lãnh đạo Ủy ban Tư pháp đã phải nhanh chóng báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các cơ quan có thẩm quyền.
Sau một thời gian cân nhắc, thảo luận, Ủy ban Thường vụ Quốc hội triệu tập các trưởng đoàn đại biểu Quốc hội Khóa XIII, chỉ ba ngày trước khi Bộ Luật Hình sự có hiệu lực thi hành.
Tuần trước đó, một quyết định rất bất thường được đưa ra: các trưởng đoàn đại biểu Quốc hội sẽ đem theo tài liệu, tờ trình, các báo cáo có liên quan về địa phương triệu tập cuộc họp đoàn đại biểu Quốc hội Khóa XIII để thảo luận, cho ý kiến và bỏ phiếu quyết định về việc ban hành nghị quyết lùi thời hạn thi hành Bộ Luật Hình sự.
Các đại biểu Quốc hội được yêu cầu biểu quyết bằng phiếu tại các cuộc họp đoàn và cho niêm phong, rồi đích thân trưởng đoàn đem ra Quốc hội, bầu ban kiểm phiếu và tiến hành kiểm phiếu. Đúng ra trong trường hợp này Quốc hội phải triệu tập kỳ họp bất thường để thảo luận, nhưng do không còn thời gian để làm việc này nữa, vì vậy đây là biện pháp khả thi nhất để Quốc hội Khóa XIII sửa sai.
Quy trách nhiệm cho ai?
Sau khi sự việc xảy ra, nguyên Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường nói rằng: “Việc quy trách nhiệm chắc chắn là không tránh khỏi. Chúng tôi là những người trình dự án luật, sau đó Ủy ban Tư pháp thẩm tra. Nhiều nội dung có quan điểm khác nhau trong quá trình soạn thảo, nhưng cuối cùng việc thông qua thuộc thẩm quyền của Quốc hội. Tôi cũng là một đại biểu, giờ đây nhìn lại thì thấy rằng một bộ luật lớn như vậy mà làm cập rập quá, cá nhân tôi cũng từng đề nghị phải có thêm thời gian nhưng không được chấp nhận”.
Cùng quan điểm với người có trách nhiệm trình dự thảo Bộ Luật Hình sự, Phó chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Quốc hội, ông Trần Đình Long, trong một bài trả lời trên báo cho biết hiện chưa rõ lọt từ khâu nào, nhưng đây là trách nhiệm chung, có sai, có thiếu sót thì trước tiên là phải sửa, còn trách nhiệm cụ thể thì sau đó sẽ làm rõ để rút kinh nghiệm.
Giải thích phần nào về sự sai sót này, ông thừa nhận đây là sự cố lớn, chưa từng có tiền lệ. Quá trình xây dựng luật, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thường xin ý kiến đại biểu về một số vấn đề lớn, đại biểu luôn luôn có xu hướng tập trung vào vấn đề đó. Trước đây, Quốc hội Khóa X khi làm luật thì thông qua từng điều một.Sau đó, để rút ngắn thời gian thì thông qua từng phần.Bây giờ thì thông qua một số điều. Trong thực tế, có những điều lẽ ra phải thông qua riêng, nhưng lại không đưa ra, mà lại chọn những điều dễ đồng thuận để Quốc hội thông qua, dẫn đến sai sót.
Theo ông Long, hình thức hoạt động của Quốc hội phải làm sao đảm bảo cho đại biểu nắm chắc, biết rõ việc mình quyết trước khi bấm nút thông qua.Muốn như vậy thì phải tăng cường thảo luận công khai.Những người không phải sở trường, không phát biểu, nhưng nghe thảo luận họ sẽ nắm được vấn đề để biểu quyết có trách nhiệm.
Nâng tầm chuyên nghiệp
Quy trình xây dựng luật pháp ở một số nước có nền dân chủ pháp trị tiên tiến chắc hẳn sẽ cho chúng ta rút tỉa ít nhiều kinh nghiệm. Một dự thảo luật thường do ủy ban chuyên môn của Quốc hội soạn thảo với sự giúp đỡ của bộ máy chuyên viên luật pháp.
Dự thảo luật cũng có thể được phía hành pháp soạn thảo trình cho Quốc hội, Ủy ban Luật pháp Quốc hội là nơi tiếp nhận những dự án luật có tính khả thi cao để đưa vào chương trình làm việc của Quốc hội. Đội ngũ chuyên viên của Ủy ban Luật pháp sẽ nghiên cứu lại dự thảo luật ấy, đối chiếu với các luật đã và sẽ ban hành xem có điều khoản nào trùng lắp hay trái ngược hay không. Trong nhiều trường hợp còn mời các cơ quan có liên hệ của Chính phủ về nội dung dự thảo luật (trong đó có cả các chuyên viên về pháp chế của hành pháp) sang tham khảo để bổ sung, lắng nghe ý kiến phản biện để bổ sung và đánh giá tính khả thi dưới góc độ chính quyền.
Quy trình này nhằm đảm bảo sự hoàn chỉnh của một dự luật. Trước khi đưa ra thảo luận tại các kỳ họp, chuyên viên của Ủy ban Luật pháp phải hình thành một bản giải thích từng chi tiết, từng ngôn từ để gửi đến cho đại biểu Quốc hội nghiên cứu, nắm vững vấn đề trước.
Dù không phải là một chuyên gia luật pháp – và không hề bắt buộc phải là như thế – nhưng các đại biểu sẽ được chuyên viên của mình làm rõ nội dung của dự thảo luật.Vai trò của chuyên viên là vô cùng quan trọng. Vậy mà đến khi dự luật được đưa ra thảo luận trước phiên họp toàn thể của Quốc hội, Ủy ban Luật pháp cũng phải giải thích tường tận từng nội dung, từng điều khoản nếu còn có đại biểu thắc mắc hoặc có tranh cãi về quan điểm. Điều này là thiết yếu với nguyên tắc biểu quyết theo đa số, một quyết định thiếu thận trọng của đại biểu – do chưa am tường vấn đề – có thể dẫn đến tác hại khôn lường, đơn giản là vì lá phiếu của đại biểu Quốc hội có sức nặng về trách nhiệm với toàn dân.
Suy cho cùng thì những sai sót của Bộ Luật Hình sự dẫn đến việc dời ngày thi hành theo luật định là hậu quả của quy trình làm luật thiếu hoàn chỉnh, trong điều kiện phần lớn đại biểu Quốc hội là kiêm nhiệm, gánh nặng làm luật đặt phần lớn trên vai các đại biểu chuyên trách.
Nhìn lại các nhiệm kỳ gần đây của cơ quan quyền lực cao nhất về mặt nhà nước, chúng ta thấy Quốc hội Khóa XI có 121 đại biểu chuyên trách, Khóa XII có 145 đại biểu chuyên trách, Khóa XIII có 150 đại biểu chuyên trách. Như vậy các vị chuyên trách chiếm từ 25 đến 30% số đại biểu, số còn lại khoảng 70% đại biểu kiêm nhiệm – tức là những người đang rất bận rộn ở các cương vị chủ yếu khác, điều này khiến cho công tác làm luật khó tập trung.
Sự kiêm nhiệm ấy không cho phép đại biểu Quốc hội toàn tâm toàn ý đại diện cho nguyện vọng của cử tri đã tín nhiệm mình.Đầu tắt mặt tối với công việc, người đại biểu còn đâu thì giờ để nghiên cứu tài liệu làm cơ sở lý luận khi cần bày tỏ quan điểm về một điều khoản trong luật. Chính vì kiêm nhiệm mà Quốc hội chỉ họp xuân thu nhị kỳ, hầu như mọi chuyện đều phó thác cho những đại biểu chuyên trách.
Đó là chưa kể có những kỳ họp kéo dài chỉ hơn một tháng mà phải biểu quyết thông qua cả chục bộ luật quan trọng, điều mà Quốc hội các nước – với bộ máy giúp việc gồm những chuyên viên giàu kiến thức và kinh nghiệm thực tế – phải mất gần cả năm trời làm việc liên tục. Công cụ nào cho ra sản phẩm nấy là như vậy.
Minh Trí (DNSGCT)